Monday, January 4, 2010

VIỆT NAM LÀM GÌ KHI LÃNH ĐẠO ASEAN ?

VN làm gì khi lãnh đạo Asean?
BBC
Cập nhật: 11:22 GMT - thứ hai, 4 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100104_vietnam_asean2010.shtml
Việt Nam bắt đầu làm chủ tịch luân phiên của Asean cho cả năm 2010 trong lúc hiệp định thương mại của khối với Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, đặt ra câu hỏi về quan hệ với Bắc Kinh.
Tỷ giá đồng nhân dân tệ hiện bị cho là có lợi cho Trung Quốc thách thức Asean, dù Việt Nam sẽ không đóng vai tr̀o chính tại đây vì nằm ngoài nhóm áp dụng hiệp định tự do thương mại CAFTA với Trung Quốc.
Quan hệ đang chuyển biến của Hoa Kỳ với Miến Điện cũng là điểm Việt Nam có thể đóng một vai trò, theo bình luận của các chuyên gia.

Sức ép từ phía Bắc

Dù được ca ngợi là có chuẩn bị tốt cho vai trò chủ tịch, Việt Nam vẫn nằm ngoài Khu vực Tự do Mậu dịch Trung Quốc- Asean (CAFTA) từ năm nay và vẫn đang chuẩn bị để cùng Lào, Campuchia, Miến Điện vào CAFTA từ 2015.
Dù vậy, ở vị trí chủ tịch Asean, Việt Nam sẽ phải nhìn nhận các yêu cầu từ chính những nước phát triển hơn là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines đã áp dụng CAFTA với Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã trích số liệu của Trung Quốc thì trao đổi thương mại với Asean của Trung Quốc tăng từ 105.88 tỉ USD năm 2004 lên 231.07 tỉ năm 2008.
Nhưng theo một số nhà bình luận thì tỉ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vốn bị cho là yếu và đang “gây hại cho Asean”.
Boo Chanco trên The Philippine Star trong tháng 12 cho rằng Asean hoan nghênh chính sách tiền tệ của Trung Quốc với đồng nhân dân tệ vào 10 năm trước.
Nhưng nay, theo ông, sau khi nhiều nền kinh tế Asean đã phá giá đồng tiền của mình thì tỉ giá tiền của Trung Quốc đang khiến xuất khẩu của các nước láng giềng Asean bị thiệt.
Theo cây bút này, vấn đề là ở chỗ Trung Quốc vẫn tự nhìn mình như một nước đang phát triển nên cần được hưởng các ưu tiên như thế, dù rằng trên thực tế Trung Quốc đang vươn lên thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, vượt cả Nhật Bản, và chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Bài của nhà báo Philippine cũng nhắc Việt Nam đã vừa phá giá đồng tiền của mình để cạnh tranh với Trung Quốc.
Các nhà sản xuất Thái Lan và Philippines cũng đang phàn nàn rằng hàng Trung Quốc quá rẻ nên họ không thể cạnh tranh được.
Tuy thế, câu hỏi là Việt Nam trong cương vị chủ tịch Asean có đủ dũng cảm đưa ra vấn đề tỉ giá tiền tệ trong vùng để giải quyết chuyện hàng rẻ từ Trung Quốc hay không.
Các phát biểu đầu năm 2010 của lãnh đạo Việt Nam không thấy nói gì đến chủ đề này ngoài những cam kết thực hiện nghị trình ‘Biến viễn kiến thành Hành động’ (from Vision to Action).
Trước mắt, nói một cách ngoại giao, các nước Asean bày tỏ sự hài lòng với vai trò của Việt Nam.
Tổng thư ký Asean, ông Surin Pitsuwan nói với báo Jakarta Post hôm thứ Sáu tuần qua về Việt Nam như sau:
"Nước tân chủ tịch đã có một danh sách rõ ràng các ưu tiên và nghị trình hữu ích, làm định hướng về sự ủng hộ và đưa vào thực tiễn cho các nước thành viên Asean, cho Ban Thư ký và các bên thứ ba.”

Ai học của ai?
Bản Lộ trình (Roadmap) cho Asean năm 2010 mà Việt Nam muốn thực hiện nhắm vào việc tăng cường hợp tác nội bộ.
Đây chắc chắn là một thách thức không nhỏ vì sự khác biệt còn rất lớn trong trình độ phát triển kinh tế và nhận thức chính trị của các nước thành viên.
Trên báo Việt Nam gần đây có bài của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê của Liên hiệp quốc mô tả kinh nghiệm làm việc tại nhiều nước Asean.
Ông viết:
“Cái khó hiện nay là có những nước rất giàu, hoặc có lực tài chính lớn vì đông dân; có nước lại rất nghèo và ít dân, khó có thể tham gia toàn bộ các cuộc họp, hay các hoạt động nhằm gắn bó các hoạt động của nhóm nước này.
"ASEAN hiện nay vẫn chưa có hình thức tổ chức quỹ chung để tài trợ hoạt động của những nước thiếu khả năng tài chính, và một lý do nữa cũng không kém quan trọng là ngay cái nhìn gắn bó mang tính chiến lược giữa các nước ASEAN cũng chưa có.”
Điều đáng chú ý, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, là sự khác biệt thấy rõ ngay cả trong trình độ của Lào và Việt Nam.
“Quan chức Lào ở trung ương hơn hẳn Việt Nam là họ nói tiếng Anh rất tốt. Tôi làm việc với Cục Thống kê Lào bằng tiếng Anh mà không cần thông dịch. Buổi thuyết trình ở Bộ Kinh tế Kế hoạch cũng không cần thông dịch.”
Đó là chưa kể Lào có ỵ́ thức bảo vệ mô trường như tại Luang Prabang tốt hơn Việt Nam.

'Cải hóa' Miến Điện
Về tự do truyền thông, hiện Việt Nam bị coi là kém nhiều nước trong Asean.
Trả lời BBC trong năm 2009, ông Roby Alampay, Chủ tịch Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), đại diện giới ký giả tại ba nước, Thái Lan, Phlippines và Indonesia từng quan ngại về việc Việt Nam xử các nhân vật bất đồng chính kiến:
"Trong lúc cộng đồng Asean đang tìm cách xây dựng uy tín và lực đẩy cho việc hình thành một Ủy hội Nhân quyền Asean, và nếu như chủ tịch khối Asean khi ấy không tôn trọng quyền công dân của họ trước tòa, đâu sẽ là cơ hội cho Ủy hội nhân quyền Asean bảo vệ quyền con người trong khối?"
Với tình hình đó, Việt Nam có ưu thế gì trong việc lãnh đạo Asean?
Kinh nghiệm ngoại giao đa phương vượt ra ngoài khu vực xem ra đang được nhắc đến trong trường hợp Việt Nam.
Báo Ấn Độ đầu năm cho rằng Việt Nam trong vai trò chủ tịch Asean sẽ cố gắng đưa vào thực hiện Hiệp định Tự do hóa thương mại giữa Ấn Độ và Asean, trị giá 2,13 tỉ USD, ngay trong quý I năm 2010.
Sự khác biệt về phát triển chính trị trong Asean lộ rõ nhất khi nhìn vào Miến Điện, nước do một tập đoàn các tướng lĩnh lãnh đạo một cách độc đoán.
Có vẻ như kinh nghiệm tiến lại gần Hoa Kỳ và Phương Tây của Hà Nội sẽ giúp Việt Nam đóng một vai trò trong quá trình “cải hóa” Miến Điện.
Vẫn theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt thì “Ở vị thế chủ tịch ASEAN năm 2010, việc giúp Myanmar và Mỹ đạt tới những hiểu biết để hai bên từ bỏ chính sách đối nghịch sẽ làm tăng vai trò của Việt Nam trong việc xây dựng uy thế cho ASEAN. Và tất nhiên là lợi ích mang đến cho Việt Nam không phải là nhỏ.”
Tóm lại, trong một năm làm chủ tịch Asean, Việt Nam sẽ còn phải học nhiều từ chính các nước trong khối từ cách quản trị kinh tế, thông thoáng báo chí, nhân quyền trong khi có thể đưa ra ví dụ về việc tự chuyển đổi và xây đắp các quan hệ đa phương hơn cho Asean.


No comments: