Friday, February 19, 2010

DOANH NHÂN NGOẠI QUỐC LO NGẠI TRƯỚC ĐẠI HỘI ĐẢNG CSVN

Doanh nhân ngoại quốc lo ngại gặp khó khăn tại Việt Nam do đảng Cộng sản chuẩn bị Đại Hội
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 19/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 19/02/2010 13:25 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6960.asp
Vào đầu năm tới, 2011, đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại Hội, nhưng theo các nhà phân tích, trong hậu trường, công việc chuẩn bị đã bắt đầu. Điều này đã khiến giới kinh doanh nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam lo ngại, vì hoạt động kinh tế có nguy cơ bị các tranh chấp quyền lực trong nội bộ giới lãnh đạo chính trị khuấy động.


Phát biểu với hãng tin Anh Reuters ngày 17/02 vừa qua, ông Jacob Ramsay, một chuyên gia phân tích thuộc Văn phòng tham vấn quốc tế về các rủi ro trong kinh doanh Control Risks, đã thẩm định như sau về tình hình Việt Nam : ''Những động thái nhằm giành lấy các vị trí lãnh đạo đã khởi sự và sẽ càng lúc càng tăng cường độ trong năm. Hậu quả là công việc điều hành của chính phủ cũng như là chính sách phát triển sẽ bị thương tổn''.
Nhân Đại Hội đảng Cộng sản lần thứ 11 vào đầu năm tới, dự kiến sẽ có nhiều lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam rời bỏ chức vụ, trong đó có tổng bí thư Đảng, chủ tịch nước. Tiến trình tìm người thay thế vào những vị trí thiết yếu và nhiều quyền uy đó, theo hãng Reuters, là một công việc được thực hiện trong hậu trường, với các nhóm thế lực tranh đua với nhau.
Một trong những câu hỏi được giới kinh doanh và chuyên gia phân tích đặt ra là liệu đương kim thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ còn tiếp tục tại chức nữa hay không ? Điều này được đánh giá là có ảnh hưởng quan trọng đến việc Việt Nam có tiếp tục đường hướng phát triển đã giúp nước này trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á hay không ?
Một cách cụ thể, giới kinh doanh quốc tế lo ngại rằng vấn đề chấp thuận và cấp phép cho các đề án đầu tư mới hay các công trình quan trọng có thể trở thành khó khăn và dai dẳng hơn do việc các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam và các phe nhóm của họ bị vấn đề chính trị nội bộ chia trí.
Vào tháng 10 năm ngoái, chính tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã gián tiếp nêu lên khả năng này, khi ông kêu gọi ban chấp hành Trung ương Đảng là không nên vì chuẩn bị cho Đại Hội Đảng mà lơ là công việc lãnh đạo sản xuất, ổn định và nâng cao mức sống của người dân.
Theo các nhà phân tích, nỗi lo ngại của giới doanh nhân ngọai quốc không phải là không có lý do, nếu căn cứ vào những gì đã diễn ra nhân các kỳ Đại Hội trước của đảng Cộng sản Việt Nam, với cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo, giữa các thành phần gọi là bảo thủ với xu hướng cải tổ, muốn hội nhập nhiều hơn vào kinh tế toàn cầu. Dù chỉ ngấm ngầm trong nội bộ, nhưng cuộc tranh giành ảnh hưởng đó được thể hiện rõ ra bên ngoài.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng thuộc trường đại học Úc New South Wales, đã nêu thí dụ của thời kỳ chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 8 vào năm 1996. Vào khi ấy, đột nhiên xuất hiện cả một phong trào bài ngoại, chống các logo và biển hiệu quảng cáo của các hãng nước ngoài, đặc biệt ở Hà Nội. Thậm chí còn có cố gằng nhằm hạn chế thêm hoạt động của các văn phòng đại diện nước ngoài ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng theo giáo sư Thayer, thế lực bảo thủ trong Đảng vào thời đó còn chĩa mũi dùi vào các công ty Hàn Quốc bị cho là ngược đãi công nhân Việt Nam và tìm cách gây chậm trễ trong việc mở thị trường chứng khoán đầu tiên cho quốc gia này.
Một doanh nhân ngoại quốc đã từng làm việc hơn một chục năm tại Việt Nam, xin giấu tên, còn nhớ lại là trong vòng một tháng trước một Đại Hội Đảng gần đây, chính quyền Việt Nam còn đình chỉ việc cấp visa cho người ngoại quốc.
Rút kinh nghiệm từ thời gian qua, doanh nhân này cho rằng năm nay, gặp khó khăn nhiều nhất sẽ là các đề án đầu tư lớn, đòi hỏi nhiều tầng quyết định cũng như cần được cấp cao trong chính quyền chuẩn y. Các đề án xây dựng địa ốc hay hạ tầng cơ sở nằm trong diện bị đe dọa.
Đối với giới kinh doanh quốc tế, yếu tố đầu tiên khuyến khích họ bỏ tiền đầu tư vào một nước là tình hình ổn định chính trị, và chủ trương nhất quán về mặt kinh tế. Chính vì vậy mà tình hình gần đây tại Việt Nam, đang khiến cho họ lo ngại.



No comments: