Sunday, February 21, 2010

GIÁ NHƯ CÓ NHỮNG CUỘC TẬP TRUNG !

Giá như có những cuộc tập trung!
Gửi vào ngày Chủ Nhật, 21 Tháng 2, 2010
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8703
Hiện nay Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, và trên 50% tổng sản lượng lương thực của cả nước. ĐBSCL là địa bàn đặc biệt quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam. Vì ngoài việc cung cấp lúa gạo, nó còn cung cấp một sản lượng quan trọng. các sản phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, và ngành nuôi trồng thủy sản, chưa kể đến các loại nông sản có chứa tinh bột khác…

Việt Nam đang là nước đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo chủ yếu nguồn đó từ ĐBSCL, và có vẻ như Việt Nam là một cường quốc về lúa gạo, thì người dân không bao giờ thiếu ăn. Nhưng thật trái khoáy và cực kỳ nghịch lý đó là, người nông dân ĐBSCL lại đang thiếu đói ngay trên mảnh đất hàng ngày sản sinh ra lúa gạo của mình.

Ông Út Lam – Một lão nông 60 tuổi, từng phải viết tâm thư kêu cứu lên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Ngụ tại xã Tân Phước, Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp than thở với phóng viên Quốc Dũng báo Người Cao Tuổi ngày 12/02/2010: “Đa số nông dân còn nghèo lắm. Ở Tân Phước này, đến 80% hộ nông dân luôn thiếu trước hụt sau, khoảng 20% thì sống tạm đủ. Tôi đã thử để ý 30 hộ trong xóm từ 10 năm nay. Trong đó, chỉ vài người làm ăn tạm đủ, còn lại đều thua lỗ, nợ nần. Chỉ cần 1-2 vụ mất mùa hay lúa gạo rớt giá là họ phải bán bớt vài công đất, có khi bán hết để trả nợ. Tôi nghĩ đó cũng là tình cảnh chung của hàng triệu nông dân ĐBSCL và cả nước”.

Muốn kiểm chứng sự thật nói trên, chỉ cần một người hãy thực hiện chuyến du lịch ngắn ngày về các “vùng đất giữa”, tức là những nơi cách đường quốc lộ và trung tâm thị xã, thị trấn, thị tứ một chút. Người ta sẽ thấy đập vào mắt du khách là cảnh nghèo khó không thể giấu giếm của những “thần nông” ĐBSCL.

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến cảnh nghèo đói, lạc hậu hiện nay của người nông dân Nam Bộ? Điều gì đã đẩy hàng triệu lao động chính từ các vùng đất phì nhiêu, phải lặn lội lên các trung tâm đô thị (nhiều nhất là Sài Gòn) để làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày? Kẻ gian nào đã khiến các cô gái nông dân Nam Bộ hiền lành chân chất, may mắn thì “được” làm “vợ mua” xứ người, kém hơn thì phải bán thân nuôi miệng trong những hang, những động mại dâm ở khắp đất nước Việt Nam?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - Vũ Huy Hoàng khẳng định: “đảm bảo cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30%”. Đây là một phát biểu nặng về cảm tính khoa trương, thiếu cơ sở khoa học và thiếu thực tế. Nó thể hiện sự kém cỏi của người này. Ngay như tại Thái Lan cũng là một nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhà nước Thái có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân về mọi mặt, thì người nông dân cũng không đào đâu ra tỉ lệ lãi xuất 30% như vậy!

Cuối năm 2009 vừa qua, dự thảo Nghị Định Kinh Doanh Xuất Khẩu Gao của Việt Nam đã qua bốn lần dự thảo, nội dung vẫn hết sức chung chung. Nhưng nổi lên là quy định nhà xuất khẩu độc quyền vẫn là Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA). Trên thực tế, từ trước đến nay người nông dân không được trực tiếp xuất khẩu gạo, hạt gạo của họ đến khi lên tàu xuất cảng đều phải qua từ 4 đến 5 lần khâu trung gian. Theo ước tính, nông dân làm tới 90% khối lượng công việc, những người mua bán gạo chỉ làm 10% công việc. Nhưng chiếm tới 67% giá trị hàng hóa lại thuộc về người buôn bán sản phẩm này. Như vậy cứ.bán được 100 Đồng tiền gạo, thì người nông dân thu được 33 Đồng (trong đó chi phí bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và…lãi). Thật là một điều khó tin, nhưng có thật!

Vì VFA độc quyền xuất khẩu nên mới có chuyện, quý 4 năm 2008 giá gạo thế giới tăng thêm đến 1000 USD/tấn, nhưng Việt Nam quyết định ngưng bán gạo. Nông dân cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng đều điêu đứng vì việc này. Giá cả chợ đen bất ngờ giảm mạnh, người dân buộc phải bán tháo lúa gạo không vì thiếu chỗ để như báo chí Cộng Sản đã nêu. Thực tế là vì, cứ đến mùa thu hoạch người nông dân lại phải lo áp lực trả nợ, nào là nợ ngân hàng, nào là nợ đầu tư vật tư chợ đen, tiền vay nặng lãi tư nhân vv… Theo tìm hiểu, nếu nợ đầu tư vật tư chợ đen, người nông dân sẽ phải chịu lãi 20% một vụ, vay lãi tư nhân trung bình từ 5- 10% trên tháng. Qủa là người nông dân chỉ còn biết… kêu trời!!!

Vụ việc người nông dân ĐBSCL chịu thua lỗ nặng nề vụ lúa năm 2008 trong khi giá gạo thế giới lên cao. Đã phơi bày toàn bộ cái gọi là “chính sách an ninh lương thực”, thực sự là một trò giả dối trắng trợn của nhà cầm quyền CSVN. Lẽ ra, nếu dự báo năm sau mất mùa thì nhà nước phải có kế hoạch chuẩn bị kho bãi để dự trữ, mua vào toàn bộ lúa gạo của người nông dân theo giá thị trường, và sẵn sàng hỗ trợ bán lại cho nông dân khi họ mất mùa vụ sau. Nhưng thật là oái oăm, người nông dân bỗng dưng buộc phải biến nhà mình trở thành kho dự trữ lúa gạo cho nhà nước, nhưng họ làm gì có điều kiện để làm việc ấy?

“Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Đó là nỗi cực khổ của người nông dân đã in đậm vào ca dao Việt Nam. Hạt gạo làm ra, đôi khi người nông dân không chỉ phải đổ mồ hôi mà còn có cả nước mắt nữa...

Từ ngày 28/11 đến ngày 02/12/2009 Festival Lúa Gạo Việt Nam đã khai mạc tại Hậu Giang, nội dung “tôn vinh hạt lúa và người nông dân”- Vẫn là trò cho dân “ăn bánh vẽ” rẻ tiền. Có lẽ, nếu nhà cầm quyền CSVN “tôn vinh” người nông dân theo cách thêm một lần ngưng xuất khẩu gạo như năm 2008 nữa. Thì đảm bảo đội quân ăn mày, ăn cắp, gái điếm, cướp giật ở các thành phố như Sài Gòn, Biên Hòa, Cần Thơ vv.., sẽ lại càng đông thêm cho mà xem!

Câu chuyện bi hài chìm nổi của con Cá Tra, con Bò Sữa, con Tôm Sú ở ĐBSCL nhiều năm qua, cũng là đề tài mà nhiều người đã rõ. Muốn thoát khỏi đói nghèo và có quyền tự chủ trong đời sống lao động sản xuất. Muốn có thương trường lúa gạo, lương thực thực phẩm lành mạnh. Người nông dân ĐBSCL phải đứng lên giành quyền tự quyết cho mình!

Gía như gặp phải những tai ương có thể khả kháng như vụ việc “lúa gạo đầy nhà nhưng nông dân ngồi khóc” hồi năm 2008, người dân ĐBSCL biết liên kết lại. Chí ít thì họ có thể tổ chức một vài cuộc tập trung với quy mô từ vài ngàn đến vài chục ngàn người, đồng hành kéo lên trung tâm các tỉnh. Họ có quyền đưa ra yêu cầu đòi nhà cầm quyền bồi thường thiệt hại thì chắc chắn họ sẽ phải nhận được sự giải thích nào đó, cao hơn nữa thì họ có thể được đền bù thiệt hại. Thế nhưng điều đó đã chưa xảy ra. Người nông dân ĐBSCL vẫn đang cắn răng nhẫn nhục chịu phần thua thiệt…

Lê Nguyên Hồng
Email: ln0868@gmail.com


No comments: