Wednesday, January 6, 2010

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ cùng với HIỆN ĐẠI HOÁ QUỐC PHÒNG (Phần 2)

Việt Nam cần làm gì cùng với hiện đại hoá quốc phòng? (phần 2)
Việt Long, Biên tập viên đài RFA
2010-01-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/What-Vietnam-would-do-along-with-defense-modernisation-to-confront-China-part2-01062010151809.html
Những ý kiến của người Việt trong và ngoài nước gửi đến đài chúng tôi đều tỏ ra náo nức hăng hái trước vịệc Việt Nam hiên đại hoá quân sự, hầu hết đòi ra trận sống còn với quân Trung Quốc một khi người dân Việt phải cầm súng chống quân xâm lựơc.
Bối cảnh được nêu ra trong bài trước là tương quan lực lượng quân sự giữa Việt Nam với Trung Quốc quá chênh lệch khi Việt Nam không thể chạy đua vũ trang với Trung Quốc; những ưu thế về chiến lược của Bắc Việt trong thế kỷ trước đối với miền Nam nay lại trở thành lợi thế của kẻ cường địch phương Bắc; Việt Nam không còn hậu phương lớn nào để dựa vào mà tiến hành chiến tranh giữ nước.
Câu hỏi được đặt ra nơi đây là quân đội Việt Nam, với thành tích chiến tranh trong thế kỷ qua, cùng với lòng yêu nước của toàn dân Việt liệu có thể bảo vệ tổ quốc hay không, khi giả định một cụôc chiến xảy ra? Việt Nam còn phải làm gì thêm nữa?

Cuộc chiến không cân bằng

Mới tháng trước, tướng Từ Quang-vũ của Trung Quốc nói với báo South China Morning Post rằng việc hiện đại hoá quân sự của Việt Nam không ngoài dự kiến của Trung Quốc. Việt Nam có bờ biển dài, nên phải tăng cường hải quân, Việt Nam gấp rút làm điều đó là điều dễ hiểu, sự cạnh tranh về quân sự là không thể tránh, và vịêc này chẳng đáng thổi phồng lên; hải quân Trung Quốc cũng đang nhanh chóng hiện đại hoá, Trung Quốc không hề cảm thấy bị các nước láng giềng đe doạ.
Trong giả định xảy ra chiến tranh, một khi Bắc Kinh nhất quyết tung ra cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam, những quân đoàn Trung Quốc sẽ tràn qua biên giới như nước vỡ bờ, nhắm tới Thăng Long như trong thời nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê bên nước Việt. Cùng lúc, Tây nguyên liền trở thành căn cứ tiếp nhận từng sư đoàn không vận của Trung Quốc, như họ mới thao dượt trong cuộc tập trận đại quy mô hồi năm ngoái trong nội địa Trung Hoa, được mô tả là thực tập chuyển quân xa để phòng thủ lãnh thổ.
Toa Đô đổ quân vào Chiêm Thành để đánh ngược về Thăng Long, thì lần này những điểm chiến lược trên duyên hải từ bắc Trung bộ cho tới nam Trung Bộ có thể bị tràn ngập thuỷ quân đổ bộ đến từ phương bắc, dưới sự yểm trợ hỏa lực của không quân Trung Quốc và hằng trăm chiến hạm mà lực lượng hải quân Việt Nam, với những tàu ngầm và máy bay hiện đại nhất, cũng khó lòng ngăn chống. Việt Nam lập tức rơi vào tình thế tuyệt vọng gấp bội so với Việt Nam Cộng Hoà trong năm 1975. Không thể có thời cơ cho những trận Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Chi lăng.
Trong tình thế như vậy, tuy rằng ai cũng hiểu là quân đội Việt Nam thiện chiến, nhưng, một cách khách quan, có lẽ nhiều người vẫn phải đồng ý là Trung Quốc hoàn toàn có khả năng chiếm cứ ít nhiều lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Những vũ khí ít ỏi của Việt Nam chẳng còn được bao nhiêu sau trận đánh quyết định đầu tiên với những hoả tiễn, máy bay, xe tăng, đại pháo vô tận của Trung Quốc. Đến lúc ấy, Việt Nam cũng khó lòng tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân khi thiếu hẳn một hậu phương, một nước lớn yểm trợ, hoàn toàn bị cô lập trong phạm vi lãnh thổ của mình, không thể trông cậy vào lãnh thổ và tài nguyên của Lào, Kampuchea mà Trung Quốc dễ dàng kiểm soát.

Sự can thiệp của thế giới

Nghe qua những điều phân tích đó tưởng chừng như chủ bại và tuyệt vọng. Tuy nhiên, giả thuyết chỉ là giả thuyết mà thôi. Trung Quốc không dễ dàng tung ra một cuộc chiến tranh ở châu Á, ít nhất cũng trong nhiều thập niên nữa. Trước hết, Bắc Kinh phải chú trọng vào việc tranh ngôi bá chủ kinh tế với Hoa Kỳ, có thành công thì mới thực hiện tham vọng bá quyền. Việc này hẳn nhiên không ít thời gian, trong khi Mỹ chẳng ngồi ăn chơi không để chờ suy thoái. Mặt khác, Việt Nam phải có khả năng quân sự hùng mạnh nhiều hơn nữa, không để bị tấn công mà không gây tổn thất nặng nề cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, cho dù thắng hay bại. Quốc tế cũng không bó tay ngồi nhìn Trung Quốc tiến đánh Việt Nam bằng cả một cuộc chiến tranh toàn dịên.
Dù vậy, chính sách quân sự tằm ăn dâu vẫn có thể được Trung Quốc thi hành, và Việt Nam phải đối phó, với sự bênh vực của cộng đồng quốc tế.
Trong thành phần đó, hiển nhiên những nước tích cực can thiệp và đứng về phía Việt Nam là những quốc gia có quyền lợi thiết thực ở biển Đông và Đông Nam Á, những quốc gia mà sự bành trướng của Trung Quốc đem lại mối hại trực tiếp cho họ. Đầu tiên, đó là khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn quốc, rồi đến Hoa Kỳ, rồi châu Âu và phần cỏn lại của thế giới. Việt Nam phải có hành vi chủ động, và đang làm nhiều việc trong phạm vi này.
Việt Nam phải vận động được khối ASEAN đứng chung trong một lập trường mạnh mẽ cứng rắn chống đà bành trướng của Trung Quốc ngay từ bây giờ, bằng mọi giá đừng để Bắc Kinh bẻ đũa từng chiếc. Thế lực của ASEAN tuy yếu nhưng một lập trường chung cứng rắn cũng làm Trung Quốc chùn tay. Cũng như việc tăng cường quốc phòng của Việt Nam, hạm đội tàu ngầm tuy không giúp Việt Nam đánh được Trung Quốc, nhưng cũng khiến Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ lưỡng khi muốn có hành động thô bạo như ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.

Ảnh hưởng của Mỹ

Về phía Mỹ, liệu Việt Nam có tin cậy được vào Mỹ như một người bạn trong cơn sóng gió hay chăng? Ta hãy nhìn xem Hoa Kỳ có quyền lợi gì ở châu Á, ở Đông Nam Á, biển Đông và Việt Nam hay không, thì mới đoán chừng được Mỹ sẽ đứng vào vị trí nào trong mối tranh chấp Việt Nam-Trung Quốc. Điều hiển nhiên là Hoa Kỳ chỉ hành đông vì quyền lợi của họ mà thôi.
Hồi tháng 7 năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ ASEAN ở Singapore, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố rằng bà và Tổng thống Barack Obama đều tin rằng Đông Nam Á và ASEAN là cực kỳ quan trọng cho tương lai của Mỹ cũng như mọi đối tác trong khu vực.
Giới phân tích quốc tế gần đây cho rằng hành pháp của Tổng thống Obama chủ trương liên can đến châu Á tích cực hơn, đặc biệt là với Đông Nam Á, sau nhiều thập niên Mỹ bị coi là thiếu quan tâm đến vùng đất quan trọng này, và trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc chủ trương bành trướng mạnh mẽ, cạnh tranh với ảnh hưởng của Hoa Kỳ không những tại châu Á mà còn châu Phi và châu Mỹ. Nhiều sự kiện trong năm qua cho thấy điều đó.
Tổng thống Hoa Kỳ tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Singapore và hứa hẹn sẽ dự thượng đỉnh này vào năm sau tại Hà Nội. Mỹ ký Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện với hiệp hội các nước Đông Nam Á. Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bình luận việc ký kết này là một tín hiệu mạnh mẽ về lời cam kết của Mỹ đối với hòa bình và an ninh khu vực. Giới quan sát cho rằng việc đó cho thấy Washington muốn có một vai trò lớn hơn về chiến lược và an ninh ở châu Á. Chính quyền của Tổng thống Obama đang thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với chính quyền tiền nhiệm ở khu vực này.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trước lễ ký kết trong tháng 7 năm ngoái, rằng Mỹ đã trở lại Đông Nam Á.
Nghị sĩ James Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Thượng Viện Hoa Kỳ sang Việt Nam sau khi trịêu bộ ngoại giao và bộ quốc phòng điều trần tại Thượng Viện, tiếp sau sự kiện tàu Trung Quốc sách nhiễu tàu Mỹ ở biển Đông. Gần đây, sau khi hội kiến với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam trong 35 phút, nghị Webb tuyên bố rằng việc Mỹ can dự vào Đông Nam Á ở mọi cấp độ là điều quan trọng sinh tử.
Tướng Phùng Quang Thanh có bàn với phía Mỹ vể địa điểm cho một căn cứ hải quân để bảo trì và tiếp vận cho hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đây là điều đáng chú ý nhất về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở ngay tại biển Đông, thêm vào với việc hợp tác vể huấn luyện, kỹ thuật và có thể mở ra kế hoạch bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Chuyên gia Ernest Bower của Trung tậm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Washington phát biểu, “điều ngộ nghĩnh là quốc gia từng cố đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Đông Nam Á nay lại là thành phần chủ yếu để kéo Mỹ trở lại nơi này.”
Thế nhưng câu hỏi tiếp theo vẫn là Việt Nam có thể trông nhờ vào Mỹ đến đâu. Liệu đến lúc sinh tử trong quan hệ Việt Trung, Bắc Kinh trao tặng cho Washington một quyền lợi to lớn nào đó, Hoa Kỳ có buông tay cho Việt Nam té đùng như đã buông rơi đồng minh son sắt Việt Nam Cộng Hoà sau khi bắt tay được với Trung Quốc, Liên Xô năm 1972?

Quý thính giả hãy gửi câu trả lời vào mục “ý kiến” trên website RFA, phần dành cho bài này, trong khi chúng tôi cũng cố tìm câu trả lời đó, để mời quý thính giả tiềp tục theo dõi trong một kỳ phát thanh sau.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: