Friday, February 19, 2010

ASEAN THOẢ THUẬN MỞ CỬA BẦU TRỜI


Asean thỏa thuận mở cửa bầu trời
Việt Hà, phóng viên RFA
2010-02-18
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-Torbjorn-Karlsson-about-budget-airline-market-in-SEA-VHa-02182010214415.html
Cuối năm 2008, các nước Asean đã ký thỏa thuận mở cửa bầu trời, tạo nhiều điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn cho các hãng kinh doanh vận chuyển hàng không trong khu vực.
Thỏa thuận này cũng đóng góp phần nào vào sự phát triển của thị trường kinh doanh hàng không giá rẻ ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là vào lúc nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn.

Phát triển
Việt Hà có bài phỏng vấn ông Torbjorn Karlsson, chuyên gia về hàng không của hãng tư vấn Heidrick and Struggle tại Singapore. Trước hết ông Karlsson cho biết khái quá về tình hình thị trường hàng không giá rẻ của khu vực trong thời gian qua như sau:

Torbjorn Karlson: Thị trường hàng không giá rẻ trong khu vực hiện tại đang phát triển rất mạnh. Quý vị có thể thấy sự phát triển đặc biệt này ở các nước như Philippine và Indonesia trong vài năm gần đây. Ngoài ra cũng phải kể đến một số hãng có tên tuổi như Air Asia của Malaysia và Jestar hay Tiger của Singapore. Đây là một thị trường mạnh và đang tăng trưởng rất nhanh chóng, và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Thị trường này rõ ràng đang chiếm lấy một phần thị trường và doanh thu của các hãng hàng không truyền thống. Và nó cũng đang phát triển nhanh hơn so với thị trường các hãng hàng không cao cấp. Các bạn chỉ cần nhìn vào các sân bay là thấy. Ví dụ như sân bay Changi của Singapore. Khoảng 3 hay 4 năm trước giao thông hàng không qua sân bay này còn nhỏ nhưng giờ đây nó đã chiếm từ 20 đến 25% trong tổng số.

Việt Hà: Suy thoái kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng thế nào đối với sự phát triển của thị trường này?
Torbjorn Karlsson: Thực ra suy thoái kinh tế lại có tác động ngược tới thị trường này. Những người chưa từng đi du lịch bằng đường hàng không vì lý do kinh tế thì tất nhiên không nói làm gì, nhưng hiện chúng ta thấy có rất nhiều khách hàng đã chuyển từ các hãng hàng không truyền thống sang các hãng hàng không giá rẻ để tiết kiệm tiền. Ngoài ra sự phát triển của thị trường này còn đạt đến mức mà giá cả của nó khiến có thêm nhiều người chuyển từ việc đi lại bằng xe buýt và phà sang đi máy bay ở một số nơi như Philippine và Indonesia. Đặc biệt trong những ngày lễ như lễ Tết thì thời gian hết sức quan trọng, nếu người ta chỉ có 5 ngày để thăm gia đình thì không ai muốn bỏ 3 ngày để đi xe buýt. Vì thế thị trường này vẫn tiếp tục phát triển kể cả trong thời khủng hoảng.

Vượt rào cản

Việt Hà: Thưa ông, cuối năm 2008, các nước Asean đã ký thỏa thuận mở rộng bầu trời. Và theo cam kết thì đến năm 2015, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực toàn bộ, ông đánh giá về khả năng thực thi thỏa thuận này thế nào? Liệu có khả năng có một số nước kém phát triển nào đó sẽ yêu cầu gia hạn thêm cho họ vì lý do này hay lý do khác khiến thoả thuận không có hiệu lực như đã cam kết ban đầu?
Torbjorrn Karlsson: Bây giờ thì bầu trời vẫn chưa mở toàn bộ mà mới chỉ ở một số thành phố thủ đô của các nước. Thị trường năm 2010 là khá mở tuy nhiên vẫn còn một số giới hạn đối với việc nơi nào bạn có quyền có chuyến bay tới. Đặc biệt nhất là những cản trở trong vấn đề về quyền sở hữu. Hiện có khá nhiều các hãng hàng không giá rẻ đã tránh rào cản này một cách sáng tạo. Ví dụ như Air Asia, họ có một phần sở hữu trong việc điều hành ở nhiều hãng hàng không ở Thái lan, Indonesia, bên cạnh trụ sở của họ ở Malaysia. Họ cũng vừa tuyên bố là họ đã mua được 30% cổ phần từ VietJet của Việt Nam.
Điều này có nghĩa là các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực đã biết cách vượt qua những rào cản này bằng cách thiết lập mối quan hệ đối tác. Tuy nhiên để có được một bầu trời hoàn toàn mở thì còn cần phải bãi bỏ một loạt các quy định và mở cửa các sân bay để các hãng hàng không có thể tận dụng cơ hội cũng giống như Hoa Kỳ đã thực hiện. Nhưng tôi tin chắc là điều này sẽ xảy ra. Và thỏa thuận bầu trời mở hiện tại đã có những ảnh hưởng nhất định.
Tôi tin chắc là thảo thuận này sẽ được thực hiên theo dự kiến. tôi nghĩ một vài nước sẽ có khả năng thực hiện việc mở cửa bầu trời toàn bộ trước thời hạn 2015, ví dụ như Singapore chẳng hạn. Nhưng tôi tin chắc là vào năm 2015 toàn bộ Asean sẽ có một bầu trời mở toàn bộ.

Việt Hà: Liên quan đến Việt Nam, thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến trường hợp của hãng Jestar Pacific khi một số lãnh đạo của công ty này hoặc bị bắt hoặc bị điều tra. Có những nhận định cho rằng chính phủ Việt Nam chưa sẵn sàng mở cửa bầu trời của họ và họ vẫn muốn bảo vệ Vietnam airline là hãng hàng không của nhà nước. Ông có nhận xét gì về điều này?
Torborn Karlsson: Tôi nghĩ đây là điều mà cả thế giời đều gặp phải khó khăn chứ không phải chỉ có Việt Nam. Chúng ta đã nhin thấy điều này ở Hy lạp với Olympics hay ở Malaysia. Tuy nhiên rất nhiều các hãng hàng không này đã hợp tác với chính phủ để phát triển thị trường du lịch và cung cấp các dịch vụ xã hội quan trọng tại những nơi thương mại phát triển. Nhưng khi sự cạnh tranh đến và các hãng hàng không thương mại tham gia thị trường thì mọi việc trở nên khó khăn hơn trong việc xác định những chính sách mới và cơ cấu mới.
Vì thế không chỉ có Việt nam mà nhiều nước khác cũng gặp vấn đề tương tự. Bằng chứng rõ ràng là khi các quy định về quyền chủ sở hữu được nới lỏng thì sẽ kích thích thị trường, đưa giá cả xuống và các hãng sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên như các bạn đã thấy ở Bắc Mỹ, những hạn chế về việc quản lý đã tạo nên nhiều vấn đề cho khách hàng như chậm chuyến bay, dịch vụ nghèo nàn. Vì thế câu trả lời chính xác nằm đâu đó giữa tự do thương mại hoàn toàn và sự kiểm soát của chính phủ để đảm bảo khách hàng có được các sản phẩm tốt nhất và an toàn.

Việt Hà: Để thực hiện được hiệp định mở cửa bầu trời thì các nước cần phải phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sân bay, theo ông cơ sở hạ tầng củ Việt Nam đã sẵn sàng cho hiệp định này chưa?
Torborn Karlsson: Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể. tôi đến Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1992 và đã nhìn thấy những sân bay lúc đó thế nào. Từ đó đến giờ Việt Nam đã mở rộng thêm sân bay, cải tạo sân bay và bắt kịp được sự phát triển của giao thông hàng không ở đây. Nhưng bằng chứng cho thấy là các bạn càng mở rộng công suất ra bao nhiêu thì giao thông cũng gia tăng đến mức đó. Tôi tin là Việt nam đang đầu tư vào các sân bay và theo tôi thì họ nên tiếp tục làm việc này.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Theo dòng thời sự:

Khu vực tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN
ASEAN thảo luận Bản Tuyên bố chung về ứng xử ở biển Đông
Khai mạc diễn đàn mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc
Việt Nam được gì từ hiệp định tự do mậu dịch TQ-ASEAN?

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: