Thursday, January 7, 2010

TU SINH BÁT NHÃ CHUYỂN SANG TU TẬP BÍ MẬT

Tại Việt Nam, tu sinh Bát Nhã chuyển sang tu tập bí mật sau khi bị trục xuất khỏi chùa Phước Huệ
Đức Tâm, RFI
Bài đăng ngày 07/01/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 07/01/2010 14:21 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6388.asp
Một ni cô xin giấu tên cho hãng tin AFP biết là các tu sinh cảm thấy không an toàn khi tu tập, sinh sống ngay trên đất nước của mình. Là một trong những tu sinh phải rời khỏi chùa Phước Huệ hồi tháng 12 vừa qua, ni cô này khẳng định đa số tu sinh đã chuyển sang tu tập bí mật ở nhiều nơi.

Đây là lần thứ hai, kể từ hồi tháng chín năm 2009, các thiền sinh này đã phải rời khỏi nơi tu tập của họ.
Theo Human Rights Watch, hồi tháng chín năm ngoái, các thiền sinh đã phải rời khỏi chùa Bát Nhã, sau khi "những kẻ côn đồ và công an mặc thường phục, có vũ trang", xông vào chùa xua đuổi họ. Hoa Kỳ và Nghị viện châu Âu đã bày tỏ lo ngại về vụ trục xuất nói trên.

Một ni cô xin giấu tên cho hãng tin AFP biết là các tu sinh cảm thấy không an toàn khi tu tập, sinh sống ngay trên đất nước của mình. Là một trong những tu sinh phải rời khỏi chùa Phước Huệ hồi tháng 12 vừa qua, ni cô này khẳng định đa số tu sinh đã chuyển sang tu tập bí mật ở nhiều nơi.

Lúc đầu, một số tu sinh đã thuê nhà, nhưng trước cửa nhà luôn luôn có công an đứng theo dõi bên ngoài.
Trường hợp này đã xẩy ra đối với rất nhiều nhóm tu sinh khác. Một số tu sinh khác đã trở về gia đình. Một người trong số họ, vì lý do an ninh, cũng xin giấu tên, nói rằng, cô không có ý định lẩn trốn, nhưng không muốn nhiều người biết mình đang ở đâu.

Vẫn theo ni cô này thì nhiều chùa ở Việt Nam sẵn sàng đón tiếp các tu sinh Bát Nhã thế nhưng chính phủ không cho phép. Tháng trước, một phái đoàn tu sinh Bát Nhã đã kêu gọi chính quyền Pháp cho phép họ tạm lánh nạn vì họ cảm thấy không an toàn tại Việt Nam.

51% dân số Việt Nam dưới độ tuổi 30, do vậy đa số các tu sinh của Thiền Sư Nhất Hạnh còn rất trẻ. Các tu sinh cho biết, do bị phân tán, họ khó có thể tu tập được. Một ni cô nói, "trong thâm tâm, chúng tôi rất muốn có một nơi, tu tập, sống trong cộng đồng".

Human Rights Watch nhận định rằng việc các tu sinh Bát Nhã bị xua đuổi bởi có liên quan đến việc Thiền Sư Nhất Hạnh kêu gọi cải cách và tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, hồi tháng 10 năm ngoái, nói rằng các vụ xô xát, bạo động tại chùa Bát Nhã chỉ là do mâu thuẫn nội bộ giới Phật tử và chính quyền không hề ép buộc các tu sinh phải rời khỏi chùa.


TU SINH BÁT NHÃ TIẾP TỤC CUỘC SỐNG ẨN DẬT
Đỗ Hiếu
RFA
7-1-2010
Hãng thông tấn Pháp AFP mới đây đưa tin nói là hàng trăm nam nữ tu sinh thuộc Tu Viện Bát Nhã ở Lâm Đồng tiếp tục một cuộc sống ẩn dật, sau khi bị ép phải rời khỏi Chùa Phước Huệ hồi tháng rồi. Hành động gây khó dễ, huy động công an, băng đảng xã hội đen, đàn áp bằng võ lực hơn 400 tăng sinh Bát Nhã từ một năm qua đã bị nhiều nước Phương Tây và công luận quốc tế mạnh mẽ lên án. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết qua phần trình bày của Đỗ Hiếu cùng lời đóng góp của người trong cuộc, các vị lãnh đạo tinh thần và công an địa phương.
Tin tức do thông tấn AFP gởi đi từ Hà Nội nói rằng, qua tiếp xúc với một nữ tu sinh Làng Mai đang sống ẩn dật thì những tu sinh Bát Nhã cuối cùng phải rời khỏi chùa Phước Huệ (Lâm Đồng) vào thời hạn chót là hôm 31 tháng 12 vừa qua. Công an mặc thường phục vẫn bám sát, theo dõi mọi sinh hoạt của các tăng sinh, sau khi họ trở về với người thân ở nhiều địa phương khác nhau.
Vẫn qua giải thích của môt số tăng sinh Làng Mai thì nhiều ngôi chùa, tu viện khắp nơi, đồng ý cho các tu sinh Bát Nhã được đến tá túc và tiếp tục việc tu tập, tuy nhiên nhà chức trách không chấp thuận nghĩa cử và hảo ý này.
Khi liên lạc được với nhóm các tu sinh Làng Mai bị xua đuổi khỏi nơi cửa thiền đang phải chịu cảnh trốn tránh, không nơi nương tựa nhất định, một sư cô cho đài chúng tôi biết hoàn cảnh chung hiện giờ :

Sư cô Làng Mai :
Bây giờ anh chị em tụi con cũng mỗi người một nơi hết và đi đến đâu cũng rất là khó để mà ổn định. Họ cũng làm khó dễ mình ở những nơi mà mình đến. Họ cũng muốn tìm mọi cách để mình mỗi người về với gia đình riêng. Chúng con cũng chia ra từng nhóm nhỏ nhỏ vậy đó. Ai mà có thể về được địa phương và tạm thời trước mắt mỗi người về lại địa phương, nếu mà cùng chung địa phương thì đi chung với nhau. Có nơi thì họ cũng rất làm khó mình. Tạm thời thì tụi con phải di chuyển chỗ ở nhiều chớ không thể ở cố định trong vòng một thời gian, vì chỉ có một tuần hay hơn thì họ sẽ biết và họ sẽ đến họ làm khó dễ, họ đòi giấy tờ này nọ thì tụi con phải tìm cách để di chuyển chớ không có thể ở ổn định được một nơi lâu.

Sư cô này trình bày nguyện vọng chung của hàng trăm người đồng cảnh ngộ với mình :
Sư cô Làng Mai : Ngay từ đầu thì chúng con nguyện vọng là cũng muốn được đi chung cùng một tăng thân với nhau để có một nơi ở ổn định và có được giấy tờ hợp pháp để được ở chung với nhau 400 người trên đất nước, trên quê hương của mình.
Đỗ Hiếu : Bây giờ các sinh hoạt tu tập, niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền có được tiếp tục hay không hay là mình phải sống một cách ẩn dật, lén lút, thưa cô?
Sư cô Làng Mai : Chúng con cũng tự nhắc nhở nhau, nhưng ý thức của mỗi người là chính. Có thể là có nơi mình không thể duy trì được hoàn toàn thời khoá như xưa, nhưng mà tụi con cũng cố gắng ngồi thiền. Mỗi người tự ý thức để mà thực tập cho riêng mình là chính đó chú, chớ còn mà theo cái thời khoá như trước thì cũng rất là khó vì có những nơi chỉ là một căn nhà nhỏ thì tụi con cũng không có chỗ để mà ngồi thiền chúng với nhau hết. Ngay như chỗ ngủ thì tụi con cũng làm nơi để ngồi thiền luôn chẳng hạn.
Đỗ Hiếu : Thưa cô, Tất cả còn khoảng bao nhiêu vị tăng sinh tu sinh phải sống trong cảnh ẩn dật như thế ạ?
Sư cô Làng Mai : Dạ cũng gần 200 vị, thưa chú.
Đỗ Hiếu : Cô có thể tự giới thiệu pháp danh với các bạn nghe đài trong và ngoài nước không, thưa sư cô?
Sư cô Làng Mai : Dạ, con xin phép được không nói tên được không?
Đỗ Hiếu : Dạ được. Cảm ơn cô rất nhiều.
Sư cô Làng Mai : Dạ, con xin cảm ơn chú. Con chào chú.

Khi chúng tôi hỏi chuyện Hoà Thượng Thích Toàn Đức, Phó Ban Trị Sự - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, để tìm hiểu thêm về sinh hoạt của hàng trăm tu sinh Bát Nhã, đang chịu cảnh khó khăn như hãng tin AFP nói và qua lời kể vừa rồi của một nữ tu sĩ với Đài Á Châu Tự Do, vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Lâm Đồng đáp :
Hoà Thượng Thích Toàn Đức : Thưa, hiện nay ở Lâm Đồng không còn tu sinh Làng Mai nữa. Xin trả lời vậy thôi. Còn ngoài ra mình không theo dõi cái việc các tu sinh họ hiện nay ở đâu cả.
Đỗ Hiếu : Thưa Hoà Thượng, việc giải quyết chuỵên tu học đó kết quả ra sao?
Hoà Thượng Thích Toàn Đức : Mình có quan tâm vì nằm trong phạm vi của mình, còn hiện nay nằm ở đâu mình không biết, không theo dõi được đến nơi. Dạ, Mô Phật! Giáo Hội Lâm Đồng - Bảo Lộc thì coi như mình không biết là các tu sinh đó đi về đâu hết cả. Dạ, Mô Phật!

Thượng Toạ Thích Viên Thanh, Phó Ban Trị Sự - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, nói với RFA là thầy cũng không nắm rõ tình hình liên quan đến sinh hoạt của mấy trăm tu sinh Bát Nhã :
Thượng Toạ Thích Viên Thanh : Không có để ý nữa vì mới đi trai đàn ở Quảng Ngãi mới vào. Bốn năm ngày mới vào cho nên cũng chưa có theo dõi mấy cái tin tức như thế nào, chưa theo dõi. Dạ, cái này thì tôi cũng chưa nắm được bởi vì tôi mới đi trai đàn ở Quảng Ngãi mới vào, mới vào tức thì đó. Chắc chỉ có nắm được thì có thầy Toàn Đức hoặc thầy Linh Toàn gì đó chớ tôi đi mới về.

Kế đó, một nhân viên công an địa phương trả lời vắng tắt như sau, khi phóng viên Ban Việt Ngữ hỏi thăm tin tức liên quan đến sinh hoạt của các tăng sinh Làng Mai :
Nhân viên công an địa phương : Ồ, cái đấy tôi cũng không nắm được đâu bác ơi. Thực tế thì cháu ở cái góc độ nó nhỏ cho nên tất cả mọi vấn đề đó mình không có biết thông tin gì cả ông ơi. Cũng xin thông cảm cho ạ. Thực tế thì cũng không có biết gì đâu bác ơi. Công an viên, công an ở ngoài, thôn 10 ạ.

Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch thì sở dĩ 400 tu sinh Bát Nhã bị đàn áp từ trên một năm qua, là do lời kêu gọi của thiền sư Thích Nhất Hạnh yêu cầu Hà Nội thực thi quyền tự do tín ngưỡng và ngưng kiểm soát các hoạt động tôn giáo.
Trong khi đó, nhà nước Việt Nam qua lời người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn luôn giải thích rằng, xung đột tại Bát Nhã là chuỵên nội bộ của Phật giáo và chánh quyền Bảo Lộc, Lâm Đồng, không liên can gì đến việc hàng trăm tu sinh bị hành hung, săn đuổi khỏi Tu Viện Bát Nhã, hồi tháng 9 vừa qua.

Đỗ Hiếu tường trình từ Washington.




No comments: