Thursday, February 4, 2010

LỜI CUỐI VỚI BẠN TÔI

Lời Cuối Với Bạn Tôi
Lê Nguyễn Huy Trần
Tháng Hai 4, 2010
http://baotoquoc.com/2010/02/04/l%e1%bb%9di-cu%e1%bb%91i-v%e1%bb%9bi-b%e1%ba%a1n-toi/

Tóm Tắt: Chết đơn giản chỉ là thời điểm khi linh hồn tách rời thể xác. Tôi không sợ nó nhưng quả thật cũng chẳng hề muốn gặp nó. Bởi vì tôi không cam lòng để gục ngã trước khi bước chân của tôi chưa đặt đến vùng đất toả đầy ánh sáng tự do. Sự thù ghét điên rồ và lòng thèm khát sức mạnh độc tài của loài người đã làm con đường đời trở nên gồ ghề khó đi. Vì thế mới xuất hiện những cuộc nổi loạn cho chính nghĩa với hy vọng biến cái thế giới đảo ngược ấy trở lại bình thường. Đất nước tôi từ ngàn xưa cũng có rất nhiều vị danh tướng đã dẫn dắt một dân tộc đi theo lý tưởng cao cả này để đánh đuổi bọn ngoại xâm phương Bắc. Nhưng ngày hôm nay, lũ người hoang dã thú tính kia lại một lần nữa hiện hình trên quê hương Việt Nam. Chúng nó đang từ từ đưa người dân vào vòng tự sát, đầu độc thanh thiếu niên qua những lời “bác Hồ dạy” mật ngọt dối trá, huỷ diệt cơ đồ hơn bốn ngàn năm văn hiến, gây tang thương đổ máu trên mọi miền Tổ quốc. Những tội ác đã ghi vào lịch sử nhân loại không bằng một phần nhỏ tội lỗi của chính những tên quỷ đỏ đội lốt người đang nhẫn tâm giết hại đồng bào mình. Thế mà nhìn quanh tôi chẳng thấy một cuộc nổi loạn đích thực cần phải có khi nhân quyền tối thiểu bị chà đạp quá đáng. Có ai nghe tiếng sơn hà gào thét? Ai đang tìm công lý nhét trong lao? Ai còn dâng cao tinh thần đất Việt? Nước mất rồi ai ngồi trách ai đây?

Nội Dung: Một ngày rét lạnh của năm…

Có lẽ đây là những dòng chữ cuối cùng mà không một ai muốn viết. Tôi cũng không và chưa biết mình có còn đủ sức cầm cự để viết ra hết. Dù thế nào chăng nữa thì tôi cũng đã mở đầu cho những cảm xúc nặng nề đang đè nén trong lòng được thoát ra. Tôi đang rất đau, đang hỗn loạn và rối bời cả tâm trí. Thì ra cảm giác làm một người bệnh thật khó chịu, nhất là vào thời điểm này khi mà vẫn còn nhiều công việc đang chờ tôi thực hiện.
Chết đơn giản chỉ là thời điểm khi linh hồn tách rời thể xác. Tôi không sợ nó nhưng quả thật cũng chẳng hề muốn gặp nó. Bởi vì tôi không cam lòng để gục ngã trước khi bước chân của tôi chưa đặt đến vùng đất toả đầy ánh sáng tự do. Sự thù ghét điên rồ và lòng thèm khát sức mạnh độc tài của loài người đã làm con đường đời trở nên gồ ghề khó đi. Vì thế mới xuất hiện những cuộc nổi loạn cho chính nghĩa với hy vọng biến cái thế giới đảo ngược ấy trở lại bình thường. Đất nước tôi từ ngàn xưa cũng có rất nhiều vị danh tướng đã dẫn dắt một dân tộc đi theo lý tưởng cao cả này để đánh đuổi bọn ngoại xâm phương Bắc. Nhưng ngày hôm nay, lũ người hoang dã thú tính kia lại một lần nữa hiện hình trên quê hương Việt Nam. Chúng nó đang từ từ đưa người dân vào vòng tự sát, đầu độc thanh thiếu niên qua những lời “bác Hồ dạy” mật ngọt dối trá, huỷ diệt cơ đồ hơn bốn ngàn năm văn hiến, gây tang thương đổ máu trên mọi miền Tổ quốc. Những tội ác đã ghi vào lịch sử nhân loại không bằng một phần nhỏ tội lỗi của chính những tên quỷ đỏ đội lốt người đang nhẫn tâm giết hại đồng bào mình. Thế mà nhìn quanh tôi chẳng thấy một cuộc nổi loạn đích thực cần phải có khi nhân quyền tối thiểu bị chà đạp quá đáng. Có ai nghe tiếng sơn hà gào thét? Ai đang tìm công lý nhét trong lao? Ai còn dâng cao tinh thần đất Việt? Nước mất rồi ai ngồi trách ai đây?
Đất nước Việt nam từ xưa đến nay phải trải qua biết bao biến cố tai ương nhưng vẫn giữ nguyện vẹn lãnh thổ. Từ buổi sơ khai lập quốc ở miền Lĩnh Nam, những cuộc chiến chống quân xâm lược Tàu kéo dài cả ngàn năm cho đến thời Pháp thuộc vào đô hộ. Thế mà khi Đảng Cộng Sản lên nắm quyền lực thì đất đai của tiền nhân để lại mất dần vào tay ngoại bang. Còn nhân dân ta được gì ngoài ba bữa cơm không kiếm nổi? Những cái tem phiếu dùng để đổi lấy củ khoai, củ sắn lót lòng trong thời bao cấp thực sự đã làm người dân sợ sệt mà mất hết nhuệ khí, mất hết sinh lực, chỉ còn trơ lại thân xác thiếu ăn còm cõi. Đảng và nhà nước đã dùng chiêu bài này để bắt muôn dân phục tùng vì nếu có ai làm trái lệnh thì sẽ bị ốm đói mà chết. Và bây giờ cũng thế, Cộng Sản Việt Nam bắt người người, nhà nhà chỉ biết lo làm đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn mà không hiểu gì về hiện tình bấp bênh của đất nước. Ai muốn cuộc sống thoải mái một chút thì phải học cách đút lót phong bì, phải biết nịnh bợ ngon ngọt nên tệ nạn tham nhũng, sự quan liêu cửa quyền của đám thú hoang dã ngồi ở các bộ phận trung ương ngày càng phổ cập, càng nghiêm trọng không có cách vãn hồi. Đó là trọng tội của một chế độ không đặt hai chữ quốc gia lên đầu, biến xã hội trở thành bình địa bóc lột, tra tấn.
Trong sử sách xuất bản ở Việt Nam ít có tài liệu nào nói về chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979. Đây là một cuộc chiến ngắn nhưng mang tính khốc liệt khi quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc trở nên căng thẳng nhất. Lúc đó quân Tàu tiến chiếm nhiều tỉnh phía Bắc như thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai với ý đồ muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” mà Đặng Tiểu Bình đã từng hàm hồ phát biểu. Và cũng không hiểu vì lý do gì thì giặc Hán đã kết thúc cuộc chiến bằng việc đồng ý rút quân ra khỏi tuyến biên giới phía Bắc nước ta vào ngày 18 tháng 3 năm 1979 sau khi chúng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản trên lãnh thổ Việt Nam. Về sau khi tìm hiểu về lịch sử nước nhà, tôi thắc mắc là tại sao không hề nghe hoặc thấy sách báo hay truyền thông nhà nước nhắc tới sự kiện này. Sự hy sinh của những người anh hùng diệt bọn bành trướng Bắc Kinh đã thật sự chìm vào quên lãng. Khẩu hiệu hô hào “đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào” năm xưa của Đảng lại tắt tiếng trước kẻ thù truyền kiếp Trung Cộng ư? Hay tinh thần bảo vệ giang sơn gấm vóc giờ đã bị cấm đoán trong khuôn khổ XHCN? Và phải chăng Đảng CSVN đang cố tình muốn che đậy những hành vi bất nhân, bất nghĩa mà chúng đã làm đối với dân tộc khi triệt tiêu mọi nguồn thông tin về khoảng thời gian chinh chiến ngắn ngủi của 30 năm trước? Có phải Việt Nam đã nằm dưới sự quản chế của Tàu ngay từ thời điểm đó cho nên chúng mới không cần tốn công phí sức để tiến sâu về phương Nam? Những câu hỏi được đặt ra nhưng lại chưa thấy một câu trả lời thích đáng. Chỉ có một giả thuyết là nhà cầm quyền của hai nước Việt và Tàu lúc bấy giờ đã lập một “công hàm bán nước” nào đó tương tự như ông Phạm Văn Đồng đã từng tự ý ký giao quần đảo Trường Sa cho Trung Cộng vào năm 1958. Nếu quả thật Bộ chính trị ban chấp hành Trung ương Đảng đã làm những việc mờ ám như thế thì đây là trọng tội thứ hai không thể tha thứ. Nhưng không một ai đủ can đảm thanh trừng nhà cầm quyền Hà Nội, giải thoát đất nước khỏi sự cai trị phù phiếm của đám lớp ba trường làng. Bởi vì đằng sau chúng còn có một thế lực đen mà lúc nào chúng cũng cung cúc vâng lời. Hành vi bán nước của bọn chúng ngày một lộ rõ nhưng người dân lại thờ ơ trước những âm mưu thâm hiểm đằng sau “quan hệ hợp tác” của hai chính quyền “anh em” giòi bọ này. Họ chỉ biết nghe và chấp nhận cho dù thể chế chính trị Cộng Sản không có tam quyền phân lập, phi nhân, vô đức. Trời ơi!!! Đau lòng cho số phận quê hương luôn mang nhiều vết thương đọa đày. Nhục nhã cho cả một dân tộc trở nên khiếp nhược trong thế kỷ hai mươi mốt.
Tôi bây giờ như một phế nhân nằm đơn độc trên giường bệnh, dù muốn tiếp tục sải cánh hướng về phía bầu trời dân chủ nhưng sức đã kiệt. Bất lực trước cảnh nguy biến của giang san, đầu óc tôi thật muốn nổ tung cho cơn đau ngưng hoành hành. Những con sóng bức bối cứ len lỏi khắp các tế bào trong cơ thể khiến tôi ngột thở giữa bốn bức tường trắng trơ trụi của phòng bệnh. Không biết tôi còn có cơ hội ra ngoài tự do hít thở làn không khí tươi mát của buổi sương mai vắng bóng Cộng Sản. Cái ngày mà tôi luôn nhủ lòng phải tận mắt chứng kiến cho bằng được. Tôi vẫn còn muôn vạn điều muốn nói với bạn bè cùng chung chiến tuyến chứ không phải một lời từ giã bất lực như thế này. Tôi muốn nói với cả những người chưa từng gặp mặt, nhưng họ đối với tôi luôn thân thiết vì đó là đồng bào máu thịt của tôi. Tôi muốn nói rằng cuộc sống này rất ngắn ngủi và chúng ta không còn nhiều thời gian để hoang phí. Đất nước Việt Nam đang chết mòn dưới tay của lũ quỷ khát máu Cộng Sản. Vì thế cứu nguy cho dân tộc là một việc không nên đắn đo suy nghĩ trong bất cứ thời điểm nào. Đó là trách nhiệm của mọi người đối với bản thân và quốc gia. Không ai được phép e ngại, dùng dằn, hay sợ hãi vì nếu hèn nhát thì chúng ta sẽ chết trong sự ô nhục. Nếu như ông trời vẫn còn thương xót để tôi sống đến ngày tàn của cộng sản thì tôi thật sự cảm ơn đời vì đã trọn vẹn nghĩa tình và bổn phận với cõi trần tục này..
Nhiều đêm thức trắng. Toàn thân tôi tê dại, cổ họng đắng nghẹn không tài nào ngủ được. Cũng như đêm nay, mỗi lần nhắm mắt lại tôi chỉ gặp cơn ác mộng của những số phận đang kêu cứu một tấm lòng cưu mang. Những đứa trẻ ngay lúc chào đời chưa kịp thấy khuôn mặt hiền từ của mẹ. Từ nhỏ tôi đã sống những ngày không có mẹ bên cạnh nên chỉ biết vẽ cho mình một tình mẫu tử thiêng liêng trong tiềm thức. Và từ đó tôi đã thấm thía câu ca dao: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá nằm đường”. Sinh ra dưới chế độ cộng sản, kẻ mồ côi luôn bị hắt hủi không chốn dung thân, không nhung ấm lụa êm như bao người khác, không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì. Nên em chỉ biết lang thang trên hè phố, giữa phố hội lộng lẫy ánh đèn hoa. Nơi xuôi ngược đầy bão tố phong ba, những mặc cảm tự ti không lối thoát. Em vẫn ôm trong lòng bao tủi nhục. Chờ mưa hoà cùng những giọt lệ rơi. Ngàn đắng cay hãy vơi đi chốn khác. Xin đừng làm vỡ nát trái tim em. Tôi nghẹn ngào bởi bản thân mình đã từng đối diện với con mắt lạnh nhạt của thế gian cũng giống như những mảnh đời bất hạnh kia.
Đêm trở nên ồn ào. Ngoài kia từng dòng người tuôn ào ạt ra khắp các con phố. Tiếng trống kèn, chiêng chảo đập vào nhau vang dội cả một vùng. Hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau bấm còi inh ỏi vì chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam trước đàn anh Thái Lan sừng sỏ trong giải U23. Không khí náo nhiệt trải dài bất tận đó đã vô tình cứa nát tâm can của những số phận hẩm hiu, đói rét, cô đơn trong đêm đông lạnh lẽo. Nhìn từ ban công, tôi thấy người đứng đông nghịt hai bên vệ đường la ó, người múa chân múa tay họa theo khí thế vui mừng. Tự nhiên tôi cảm thấy càng buồn, càng giận những con người nhàn rỗi kia. Những vẻ mặt rạng rỡ và phấn khích nhưng lại thiếu cái đầu suy nghĩ. Khi đất nước đang chìm trong dầu sôi lửa bỏng, không một ai sẵn sàng kéo nhau ra đường hò hét, không một ai phẫn nộ vùng lên. Than ôi bao kẻ có tinh thần thể thao mà không có tự hào dân tộc. Tôi xin mọi người hãy đem sự cuồng nhiệt ấy đi đả đảo bọn Trung Cộng cướp nước, diệt trừ bọn gian manh đang ở trong Bắc bộ phủ, và hãy làm những việc có ý nghĩa thay vì reo hò điên khùng. Nếu có những tấm lòng hừng hực dành cho quê hương thay vì bóng đá, cá độ thì chắc hẳn cục diện Việt Nam đã có đổi mới sáng lạng hơn chứ không đen tối, thê lương như suốt ba mươi năm qua.
Hãy nhìn đi các bạn trẻ! Kinh tế nước ta trên đà tụt hậu. Đời sống người dân nghèo nàn túng quẫn. Phẩm giá, đạo đức cao đẹp của con Rồng cháu Tiên nay biến thành truỵ lạc, sa sút. Những cuộc bầu cử chính quyền thì đã có chỉ định sẵn mà không cần xét lý lịch của ứng cử viên, không cần biết cha mẹ của họ là ai. Còn xã hội luôn chứa đầy lọc lừa, thối nát. Chỉ có những kẻ giàu sang, quyền thế vẫn mãi lo ăn chơi sướng thân mà quên mất bổn phận chăm lo việc nước. Các bạn hãy tự hỏi cái giàu đó từ đâu? Do chúng hút xương máu của đồng bào mà có, do chúng bán rừng bán biển của tổ tiên mà ra, do chúng cấu kết với ngoại bang mà thành. Cái gông xiềng xích Cộng Sản đã làm gần 90 triệu dân vật vã ngày đêm. Sau ngày 30/4/1975, hàng triệu người bỏ nước để trốn chạy Cộng Sản, bôn ba nguy hiểm đi tìm một miền tự do mới, chết mòn trên biển cả. Bây giờ cũng hàng trăm người tìm cách thoát ly khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn qua các chương trình xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân để rồi vùi thây nơi xứ người. Xưa có quân nhân miền Nam bị đày lên các vùng núi chướng khí, đi kinh tế mới, bỏ mạng chốn hoang vu không ai biết đến. Nay có thần dân yêu nước đang nếm mùi ngục tối, bắt đi lao động cải tạo đến kiệt sức, không cho thăm nuôi thì khác gì bị tù khổ sai. Xưa có những đứa con vô tội của chiến tranh bị cấm đến trường học chữ, bị ngược đãi thậm tệ. Nay có bao trẻ thơ thất học, đi bán vé số, đánh giầy thuê rồi bị đối xử bất công. Vậy thì đất nước Việt Nam xưa và nay có gì khác nhau? Đảng luôn tự hào là thay đổi có đường lối, phát triển có phối hợp nhưng cuối cùng đất nước vẫn mang một màu tang thương từ Nam ra Bắc. Có khác là ngày nay chúng lộng hành, độc ác hơn, cướp bóc trắng trợn hơn, đàn áp dã man hơn. Còn xã hội phân hóa thành hai giai cấp giàu và nghèo rõ rệt hơn. Hãy nhìn lại đi các bạn trẻ! Quê hương đang chìm ngập trong cảnh lầm than.
Đảng Cộng Sản Việt Nam là thái thú của Trung Cộng. Vì đồng tiền, chúng bán cả lương tri để phục vụ dã tâm thôn tính nước ta của lũ Tàu. Chúng cấu kết với giặc, đem hết sinh khí non sông dâng hiến cho kẻ thù không đội trời chung. Nền kinh tế, chính trị và toàn bộ những hoạt động xã hội của chúng ta đều đã bị ngoại bang kìm hãm và áp đặt. Các công trình trọng điểm đều bị Trung Quốc bao thầu như khai thác bô xít ở Tây Nguyên, xây dựng nhà máy đạm Cà Mau, xi-măng tại Hải Phòng hay thi công cầu Cần Thơ. Rồi những khoản nợ chính phủ mà nhà nước đã vay từ các quốc gia phát triển khác trên thế giới lên đến vài trăm tỷ đô la. Nhưng số tiền đó đi đâu khi mà nạn thất nghiệp vẫn chưa được giải quyết, nạn nghèo đói vẫn lan tràn, hậu quả do thiên tai chưa khắc phục, còn các công trình thuỷ lợi thì đổ bể. Bọn thái thú Hà Nội đã hồ hởi cho vào túi riêng trong các ngân hàng quốc tế, phó mặc người dân gồng mình ngày đêm cày trả nợ. Chúng biết “tham nhũng là vấn đề sinh tử của chế độ và Đảng” nhưng vẫn làm, vẫn bòn rút một cách công khai.. Đến lúc đất nước có nguy cơ vỡ nợ thì chúng cũng đủ sức tẩu tán, chỉ chết cho dân khố rách áo ôm. Các bạn hãy nghe cách gọi của chúng đối với những người Việt hải ngoại thì sẽ rõ bộ mặt trơ trẽn của chúng. Khi ra đi họ bị coi là “phản quốc”. Lúc trở về họ mang tên “khúc ruột ngàn dặm”. Chẳng có miệng lưỡi nào dẻo như Cộng Sản bởi cái lối nịnh hót đã ăn sâu vào óc. Chẳng phải vì tình thâm máu mủ mà chúng tha thiết kêu gọi những người Việt ly hương đầu tư làm ăn. Họ trở về thì chúng mới tha hồ có tiền, dư của. Những mỹ từ “xóa bỏ hận thù, giọt máu quê hương” mà chúng cất công nghĩ ra chỉ che được mắt những kẻ thiếu nhận thức bởi không ai có lòng thù hận dai như chính Cộng Sản. Chúng luôn tìm cách đập phá các bia mộ của những thuyền nhân đi tỵ nạn ở đảo Bidong, Mã Lai, và Galang, Indonesia. Chúng cũng xóa bỏ các di tích chiến tranh là chứng cứ tội ác của chúng đã làm năm xưa như bia căm thù bọn bành trướng xâm lược hay mộ liệt sỹ Lê Đình Chinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Thật là một lũ lòng lang dạ sói.
Tất nhiên ĐCSVN vẫn biết sợ những người bất đồng chính kiến vì chính những người này là ngọn đuốc tự do sẽ giựt sập chế độ đầy ung nhọt này. Các bạn đã thiếu trách nhiệm với dân tộc thì đừng trách ngược lại những nhà đấu tranh dân chủ, những người đã dâng hiến cả tuổi đời của họ cho tương lai của các bạn. Điều đó chỉ nói lên một điều là các bạn không có hiểu biết nên mới cố khỏa lấp bằng những ngôn từ thiếu sự kính trọng đối với những vị anh hùng ái quốc đang ngồi trong lao tù. Tuổi trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở các xứ sở tự do đang được hưởng cuộc sống yên bình nhưng vẫn một lòng quay về đấu tranh cho nhân quyền và công lý tại Việt Nam. Họ đang làm công việc mà đáng lẽ phải là nhiệm vụ của thanh thiếu niên quốc nội. Sự đời luôn đầy rẫy những bất công. Bất công khi các bạn gọi họ là thành phần phản động. Bất công khi những tấm lòng vì Tổ quốc thì bị đem ra trừng phạt, còn những tư tưởng cặn bã lại được bảo vệ một cách mù quáng. Có bao giờ các bạn là những người chủ tương lai đất nước tự hỏi những quyền lợi ấy dành cho ai sau khi Việt Nam thoát khỏi vòng nô lệ truyền kiếp của giặc Tàu. Tôi cảm thấy hối tiếc cho công sức, xương máu của cha ông ta ngày trước đã chôn thân dưới từng lớp đất mà các bạn đang bước để bảo vệ quê hương, giữ gìn dòng máu Lạc Hồng. Nhiều lúc nhìn thấy chạnh lòng cho những người bạn trẻ hải ngoại mang nặng tấm chân tình với quê cha đất tổ vẫn ngày đêm cất tiếng nói trên các diễn đàn chính trị Paltalk. Họ đã sớm nhìn thấy sự bưng bít thông tin trong nước nên đã cống hiến thời gian để giúp các bạn thấu hiểu sự thật. Tôi không thể diễn tả hết sự cảm phục của mình đối với những con người lưu lạc từ khắp mọi nơi trên thế giới, nguyện dấn thân vào con đường nguy hiểm nhất, không vì khó khăn mà quên đi cội nguồn. Những người trẻ đang sống trong nước như tôi thì lại nhút nhác, sợ sệt. Tôi mong các bạn hãy dành chút thời gian vào các diễn đàn chính trị đó một lần để lắng nghe tiếng nói của những con người trí thức ấy thay vì những lời ba hoa chích chòe của đám lãnh đạo kém tài như Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng. Đám buôn dân hại nước này còn không rõ nguồn cội của mình thì cớ sao chúng ta phải tôn chúng lên nắm quyền, chịu để chúng dẫn dắt như kẻ không nơi nương tựa. Việt Nam là nhà và tuổi trẻ chúng ta là chủ. Cần thức tỉnh ngay để đứng dậy vì tự do và hoà bình, dành lại quyền làm người cho dù cái giá của nó được định bằng tính mạng. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau một nhịp đập con tim nhưng sống cho đúng đạo lý mới là điều khó.
Tôi chợt nhớ lại lời thằng bạn trong nhóm, cái thằng mà tôi đã xem là chí cốt dù chưa quen nhau lâu. Nó và tôi có điểm chung là đã từng trải qua những ngày buồn bã nhất trong cuộc đời mà không một kẻ đầy đủ tình thương gia đình nào có thể thấu hiểu. Gặp nó tôi như tìm thấy được một người thân an ủi. Nói chuyện với nó tôi cũng vơi bớt nỗi tủi thân trong lòng. Mấy ngày trước nó gọi vào hỏi thăm bệnh tình của tôi thế nào. Tôi không biết mình còn đủ sức vượt qua hay không nhưng cũng đã bình thản trả lời với nó như vậy. Thế mà nó bỗng đổi giọng mắng tôi: “Mày đang sốt thì đừng nói nhảm, tao không muốn nghe. Mày còn cả trăm việc cần phải làm. Lo điều trị cho hết đi. Đừng lười biếng nằm đấy, không ai rảnh mà giải quyết giùm mày đâu”. Bất giác hai khóe mắt của tôi ngân ngấn nước. Hai đầu dây điện thoại chìm vào im lặng. Chúng tôi mỗi đứa một suy nghĩ. Tôi biết rằng nó đau như chính bản thân tôi từng ngày phải khổ sở chống chọi với căn bệnh. Không muốn tôi trở nên yếu đuối nên nó mới thốt ra những lời lẽ đó để dập tắt cái suy nghĩ bi quan thoáng hiện trong đầu tôi. “Ừ, mày là động lực lớn giúp tao lấy lại tinh thần,” tôi phá vỡ bầu không khí, “tao sẽ cố gắng.” Tôi không biết sự cố gắng có giới hạn nào nhưng dù chỉ một tia hy vọng mong manh thì tôi vẫn phải níu lấy. Chẳng một ai muốn lặng lẽ ra đi khi trong lòng vẫn còn canh cánh bao nỗi ưu phiền đối với dân tộc. Một kẻ như tôi đã không còn lưu luyến đối với chuyện đời mà vẫn muốn sống để nhìn thấy Việt Nam tự do.. Thì các bạn là những người trẻ còn một tương lai rộng mở đang chờ phía trước, hãy vì bản thân các bạn mà tự cứu cánh. Hãy giác ngộ trước những mưu mô đê hèn của bọn cầu vinh bán nước trong Đảng. Đã đến lúc chúng ta cần có một cuộc nổi loạn thật sự cho chính nghĩa… Đừng hèn yếu và bạc nhược nữa. Khi đất nước lâm nguy trở biến. Hãy đồng lòng vọng tiếng lương tri. Dựng lửa thiêng đuổi đi kẻ địch. Sáng suốt để nhận rõ thực hư. Hỡi bạn trẻ tâm tư còn rối. Đừng vụng dại nối giáo quân gian. Vì đất mẹ hồn thiêng sông núi. Góp đời mình cống hiến giang sơn.
Nếu tôi phải lìa khỏi cuộc đời ô trọc này thì tôi vẫn muốn bước chặng đường cuối cùng để viết hết những suy nghĩ trong lòng. Tôi vẫn còn nhiều việc cần làm và tôi sẽ cố gắng hoàn thành trước khi mở cửa đón chào tử thần. Các bạn cũng có sứ mệnh đi tìm tự do, dân chủ, nhân quyền và công lý. Xin hãy thực hiện bốn điều đó một cách tốt nhất.
Và mẹ Việt Nam ơi, hãy cho chúng con đủ niềm tin và nghị lực!

Lê Nguyễn Huy Trần


No comments: