Thursday, February 18, 2010

HÀ NỘI 2010 - CÒN CHÚT GÌ CỦA NỀN VĂN HIẾN NGÀN NĂM ?

Hà Nội Năm 2010 - Còn chút gì của nền văn hiến nghìn năm?
Khuê Đăng
Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC 31

Thứ Năm, 18/02/2010
http://danluan.org/node/4252

Năm 2010 đánh dấu một mốc thời gian quan trọng: 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Hà Nội xưa nổi tiếng là đất kinh kỳ với những giá trị truyền thống quý báu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Trải qua những năm tháng loạn lạc, chiến tranh, giờ đây Hà Nội lại đứng trước quá trình Toàn cầu hóa ồ ạt. Đâu là hình ảnh Hà Nội năm 2010?
--------------------------------------------

Nền tảng nghìn năm văn hiến
Từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư tới thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, đất nước ta bước vào một thời kỳ lịch sử mới, phồn vinh, vững mạnh. Sự kiện ấy bắt đầu cho một nền văn hiến Đại Việt. Trong “Thiên đô chiếu”, Thái Tổ cũng đã khẳng định: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.”
Trong lịch sử Việt Nam, chưa có thành nào có được chọn là thủ đô lâu năm như Hà Nội. Đinh – Tiền Lê chọn Hoa Lư (Ninh Bình), cha con Hồ Qúy Ly dời về Tây Đô (Thanh Hóa), Quang Trung xây dựng Phượng Hoàng trung đô (Nghệ An), triều Nguyễn di dời về Thừa Thiên Huế… nhưng tất cả những kinh đô ấy đều không kéo dài đến quá 200 năm. Trong khi ấy, thành Đại La được chọn làm thủ phủ từ trước năm 1010. Từ thời Thuc Phán An Dương Vương đã xây thành Cổ Loa chính ở Đông Anh, ngoại thành Hà Nội hiện nay. Cao Biền khi làm Tiết độ sứ ở An Nam đã cho xây thành Đại La và chọn nơi đây làm thủ phủ. Cho đến sau này, Lý Nam Đế, Ngô Quyền đều chọn mảnh đất này làm đô thành.
Trải qua ba triều đại Lý – Trần – Lê, Thăng Long đã tạo dựng được cho mình một nền tảng văn hiến khó có thành phố nào trên đất nước này có thể sánh nổi, thậm chí đã trở thành đại diện cho hình ảnh đất nước Việt Nam. Khi hình dung về người Hà Nội, người ta thường mường tượng chung một hình mẫu: thanh lịch, trang nhã và hiếu khách, không phân biệt đó là quan chức, học trò hay đơn giản chỉ là người buôn bán nhỏ lẻ nơi đầu đường xó chợ. Khắp chốn đô thành đều bao trùm một không khí học thức. Tinh thần hiếu học thể hiện rõ qua kiến trúc Hà Nội: Từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những con rùa đội bia đá, đến đền Ngọc Sơn thờ Văn Vương, rồi Đài Nghiên-Tháp Bút… Những biểu hiện ấy ở các đô thành khác đều không hề thấy.
Chính vì hiếu học nên người Hà Nội dường như không đặt nặng chuyện làm giàu. Dân Hà Thành gốc không có gia đình nào là quá giàu, họ hiểu được giá trị cuộc sống nên với họ, cái thú ăn chơi chiếm một phần quan trọng. Thú ăn chơi ở chốn kinh đô này đã được nâng lên thành văn hóa. Mỗi tầng lớp người ở Hà Nội đều có một cách ăn chơi riêng nhưng đều có một điểm chung đó là tính trang nhã. Người Hà Nội ăn chơi không lấy sự xa xỉ, phô trương làm trọng mà trái lại, rất giản đơn và tinh tế.
Nếu thử so sánh giữa bát bún riêu Hà Nội và bún riêu Nam Bộ thì sẽ thấy rõ sự khác biệt. Bát bún riêu Nam Bộ có lượng lớn, bún nhiều, nước lèo nhiều, thực phẩm thì đủ loại: nào thì cua được viên tròn, nào thì giò tai, thịt bò rồi cả đậu phụ… nhưng bát bún riêu Hà Nội thì đơn giản lắm. Bát bún riêu nho nhỏ, chỉ đơn giản là riêu cua được chưng mỡ rưới đều trên ít bún, nước dùng chua chua đỏ màu cà chua và một ít hành, ăn kèm với rau sống, rau thơm thái chỉ. Không rõ là bún riêu Nam Bộ với bún riêu Hà Nội, món nào được ưa chuộng hơn nhưng rõ ràng người Hà Nội không thích lẫn lộn, tổng hợp.
Còn thú chơi tuy không phô trương nhưng lại rất cầu kỳ. Chỉ riêng chuyện uống trà của dân Hà Nội cũng đã có thể chép lại thành cả cuốn sách. Miền Bắc có nhiều loại trà nổi tiếng: trà Thái Nguyên, trà Suối Giàng, trà Phìn Hồ… và phải kể đến cả trà sen Hồ Tây. Để ướp được thứ trà này, thật kỳ công. Loại chè ngon được ướp cùng với nhụy sen hái ở Hồ Tây. Để có mùi thơm tươi mát, người ta để từng dúm chè vào những bông sen trên hồ rồi buộc lại. Thứ nước pha trà phải là thứ sương hứng ở trên lá sen vào buổi sáng tinh mơ. Đó thực sự là chơi trà chứ không đơn thuần là uống trà. Chính bởi tính cầu kỳ, kỹ tính ấy của dân Hà Thành, nghệ sĩ nào muốn hành nghề ở đất Kinh Kỳ không phải chỉ cần trau dồi cho mình tài năng xuất chúng mà còn phải tạo cho mình một phong thái lịch lãm và cao quý. Vì rõ ràng sự xa hoa mà thô lỗ không thể nào chinh phục được những khán giả Hà Nội tinh tế và khó tính.

Nét đẹp xưa của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội… còn đâu?
Những người xa Hà Nội lâu năm quay trở về đều không thể nhận ra thành phố. Một nghìn năm văn hiến dù trải qua biết bao biến thiên lịch sử, thậm chí là cả qua thời kỳ Âu hóa, cho đến trước năm 1954, Hà Nội vẫn là Hà Nội. Nhưng từ đó đến giờ, Hà Nội dường như đã biến thành một nơi hỗn tạp, xô bồ.
Biểu hiện rõ nhất là ở kiến trúc. Không rõ trước thời kỳ Pháp thuộc Hà Nội như thế nào, nhưng qua những bức ảnh thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thì ta thấy rõ chúng ta đã từng có một thành phố với những ngôi nhà trang nhã, lịch sự được quy hoạch hợp lý. Còn bây giờ thì sao? Nếu bị lạc vào khu 36 phố phường, ta sẽ không thể hình dung được đây là trung tâm của thành phố. Đó là những dãy phố nhỏ hẹp, đông đúc, vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ buôn bán, nhà cửa thì chen chúc; cái cao – cái thấp, cái thò ra – cái thụt vào. Ngôi nhà cổ ngày trước từng là căn nhà khang trang thì giờ trở nên xộc xệch: tầng 1 cho thuê làm cửa hàng buôn bán, các tầng trên để mặc lớp vôi cũ đã lên màu rêu phong, mấy hộ gia đình ở chung một căn nhà và sử dụng chung một nhà vệ sinh.
Dân cư Hà Nội ngày một đông đúc và hệ quả tất yếu là các ngôi nhà cứ thế đua nhau mọc lên như cỏ hoang chẳng ai quy hoạch. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử bị xâm phạm nghiêm trọng. Hồ Hoàn Kiếm ngày một nhỏ đi, giờ chỉ như một cái ao giữa trung tâm thủ đô. Ấy là còn chưa kể biết bao đình chùa, đền miếu, lăng tẩm… bị nhà dân xâm lấn. Lấy ví dụ là lăng mộ của Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu), người cho xây dựng Đài Nghiên – Tháp Bút, hiện đang nằm ở làng Kim Lũ. Lăng mộ của ông nằm trong sân một nhà máy quốc doanh đã cũ kỹ, cỏ hoang mọc xung quanh, chẳng có đường vào. Thảm thương hơn một Thần Siêu phải kể đến lăng mộ của nhà văn hóa Đặng Trần Côn – tác giả “Chinh phụ ngâm khúc”. Sau khi chiến tranh kết thúc, phần mộ của ông nằm trên phần đất được phân cho một thương binh có công với Cách mạng. Vị “anh hùng” này cần phải xây nhà và phần mộ ấy choán mất phần không gian xây nhà vệ sinh của gia đình, vậy là ông ta quyết định đào mộ lên, vứt hài cốt của Đặng Trần Côn bao gồm cả quan quách xuống sông Tô Lịch. Đến giờ, hài cốt của vị danh nhân văn hóa này vẫn chưa được tìm thấy.
Dòng sông Tô Lịch chảy xuyên suốt thành Thăng Long, nổi tiếng là một dòng sông đẹp:“Sông Tô nước chảy trong ngần- Có thuyền bướm trắng chạy gần chạy xa”. Vậy mà giờ đây, sông Tô Lịch chỉ còn là một cái cống thoát nước đen ngòm của cả thành phố với đủ các loại rác rưởi, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, rồi thì người ta giết người cũng đem vứt xuống sông. Sông Tô đã đổi màu, Hà Thành cũng đổi màu!
Những người sinh sống ở Hà Nội không có được cái vẻ lịch lãm đã từng được ca ngợi nữa mà trái lại, có đủ các tật xấu như: nói tục chửi bậy, xả rác bừa bãi, coi thường pháp luật… Bát bún riêu giờ cũng bắt đầu hổ lốn, có thêm đậu phụ, thịt bò, cũng chẳng ai đi hứng sương ở lá sen nữa vì giờ không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do khói thải từ các nhà máy công nghiệp…
Bước vào thế kỷ XXI, nhiều nét đẹp của thành phố này cứ lần lượt biến mất. Các làng nghề truyền thống bị mai một, các món ăn ngon bị lai tạp và bị công nghiệp hóa làm mất đi hương vị nguyên bản. Các thú chơi như ca trù, thư pháp, sinh vật cảnh… bị lãng quên nhiều năm đến giờ mới bước đầu khôi phục. Nghiêm trọng hơn cả nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị quá trình đô thị hóa hủy hoại… Điển hình là các khu vườn đào. Hoa đào là loại hoa đặc trưng của chốn kinh kỳ mỗi khi năm hết Tết đến. Từ ngàn xưa, làng Nhật Tân đã nhận sứ mạng quan trọng là cung cấp đào cho cả Hà Nội. Giống bích đào Nhật Tân nổi tiếng đẹp với sắc hồng thắm, dáng dấp tao nhã không đâu sánh được. Quá trình đô thị hóa với các dự án khu đô thị mới đã cướp mất mảnh đất trồng đào của người dân nơi đây. Họ dạt ra phía lưu vực sông Hồng nhưng đất ở đây màu mỡ quá khiến đào không có được màu sắc tươi tắn và dáng cây trở nên mập mạp. Sau đó, những nông dân trồng đào phát hiện ra đặc tính của đất La Cả – Hà Đông giống với đất Nhật Tân khi xưa. Bà con bèn khăn gói, mang theo giống bích đào quý báu, kéo nhau chuyển về đất La Cả. Nhưng rồi mảnh đất này cũng bị thu hồi để xây dựng khu chung cư cao cấp. Năm 2010 này có ai ngờ là năm cuối cùng của làng đào La Cả. Bắt đầu từ năm sau nơi đây sẽ là công trường ngổn ngang gạch ngói.

“Xe Lexus” hay “cây olive”?

Vấn đề của Hà Nội hiện nay chính là vấn đề lựa chọn “xe Lexus” (Toàn cầu hóa) hay “cây olive” (văn hóa phương Tây) mà nhà báo Thomas Friedman đã đề cập đến khi viết về quá trình Toàn cầu hóa. Chiếc xe Lexus hiện đại có đủ tốc độ và sức mạnh để nghiền nát bất cứ cánh đồng olive nào. Vậy các giá trị truyền thống của Hà Nội liệu có đương đầu nổi với cuộc Toàn cầu hóa đang diễn ra trên khắp thế giới hay không?
Các nét đẹp của Hà Nội xưa vốn dĩ đã bị mai một nhiều từ sau năm 1954 do Nhà nước không nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hiến. Thêm vào đó, sự di dân bất hợp lý đã làm đảo lộn các giá trị. Nhiều người dân Hà Nội vì nhiều lý do (do bất đồng quan điểm chính trị, do bị bắt đi cải tạo hoặc do bị ép lên các vùng kinh tế mới…) đã phải nhường thành phố cho người dân tỉnh lẻ để lưu lạc ở nơi khác. Đó có lẽ là nguyên nhân chính khiến các nét đẹp của Hà Nội bị lai tạp và sự thanh lịch của người dân nơi đây không còn nữa.
Đúng lúc người ta bắt đầu ý thức được giá trị của một Hà Nội văn hiến thì Hà Nội lại phải đối mặt với “những chiếc xe olive”. Vào thế kỷ 19, khi làn sóng Âu hóa tác động tới thành phố này, “chất Hà Nội” vẫn giữ được ít nhiều vẹn nguyên. Ấy là bởi bề dày văn hóa vững chắc từ ngàn xưa. Nhưng sau năm 1954, bề dày ấy đã bị mài mòn đến mức lung lay, e rằng làn sóng mới của « những chiếc xe olive » này sẽ quật đổ tất cả các nền tảng cũ còn rơi rớt lại.

Lời kết
Không phải chờ đến năm 2010 chúng ta mới nhận thấy những mất mát văn hóa đang đe dọa nền tảng nghìn năm văn hiến của Hà Nội và trăn trở về nó. Nhưng tầm quan trọng của sự kiện 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội càng day dứt lòng trắc ẩn của những người con Đất việt, của những người yêu, tin và muốn Hà Nội thanh lịch như xưa kia. Còn những người lãnh đạo đang ra sức hô hào cho lễ kỉ niệm này thì nghĩ gì ? Họ có nhận ra được những mất mát ấy không ? Hay lễ kỉ niệm đối với họ chỉ để khoe thành tích, khoe với thế giới những giá trị truyền thống mà thực tế đang chết dần bởi sự vô trách nhiệm của chính họ ?

Khuê Đăng

Download TCPT31 - 1000 NĂM THĂNG LONG
Bản PDF -
Chất lượng cao
Bản PDF - Standard
Bản PDF - Mini


No comments: