Monday, February 22, 2010

KỸ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ và NỖI LO BẢO TỒN THÔNG TIN

Kỉ nguyên kĩ thuật số và nỗi lo bảo tồn thông tin
Neerav Bhatt
Nguồn
Digital Dark Ages?
22/02/2010 - 16:07
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/k%E1%BB%89-nguy%C3%AAn-k%C4%A9-thu%E1%BA%ADt-s%E1%BB%91-v%C3%A0-n%E1%BB%97i-lo-b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n-th%C3%B4ng-tin
Internet là một kho tài nguyên bao la với hàng tỉ tỉ dữ liệu. Tuy nhiên, cùng với sự tiện dụng mà Internet và kỉ nguyên kĩ thuật số mang lại, nhiều người bắt đầu lo lắng việc làm sao có thể lưu trữ những thông tin quan trọng cho tương lai.

Một trong những điều trớ trêu nhất của kỉ nguyên kĩ thuật số là việc con người tạo ra vô vàn các kiểu lưu giữ thông tin như ảnh, video, các tài liệu được đưa lên mạng Internet, máy tính hay các thiết bị cầm tay, tuy nhiên đồng thời với quá trình sáng tạo, con người cũng đánh mất thông tin một cách nhanh chóng bởi vì chúng chưa được lưu giữ một cách hợp lý để sử dụng trong tương lai.
Bài viết này được viết từ quan điểm của một blogger chuyên nghiệp, một nhà báo tự do và của một thủ thư có chuyên môn đã học và làm việc trong lĩnh vực quản lý thư viện nhằm tạo ra những hình thức lưu giữ thông tin để bảo tồn những thông tin hữu ích cho thế hệ sau.
Rất nhiều những thông tin của ngày nay là những thông tin số ví dụ như các trang thông tin trên các website, các bản nhạc mp3, các file ảnh kĩ thuật số hay các cuốn sách điện tử trên các thiết bị Kindle, iPad.
Bởi vì các thông tin được lưu trữ dưới dạng kĩ thuật số và không giống các dạng lưu trữ khác như sách báo in hay phim âm bản, vậy nên các thông tin này dễ sinh ra và cũng dễ mất đi với số lượng lớn nếu như không được lưu trữ ở nhiều nơi để đề phòng mất mát. Ngoài ra, thông tin cũng có thể bị đánh cắp nếu như không có các biện pháp về vấn đề quản lý bản quyền đối với thông tin số.
Một ví dụ, tôi đọc rất nhiều cuốn sách in nhưng cũng chỉ giữ lại vài cuốn, hầu hết số sách tôi đã đọc xong đều được đem tặng cho bạn bè. Tuy nhiên, điều này lại là bất khả thi đối với các thông tin số xét trên khía cạnh quản lý bản quyền, bởi lẽ khi chúng ta trả tiền để đọc các thông tin mạng, chúng ta không sở hữu nó mà đơn giản chỉ là chúng ta trả tiền để được quyền đọc hay xem nó qua các thiết bị cụ thể.
Việc bỏ tiền để được xem các thông tin số từ một công ty cung cấp thông tin lớn không đảm bảo rằng thông tin ấy sẽ tồn tại mãi hay thậm chí chỉ là trong một vài năm. Điều gì sẽ xảy ra nếu như công ty đó bỗng dưng ngừng cung cấp dịch vụ và sẽ không hoàn trả bạnkhoản tiền mà bạn nghĩ là mình đã trả để ‘sở hữu’ thông tin?
Dự án Pandora của Thư viện Quốc gia Úc hiện đang nỗ lực thực hiện một công việc nặng nề là cố gắng lưu trữ lại những trang web chứa các thông tin quan trọng về nước Úc hay các thông tin được người Úc viết ra. Internet Achive, một dự án khác cũng gần tương tự nhưng với tầm mức và mục đích lớn lao hơn - bảo tồn Internet và các thông tin số khác cho tương lai.
Cả hai dự án trên đều đặt ra những mục đích rất đáng khen ngợi, tuy nhiên kết quả đạt được cũng chỉ là một phần nhỏ trong kho thông tin khổng lồ trên Internet. Nguyên nhân là do các thông tin này được tạo ra nhanh hơn cả việc nó được lưu trữ lại, ngoài ra Internet là môi trường mà người sử dụng có thể đưa ra các thông tin mà không chịu sự kiểm soát nào cũng như không có bảng danh sách các tác giả bài viết. Điều này khiến cho các chương trình sao trữ dữ liệu rất khó để có thể làm việc một cách có hệ thống.
Năm 1979, một ổ cứng máy tính của Seagate có dung lượng 5 megabytes to bằng một vài quyển sách. Trong khi đó, không lâu nữa, người sử dụng sẽ có thể mua những chiếc thẻ nhớ SDXC chỉ bé như chiếcmóng tay cho máy ảnh kĩ thuật số với dung lượng lớn gấp 6400 lần chiếc ổ cứng Seagate thời đó.
Vậy việc các thiết bị lưu trữ thông tin ngày càng nhỏ hơn trong kỉ nguyên số sẽ có ảnh hưởng như thế nào trong hiện tại và trong tương lai?
Dễ dàng có thể tưởng tượng được những thiết bị nhỏ bé như vậy có thể bị mất bất cứ lúc nào nếu chúng bị bỏ quên trên bàn hay lẫn lộn giữa giấy tờ, hoặc bị rơi vỡ. Điều này sẽ kéo theo hàng ngàn tài liệu, ảnh, video hay các bản nhạc bị mất đi.
Chỉ mới đây, hãng Sandisk đã công bố thiết bị usb nhỏ nhất của họ, nặng khoảng 2,5 gam và không to hơn đầu ngón tay bao nhiêu.
Một tuần trước tôi đã được gửi sử dụng thử một thiết bị như vậy là ngay lập tức tôi cho rằng nó quá nhỏ để cầm nắm hay nghi ngờ khả năng dễ tìm thấy khi nó bị mất.
Điều khôi hài là trong khi đang viết bài báo này, tôi đã đánh mất thiết bị đó tới hai lần. Nó quá nhẹ. Tôi không thể nhớ đã bỏ nó trong túi quần nào hay nó có thể rơi xuống, lẫn vào đống giấy tờ, tuy nhiên nó quá mỏng để làm hằn vết lên giấy và dễ nhận thấy.
Để lưu trữ dữ liệu, nhiều người lại sử dụng các thiết bị ghi đĩa DVD tại gia và cho rằng các đĩa DVD rất thích hợp để lưu trữ. Tuy nhiên, phóng viên phụ trách mục Công nghệ của tờ The New York Times David Pogue hẳn đã có một bài học nhớ đời khi không thể mở lại một vài chiếc đĩa DVD mà anh sao chép bốn năm trước.
Kevin Kelly, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của tạp chí Wired nói rẳng cách thức duy nhất để bảo tồn thông tin số là tiếp tục lưu giữ chúng ở nhiều nơi khác nhau.. Kelly sử dụng thuật ngữ ‘movage’ – một từ ghép của ‘moving’ (dịch chuyển) và ‘storage’ (lưu giữ) để nói về quá trình này. Anh cũng cho rằng một chiến lược ‘movage’ thành công cần phải chuyển đổi dữ liệu sang các thiết bị lưu giữ hiện hành một cách thường xuyên.
Trả lời phỏng vấn ABC, David Pearson, người phụ trách công tác lưu trữ các thông tin số tại Thư viện Quốc gia Úc cho biết có rất nhiều các thông tin số được lưu giữ bởi các cá nhân, chính phủ và các công ty và sẽ xảy ra tình trạng mất mát thông tin nếu như chúng không được lưu trữ một cách có hệ thống, đáng tin cậy và tự động để các thông tin này có thể được tái tiếp cận và sử dụng trong tương lai.
Ông Pearson cũng nhấn mạnh bên cạnh một việc quan trọng là giải nén các thông tin từ những thiết bị số thời kì đầu như những ổ đĩa nén Zip từ thập niên 90 thế kỉ trước, chúng ta cũng nên chú ý tới những thông tin được lưu trữ trong đó chứ không chỉ để ý đến thiết bị lưu trữ.
Các cá nhân không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng một khi thông tin bị mất đi do không lưu trữ dữ liệu hay cách lưu trữ còn hạn chế. Một minh chứng điển hình là việc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA vào năm ngoái đã cho biết các băng gốc ghi lại cuộc đổ bộ đầu tiên của loài người lên mặt trăng cách đây 40 năm đã bị xóa và tái sử dụng. Thật may mắn khi bản copy lại đã được tìm thấy ở nơi lưu trữ khác, nếu không sẽ không ai còn được xem lại thời khắc lịch sử này.
Bạn có thể không quan tâm tới những cảnh báo được đưa ra trong bài viết này và coi chúng cũng chỉ như những lời hù dọa về ngày tận thế viển vông nào đó, hoặc bạn cũng có thể chờ đợi vấn đề này được giải quyết bằng những tiến bộ công nghệ đột phá.
Dag Spicer, người quản lý Bảo tàng Lịch sử Máy tính tại Thung lũng Silicon cho rằng đó chỉ là một ao ước. Theo bà, để có được thiết bị lưu trữ đáng tin cậy và có thể sử dụng trong thời gian dài thì các nhà sản xuất phải không bị lợi nhuận chi phối bởi thông thường, các nhà sản xuất chỉ muốn bán càng nhiều sản phẩm càng tốt.
Bà nói: “Bảo tồn các thông tin số cho tương lai cũng giống như khi bạn góp một phần lương cho quỹ bảo hiểm xã hội để được nhận lương khi bạn nghỉ hưu. Nó là điều bạn phải tự có trách nhiệm đối với bản thân mình”.


No comments: