Saturday, January 16, 2010

VIỆT NAM MỞ CỬA CĂN CỨ TÀU NGẦM

Việt Nam mở cửa căn cứ tàu ngầm
BBC
Cập nhật: 05:59 GMT - thứ bảy, 16 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100116_vn_submarines_base.shtml
Phái viên báo Tuổi Trẻ vừa được thăm quan căn cứ của đơn vị tàu ngầm duy nhất tại Việt Nam.
Đóng tại Cam Ranh, đoàn M96 hải quân ra đời 14 năm trước đây, và mới chỉ "hé cửa" cho “một vài nhà báo” đầu tiên tới thăm trong những ngày gần đây.
Bài viết trên Tuổi Trẻ ra ngày 16/1 kể về chuyến thăm đơn vị hải quân thuộc hàng “bí mật quân sự” cao nhất tại Việt Nam.
Theo bài viết của tác giả Thái Bình, trong chuyến thăm căn cứ tàu ngầm, từng là quân cảng của hải quân Liên Xô (cũ) trước đây, phái viên trong nước chỉ được phép quan sát và không được chụp hình.
“Lúc chúng tôi đến, một trong những chiếc tàu ngầm của đơn vị vừa ngoi lên và cập vào cầu cảng. “Chỉ quan sát thôi, không chụp ảnh nhé!”, thiếu tá - chủ nhiệm chính trị Dương Xuân Khang lệnh rõ ràng,” tờ Tuổi Trẻ viết.
Miêu tả của phái viên Tuổi Trẻ cho thấy chiếc tàu ngầm nhà báo được phép đến thăm thuộc loại nhỏ, vì “chỉ cần thả người xuống và sải hai buớc là đặt chân xuống sàn tàu.”
Bài viết của báo trong nước không nhắc đến tên của tàu ngầm, thuộc lớp gì, hạ thủy từ năm nào, do nước nào đóng. Ngoài việc miêu tả: “trên vách khoang tàu chật chội này, bố trí dày đặc các loại thiết bị chuyên dùng với nhiều màn hình, nút bấm, nút vặn.”
Có một chi tiết trong bài viết khiến người đọc suy tưởng chiếc tàu ngầm Việt Nam đang sử dụng chạy bằng ắc quy.
“Máy nổ sẽ tích điện cho cả trăm bình ăcquy cỡ lớn và đó là nguồn năng lượng cho tàu khi hoạt động ngầm,
“Khoang máy có lẽ chiếm không gian rộng nhất trên tàu.”

Đời sống dưới nước
Không nói nhiều đến đặc tính kỹ thuật của chiếc tàu ngầm tham quan, bài báo sau đó chuyển sang viết về cuộc sống của thủy thủ hoạt động dưới đại dương.
Đoàn trưởng đoàn M96, đại tá Lê Mạnh Hùng cho phái viên hay, ban ngày tàu hay lặn dưới nước, đến đêm mới nổi lên.
“Thủy thủ tàu nổi có khi còn cảm xúc lãng mạn giữa biển trời bao la, chứ anh em tàu ngầm làm gì có, ” báo Tuổi Trẻ trích lời ông Hùng.
Sau đó phái viên viết về những ngày đầu của đơn vị tàu ngầm Việt Nam.
Đó là đến năm 1997 Việt Nam mới bắt đầu “tiếp nhận” những chiếc tàu ngầm đầu tiên từ một “nước bạn.”
Tờ báo không nói đến tên của “nước bạn” này, tuy viết thêm ông Lê Mạnh Hùng, đại tá, đoàn trưởng M96 là người học ở Liên Xô về.
Và ông Hùng được Tuổi Trẻ trích lời nói như sau: “Thủy thủ tàu ngầm là công việc đặc biệt nguy hiểm không chỉ khi xảy ra chiến tranh mà ngay cả trong thời bình. Chỉ cần một thiết bị hỏng hóc là có thể cả êkip phải nằm lại dưới đáy biển”.
Còn thuyền trưởng chiếc tàu mở khoang đón nhà báo vào thăm, thiếu tá Nguyễn Minh Hòa nói: “Lực lượng tàu ngầm rồi đây sẽ là quả đấm thép trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Gọi lính tàu ngầm là “lực lượng tinh nhuệ được sàng lọc kỹ,” tờ báo trong nước kể về tiêu chuẩn nhập ngũ, như “phải có sức khỏe tốt, cỡ phi công chiến đấu,” cạnh đó còn là “chịu được áp lực lặn sâu 50m.”
Có lúc chỉ huy căn cứ giới thiệu về đơn vị được gọi là “đặc công tàu ngầm” thuộc đoàn M96, tuy nhiên phái viên trong nước đã không được phép tiếp xúc.
Tiêu chuẩn chọn lựa những người này rất kỹ, tờ báo viết, vì “trong cả ngàn chiến sĩ chỉ chọn được 1-2 người.”
Một chỉ huy cho phái viên Tuổi Trẻ hay:
“Trước đây do yêu cầu giữ bí mật quân sự, đơn vị không được phép giao lưu kết nghĩa, anh em ra ngoài không được xưng là người của đơn vị tàu ngầm.”

Sắm vũ khí mới
Việt Nam đang có chương trình hiện đại hóa quân đội, theo báo trong nước, để bảo vệ biên giới và chủ quyền biển đảo tốt hơn.
Trong chuyến thăm Nga tháng 12 năm 2009, thủ tướng Việt Nam đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, với phí tổn gần 2 tỷ đôla.
Ngoài tàu ngầm và khóa huấn luyện cho thủy thủ đoàn, hợp đồng còn bao gồm việc xây mới cơ sở trên bờ để phục vụ tàu.
Nhà máy đóng tàu Admiralteiskiye Verfi tại St Petersburg sẽ thực hiện hợp đồng, với mục tiêu mỗi năm giao hàng cho Việt Nam một chiếc.
Cũng có tin Việt Nam đặt hàng thêm tàu tuần tra hạng Svetlyak và tàu hộ tống cho hải quân.
Tàu ngầm hạng Kilo, dùng cả dầu diesel và điện năng, được cho là loại tàu ngầm ít tiếng ồn nhất thế giới.
Tàu ngầm dạng này có thể dùng để chống tàu ngầm, cũng như tàu chiến thông thường, kể cả trong vùng biển tương đối nông.
Tàu loại Kilo trang bị hệ thống hỏa tiễn Club-S rất hiện đại.
Được biết hiện Trung Quốc có 12 tàu dạng này.
Hợp đồng mua tàu ngầm của Nga chắc chắn là tín hiệu rõ ràng cho các nước đang tham gia tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở khu vực Biển Đông.
Việt Nam luôn bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực này và khẳng định muốn giải quyết một cách hòa bình, thông qua thương lượng.



Đi thăm chiến sĩ tàu ngầm VN
Thứ Bảy, 16/01/2010, 15:48 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=358793&ChannelID=3
TT - Doanh trại trên đất liền của đoàn M96 hải quân - đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - ra đời từ 14 năm trước, nhưng đến hôm nay mới “hé cửa” cho chúng tôi vào tác nghiệp. Phóng viên Tuổi Trẻ may mắn là một trong vài nhà báo đầu tiên được đi thăm các chiến sĩ tàu ngầm Việt Nam.

Một đoàn công tác quân đội đến tham quan tàu ngầm tại cầu cảng của đoàn M96 hải quân - Ảnh: T.B.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=390553

Những chiếc tàu ngầm bảo vệ lãnh hải Việt Nam là có thật. Những con tàu đen trũi do chính các chiến sĩ được sàng lọc kỹ nhất điều khiển. Phóng viên Tuổi Trẻ đã vinh dự được đi thăm căn cứ tàu ngầm Việt Nam...
Doanh trại trên đất liền của Đoàn M96 hải quân - đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - hiện đóng tại căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa). Ra đời từ 14 năm trước, nhưng vì “bí mật quân sự” nên mãi đến gần đây đơn vị này mới “hé cửa” cho chúng tôi vào tác nghiệp.

“Nếm mùi” tàu ngầm
Lúc chúng tôi đến, một trong những chiếc tàu ngầm của đơn vị vừa ngoi lên và cập vào cầu cảng. “Chỉ quan sát thôi, không chụp ảnh nhé!”, thiếu tá - chủ nhiệm chính trị Dương Xuân Khang lệnh rõ ràng.
Làm theo thao tác của thượng úy - máy trưởng Vũ Ngọc Vinh, từ nắp tàu ngầm tôi thả người theo phương thẳng đứng, sải hai bước thì đặt chân xuống sàn tàu. Tiếp theo, tôi lồm cồm chui vào khoang điều khiển. Trên vách khoang tàu chật chội này bố trí dày đặc các loại thiết bị chuyên dùng với nhiều màn hình, nút bấm, nút vặn. “Đừng chạm vào!” - thượng úy Vinh nhắc nhở.
Ngồi vài phút ở khoang điều khiển, tôi cảm nhận cơ thể mình hơi khang khác. Theo máy trưởng Vinh, đó là do tôi chưa quen với môi trường thiếu dưỡng khí bên trong tàu ngầm. “Tàu lặn xuống biển, nắp đóng lại kín mít, khi đó ngồi trong này chắc xỉu luôn” - tôi thầm nghĩ bụng. Chính vì vậy, theo lời thượng úy Vinh, mọi tàu ngầm sau một thời gian hoạt động buộc phải ngoi lên mặt nước để “thở”, nếu không thì phải xả dần lượng khí nén dự trữ để giải quyết tình trạng thiếu dưỡng khí.
Từ khoang điều khiển, chỉ cần chui qua một vách ngăn nữa là đến khoang máy. Khoang máy có lẽ chiếm không gian rộng nhất trên tàu. Máy nổ sẽ tích điện cho cả trăm bình ăcquy cỡ lớn và đó là nguồn năng lượng cho tàu khi hoạt động ngầm.
Ở dưới mặt biển, các chiến sĩ tàu ngầm sẽ qua bữa với thức ăn khô. Ban nãy, khi trao đổi với chúng tôi, đại tá - đoàn trưởng Lê Mạnh Hùng gọi các đồng đội tàu ngầm của mình là “những người không thấy ánh sáng mặt trời”. Ngày, họ lặn sâu xuống biển, đến lúc tàu nổi lên thì chỉ thấy bóng đêm. “Thủy thủ tàu nổi có khi còn cảm xúc lãng mạn giữa biển trời bao la, chứ anh em tàu ngầm làm gì có” - đại tá Hùng tâm sự.

Ngàn người, chọn được một, hai
Chính xác thì Đoàn M96 hải quân được thành lập vào ngày 2-8-1996, nhưng gần một năm sau mới tiếp nhận những chiếc tàu ngầm đầu tiên từ một nước bạn. Lúc bấy giờ, vì thời gian gấp rút nên tài liệu tiếng nước ngoài được biên dịch tới đâu liền được biên soạn thành giáo trình huấn luyện cho từng chuyên ngành (cơ điện, hàng hải, vũ khí...) và đem ra sử dụng ngay.
Nhờ các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thực hành, chỉ trong bốn tháng cán bộ chiến sĩ Đoàn M96 hải quân đã làm chủ hoàn toàn các trang thiết bị, thành thạo kỹ năng phối hợp tác chiến và bước đầu thực hành cứu hộ tàu ngầm. “Đó là chiến công đầu tiên và rất quan trọng” - đại tá Lê Mạnh Hùng nhận định.
Đại tá Hùng là một trong số những người tham gia xây dựng đơn vị từ những ngày đầu thành lập. Được đào tạo bài bản về tàu ngầm ở Liên Xô (cũ), nhưng mãi gần 10 năm sau người lính này mới có cơ hội thực hành khối kiến thức đã học từ nước bạn. Dành hết tâm sức xây dựng đơn vị nên ông vắng nhà suốt, thậm chí đến tết còn “điều động” vợ con vào doanh trại đón giao thừa, vui xuân cùng bộ đội. Ông tâm sự: “Thủy thủ tàu ngầm là công việc đặc biệt nguy hiểm không chỉ khi xảy ra chiến tranh mà ngay cả trong thời bình. Chỉ cần một thiết bị hỏng hóc là có thể cả êkip phải nằm lại dưới đáy biển”.
Bởi thế, đây là lực lượng tinh nhuệ được sàng lọc kỹ. Theo thiếu tá - thuyền trưởng Nguyễn Minh Hòa, muốn được chọn vào đơn vị tàu ngầm phải có sức khỏe tốt cỡ phi công chiến đấu, ngoài ra còn chịu được áp lực lặn sâu 50m trở lên. “Thật ra đây là một vinh dự, bởi lực lượng tàu ngầm rồi đây sẽ là quả đấm thép trong bảo vệ chủ quyền biển đảo” - thiếu tá Hòa tự hào.
Tài liệu truyền thống của Đoàn M96 hải quân ghi chép rất rõ: ngay từ những ngày đầu thành lập, đơn vị này còn chú trọng phát triển một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, đó là đặc công tàu ngầm. Theo thiếu tá Dương Xuân Khang, chiến sĩ được chọn vào lực lượng đặc công tàu ngầm phải hội đủ nhiều tố chất đặc biệt: giỏi chịu đựng sóng gió, bơi hơn 10km trên biển, dũng cảm, thông minh, nhanh nhẹn... nên trong cả ngàn chiến sĩ thường chỉ chọn được 1-2 người.
Thế nhưng, khi tôi đề nghị được tiếp cận trò chuyện với lực lượng này thì thiếu tá Khang lắc đầu quầy quậy: “Chưa được, chưa được, anh thông cảm!”. Thậm chí như tiết lộ của thiếu tá Khang: “Trước đây do yêu cầu giữ bí mật quân sự, đơn vị không được phép giao lưu kết nghĩa, anh em ra ngoài không được xưng là người của đơn vị tàu ngầm”.

Đời “lính lặn” xa nhà

Làm lính tàu ngầm, các sĩ quan và chiến sĩ đều chấp nhận nhiều hi sinh và thiệt thòi. Thiếu tá - thuyền trưởng Nguyễn Minh Hòa và thượng úy - thuyền phó Hoàng Văn Đồng cứ biền biệt xa nhà. Nơi đóng quân chỉ cách tổ ấm khoảng 60km, nhưng thường phải 2-3 tuần thiếu tá Hòa mới được một lần về với vợ con.
Biết “tội” của mình, mỗi lần về nhà anh luôn dành gần hết thời gian cho gia đình, xắn tay làm hết mọi việc, từ sửa sang nhà cửa đến giặt đồ, lau nhà, rửa chén, dạy con học... Cưới vợ cũng là giáo viên như thiếu tá Hòa, nhưng tổ ấm của thượng úy Đồng xa tận tỉnh Quảng Bình, mỗi năm đến hè anh lại về quê một tháng, sau đó tiếp tục sống cảnh “vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ”.
Xa nhà, người lính có nhiều “chiêu” để duy trì bóng dáng của mình nơi tổ ấm như viết thư động viên, tặng quà sinh nhật qua đường bưu điện, ghi lại các “quy định” trong gia đình, dặn con tích lũy thành tích chờ bố “nhà binh” về thưởng... Các chiến sĩ tàu ngầm cho biết ai cũng từng đôi lần khó xử khi vợ con đau ốm, khi vợ nhọc nhằn thao thức chờ đợi bờ vai đàn ông để nương tựa, sẻ chia... Dẫu vậy, theo thượng úy Đồng, đến nay trong đơn vị tàu ngầm chưa xảy ra trường hợp vợ chồng ly dị nào cả.
Theo thiếu tá Hòa, người lính tàu ngầm chấp nhận cảnh xa nhà bởi đó cũng là “duyên phận”.
Còn theo thượng úy Vinh, êkip tác chiến trên tàu ngầm là một đội hình cùng sống cùng chết nên đồng đội yêu thương nhau như chính bản thân mình. “Nhớ nhà quắt queo, nhưng về nhà mấy hôm lại nhớ đồng đội da diết” - thượng úy Đồng bộc bạch.


THÁI BÌNH


No comments: