Monday, February 1, 2010

CÔN ĐỒ HẠ CẤP

Côn đồ hạ cấp
Vũ Đông Hà
Tháng Một 30, 2010
http://vudongha.wordpress.com/2010/01/30/con-d%e1%bb%93-h%e1%ba%a1-c%e1%ba%a5p/
Nhà văn Ngô Nhân Dụng đã đặt tên cho một bài viết của ông là Chế Độ Côn Đồ để nói lên bản chất của nhà nước Việt Nam đã dùng bạo lực để triệt hạ cây Thập Tự Giá và hành hung những tín đồ của giáo xứ Ðồng Chiêm. Tuy nhiên, thành phần thấp kém trong xã hội là côn đồ ấy cũng có nhiều hạng. Có côn đồ đói khát quá đi cướp của nhà giàu. Có côn đồ say rượu nổi điên rượt hàng xóm, có côn đồ đánh người nhưng không đánh lén sau lưng… Những loại côn đồ này, dù chẳng hay ho gì, tự họ vẫn còn có thể vỗ ngực nói với đời, hay ít ra là nói với nhau rằng: chơi sao cho đẹp, chơi cho đúng điệu giang hồ. Nhưng có những tên côn đồ mà hành vi của chúng làm cho ngay chính cả những kẻ côn đồ giang hồ cũng phải khinh bỉ. Những tên côn đồ sẵn sàng hiếp dâm người già, quấy nhiễu tình dục trẻ em, ăn cướp tiền lẻ của người ăn xin, quật mồ mả tổ tiên đào đồ lên bán,… nhưng cùng lúc lại xưng xưng rao giảng lời nhân nghĩa, đạo lý làm người và lên án bất kỳ ai, trừ mình. Ngôn ngữ Việt Nam không có danh từ nào đúng nhất cho hạng người này. Đành tạm đặt tên cho hạng người này là côn-đồ-hạ-cấp. Những kẻ cầm quyền ngày hôm nay là những tên côn đồ hạ cấp này. Côn đồ từ mỗi cá nhân, hạ cấp cho đến tập đoàn. Vụ án ngày 20 kéo sang vụ án ngày 29 tháng giêng là một là một trong chuỗi dài những hành xử của đám côn đồ hạ cấp này.

*

Báo chí của đảng-nhà-nước đã đăng tải bản tin với nội dung giống nhau, xuất phát từ một nguồn, về bản án dành cho công dân Phạm Thanh Nghiên. Nguyên văn từ các bài báo quốc doanh này (1), cô Phạm Thanh Nghiên đã bị kết án bốn năm tù khám và ba năm tù nhà như sau:

Cấu kết với phần tử xấu tổ chức viết bài xuyên tạc sự thật về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với ngư dân và đồng bào vùng lũ lụt.
Đăng tải tài liệu trên mạng Internet qua các webssite phản động ở nước ngoài.
Đồng thời sưu tầm, tàng trữ và phát tán rộng rãi các tài liệu đó.
Soạn thảo tiếp nhiều tài liệu khác có nội dung:
bịa đặt, xuyên tạc các sự kiện diễn ra trong nước;
bôi nhọ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
phỉ báng chính quyền;
kích động quần chúng nhân dân chống lại chính quyền;
phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
đòi đa nguyên, đa đảng;
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài với nội dung xuyên tạc sự thật về đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước…

Thử duyệt qua từng vi phạm mà hệ thống pháp lý của đảng-nhà-nước cầm quyền dựa vào đó để kết án công dân Phạm Thanh Nghiên.

Cấu kết với phần tử xấu tổ chức viết bài xuyên tạc sự thật về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân và đồng bào vùng lũ lụt:
Điểm chính của đoạn văn kết án này là: Câu kết với phần tử xấu tổ chức viết bài. Trong tất cả những bài do cô Phạm Thanh Nghiên viết (sẽ trình bày ở phần kế), chỉ có một bài duy nhất là có “cấu kết với phần tử xấu”. Đó là “bài” Đơn xin phép biểu tình gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Hai người cùng đứng tên với cô là hai công dân Việt Nam, xử dụng quyền công dân của mình để làm đơn xin phép chính quyền: nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cựu chiến binh Vũ Cao Quận.
Khác với phiên tòa ngày 20 kết án các nhà dân chủ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, bản án của phiên tòa ngày 29 tháng 1 hoàn toàn không nêu đích danh, trưng bày bằng chứng về một phần tử phản động nào mà Phạm Thanh Nghiên cấu kết. Chỉ có ba công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” công khai làm đơn gửi chính quyền xin phép được biểu tình.
Bên cạnh đó, khi kết án cấu kết với phần tử xấu để viết bài thì thành phần xấu này là ai ? Đã bị công an bắt giam ? Sẽ bị đưa ra xét xử vì là tòng phạm ?. Trả lời không, có nghĩa là không có.

Đăng tải tài liệu trên mạng Internet qua các website phản động ở nước ngoài:
Hiến pháp và luật pháp của đảng-nhà-nước không ngăn cấm công dân Việt Nam đăng tải bài vở trên mạng internet. Luật mà đảng-nhà-nước đang áp dụng cũng không liệt kê, công bố cho nhân dân rõ website nào là website phản động và có lệnh ban hành cấm công dân đăng tải bài vở ở đấy.
Hành động đăng tảinội dung đăng tải khác nhau (sẽ trình bày nội dung đăng tải ở phần sau). Hành động đăng tải tự nó không phải là một tội phạm. Đảng-nhà-nước đã dùng luật để kiểm soát và kiểm duyệt báo chí, kiểm soát và kiểm duyệt xuất bản độc lập, dựng tường lửa để ngăn ngừa người dân truy cập mạng. Tuy nhiên, ngay cả trong bộ luật tự biên và tùy tiện hiện nay của họ cũng không có điều luật nào cấm người dân công bố suy nghĩ và tư tưởng của mình trên hệ thống in-tờ-net toàn cầu.
Tự thân cô Phạm Thanh Nghiên cũng không đăng tải tài liệu lên tất cả các trang mạng có bài của mình.
Trong thế giới internet ngày nay, tác giả một bài viết đôi khi chỉ gửi bài của mình đến một người bạn để chia sẻ. Người bạn này sau đó có thể gửi bài này lên một diễn đàn, một trang mạng mà họ là một thành viên. Từ đó, bài viết sẽ lan rộng mà không có sự dự phần nào của chủ nhân bài viết, đôi khi chính tác giả còn không biết là bài viết đã nằm trên một trang nhà nào đó, hay đang lưu hành tới chốn nào trên thế giới mạng vô biên ngày hôm nay.
Tóm lại, nhà cầm quyền đã kết án công dân Phạm Thanh Nghiên về một hành động không bị cấm bởi luật của chính họ đặt ra.

Đồng thời sưu tầm, tàng trữ và phát tán rộng rãi các tài liệu đó.
Người viết phải để đúng câu có chữ “đồng thời” để đảm bảo người đọc hiểu rõ “các tài liệu đó” trong câu này là các tài liệu do cô Phạm Thanh Nghiên soạn thảo. Đây là một câu kết án vô lý và ấu trĩ đến mức độ … hài. Một người viết đi … sưu tầm bài viết của chính mình ? Tác giả hoàn tất một tài liệu không cất giữ nó mà phải đêm quăng vào thùng rác ? Trừ khi có sự khác biệt nào đó rất ghê gớm giữa “đem cất” (nếu viết bằng tay), lưu vào ổ cứng (nếu dùng máy vi tính) và “tàng trữ”. Câu kết án “hài” này không đáng để phải viết thêm nhiều về nó.

Soạn thảo tiếp nhiều tài liệu khác có nội dung:
bịa đặt, xuyên tạc các sự kiện diễn ra trong nước;
bôi nhọ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
phỉ báng chính quyền và
kích động quần chúng nhân dân chống lại chính quyền;
phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
đòi đa nguyên, đa đảng.

Trừ khi công an hay Viện kiểm sát đảng-nhà-nước công bố thêm những tài liệu gì khác, chứ cho đến bây giờ, tất cả những “tài liệu” do cô Phạm Thanh Nghiên viết gồm có:
Uất ức – biển ta ơi! (tháng 3, 2008)
Đơn xin phép biểu tình gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (17 tháng 6, 2008)
Đơn gửi công an Quận Lê Chân, công an Phường Dư Hàng Kênh, tp Hải Phòng (7 tháng 7, 2008)
Đơn khởi kiện gửi Tòa Án Nhân Dân Thành phố Hà Nội (22 tháng 8, 2008)
Đơn Khiếu Nại v/v Không Thụ Lý Đơn Khởi Kiện Trái Pháp Luật (1 tháng 9, 2008)
Tâm thư của Phạm Thanh Nghiên (13 tháng 9, 2008)

Tất cả những “tài liệu” này đều được cô Phạm Thanh Nghiên công khai phổ biến và được nhiều người đăng tải lại trên các mạng thông tin. Ai cũng có thể truy cập internet những bài này. Để dễ tham khảo xin được đính kèm trong phần phụ lục của bài viết này.
Nội dung của bốn “tài liệu” đơn xin phép biểu tình, đơn gửi công an, đơn khởi kiện và khiếu nại gửi tòa án không cần phải phân tích, bởi vì đơn gửi nhà nước thì không thể phản động được. Trừ phi từ giờ trở đi đảng-nhà-nước đặt thêm luật mới quy định công dân Việt Nam rằng đơn từ gửi cho nhà nước, viết không khéo sẽ bị ở tù vì vi phạm Điều 88, Bộ Luật Hình Sự về tội tuyên truyền các cán bộ nhận đơn chống phá nhà nước.
Còn lại là hai bài viết: Uất ức – biển ta ơi! và Tâm Thư Phạm Thanh Nghiên.

Mời bạn đọc hai bài viết này trong phần phụ chú và có những nhận định khách quan.
Một bài tường thuật chuyến đi giúp đỡ các đồng bào ngư phủ Thanh Hóa bị tàu đánh cá Trung Quốc. Nội dung viết lại lời kể của những nạn nhân, có liệt kê tên họ hẳn hòi, sự việc xảy ra lúc tàu bị hải quân TQ tấn công như thế nào, và đồng thời bày tỏ những cảm xúc của tác giả trước tình cảnh thương tâm này.
Tâm thư của Phạm Thanh Nghiên bày tỏ tâm trạng đớn đau của một người công dân Việt Nam trước tình trạng mất đất, mất biển, nói lên thái độ dấn thân của một công dân bày tỏ lòng ái quốc của mình bằng cách tọa kháng ngay tại nhà để phản đối.
Đây mới thật sự là “tội trạng” của Phạm Thanh Nghiên: tội yêu thương đồng bào và tội đau lòng trước những mất mát của lãnh thổ quốc gia.

Tuy nhiên, nếu một bài viết mà trong đó tác giả bày tỏ suy nghĩ của mình về cách hành xử của nhà cầm quyền đối với vấn đề lãnh hải, lãnh thổ dẫn đến án tù bốn năm, thì tất cả những người đi biểu tình vào đầu năm 2008 phải vào tù; lượt qua hết những trang mạng và đọc những bài viết về vấn đề này sẽ có một danh sách, ít nhất ở con số ngàn, những người đã viết, đã bày tỏ thái độ của họ công khai trên mạng, cũng sẽ phải vào tù. Thế thì tại sao chỉ một mình cô thiếu nữ Phạm Thanh Nghiên này lại bị cả một tập đoàn cai trị xử giam vào tù. Hình ảnh của một đám côn đồ hạ cấp đang làm một hành vi hèn hạ và bẩn thiểu nhất hiện ra trong đầu như là một hành động tương đương. Nhưng không thể và không nên viết ra.
Quan trọng hơn hết, trong hai bài viết này của cô Phạm Thanh Nghiên, không tìm thấy ở đâu có những câu văn chữ viết nhằm kích động quần chúng nhân dân chống lại chính quyền, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền và đòi đa nguyên đa đảng. Và việc đưa ra “tội danh” đòi đa nguyên đa đảng cũng đã thể hiện rõ ràng bản chất côn đồ bất lương của tập đoàn cai trị này. Điều 4 của cái hiến pháp mà đảng-nhà-nước đẻ ra để áp đặt lên đầu nhân dân viết rằng: Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Lúc soạn thảo điều 4 này, đảng csvn đã muốn đảm bảo có được một triều đình phong kiến, vừa đóng vai vua-Nhà-Nước vừa chiếm luôn ghế thái- thượng-hoàng-Đảng để cai trị đất nước hết thời này qua thời khác. Nhưng tự bản hiến pháp tự biên tự diễn này cũng không quy định đảng Cộng sản là đảng duy nhất. Vì thế mới có sự hiện hữu của đảng Xã hội, đảng Dân chủ trong suốt nhiều năm trước đây. Tập đoàn cầm quyền kết án một công dân Việt Nam về một tội hình mà chính họ mới là kẻ phạm luật khi dựng ra tội hình này. Đó là bản chất của đám côn-đồ-hạ-cấp.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài với nội dung xuyên tạc sự thật về đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước…
Truy cập trên mạng tìm được 2 bài phỏng vấn. Một bài tường trình nội dung của chuyến thăm viếng các nạn nhân đánh cá bị Trung Quốc thảm hại. Một bài trả lời về việc làm đơn xin phép biểu tình. Một lần nữa, nội dung của những câu trả lời phỏng vấn không có câu nào kích động quần chúng nhân dân chống lại chính quyền. Không có câu nào phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền (một sự lạm quyền độc đoán nhưng hãy tạm thời coi đó nằm trong phạm vi của nền luật pháp mà nhân dân buộc phải thi hành). Riêng những ý kiến về sự quản lý, điều hành của nhà nước, thì những điều mà cô Phạm Thanh Nghiên phát biểu, không khác gì với những phát biểu của bao nhiêu người vẫn đang được ở ngoài tù (không thể dùng chữ tự do); cũng không khác gì lắm với những bài viết phê phán hiện trạng tiêu cực của xã hội, đảng viên, cán bộ nhà nước do các báo đài của đảng-nhà-nước đăng tải theo lời kêu gọi mang tính đóng tuồng của những du đảng cầm đầu. Tại sao họ không bị tống vào tù mà chỉ có một mình người thiếu nữ Phạm Thanh Nghiên?

*

Không ai muốn viết một bài viết mang hơi hướm của sự hằn học. Hoặc sử dụng đến những tỉnh từ như côn đồ, hạ cấp, bất lương. Cũng không ai muốn tốn thì giờ viết để chứng minh đám người nào đó là một lũ côn đồ trong khi ai ai cũng đã biết tỏng chúng là lũ côn đồ. Nhưng mà vẫn phải viết. Bởi vì đám côn đồ này không phải đang dở trò hạ cấp ở một góc hẻm hóc nào đó mà đã, đang và tiếp tục hành xử côn đồ với cả một dân tộc. Vì thế nên viết. Và khi viết thì không thể dùng hình dung con mèo để tả con lợn được. Đành phải vẽ đúng chân tướng của lợn.

Vũ Đông Hà
http://vudongha.wordpress.com/

Ghi chú:
(1)
(
http://vovnews.vn/Home/Pham-Thanh-Nghien-linh-an-4-nam-tu/20101/133680.vov,
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=40&sub=67&article=167017 ,
http://www.laodong.com.vn/Home/4-nam-tu-vi-toi-tuyen-truyen-chong-Nha-nuoc/20101/172598.laodong

Phụ Chú:
I.
Uất ức – biển ta ơi!
(Xem tại :
http://vudongha.wordpress.com/2010/01/30/con-d%e1%bb%93-h%e1%ba%a1-c%e1%ba%a5p/)


No comments: