Sunday, February 21, 2010

ĐẠO ĐỨC SUY ĐỒI hay THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ ?

Đạo đức suy đồi hay thủ đoạn chính trị? (Phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-02-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-decline-of-moral-standards-or-political-cunnings-only-part1-tvan-02212010091048.html
Sau khi Tòa án tỉnh Hà Giang tuyên hủy bản án sơ thẩm mà Tòa án huyện Vị Xuyên từng tuyên, về vụ án liên quan đến hiệu trưởng và hai nữ sinh của trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, công chúng tin rằng, vụ án đó không chỉ có dấu hiệu biến nạn nhân thành tội phạm để che đậy tội phạm của hàng chục cán bộ, doanh nhân ở Hà Giang, mà còn là dịp để ngẫm nghĩ về nhiều vấn nạn khác.
Những vấn nạn đó là gì? Vụ án vừa kể có diễn biến nào mới? Trân Văn tiếp tục tìm hiểu, thông qua các cuộc phỏng vấn với Luật sư Trần Đình Triển – người tình nguyện bảo vệ nạn nhân và hai nhân vật có tên trong danh sách “mua dâm trẻ vị thành niên”. Đó là các ông Nguyễn Trường Tô – Chủ tịch tỉnh Hà Giang, Đinh Xuân Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang. Mời quý vị cùng nghe…

Bộ Công an và Viện Kiểm sát Tối cao sẽ nhập cuộc?
Tháng 9 năm ngoái, vụ án “mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm”, liên quan đến hiệu trưởng và hai nữ sinh của trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm dư luận rúng động. Lúc ấy, theo báo chí Việt Nam, ông Sầm Đức Xương đã lợi dụng cương vị hiệu trưởng để cưỡng ép hàng chục nữ sinh phải ăn nằm với ông. Cũng theo báo chí Việt Nam, sở dĩ ông Xương có thể thực hiện được điều tồi bại đó là vì có sự tiếp tay của hai nữ sinh Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy.
Đến đầu tháng 11 năm ngoái, Tòa án huyện Vị Xuyên đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Ông Sầm Đức Xương bị phạt 10 năm 6 tháng tù. Nữ sinh Nguyễn Thị Hằng bị phạt 6 năm tù, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy bị phạt 5 năm tù. Sau phiên sơ thẩm, cả ba bị cáo cùng kháng cáo kêu oan.
Cuối tháng 1 vừa qua, vụ án được Tòa án tỉnh Hà Giang đưa ra xử phúc thẩm và dư luận tiếp tục rúng động khi các luật sư bào chữa cho hai nữ sinh tiết lộ, cả hai không chỉ bị cưỡng ép để phải ăn nằm với hiệu trưởng mà còn được “giới thiệu” để phải ăn nằm với hàng chục cán bộ, doanh nhân tại Hà Giang. Trong đó có chủ tịch tỉnh. Điểm đáng chú ý là thay vì phải điều tra, làm rõ, tất cả những chi tiết, chứng cứ có liên quan thì hệ thống bảo vệ pháp luật tại huyện Vị Xuyên lại bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án.
Cũng vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án.

Nửa tháng đã trôi qua sau phiên xử phúc thẩm, vụ án vừa kể đang diễn tiến ra sao?
Luật sư Trần Đình Triển, người tình nguyện bảo vệ nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: “Nó gây nên một dư luận mà người ta bất bình, buộc phải xử lý thôi chứ không thể để một việc như thế ảnh hưởng đến uy tín chung. Thứ hai nữa là đạo đức suy thoái quá, không thể nào chấp nhận được.”
Trân Văn: Nơi trực tiếp điều tra lại vụ án này sẽ là cơ quan nào ạ?
LS Trần Đình Triển: Về nguyên tắc, theo luật tố tụng hình sự của Việt Nam là trả lại cho cơ quan điều tra ban đầu. Trả lại cho Viện Kiểm sát để Viện Kiểm sát trả trở lại cho cơ quan điều tra để điều tra lại từ đầu. Thế nhưng trong luật tố tụng còn có việc cơ quan điều tra cấp trên có quyền rút vụ án lên để điều tra trực tiếp. Ở đây cần phải rút lên là bởi vì có những vi phạm về mặt tố tụng.
Quan điểm của tôi là cần phải xem xét để nếu có dấu hiệu thì cần phải khởi tố vụ án về tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án” của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm.
Tôi tin chắc chắn là bên Bộ Công an và Viện Kiểm sát Tối cao người ta sẽ vào cuộc và theo tôi biết là người ta cũng đã vào cuộc rồi. Có lẽ là ra Tết người ta sẽ triển khai công việc thôi chứ không thể để cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp điều tra vụ này được.
Hôm vừa rồi, mẹ của cháu Hằng, cháu Thúy xuống đây trực tiếp mời. Tôi cũng đành tiếp tục nhận là tôi sẽ trực tiếp bảo vệ cho các cháu từ giai đoạn điều tra. Tôi đã làm thủ tục gửi cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục bảo vệ cho các cháu. Cũng buộc phải làm thôi.

Ở tù an toàn hơn tại ngoại
Trân Văn: Nếu tôi nhớ không lầm thì anh đã từng đề nghị cho hai cô nữ sinh được tại ngoại. Đến nay thì đề nghị đó đã được xem xét chưa ạ?
LS Trần Đình Triển: Hôm vừa rồi khi mẹ hai cháu xuống đây thì tôi có trao đổi là việc đó mình từng kiến nghị thì bây giờ cơ quan nào trực tiếp điều tra, cơ quan đó mới giải quyết được.
Bây giờ tôi nghĩ rằng Tòa mới trả hồ sơ mà chưa biết để cơ quan nào trực tiếp điều tra. Khi biết chúng tôi mới trực tiếp làm việc với cơ quan đóvà tôi sẽ đề nghị thả các cháu.
Thứ hai nữa là gia đình cũng có một chút e ngại. Tức là cũng muốn để các cháu trong trại. Họ sợ rằng là khi các cháu ra ngoài... Khi mà cơ quan Trung ương chưa trực tiếp thụ lý e là không an toàn cho các cháu. Cho nên gia đình chưa phải là thật muốn.
Khi nào các cơ quan trung ương vào cuộc thì khi đó mới giải quyết cho các cháu ra. Nếu giải quyết ra mà không có biện pháp để bảo vệ các cháu thì rất là nguy hiểm...

Quên rằng đã từng đòi minh oan
Những cán bộ và doanh nhân nào ở Hà Giang đã tham gia “mua dâm người chưa thành niên”? Báo chí Việt Nam chỉ nói xa, nói gần về điều này, còn giới hữu trách chưa hề lên tiếng xác nhận về sự có mặt của “danh sách” đáng chú ý đó.
Đây có thể là lý do khiến nhiều diễn đàn điện tử và blog đồng loạt công bố bản chụp “Đơn kêu cứu” của nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy, một trong hai bị cáo được xem là nạn nhân. Qua bản chụp tờ đơn này, người ta có thể thấy tên, chức vụ, số điện thoại của những người mà cô Thúy tố cáo đã “mua dâm trẻ vị thành niên”.
Chúng tôi đã dựa theo tài liệu vừa đề cập để thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên với ông Đinh Xuân Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang:

Trân Văn: Thưa anh chúng tôi được biết là ở phiên xử hai nữ sinh của trường Việt Lâm, Vị Xuyên, Hà Giang, các cô có khai là có ăn nằm với một số cán bộ và viên chức trong tỉnh, anh có biết gì về chuyện này không ạ?
Ô. Đinh Xuân Hùng: ...À không ạ!
Trân Văn: Chúng tôi thấy tờ tự khai được đưa lên Internet và thấy có cả tên, cả số điện thoại của anh...
Ô. Đinh Xuân Hùng: ...Xin lỗi anh em đang bận một tí, đang có khách, đang...
Đến đây thì ông Hùng không trả lời nữa. Có lẽ cũng cần nhắc lại là hồi cuối tháng 1, khi tòa án tỉnh Hà Giang đang xử phúc thẩm, chưa tuyên hủy án sơ thẩm, trả lời tờ Pháp Luật TP.HCM, ông Hùng đã có những tuyên bố khác với nội dung mà quý vị vừa nghe. Trên số ra ngày 29 tháng 1, tờ Pháp Luật TP.HCM từng dẫn nguyên văn phát biểu của ông Hùng về vụ án: “Tôi hết sức ngỡ ngàng. Ðây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tôi nên mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ đúng sai”.

Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang để phỏng vấn về sự kiện ông có tên trong danh sách bị tố cáo là đã “mua dâm trẻ vị thành niên”. Khác với ông Hùng, ông Tô khẳng định ông bị oan và vụ tai tiếng này là một thủ đoạn chính trị trước Đại hội Đảng. Nội dung cuộc phỏng vấn sẽ được phát trong lần phát thanh tới, mời quý vị đón nghe.

Theo dòng thời sự:
“Thống nhất” tạo oan sai (Phần 1)
“Thống nhất” tạo oan sai (Phần 2)
Bức tranh xã hội Việt Nam - Mảng tối và Nỗi ưu tư
Nhân thân tốt có thể thay công lý? (phần 1)
Nhân thân tốt có thể thay công lý? (phần 2)

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.



Đạo đức suy đồi hay thủ đoạn chính trị? (Phần 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-02-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-decline-of-moral-standards-or-political-cunnings-only-part2-tvan-02212010141747.html
Lần trước, Trân Văn tường trình về những diễn biến mới liên quan đến vụ án “mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm”, xảy ra ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Năm ngoái, vụ án này từng làm dư luận rúng động vì hiệu trưởng cưỡng ép các nữ sinh phải ăn nằm với mình. Và năm nay, tiếp tục làm dư luận rúng động khi có những dấu hiệu cho thấy, các nữ sinh từng bị kết án do “môi giới mại dâm” có thể là nạn nhân của một oan án.
Sau khi án sơ thẩm bị hủy, công chúng dồn sự chú ý vào ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh Hà Giang, một trong số hàng chục nhân vật bị tố cáo đã tham gia “mua dâm người chưa thành niên”. Ông Tô nghĩ gì và muốn chia sẻ điều gì. Mời quý vị nghe cuộc trò chuyện giữa Trân Văn và ông Nguyễn Trường Tô…

Chỉ có thể nói “không”
Trân Văn: Thưa ông, sau khi tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, có dư luận cho rằng ông có liên quan đến vụ án này. Ông nghĩ gì về những dư luận đó?
Ô. Nguyễn Trường Tô: Dư luận như vậy nhưng thực tế không có gì cả.
Trân Văn: Ở cương vị chủ tịch tỉnh, khi có dư luận như thế thì ông thấy thế nào ạ?
Ô. Nguyễn Trường Tô: Thực ra tôi rất là bất bình, chuyện ấy không có, đó là một sự việc không có. Điều này để cho cơ quan điều tra cũng như cơ quan người ta sẽ trả lời công luận và kết luận chứ hiện nay thì những người nằm trong đấy thì không thể nói gì được. Chỉ nói từ: “Không”. Thế thôi!
Trân Văn: Thưa ông, đúng là đó chỉ mới là lời khai và rõ ràng là...
Ô. Nguyễn Trường Tô: Một phía thôi!
Trân Văn: Dạ đúng. Lời khai một phía và chưa được kiểm chứng, chưa được xác định nhưng...
Ô. Nguyễn Trường Tô: Thế tại sao mới là dư luận, một câu nói một phía mà ông lại phải đặt vấn đề, hỏi lại như vậy?
Trân Văn: Thưa ông, bởi vì chúng tôi muốn có thông tin nhiều chiều. Song hành với dư luận đó thì ông là một trong những người được xem như là có liên quan và bởi vì ông là chủ tịch tỉnh Hà Giang, một vị trí không phải...
Ô. Nguyễn Trường Tô: Một người đứng đầu của một tỉnh về mặt nhà nước, về mặt cơ quan hành chính nhà nước...
Trân Văn:Dạ đúng, thành thử chúng tôi muốn nghe thêm ý kiến của ông. Dư luận đó có ảnh hưởng đến thanh danh của ông, chúng tôi muốn giới thiệu...
Ô. Nguyễn Trường Tô: …không những của cá nhân mà kể cả của tổ chức Đảng và kể cả nhà nước.
Trân Văn: Dạ đúng.
Ô. Nguyễn Trường Tô: Thế nhưng đấy mới là một chiều thì điều ấy phải để cơ quan điều tra cũng như cơ quan khác người ta phát ngôn khách quan hơn. Đương nhiên cá nhân tôi khẳng định là không có. Thế nhưng có điều có hay không, cá nhân không thể công bố một cách… ấy được mà phải để cơ quan điều tra cũng như các cơ quan ngôn luận công bố nó khách quan hơn.
Trân Văn: Dạ. Tôi hiểu. Tuy nhiên, ở đây tôi có một thắc mắc không biết ông có sẵn sàng giải đáp không ạ?
Ô. Nguyễn Trường Tô: Được. Ông cứ nói.
Trân Văn: Dạ. Đó là hai nữ sinh là bị can trong vụ án “môi giới mại dâm” thì họ có số điện thoại của cá nhân ông...
Ô. Nguyễn Trường Tô: Số điện thoại, riêng ở vùng cao, tất cả số điện thoại của lãnh đạo từ bí thư cho đến chủ tịch và giám đốc các sở, ban, ngành đều công khai trên danh bạ. Đồng thời cũng công khai ở các huyện, tỉnh để mà giải quyết các thứ. Điều ấy thì… số điện thoại thì đã công khai rồi.
Trân Văn: Dạ. Như vậy là nhiều người có thể biết số điện thoại này?
Ô. Nguyễn Trường Tô: Cả tỉnh biết chứ không phải riêng một hai người biết ạ. Số điện thoại các lãnh đạo người ta đều công khai hết trên danh bạ. Thậm chí các huyện đều biết hết. Số điện thoại đều công khai hết. Nếu số điện thoại mà bí mật thì không phải số điện thoại của lãnh đạo nữa. Số điện thoại đều công khai hết trên danh bạ với trên tin. Không phải của riêng chủ tịch tỉnh mà tất cả những lãnh đạo tỉnh, ban, ngành đều công khai hết trên danh bạ.

Vẫn không thể nói khác
Trân Văn: Dạ. Cảm ơn ông. Sẵn đây còn một dư luận khác nữa xin ông giải đáp luôn...
Ô. Nguyễn Trường Tô: Dư luận khác như thế nào ạ?
Trân Văn: Đó là việc ông là một trong những chủ tịch tỉnh mà thủ tướng đã từng chỉ đạo rất nhiều lần phải giải quyết sự việc của Công ty Sông Lô nhưng ông không chấp hành, và điều đó dẫn đến chuyện thủ tướng bị chất vấn tại diễn đàn Quốc Hội. Ông có thể nói thêm về điều đó không ạ?
Ô. Nguyễn Trường Tô: Bây giờ tôi phải hỏi lại. Vâng. Cám ơn ông. Tôi hỏi lại ông, tại sao ông lại rất quan tâm tới vấn đề này? Lý do gì ông lại quan tâm?
Trân Văn: Dạ. Bởi vì sau khi có chất vấn của ông Lê Văn Cuông thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bảo rằng ông không muốn kỷ luật bất kỳ ai, bởi ông muốn noi gương Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông cho biết là trong 3 năm làm thủ tướng thì ông chưa kỷ luật ai cả.
Những phát biểu đó của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đến rất nhiều bình luận. Và sau chất vấn vào tháng 11 năm ngoái thì xảy ra sự kiện ở tại Vị Xuyên, Hà Giang và thêm một lần nữa có liên quan đến ông. Thành thử những thông tin này được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn điện tử và các báo. Đã có khá nhiều người có ý kiến về điều đó cho nên chúng tôi muốn hỏi thêm ý kiến của ông.
Ô. Nguyễn Trường Tô: Cũng có lẽ là những ý kiến chỉ tập trung vào một người đúng không ạ? Có lẽ là trong nghị trường chính trị tại sao nó cứ tập trung vào một người, đúng không ạ?
Trân Văn: Dạ.
Ô. Nguyễn Trường Tô: Ông có thấy có gì lạ trong việc này không ạ?
Trân Văn: Thưa ông, tôi chỉ là người theo dõi thời sự. Hiện nay đó một trong những vấn đề nổi cộm.
Ô. Nguyễn Trường Tô: Nếu ông đã quan tâm đương nhiên ông phải có ý kiến, bình luận, đánh giá.
Trân Văn: Trên nguyên tắc thì chúng tôi chỉ làm công việc là đưa những thông tin nhiều chiều đến cho thính giả của mình để họ tự thẩm định và tự nhận định.
Tuy nhiên, đó là những điều người ta đã nói còn cá nhân ông là một người có liên quan đến những dư luận đó, nếu ông cảm thấy không có gì bất tiện, ông có thể giải thích thêm để cho thính giả chúng tôi biết.
Ô. Nguyễn Trường Tô: Có lẽ cũng như ban nãy tôi nói là để cho cơ quan điều tra và những người có chức năng, có đủ thẩm quyền để công bố thì nó hay hơn…
Thế còn đã nói đến vấn đề có lẽ là chính trị thì cũng không thể… thì… nói như thế nào… khó được… nhưng mà tôi chỉ nói một điều không là không.
Nhưng có dư luận như vậy thì cũng không thể nói như thế nào được. Tốt nhất là để người khác người ta thanh minh, chứng minh.
Thế còn ông là người quan tâm đến sự việc này thì có lẽ là ông cũng… xem xét thông tin và chắc chắn ông sẽ đánh giá công việc… nó phải… một cách…từ khách quan thì đương nhiên... Thế nhưng mà… phát xuất…

Thủ đoạn chính trị trước Đại hội Đảng
Trân Văn: Để giữ sự khách quan đó thì thay vì chỉ giới thiệu dư luận, chỉ giới thiệu những sự kiện đã được đề cập trên hệ thống báo chí trong nước cũng như trên các diễn đàn điện tử, chúng tôi mới có ý định gọi để hỏi ý kiến của ông.
Ô. Nguyễn Trường Tô: Bây giờ nếu tôi là người như vậy thì tôi cũng rất khó điều chỉnh dư luận… và dư luận đúng hay sai thì đương nhiên là nó cũng có… đều có ý đồ cả, có mục đích cả.
Thế còn để dẫn dắt dư luận thì điều ấy, đến giờ phút này đã là người nằm trong cuộc thì cũng rất khó dẫn dắt, đúng không ạ?
Bắt buộc phải có cơ quan khác xem xét, công bố và dẫn dắt dư luận. Còn cá nhân người trong cuộc thì không thể làm điều đó. Thậm chí có thể dẫn dắt còn phản cảm. Có lẽ anh hiểu điều đó?
Trân Văn: Dạ, tôi hiểu. Qua cách nói chuyện của ông thì tôi nghĩ là thông tin về sự kiện này có lẽ cần thận trọng hơn cả về cách nói lẫn cách trình bày vấn đề...
Ô. Nguyễn Trường Tô: Vâng. Phải thận trọng. Điều ấy chính xác ạ, chứ không, không nóng vội được.
Có lẽ theo tôi nghĩ là trước đại hội thôi nếu mà chuẩn bị sắp xếp đại hội xong thì mọi việc có khi nó lại, lại trở lại bình thường. Trả lại tên cho…(cười). Nói thế chắc anh hiểu…
Trân Văn: Dạ. Tôi hiểu.
Ô. Nguyễn Trường Tô: Tôi nghĩ là dư luận đã từng đánh đổ các nhà chính khách và dư luận cũng đã từng cứu nhiều nhà chính khách… Thế thì tôi nghĩ là nếu dư luận khách quan nhất thì cũng nên… anh nghiên cứu kỹ trong vũ đài chính trị. Tôi nghĩ thế. Có lẽ là điều ấy anh đã là một phóng viên ở đài, chắc chắn là anh quá hiểu điều này, thế còn xu huớng của anh thì điều ấy chúng tôi không thể bắt anh, không thể gợi ý và cũng không thể là… nói như thế nào nhỉ,… cũng không thể cấm anh được. Nói từ cấm nó quá khó đúng không ạ? Nó cũng thái quá. Tóm lại, thôi thì cũng cảm ơn anh quan tâm...

Quý vị vừa nghe ông Nguyễn Trường Tô trả lời về những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
Trở lại với “Đơn kêu cứu” của hai nữ sinh, trong đó có liệt kê tên, chức vụ, số điện thoại của hàng chục cán bộ, doanh nhân, kể cả chủ tịch tỉnh Hà Giang, luật sư Trần Đình Triển - người tình nguyện bảo vệ hai nữ sinh này nhận định: “Danh sách này không phải bây giờ các cháu mới khai nhưng trong hồ sơ vụ án không có và khi hỏi các cháu thì các cháu đã khai rồi nhưng mà bản cung cũ bị cất giấu đi và làm lại. Đưa giấy trắng cho các cháu, bắt các cháu ký vào rồi về viết lại những bản khai cho nên không còn những nhân vật đó nữa.
Khi biết chuyện như vậy thì các cháu mới làm văn bản đó gửi. Tôi bảo vệ cháu Thúy thì cháu Thúy viết cho tôi. Còn đối với cháu Hằng thì lúc đó luật sư Tú có bản viết của cháu Hằng. Thứ hai nữa là tại phiên tòa thì thẩm vấn các cháu nói vanh vách, đi như thế nào, lên gặp các bác như thế nào, điện thoại thế nào là các cháu còn nhớ hết cả mà.
Tôi cho rằng nếu nói về mặt chứng cứ thì đã là đủ. Lời khai của các cháu phù hợp với những tình tiết khách quan. Hai nữa là các cháu đang bị giam giữ trong đó và các cháu không được gặp lại nhau. Lời khai của các cháu rất trùng với nhau. Điều đó là điều khẳng định chứ không thể nói rằng là không có căn cứ được.”

Theo dòng thời sự:
Đạo đức suy đồi hay thủ đoạn chính trị? (Phần 1)
“Thống nhất” tạo oan sai (Phần 1)
“Thống nhất” tạo oan sai (Phần 2)
Bức tranh xã hội Việt Nam - Mảng tối và Nỗi ưu tư
Nhân thân tốt có thể thay công lý? (phần 1)
Nhân thân tốt có thể thay công lý? (phần 2)

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: