Thursday, February 4, 2010

5 NGUY CƠ CHÍNH TRỊ CẦN THEO DÕI TẠI VIỆT NAM

Năm nguy cơ chính trị cần theo dõi tại Việt Nam
John Ruwitch
02/02/2010 - 17:07
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/n%C4%83m-nguy-c%C6%A1-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-c%E1%BA%A7n-theo-d%C3%B5i-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam
Những rủi ro chính yếu tại Việt Nam có thể gồm 5 điều: chính sách tỷ giá hối đoái, tình trạng tham nhũng, hiệu quả của bộ máy chính quyền, bất ổn xã hội, môi sinh.

Mặc dù Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu một cách tương đối tốt, thế nhưng đối với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam vẫn bị xem như quốc gia có môi trường đầu tư nhiều rủi ro và tương đối u ám.
Theo Thomson Reuters Emerging Asia Index (Chỉ số đánh giá Thomson Reuters về các nền kinh tế đang nổi lên tại Châu Á), các sản phẩm hoán đổi rủi ro tín dụng thời hạn 5 năm tại Việt Nam đang được giao dịch ở mức 242,5 điểm. Trong khi đó chỉ số trung bình dành cho các nền kinh tế đang nổi lên tại Châu Á là 134,4 điểm. Theo bảng đánh giá này, Việt Nam là nước có có môi trường đầu tư nhiều rủi ro đứng hàng thứ nhì ở Châu Á, chỉ sau Pakistan.

Những rủi ro chính yếu tại Việt Nam có thể được xét tới gồm:

Chính sách tỉ giá hối đoái
Chính sách tỷ giá hối đoái cố định của Việt Nam thường khiến nền kinh tế nước này chịu nhiều áp lực. Tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm giá Việt Nam đồng, đây cũng là lần thứ ba kể từ đầu năm 2008 điều này được thực hiện nhằm giảm áp lực đè nặng lên hệ thống tiền tệ. Sau đó ngân hàng nhà nước cho hay sẵn sàng can thiệp “trên quy mô lớn” để ổn định đồng bạc Việt Nam. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế cho hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không đủ sức để tiếp tục can thiệp như vậy.
Tình trạng suy yếu nghiêm trọng của Việt Nam đồng và việc người dân cho rằng tiền Việt Nam sẽ còn suy yếu hơn nữa sẽ khiến họ chuyển sang tích trữ đô la Mỹ. Việc này sẽ lại càng làm cho đồng tiền Việt Nam suy yếu thêm. Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm giá trị tiền Việt Nam đồng, chính phủ ép buộc các tổng công ty, các công ty xuất khẩu quốc doanh lớn bán ra đồng đô la đồng thời tìm cách thuyết phục các ngân hàng quốc doanh bảo đảm mức cung đô la đáp ứng đủ mức cầu. Ngoài ra chính phủ Việt Nam cũng tái cam kết sẽ trừng phạt những cá nhân buôn bán ngoại tệ trái phép. Tuy nhiên, hành động hạ giá trị đồng bạc Việt Nam tháng 11 năm ngoái đã khiến Việt Nam mất uy tín và sau đó chính phủ đã phải nhiều lần tuyên bố không hạ giá đồng bạc nữa.
Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam đồng vẫn còn được đánh giá cao hơn giá trị thực có và những vấn đề cơ bản của đồng tiền này vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, nguy cơ mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế đang giảm xuống. Khi tình hình kinh tế thay đổi, nguồn ngoại tệ có lẽ sẽ đổ vào Việt Nam và Việt Nam đồng theo đó sẽ được tăng giá trị.
Những điểm cần theo dõi:
Người ta sẽ theo dõi thị trường để xem liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thực hiện cam kết hỗ trợ đồng bạc bằng các hành động có hiệu quả hay không. Việc Việt Nam hạ giá đồng bạc hồi tháng Mười Một đã khiến uy tín của Việt Nam suy giảm và cần phải mất một thời gian nữa mới có thể phục hồi. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng đồng bạc Việt Nam sẽ suy yếu một cách từ từ trong năm 2010.
Một tiêu chuẩn chính để đo áp lực đối với đồng bạc Việt Nam là xem xét khoảng cách của tỉ giá giữa đồng tiền Việt với đồng đô la Mỹ trên thị trường chợ đen với tỉ giá trao đổi liên ngân hàng

Tình trạng tham nhũng
Tham nhũng là tình trạng phổ biến ở mọi cấp chính quyền ở Việt Nam và là rào cản quan trọng ngăn cản công cuộc đầu tư nước ngoài. Chính quyền Việt Nam đã đề ra nhiều kế hoạch phòng chống tham nhũng đồng thời khuyến khích giới truyền thông hỗ trợ để phát hiện tệ nạn này. Tuy nhiên, nỗ lực chống tham nhũng do chính quyền phát động đã tan biến sau khi nhiều phóng viên bị bắt vì viết về những vụ tai tiếng lớn. Chuyển biến trong vấn đề phòng chống tham nhũng vẫn sẽ là một yếu tố quyết định việc thu hút giới đầu tư trongdài hạn.
Những điểm cần theo dõi:
Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng tham nhũng. Việc tăng hay giảm đáng kể trong bảng xếp hạng tham nhũng sẽ ảnh hưởng tới vấn đề đầu tư xét về lâu dài. Trong bảng Chỉ tiêu Xếp hạng Tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế hồi năm 2009, thứ hạng về tình trạng tham nhũng của Việt Nam không thay đổi so với năm 2008, Việt Nam vẫn đứng thứ 120 trong số 180 quốc gia.

Hiệu qủa hoạt động của bộ máy chính quyền
Tình trạng tham nhũng, sự thiếu trách nhiệm và thiếu minh bạch cùng nền hành chính quan liêu đều có tác động xấu tới tính hiệu quả của bộ máy chính quyền. Các quyền lợi cố hữu và những thành phần bảo thủ trong chính phủ vốn quan tâm nhiều hơn tới vấn đề an ninh có thể gây ảnh hưởng tới công cuộc cải cách kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp quốc doanh hoạt động kém hiệu quả.
Các nhà phân tích chính trị cho hay vào năm tới, các vấn đề chính sách có thể bị đóng băng hoặc ít nhất xoay theo chiều hướng bảo thủ trong bối cảnh các phe phái đang tranh giành vị trí trước kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 sẽ khai mạc vào đầu năm 2011. Các thay đổi quan trọng trong thành phần lãnh đạo và chính sách thường diễn ra tại đại hội được triệu tập 5 năm một lần này.
Những điểm cần theo dõi:
Trong lúc gói kích cầu của chính phủ đã giúp thúc đẩy nền kinh tế, vẫn còn đó những câu hỏi về hướng giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách cũng như kiềm chế lạm phát và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân. Hà Nội đã đề ra kế hoạch giảm các thủ tục hành chính. Các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ đặc biệt theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch này. Họ thường cho rằng chất lượng cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những trở ngại lớn của Việt Nam. Vì vậy, khả năng của chính phủ trong việc phối hợp hoạt động nhanh chóng để đạt được sự phát triển hiệu quả trong lĩnh vực này là một vấn đề quan trọng.

Tình trạng bất ổn xã hội
Tại Việt Nam trong những năm gần đây những cuộc đình công, biểu tình và tranh chấp đất đai xảy ra ngày càng nhiều đã gây ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng xáo trộn đã bùng lên tại các vùng nông thôn có liên quan tới việc nhà nước sung công đất đai và tình trạng tham nhũng của các quan chức địa phương. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy phạm vi của tình trạng bất ổn trên hoặc liệu có nguy cơ thách thức chế độ nào sắp xảy ra nảy sinh từ vấn đề này hay không.
Những điểm cần theo dõi:
Bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy một phong trào phản kháng toàn quốc xuất phát từ những cuộc tranh chấp có tính địa phương cũng cần được theo dõi chặt chẽ. Cho tới lúc nay, điều này có vẻ như không xảy ra.
Vai trò của Giáo hội Công giáo: các giáo dân hiện đang tham gia những cuộc biểu tình về vấn đề đất đai của Giáo hội bị nhà nước sung công từ năm 1954 tới nay. Giáo hội Công giáo Việt Nam, vốn vẫn chính thức tránh xa các vấn đề chính trị, hiện có từ 6 tới 7 triệu tín đồ và là một giáo hội có tổ chức rất chặt chẽ.
Cuộc tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Đông. Tại Việt Nam, đây là vấn đề nhạy cảm vì rất nhiều người quan ngại ý đồ của Trung Quốc. Bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với các đảo đang tranh chấp trong vùng Biển Đông, hoặc các phản ứng yếu ớt của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề Biển Đông đều có thể tạo ra những cuộc biểu tình rộng khắp ngay lập tức.

Môi sinh
Theo Nghị định thư Kyoto, Việt Nam có tiềm năng to lớn như là một nguồn có thể trao đổi với các nước khác trong vấn đề khí carbon. Tuy nhiên, vấn đề kỹ năng chuyên môn, tính minh bạch và tài chính đã ngăn trở tiến bộ trong vấn đề này. Cũng như ở Trung Quốc, các vấn đề môi sinh tại Việt Nam có thể khiến tình trạng bất ổn xã hội ngày càng lan rộng. Với đường bờ biển rất dài, Việt Nam được đánh giá là nằm trong số những nước bị ảnh hưởng trầm trọng nhất nếu mặt nước biển dâng cao, đặc biệt trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là vựa lúa của Việt Nam.
Những điểm cần theo dõi:
Mức độ hành động của chính quyền nhằm hạn chế sự thiệt hại môi sinh do kinh tế phát triển.
Những bằng chứng cho thấy do kết quả của tình trạng khí hậu thay đổi, vấn đề thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới Việt Nam đang trở nên thường xuyên hơn.


No comments: