Chất thải thập diện tấn công sông Sài Gòn
Ngày 03.02.2010 Giờ 13:51
http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=62786&fld=HTMG/2010/0202/62786
SGTT - Dự báo của các nhà khoa học, năm 2010 chất lượng nước lưu vực sông Sài Gòn trên diện tích 4.500km2 sẽ tiếp tục giảm khi nồng độ các chất ô nhiễm tăng đến mức báo động, nhiều vi khuẩn, virút gây bệnh xuất hiện.
Quanh sông Sài Gòn hiện có 29 khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp, trong đó Bình Dương 18 khu, TP.HCM 11 khu. Từ năm 2010 – 2020, số khu công nghiệp sẽ tăng lên 36 với sự góp mặt của Tây Ninh.
Theo nghiên cứu của GS.TS Lâm Minh Triết, chủ nhiệm chương trình Bảo vệ môi trường và tài nguyên TP.HCM và cộng sự, tại lưu vực sông thuộc TP.HCM, nước thải gây ô nhiễm môi trường phần lớn tập trung vào các ngành công nghiệp chính của thành phố: sản xuất thuốc trừ sâu, giấy và bột giấy, công nghiệp dệt nhuộm, hoá chất, luyện kim và xi mạ…
Bình Dương đáng lo ngại nhất là nước thải từ các nhà máy chế biến mủ cao su, giấy, bột giấy, sản xuất hoá chất, dệt nhuộm, xi mạ, sơn, hoá mỹ phẩm…
Còn ở Tây Ninh, nguồn nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường chủ yếu phát sinh từ hoạt động chế biến nông sản (khoai mì, mía) và cao su...
Sài Gòn với 12 cảng và 42 bến, nơi tàu biển ra vào thường xuyên đã tạo ra nguồn ô nhiễm tiềm tàng với dư lượng dầu và kim loại nặng trong nước. Đó là chưa kể chất thải chưa qua xử lý từ mười khu du lịch dọc sông Sài Gòn hiện nay. Riêng về lượng nước thải sinh hoạt, nếu năm 2001 chỉ khoảng 435.407m3/ngày, thì ước tính năm nay sẽ hơn 1 triệu m3/ngày và đến năm 2020 là gần 2 triệu m3/ngày.
Theo nghiên cứu của GS.TS Lâm Minh Triết, chất lượng nước sông Sài Gòn, nhất là tại vùng thu nước thô, đang diễn biến thất thường theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu cấp nước cho thành phố và các địa phương trên lưu vực. Nhu cầu sử dụng hoá chất clo trong nhà máy nước Tân Hiệp ngày càng tăng cao. Hầu hết các chỉ tiêu pH, sắt, độ đục… đều vượt tiêu chuẩn mặt nước, chất lơ lửng tăng cao, mangan luôn tồn tại trong nguồn nước và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là hàm lượng coliform có lúc tăng gấp 50 lần so với tiêu chuẩn…
Chi cục Bảo vệ tài nguyên môi trường TP.HCM cho biết đang lên kế hoạch điều tra nguồn thải chính ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Sài Gòn – Đồng Nai trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, hiệu trưởng trường cao đẳng Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho rằng nếu chỉ điều tra ở TP.HCM thì chẳng có ý nghĩa gì. Theo ông Tuấn, cần phải có một kế hoạch đồng bộ để đề nghị các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh cùng điều tra để có nguồn dữ liệu đầy đủ.
Lê Quỳnh
No comments:
Post a Comment