Tuesday, February 2, 2010

LEO THANG ĐÀN ÁP ĐỂ TRÈO LÊN ĐỈNH TOÀN TRỊ

Leo thang đàn áp để trèo lên đỉnh toàn trị
Việt Long, phóng viên đài RFA
2010-02-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vn-escalating-repression-to-climb-up-to-the-peak-of-authoritarianism-02022010064224.html
Vụ án cô PhạmThanh Nghiên có thể tạm coi như đã kết thúc môt đợt đàn áp đối lập bất đồng chính kiến mà dư luận ở trong cũng như ngoài nước cùng coi như một đợt leo thang mới của nhà cầm quyền Hà Nội.
Nhưng vì sao phải có những bản án đó và phải leo thang như vậy? Đã có nhiều nhận định khác nhau. Dưới đây là ý kiến của một luật gia đã theo dõi từ rất nhiều năm tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Đó là Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, trụ sở đặt tại Paris.

Bản án nặng hay nhẹ?

Việt Long:
Toà án Việt Nam phạt cô Phạm Thanh Nghiêm 4 năm tù và 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống Nhà nước. Bản án này so với 5 năm tù 3 năm quản chế phạt Luật sư Lê Công Định về tội “âm mưu lật đổ chính quyển” có nặng quá không, thưa Lụật sư?
LS.Trần Thanh Hiệp: Không có tội mà vẫn bị kết án thì làm sao lại cân nhắc nặng hay nhẹ được ? Tất cả những người vận động ôn hoà cho việc dân chủ hoá đất nước mà phải lãnh án tù trước các toà án ở Hà Nội cũng như ở Saigon, ở Hải Phòng, thì dưới cái chế độ xã hội chủ nghĩa ở trong nước đâu còn công lý nữa mà nói chuyện nặng với nhẹ. Pháp luật đã thực sự được dùng để làm công cụ đàn áp một cách trắng trợn trong khi muốn được coi là dân chủ thì pháp luật phải thực hiện công lý.
Việt Long: Trước khi 4 vụ án nói trên được xét xử, Luật sư đã khẳng định rằng tất cả những người bị đưa ra xử đều vô tội. Nhưng rốt cuộc họ đều bị kết tội cả. Vì sao luật sư không tiên đóan là họ sẽ bị kết tội mà khẳng định là họ vô tội?
LS.Trần Thanh Hiệp: Trong những lần phát thanh trước của quý đài, tôi đã lên tiếng bàn về công lý theo quy phạm pháp lý quốc tế phổ quát về nhân quyền chứ tôi không làm công việc nghiên cứu cách chế tạo và áp dụng pháp luật trong khuôn khổ một chế độ độc tài đảng trị tàn dư của toàn trị thời chiến tranh lạnh. Tuy biết rằng toà án của chế độ này sẽ chẳng đếm xỉa gì đến những quy phạm đó, nhưng tôi vẫn phải nói tiếng nói của công lý để, một mặt, tiếp tay cho việc biện hộ của các luật sư ở trong nước và mặt khác đưa ra các tiêu chuẩn cho dư luận có cơ sở nhận diện điều mà tiếng nói của chế độ gọi là toà án đã “xét xử công minh”.
Với lại đòi hỏi sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc, chống tham nhũng, đề xuất những cải cách nhằm ôn hoà chuyển hoá độc tài sang dân chủ ai cũng thấy là vô tội thì làm sao lại tiên đoán là sẽ bị kết tội, sẽ phải ở tù trong nhà giam và tại gia được? Nhưng bây giờ một khi án đã tuyên rồi, tôi sẵn sàng nhận định những vụ xét xử đàn áp với những bản án tiền chế bỏ túi vừa được trình diễn một cách vụng về đến mức làm cho chế độ “mất thể diện” như ông Đại sứ Anh ở Hà Nội đã nhận xét.

Tham vọng toàn trị

Việt Long: Luật sư có cho rằng những kịch bản này đã được viết sẵn để răn đe chẳng những dân chúng mà còn cả phe chủ trương đổi mới trong nội bộ đảng cầm quyền ?
LS.Trần Thanh Hiệp: Từ lâu vẫn có một luồng dư luận theo đó có hai phe một bảo thủ và một đổi mới kình chống nhau trong nội bộ đảng cầm quyền. Chúng ta ở ngoài cuộc làm sao biết chắc được mức độ muốn đổi mới tiến tới dân chủ đã từ bỏ độc tài tới đâu hay là sau cùng thi cũng vẫn cứ duy trì độc tài nhưng chỉ dưới những hình thức mà quốc tế chấp nhận được.
Cho nên tôi muốn dè dặt không đưa ra những phỏng đoán không dựa trên cơ sở chắc chắn. Và vì thế tôi chỉ muốn đề ra hai kết luận có cơ sở chắc chắn đó là thứ nhất đã có leo thang trong đợt đàn áp vừa kết thúc bằng bản án Phạm Thanh Nghiên và thứ hai leo thang để trèo lên đỉnh toàn trị

Việt Long:
Nói đến leo thang thì dường như đã rời lĩnh vực tư pháp để nói về khía cạnh chính trị của những bản án vừa qua. Luật sư vui lòng trình bày cho thấy cuộc leo thang đã diễn ra như thế nào và mục đích tối hậu của leo thang là gì, tại sao phải leo thang? Để thoả mãn lòng tự ái của những người cầm quyền hay để tự vệ trước phong trào đòi dân chủ hay để thị uy, tạo ấn tượng rằng đảng cầm quyền vẫn làm chủ được tình thế, trước áp lực quốc tế cũng như trước phong trào đòi dân chủ cả tự phát lẫn có tổ chức ở trong và ngoài nước ?
LS.Trần Thanh Hiệp: Theo tôi cuộc leo thang đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đã điễn ra về nhiều mặt. Trước hết nhà cầm quyền đã thẳng tay bẻ gãy uy thế tinh thần của giới luật sư, vô hiệu hoá những luật sư có lương tâm nghiệp vụ cao có lý tưởng bảo vệ nhân quyền bằng cách rút giấy phép hành nghề hay thậm chí dùng toà án và nhà tù dập tắt tiếng nói của quyền bào chữa. Đợt xét xử vừa rồi cho thấy các luật sư còn đang được hành nghề đã được thuần dưỡng để trở thành những biện hộ viên người máy có mặt tại phiên xử để xin khoan hồng và trang trí cho phong cảnh pháp quyền giả tạo.
Ngoài ra họ lại thao tác các tội danh cải tội danh để biến nhẹ thành nặng, gây lại bầu không khí xét xử từ những năm 1990. Sau hết, tìm đủ cách bóp méo việc áp dụng luật tố tụng để cách ly các người bị xét xử vói quốc tế, với thân nhân nhằm khép họ vào trong vòng vây của cô lập và khiếp sợ.

Việt Long: Những điều luật sư vừa trình bày vẫn là trong phạm vi tư pháp. Về mặt chính trị thì luật sư nói rằng leo thang như vậy để trèo lên đỉnh toàn tri. Có phải ông ngụ ý rằng nước Việt Nam vào thế kỷ 21 này có thể làm được như vào thời Staline, Mao Trạch Đông?
LS.Trần Thanh Hiệp: Làm sống lại thế giới kinh hoàng xã hội chủ nghĩa thời Stalin, Mao thì không thể được vì điều kiện cơ bản để thiết lập loại chế độ ấy đã mất hẳn khi chủ nghĩa Mác-Lê Nin đã phá sản. Nhưng ý đồ theo đuổi mộng toàn trị thi vẫn còn, nhất là trong đầu óc tuyệt thiểu số những người cộng sản hiện còn cầm quyền ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.
Vì nhất quyết chống lại đa nguyên đa đảng, kịch liệt chối bỏ dân chủ nên vẫn ôm ấp tham vọng muốn làm chủ cả thể xác lẫn linh hồn người dân thì mới toàn trị đươc. Cho nên sớm muộn rồi cũng phải lần theo con đường toàn trị dù biết đã lỗi thời và bất lực. Ở Việt Nam sau đợt leo thang đàn áp vừa qua, người ta thấy dường như màn tre đang muốn buông xuống nhưng là thứ màn tre đã bị chọc thủng và còn bị tiếp tục chọc thủng để chỉ còn là bức màn tre thưa.

Việt Long:
Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: