Thursday, February 18, 2010

NGÀY 30 TẾT Ở MỸ

Tản mạn viết tối 30 Tết ở Mỹ
Bùi Văn Phú
18/02/2010 1:45 sáng
1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=16288
Sáng nay dậy trễ như mọi ngày thứ Bẩy khác. Ngó xuống vườn nhà mấy khóm trúc, pho tượng còn mầu ẩm ướt và sương mù đang kéo vào.
Mở cửa ra nhặt tờ báo. Sương là đà bay trên mặt đường mà tưởng mình như đang đi trên mây.
Đứa con trai thấy trời mù, hỏi bố: “Daddy. It’s not sunny. Are we going to Hội chợ Tết San Jose?” – Bố. Trời không có nắng. Mình có đi Hội chợ Tết San Jose không? Tôi trả lời con là chỉ khu nhà mình mờ sương còn San Jose sẽ có nắng. Bé nhà tôi chưa tin, lên mạng coi dự báo thời tiết thì đúng như thế. Sáng thoáng mây và trưa nắng sẽ lên ở San Jose.
Hôm nay là 30 Tết. Hơn mười giờ sáng chúng tôi lên đường, định ghé thăm một người quen từ nam California mới về lại vùng trên này nhưng không gặp. Trực chỉ County Fairgrounds trên đường Tully là nơi Hội Tết năm nay được tổ chức sau vài năm vắng bóng. Đây cũng là sinh hoạt đón Xuân lớn nhất còn lại của người Việt San Jose. Năm nay không còn diễn hành xuân dưới phố chính của thành phố vì kinh tế đi xuống nên thiếu đi những nhà bảo trợ tài chánh.
Hội Tết năm nay cũng ít đi những gian hàng trong phòng sinh hoạt cộng đồng mà trong quá khứ tràn ngập những cơ sở thương mại quảng cáo dịch vụ, thông tin báo chí với quà tặng cho khách du xuân. Qua phòng triển lãm nghệ thuật cũng chỉ ít tấm ảnh, vài bức tranh. Khu tranh tài thể thao, võ thuật lác đác dăm ba cơ sở có bày mặt hàng, như kem dưỡng da cùng quảng bá sinh hoạt của Vô Thượng sư Thanh Hải.

Ngoài trời là một sân khấu lớn, tụ điểm của những sinh hoạt văn nghệ mừng xuân trong hai ngày, hôm nay và mai. Tôi đến nơi thì nghi thức khai mạc đã bắt đầu. Không nghe pháo nổ, không mùi pháo Tết như những năm trước. Trên sân khấu thấy các đại diện dân cử. Ông thị trưởng và nghị viên Kansen Chu mặc áo dài, khăn đóng. Nghị viên Madison Nguyễn trong chiếc áo dài mầu xanh.
“Kính chào quí vị. Tôi là Chuck Reed, thị trưởng San Jose. Chúc mừng năm mới.”. Vị dân cử cấp cao nhất thành phố đã nói được câu tiếng Việt dài hơn, sành sõi hơn. những năm trước. Nghị viên Madison Nguyễn xuất hiện là một cố gắng trở lại của cô, sau vụ việc đặt tên cho khu phố Việt mà cho đến nay một số người Việt coi như cô đã phản bội, nên cô đã vắng bóng trong nhiều sinh họat ộng ồng trong hai năm qua. Cô ngỏ lời chúc Tết và kêu gọi đồng hương ủng hộ để cô tiếp tục phục vụ cộng đồng. Cuối năm nay ghế của cô và ghế thị trưởng được bầu lại và lá phiếu của cử tri gốc Việt là một con số đáng kể.
Ban tổ chức Hội Tết giờ chỉ còn lại một người của muôn năm cũ: Ông Lại Đức Hùng và thêm vài người mới. Bộ ba những người làm chuyện cộng đồng trong quá khứ ba chục năm qua là ông Hùng và các ông Hồ Quang Nhựt, Vũ Văn Lộc. Ông Nhựt nay bỏ việc đời đi lo việc đạo. Bác Lộc quên chuyện Tết nhất mà chỉ còn lo cho Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa để lại cho con cháu. Em-xi hôm nay là ông Nguyễn Đức Lâm và cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Ông Lâm cũng đã nhiều năm vắng bóng nơi Hội Tết, nay trở lại với sinh hoạt cộng đồng, giọng còn tốt như ngày nào. Kỳ Duyên thì khỏi cần khen vì cô đã là tiếng chim oanh trên những chương trình Thúy Nga, bên cạnh nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Thế giới tiếng Việt chưa có em-xi nào nổi tiếng như cô, cả trong và ngoài nước.

Sau nghi lễ khai mạc vắn gọn, quan khách ra về, nhường lại sân khấu cho văn nghệ.
Trời nắng đẹp. Những cô hoa hậu, á hậu duyên dáng xinh tươi của những năm trước và năm nay lên sân khấu khoe sắc, khoe áo dài. Tôi bấm máy lia chia. Khi Hoa hậu Áo dài Bắc California 2010 được giới thiệu, cô Trần Nguyễn Jessica 18 tuổi bước ra. Tôi hơi thất vọng. Nhưng chắc cô phải có những điểm xuất sắc khác trong cuộc thi, như có tà áo dài đẹp hay cách cô trả lời những câu hỏi của ban giám khảo, khả năng tiếng Việt v.v… Tôi không được xem trọn kì thi vào tuần trước nên không biết hết. Hơn nữa, xấu đẹp tùy người đối diện. Dưới hàng ghế khán giả, anh Vũ Ngọc Ân ngồi nhìn những cô em gái tinh thần của mình ra mắt đồng hương. Mỉm cười. Tôi lại chào anh, gửi lời chúc mừng năm mới. Anh Ân là người lo tổ chức cuộc thi từ mấy chục năm qua. Không mệt mỏi.
Mỗi lần xem Vũ đoàn Cánh chim Bách Việt trình diễn lòng tôi rạo rực vui với nét đẹp của văn hóa Việt, cái đẹp của nón quai thao, khăn mỏ quạ, của áo tứ thân, trống cơm, của những đôi hài. Xuân về không gì thơ mộng cho bằng cảnh đi Chùa Hương hay cảnh đào nở ở Sapa. Anh chị Nghĩa là những con chim đầu đàn, qua lời giới thiệu song ngữ, đã giúp cho những em nhỏ hiểu được phần nào cái đẹp của văn hóa Việt. Say sưa nghe nhạc, nhìn các em múa ca trình diễn: “Đi chùa Hương”, “Tiếng trống cao nguyên” và “Hòn vọng phu” và tôi cố tìm một vài góc cạnh đẹp để ghi vào ống kính.

Coi văn nghệ một chập, tôi dẫn con đi dạo quanh. Có một số trò chơi như đu bay, lái xe, thảy bóng nhưng đứa con trai không còn thích vì cháu đã chơi qua ở những nơi khác như Knott’s Berry Farm hay Great America, sôi động và căng thẳng hơn nhiều. Các quán thịt nướng, quán bún, phở, gỏi cuốn, chè bắt đầu đông khách vì đã quá trưa. Chúng tôi vào ăn.
Ăn xong qua khu bán DVD và CD. Năm nay giá cực kì rẻ: 7 DVD chỉ 10 đô, CD một đô một dĩa. Đều là hàng sản xuất trong nước. Mấy năm trước tôi đã mua thử, về xem mới thấy vừa uổng tiền, vừa mất thời gian. Đúng là của rẻ là của ôi.
Ghé gian hàng của Liên đoàn Hướng đạo Bách Việt, đơn sơ nét Nam bộ. Gặp anh Lê Bình, người cũng viết báo với bút danh Mười Chuối đang loanh quanh ở đó, tôi nói ở đây đúng là quê hương của anh, từ những chiếc bánh ú, gáo dừa cho đến gánh chè trước cửa.
Sắp ra về thì gặp anh Victor Dương là em của anh David Dương. Hai anh em là tổng giám đốc và phó giám đốc công ti California Waste Solutions có dự án xử lí rác và phế thải đang xây ở Việt Nam trị giá mấy trăm triệu đô-la. Lúc này trong sinh hoạt cộng đồng thường thấy anh Victor hơn vì anh David phải có mặt ở Việt Nam, nhất là trong dịp năm mới để đi thăm và chúc Tết lãnh đạo, mong cho năm mới được thuận buồm xuôi gió hơn năm qua.

Rời Hội Tết chúng tôi ghé Lion Plaza nổi tiếng là khu thương mại của người Việt nằm ở góc đường Tully và King. Tôi ngạc nhiên thấy những sòng bài lộ thiên bày ra trên lối đi trước cửa tiệm sách Tự Do và tiệm băng nhạc Làng Văn. Có đến 20 bàn bầu cua và tài xỉu lớn nhỏ. Rất đông người chơi, kể cả một vài em nhỏ tuổi chưa đến 10, giữa tiếng pháo liên thanh nổ cách đó vài bước.
Vào giữa khu thương mại xác pháo đã ngập sân chơi. Ở đây đốt pháo tự do trong mấy ngày Tết dù luật lệ Mỹ chẳng cho phép. Pháo bán công khai, 5 đô-la một phong. Nhiều người đến mua, đốt lên để xua đuổi đi những điều xấu của năm cũ. Tôi mua ba phong đem về đón Tết với gia đình và cộng đồng trong ngày mai.
Qua bên khu Grand Century cũng nghe pháo nổ tưng bừng trước quán cà-phê Paloma.
Khu thương mại Vietnam Town ngay bên cạnh còn dở dang và lại gặp trở ngại đầu tư tài chánh nên chưa biết bao giờ mới xong. Dự định thì trung tâm này đã mở cửa từ ba năm trước, thế rồi kinh tế xuống dốc, lại xảy ra vụ đặt tên Little Saigon, rồi những người vừa đầu tư cơ sở ở đây và ở Việt Nam gặp trở ngại, khánh tận. Những nhà thầu bỏ đi giữa chừng, chuyền tay ngân hàng qua lại nhiều lần đến nay vẫn chưa xong.

Trên quãng đường Story này, nghe nói tháng tới sẽ mở cửa một trung tâm lớn để giới thiệu mặt hàng Việt và do ông Đỗ Vẫn Trọn làm chủ. Là một nhà văn, nhà báo, nhà làm truyền thông, tổ chức văn nghệ đã nhiều năm, ông Trọn nay cũng nhảy vào thương trường làm ăn buôn bán giữa San Jose và quê nhà. Như nhiều doanh nhân khác ở đây.

Kinh tế Mỹ suy yếu, giá nhà giảm, nhiều trung tâm thương mại bỏ hoang đang hấp dẫn những cá nhân, công ti, ngân hàng Việt Nam muốn bỏ tiền đầu tư vào Hoa Kỳ, trong đó vùng San Jose và San Francisco. Hội Doanh nhân Việt-Mỹ (Vietnamese-American Entrepreneurs Association) mấy năm trước đây ra đời dưới sự bảo trợ của cơ sở ngoại giao của Việt Nam ở San Francisco, lúc đó ông Trần Tuấn Anh làm Tổng Lãnh sự. Hội bây giờ do luật sư Nguyễn Hữu Liêm làm chủ tịch và đang muốn làm cầu nối giao thương trong và ngoài nước, nên chẳng ngạc nhiên khi thấy anh Liêm về Việt Nam thường xuyên và có những tuyên bố, nhận định như người không còn khả năng suy nghĩ, như cảm nhận của anh về Đại hội Việt kiều cuối năm qua ở Hà Nội, như về cách nói để lãnh đạo nghe – như thế nào thì không thấy anh chỉ rõ – hay về những gì gọi là “thực dụng mới”.
Hiện tại, thực tế ở Việt Nam thì nếu ai là người biết suy nghĩ, đối với nhà nước đó là kẻ nguy hiểm. “I think, therefore I am dangerous”. Mượn ý của Descartes. Muốn làm ăn buôn bán với Việt Nam thì phải là người không nguy hiểm cho chế độ. Những gì anh Liêm nói ra chỉ có ý như thế.

Chiều về tôi ghé thăm cựu luật sư Đoàn Thanh Liêm, là người đã bị cộng sản bắt giam rồi trục xuất khỏi Việt Nam hơn mười năm trước đây vì những đề nghị cải cách hiến pháp, xã hội. Năm 1975 luật sư Liêm vừa ngoài 40 và đã đóng góp nhiều cho những chương trình xã hội, cải tiến dân sinh ở miền Nam. Ông tu nghiệp ngành luật ở Hoa Kỳ từ những năm đầu của nền Đệ nhất Cộng hoà. Về nước ông trở thành chuyên viên luật pháp và tham gia trong các chương trình phát triển những khu xóm nghèo.

Hình như giới luật sư được nhà nước cộng sản để ý đến hơi nhiều. Không chỉ những luật sư của miền Nam ngày trước như luật sư Trần Văn Tuyên qua đời trong trại cải tạo hay Đoàn Thanh Liêm trong quá khứ, ngày nay ở Việt Nam nhiều luật sư trẻ đang còn bị trù dập, phải vào tù hay bị quản chế như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Trần Luật, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, cùng nhiều nhà hoạt động dân chủ khác như Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Xuân Nghĩa…

Tối 30 Tết ở Mỹ. Bây giờ trên đất nước Việt Nam đã bước sang năm Canh Dần. Tôi nhớ đến các bạn và xin gửi đến tất cả những tù nhân lương tâm lòng ngưỡng mộ về sự can đảm. Các bạn còn biết suy nghĩ, dám nói lên tiếng nói của lương tâm thì dân tộc còn có hi vọng vào một mùa xuân tươi đẹp hơn.

(Ảnh trong bài của tác giả :
http://www.talawas.org/?p=16288)

© Buivanphu 02.2010


No comments: