Saturday, January 2, 2010

TỪ HỘI NGHỊ COPENHAGEN ĐẾN NỀN KINH TẾ XANH

Từ hội nghị Copenhagen đến nền kinh tế xanh
Tiến Hồng
Đăng ngày 02/01/2010 lúc 06:12:07 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4476
Châu Âu và miền Đông nước Mỹ vừa trải qua một mùa đông lịch sử, có nơi tuyết lên đến 1 mét. Năm 2009 cũng được coi là là một trong năm nắng nóng kỷ lục. Đó cũng chỉ là một hệ quả của sự hâm nóng toàn cầu không loại trừ một quốc gia nào mà hội nghị Copenhagen tìm cách giải quyết. Sau hai tuần đàm phán (7 đến 18/12/09), hội nghị thượng đỉnh về môi trường Copenhagen đã kết thúc với với một “thất bại không hoàn toàn” như lời tổng thống Obama đã thú nhận. Hội nghị này còn được gọi là COP15 vì đây là hội nghị lần thứ 15 do LHQ tổ chức kể từ hội nghị đầu tiên năm 1992 mà mục đích là tìm cách tiếp nối hiệp định thư Kyoto (1997) sẽ kết thúc vào năm 2012. Hội nghị lần này quy tụ 15000 đại biểu 192 quốc gia và được coi là cơ may cuối cùng để cứu vớt hành tinh trên 6 tỉ người (9 tỉ vào năm 2050) trước hiểm họa hâm nóng toàn cầu.

Những phóng viên theo dõi hội nghị vào ngày kết thúc đã cho thấy vào khoảng 19 giờ, sự thất bại hoàn toàn hầu như chắc chắn vì các bản dự thảo đưa ra bị liên tục bác bỏ. Người ta thấy tổng thống Obama đã lặng lẽ đi tìm phòng của ông thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ông này đang họp với đại biều của Brazil, Ấn Độ, Nam Phi. Phòng không có ghế cho ông Obama. Ông phải tự đi tìm và đưa ra một dự thảo vắn tắt chỉ yêu cầu hạn chế tăng nhiệt độ trái đất chưa tới 2 độ C (so với thời kỳ tiền kĩ nghệ) mà không đưa ra bất cứ chỉ tiêu nào về hạn chế khí thải gây tăng nhiệt (chủ yếu là CO2) và các biện pháp ràng buộc chặt chẽ. Nỗ lưc cuối cùng này đã cứu vớt hội nghị với 26 nước thông qua và sau đó 192 nước “ghi nhận” (!). Thủ tục thông qua đặc biệt này có tính cách một tuyên bố chính trị và không có ràng buộc pháp lý.

Theo Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC hay còn gọi là GIEC) gồm 1500 khoa học gia thế giới, để đạt được mục tiêu dưới 2 độ C này- mà nếu vượt qua nó sẽ có những hậu quả không lường- các quốc gia phát triển phải giảm mức khí thải 25-40% từ nay đến 2010 và 50% đến 2050 (so với năm 1990). Cả Mỹ và Trung Quốc, hai nước tạo khí thải nhiều nhất đều chống. Mỹ chỉ muốn giảm 17% từ nay đến 2012 so với 2005, tức 4% so với 1990, quá ít so với yêu cầu là 40%. Lý do là Mỹ đã chậm trễ trong nỗ lực này khi không phê chuẩn hiệp định thư Kyoto (Thượng viện Mỹ chống). Giờ đây, dù ông Obama có thiện chí hơn nhiều so với ông Bush thì di sản để lại cũng đòi hỏi thời gian thích nghi nền kinh tế. Dự án 150 tỉ MK trong 10 năm và tạo 5 triệu công việc làm trong nền kinh tế xanh của ông mặc dù là cần thiết để cứu nguy nền kinh tế nhưng chưa đủ và vẫn gặp nhiều thử thách (4). Ưu tiên của ông Obama là đạo luật cải tố y tế hiện đang ở giai đoạn cuối sau khi thượng viện thông qua.

Với Trung Quốc, nước cũng không ký nghị định thư Kyoto, cả Mỹ và Âu châu đều đòi hỏi Trung Quốc phải cam kết nhiều hơn và chịu kiểm soát quốc tế. Trung Quốc tuyên bố giảm 40-45% cường độ khí thải tính trên 1 điểm gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với dự trù tăng trưởng 8%, đến năm 2020, GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 và khối lượng khí thải của Trung Quốc sẽ gia tăng gấp đôi so với năm 2005. Mặc dù các nước châu Âu đòi hỏi nỗ lực hơn nữa nhưng Trung Quốc cho rằng mình có 300 triệu người nghèo nên không thể để nền kinh tế xanh gây thiệt hại cho phát triển. Mặc dù Trung Quốc cũng cho rằng chính nền kinh tế xanh cứu vãn mô thức kinh tế của mình (5). Trung Quốc cũng không chấp nhận sự giám sát quốc tế. Do đó đề nghị thành lập Tổ chức môi trường quốc tế của tổng thống Sarkozy bị Trung Quốc bác bỏ vì coi đó là xâm phạm chủ quyền.

Một thành công nhỏ của hội nghị là các nước kĩ nghệ hứa sẽ lập quỹ đặc biệt giúp các nước bị thiệt hại về môi trường, bao gồm 30 tỉ MK (trong đó Mỹ 3,6 tỉ, châu Âu 10 tỉ, Nhât 11 tỉ) từ nay đến 2012 và sau đó là 100 tỉ MK mỗi năm cho đến 2050. Không có chi tiết về nội dung tài trợ.

Những biến cố sôi nổi bên lề hội nghị (một số nước châu Phi rút khỏi bàn đàm phán, thay thế chủ tịch hội nghị…) cho thấy cuối cùng chỉ Trung Quốc là nước có cân lượng nhất trong hội nghị. Mỹ và châu Âu đã phải nhượng bộ. Bản thoả ước COP15 đã che giấu thất bại bằng cách dành cho hội nghị Mexico cuối 2010 giải quyết những chi tiết để có bản thoả ước chính thức thay thế hiệp định thư Kyoto. Tương lai xem ra không mấy sáng sủa khi nhìn kĩ lập trường của các nước chủ chốt không thay đổi ngoại trừ các nước liên hiệp châu Âu (27 nước) được coi là tích cực nhất trong quyết tâm giảm khí thải theo yêu cầu của IPCC. Các nước nhỏ chịu thiệt hại nặng mặc dù không gây ô nhiễm (châu Phi, hải đảo Thái Bình Dương) bị đặt ra ngoài lề. Cơ chế đồng thuận của LHQ đã thất bại.

Tương lai trái đất sẽ ra sao nếu khí thải tiếp tục gia tăng ?

Cho dù có thực hiện được một số cam kết không mang tính cưỡng bách do một số nước chủ chốt đề ra (ngoài Mỹ và Trung quốc như đã nêu, còn có: Brazil đến năm 2020 giảm tối đa 42% (so với 2005), EU đến 2020 giảm 20% - 30%, đến 2050 giảm 80-95% (so với 1990), Ấn Độ giảm 20%, Nga 20% , Nam Dương giảm 50% năm 2050 (so với năm 1990). nhiệt độ trái đất chắc chắn sẽ tăng hơn 2 độ C với những hệ quả khó lường. Theo phúc trình IPCC đệ trình LHQ (2007), nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1.5 độ C so với năm 1990 và sẽ khiến một phần ba các loài cây cối và chim thú lâm vào nguy cơ tuyệt chủng. Trước đó, các báo cáo chỉ đưa ra con số gia tăng 0,7 độ C từ 1990 đến 2000.

Báo cáo khoa học của cơ quan Global Carbon Project xác nhận thập niên 2000 -2008 là nóng nhất từ trước đến nay và có tương quan nhân quả rõ rệt với sự gia tăng khí thải (29%). Theo báo cáo quan trọng Copenhagen Diagnosis được phổ biến trong hội nghị, những biến đổi khí hậu gần đây cho thấy trầm trọng hơn so với dự kiến của IPCC. Băng tan Bắc cực tăng nhanh hơn 40% so với báo cáo của IPCC. Băng ở Tây Nam cực cũng tăng nhanh 40% so với năm 1970, băng đông nam cực cũng tăng. Theo Colin Summerhayes, giám đốc chương trình nghiên cứu Nam cực của Anh, nếu toàn bộ băng tây nam cực tan, nước biển sẽ dâng cao 0,9-1,5 m vào cuối thế kỷ, cao hơn nhiều so với dự đoán của IPPC. Nếu lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng như hiện nay, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên 4-7 độ C vào năm 2100. Lúc đó, mực nước biển sẽ tăng 1 m. Đến 2050, theo IPPC, nước biển sẽ lên 15cm – 50cm với 200-250 triệu người tị nạn khí hậu, thiệt hại 18 700 tỉ euros. Nguồn nước ngọt suy giảm với 1 tỉ người đang bị đe doạ thiếu nước uống do hạn hán gia tăng, nhiều hồ lớn bị cạn. Băng tan trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn ảnh hưởng đến lưu lượng ba con sông Dương tử, sông Hằng, Mê Kông và gây ra lụt lội phá hoại mùa màng nhân mạng cho 1 tỉ người tại Ấn, Bangladesh, Pakistan, Trung Quốc. 40% đất trồng trọt sẽ bị hư hại, nguồn nước ngầm đa số bị ô nhiễm do nông nghiệp dùng thuốc trừ sâu và hoá chất độc từ sông ngòi, 1 tỉ người bị nạn đói và có nguy cơ gia tăng trước viễn ảnh 9 tỉ người vào năm 2050. Nguồn cá sẽ cạn kiệt trên 50% nếu không có biện pháp thích nghi (hạn chế đánh bắt…), hàng triệu loài sinh vật bị biến mất, nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển.

Đặc biệt là sự gia tăng số lượng và cường độ của hạn hán và bão lụt trong hơn chục năm gần đây (2) mà đã có biết bao nhân chứng sống của các nước như Bangdalesh, Maldives, Mali, Úc và Hy Lạp (nạn cháy rừng khủng khiếp 2007), Đài Loan (bão Ketsana 300 người chết) và Phi luật Tân (bão Morakot 500 người chết).Tại Pháp, người ta vừa kỷ niệm 10 năm “trận bão thế kỷ”1999 khiến hàng triệu ha bị đốn và thiệt hại 7 tỉ euros, còn Việt Nam kỷ niệm 10 năm trận “đại hồng thủy” tại miền Trung khiến 500 người chết.

Những nguyên nhân như phảt thải quá nhiều khí nhà kính do con người sử dụng quá đáng nguồn năng lượng hoá thạch có hạn (dầu khí , than) và hệ quả vừa nói được trình bày sống động trong cuốn phim tài liệu Home của nhà thực hiện Yann Arthus Bertrand. Cuốn phim ra mắt ngày 5/6/2009 trên 50 quốc gia mà chúng ta có thể xem trên You Tube (hàng chục triệu lượt xem). Riêng Trung Quốc cấm trình chiếu! Một cuốn phim vừa trình chiếu đưa ra viễn cảnh ngày thành phố New York bị chìm trong bão tố và biển dâng cao. 136 cảng, thành phố lớn thế giới có khả năng bị chìm trong nước biển vào 2050 (trong đó có Sài Gòn, Hải Phòng) với thiệt hại 28 000 tỉ MK. Giáo sư Ngô Hoa Long của Trung Quốc còn dự đoán thành phố Thượng Hải sẽ chìm trong biển năm 2015 nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp ! Theo thủ tướng Anh tuyên bố tại hội nghị khí hậu tại Luân Đôn gần đây: Nếu hội nghị thượng đỉnh Copenhagen không dẫn tới sự ra đời của một hiệp định về cắt giảm khí thải, mỗi năm thế giới không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng người do hạn hán và lũ lụt, mà còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây. GDP toàn cầu sẽ giảm 20%. Mức thiệt hại kinh tế này lớn hơn tổn thất do hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc khủng hoảng Đại suy thoái gây nên.

Nguy cơ tranh chấp, chiến tranh cũng là một hệ quả khó tránh do tình trạng hâm nóng toàn cầu qua nhiều tài liệu nghiên cứu. Lý do thường được nêu ra là tranh giành nguồn nước ngọt (Cận Đông), thiếu lương thực (châu Phi), di dân. Một trong những lý do cũng là cuộc tranh giành nguồn nhiên liệu dầu khí có khả năng cạn kiệt vào cuối thế kỳ này. Mỹ đã phải quyết định khai thác dầu ở Alaska. Tiềm năng khai thác dầu ở Bắc cực do băng tan có thể là điểm tranh chấp của 5 quốc gia mặc dù chi phí khai thác sẽ cao. Biển Đông sẽ là điểm hẹn tranh chấp vũ lực khó tránh khỏi giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong đó có Việt Nam, do trữ năng lớn.

Cần lưu ý là rừng và đại dương đã cứu trái đất trong thời gian qua vì khả năng hấp thụ hơn một nửa lượng CO2 mà con người thải ra. Nhưng nạn tàn phá rừng ồ ạt (40% rừng bị tàn phá ) nhiều nhất là trong vài chục năm qua tại nhiều quốc gia. Người ta phá rừng để sản xuất đậu nành nuôi gia súc, làm khí đốt ở Nam Mỹ hay 40% rừng ở Mã Lai, Nam Dương bị phá trong nửa thế kỷ phần lớn để trồng cây cọ (palmier) dùng để chế xà phòng và dầu thực vật… chưa kể do cháy rừng, bão tố. Nguồn tài nguyên này rất khó tái tạo mau. Biển thì bị axít hoá. Tất cả khiến khả năng hấp thụ CO2 bị bão hoà, gia tăng cơ nguy lũ lụt và góp phần hâm nóng trái đất. Hội nghị COP15 đã là dịp để một số nước ký thoả hiệp song phương vể bảo vệ rừng (thoả hiệp Pháp-Nam Dương...).

Nền kinh tế xanh sẽ cứu nguy trái đất?

Đứng trước những viễn ảnh u ám đã nêu trên, các nhà khoa học đã chứng minh trách nhiệm hâm nóng toàn cầu là do con người đã phát khí thải nhà kính quá mức chứ không do nhữ ng nguyên nhân nào khác (3). Sự phát thải đó do con người phí phạm và lệ thuộc quá đáng vào năng lượng hoá thạch (than, dầu khí) có nguy cơ cạn kiệt vào cuối thế kỷ. Các quốc gia phát triển đã từng bước chuẩn bị một một cuộc cách mạng xanh (révolution verte), một nền kinh tế xanh hay sạch (économie verte ou propre), với những kĩ thuật xanh hay sạch (technologies vertes ou propres). Vì đó mới là phát triển bền vững, phát triển xanh (green growth). Vì đó là hướng tất yếu cho sự sự sống còn của nhân loại trên trái đất trong thế kỷ 21 này. Đó là nhiệm vụ chung của mọi người, mọi xí nghiệp, mọi tổ chức môi sinh chứ không chỉ dành riêng cho những nhà chính trị hay những nhóm áp lực tham lam. Hội nghị COP15 đã làm rõ nét một ý niệm mới: công dân môi sinh (éco- citoyen) có ý thức tôn trọng môi sinh trong sinh hoạt hàng ngày (tắt điện khi ra khỏi phòng, dùng nước tiết kiệm để tắm rửa, phân loại rác tái chế biến, hạn chế dùng bao bì plastic..), trong tiêu thụ (chú ý các sản phẩm tôn trọng môi sinh –produits bio, không phí phạm thực phầm…), trong di chuyển (chuyên chở công cộng...). Các thăm dò dư luận như GlobeScan cho thấy 2/3 trong số 24071 người được hỏi tại 23 quốc gia nói biến đổi khí hậu là vấn đề “rất nghiêm trọng” - tức là tăng nhiều so với mức 44% trong cuộc khảo sát năm 1998.

Ý niệm nền “kinh tế xanh” mặc dù đã xuất hiện hơn chục năm nhưng chỉ mới được chính thức nêu ra trong Chương trình môi trường LHQ (UNEP) với nhận định đó là sự lựa chọn tốt nhất để phát triển bền vững, làm dịu những căng thẳng của thiên nhiên, ngăn chặn chảy máu tài nguyên và tạo nên bùng nổ việc làm trong thế kỷ XXI. Nói rõ hơn, nền kinh tế xanh nhằm chuyển đổi các lãnh vực của nền kinh tế và kĩ thuật hướng tới:

- Tiết kiệm, hạn chế, sử dụng hiệu quả hay không sử dụng năng lượng bẩn (hiện chiếm 85%) trong mọi lãnh vực như : xây dựng (sử dụng nguyên liệu mới thay thế ciment, thực hiện toà nhà thân thiện với môi trường ), sản phẩm gia dụng (đèn năng lượng thấp..), đóng gói (bớt sử dụng và dùng nhiên liệu sạch), xử lý tốt nước thải sinh hoạt và công nhiệp, phân loại và tái chế biến các loại rác và phế liệu (Đức đi tiên phong), chế tạo xe hơi dùng năng lượng sạch (điện..), phát triển không vận bớt ô nhiễm (dự án Clean Sky của châu Âu), phát triển phương tiện giao thông công cộng, quy hoạch lưu thông thành phố giảm bớt ô nhiễm, thiết lập thuế cacbon đối với đơn vị phát thải nhiều (Pháp), tái chế và hiệu quả hoá quy trình sản xuất nông phẩm...

- Gia tăng các khám phá sử dụng năng lượng tái sinh như : + Năng lượng mặt trời (Trung Quốc, Mỹ, Đức đang dẫn đầu. Mỹ sẽ xây tại Trung quốc một nhà máy điện mặt trời 2 gigawatts, tương đương một nhà máy hạt nhân. Năng lượng này còn được nghiên cứu sử dụng để tạo chất đốt thay thế săng dầu. + Năng lượng gió (éolien, kể cả gió bờ biển như ở Na Uy..). + Địa nhiệt (géothermie: khai thác sức nóng từ lòng đất hay các nguồn nước nóng geysers phun từ lòng đất như ở Islande, Phi châu). + Năng lượng sinh học (biomasse) bao gồm biogaz, chất đốt sinh học-biocarburants như éthanol từ mía, ngô, đậu nành thay săng dầu. Trường hợp một số quốc gia như Brazil đang khai thác triệt để nguồn năng lượng này hiện gây tranh cãi vì những hệ quả trên môi trường nếu phá rừng Amazonie quá đáng và khả năng làm giảm nguồn lương thực (6). + Thủy điện. + Về năng lượng nguyên tử (hiện cung ứng 15% điện toàn thế giới năm 2008), mặc dù không phát thải CO2 nhưng hiện vẫn còn là đề tài tranh cãi về việc xử lý chất thải phóng xạ, các tai nạn lớn do nhiều yếu tố và nguồn tài nguyên hạn hẹp.

- Đối với năng lượng bẩn như than (trữ lượng tối đa 150 năm), vì nhiều nước vẫn còn lệ thuộc nhiều (Trung Quốc 70%, Mỹ 50%), hiện đang phát triển công nghệ than sạch (charbon propre) nhằm tích trữ CO2 trong lòng đất và có thể sử dụng CO2 để tạo thành chất đốt: dự án S2P ở Mỹ, Castor của châu Âu. Trung quốc vừa ký với châu Âu để thực hiện công nghệ than sạch. Đây là một hình thức chuyển giao kĩ thuật tương tự như đối với các bảng pin mặt trời (panneaux photovoltaiques).

- Ưu tiên phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (không sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu) và các loại cây trồng rễ sâu để bảo vệ độ phì nhiêu của đất. Thực hiện trồng rừng thích hợp thay thế và tránh tàn phá rừng (trách nhiệm 20% phát khí thải toàn cầu). Quản lý sử dụng nước một cách thông minh (thực hiện các “đê thông minh” như ở Hoà Lan để thích ứng với các vùng dễ ngập lụt…). Về sinh vật từ sông, biển, phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo quy trình sạch (GAP, SQP), quy định thời điểm đánh bắt cá có nguy cơ tận diệt…

Hiện nay, khối châu Âu đang đi đầu trong việc đầu tư vào khảo cứu trong kĩ thuật xanh (50 tỉ euros). Mục tiêu là bỏ ra 3% PIB (hiện nay là 1,9%) dành cho đầu tư vào nghiên cứu năng lượng tái sinh với nhiều chương trình chung (dự án Castor, Clean Sky..). Các nước châu Âu phát triển mạnh năng lượng tái sinh là Thụy Điển (8,6%), Đức, Tây Ban Nha, Pháp. Các công ty lớn khai thác dầu khí đã dành ngân khoản đáng kể để nghiên cứu năng lượng tái sinh. Công ty Renault dự tính đưa ra thị trường năm 2010 những xe hơi chạy bằng điện ắc-quy với hy vọng chiếm 10% thị trường năm 2020. Báo cáo Green Jobs của UNEP cho biết, thị trường toàn cầu các sản phẩm - dịch vụ liên quan môi trường sẽ tăng gấp đôi, từ 1.370 tỉ USD/năm lên 2.740 tỉ USD năm 2020. Một nửa trong thị trường này là kĩ thuật - thiết bị giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và phần còn lại là giao thông, nguồn nước, vệ sinh và xử lý rác thải.

Trường hợp Hàn Quốc (bỏ ra 63 tỉ euros phát triển công nghệ xanh trong 5 năm, hy vọng thu về 102 tỉ euros) và Trung quốc (bỏ ra 200 tỉ MK để đầu tư vào công nghệ sạch) là điển hình cho thấy phát triển phải đi đôi với những yếu tố của nền kinh tế xanh (7). Hàn quốc còn dành 5% GNP cho nghiên cứu công nghệ xanh vào năm 2012. Riêng Trung quốc hiện đang còn phải trả giá cho sự phát triển bừa bãi gây ô nhiễm nặng môi trường (70% sông hồ và không khí các thành phố lớn) và là nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Con số tăng trưởng hàng năm 8% nếu trừ đi tổn hại môi trường thì sẽ chỉ còn 6%. Nhà cầm quyền đã phải huỷ bỏ một số dự án lớn gây nhiều ô nhiễm lên tới hàng 100 tỉ MK liện quan đến thép và hoá chất..., đóng cửa hàng ngàn mỏ than, đặc biệt là ở Tây bắc, nơi mà một thành phố không tìm ra thị trưởng vì ô nhiễm đến nỗi không thể nhìn xa được vài mét. Nói chung, việc gia tăng đầu tư để cải biến sang nền kinh tế xanh sẽ đem lại hàng triệu việc làm và làm giảm hệ quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tại Đức, kinh tế xanh đã tạo ra 1,6 triệu việc làm mới. Tại Pháp, hội nghị Grenelle về bảo vệ môi sinh đã có tác động lớn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế (dự trù từ nay đến năm 2020, doanh thu của nền kinh tế xanh sẽ là 3.000 tỉ Euro) và Pháp mong muốn nhân rộng ra toàn thế giới.

Đối với các quốc gia đang phát triển chịu nhiều thiệt hại do các nước phát triển gây ra (đặc biệt là châu Phi), từ hiệp định thư Kyoto, LHQ đã cho ra đời Cơ chế phát triển sạch (CDM) với 3500 dự án triển khai trên toàn thế giới liên quan đến việc phát triển năng lượng tái sinh (dự án địa nhiệt ở Kenya, đập thủy điện ở Madagascar, phát triển năng lượng gió ở Ghana...), về giao thông, giảm ô nhiễm không khí và khí thải công nghiệp tại các đô thị,... Với dự án CDM, người ta có thể mua chứng chỉ giảm khí thải do một dự án từ nước ngoài tạo ra, như ở Việt Nam. Nhưng ý thức về CDM ở Việt Nam còn thấp so với Trung quốc. Ngoài ra, vấn đề quỹ tài trợ các nước bị thiệt hại môi trường sẽ cần xúc tiến và nêu rõ các tiêu chỉ để việc thực hiện được công bằng (những nước châu Phi cần được trợ giúp nhiều hơn nữa).

Tất nhiên, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ còn nhiều trở ngại và tốn phí. Trở ngại chính là lực cản của những thế lực đã được hưởng lợi lâu nay (như các hãng xăng dầu, công ty xe hơi…). Phí tổn sử dụng năng lượng tái sinh cao hơn năng lượng hoá thạch cũng làm chậm tiến trình chuyển biến trong tình trạng giá xăng dầu còn thấp như hiện nay. Tuy nhiên, các kinh tế gia và ngay cả các nước như Trung quốc cũng đều thừa nhận: Những quốc gia nào đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển xanh sẽ là nước thắng lợi trong tương lai. Nền kinh tế xanh với những tiến bộ kĩ thuật sẽ cứu trái đất với điều kiện phải tăng cường nỗ lực chung trong mọi tầng lớp và trong mọi quốc gia để tránh những thất bại như đã xảy ra tại Copenhagen.

Trường hợp Việt Nam

Báo cáo bên lề hội nghị COP15 cho biết Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu khắc nghiệt trong hai thập kỷ trở lại đây (8). Mỗi năm thiên tai cướp đi 450 mạng sống và thiệt hại 1,5 tỉ MK.

Hiện nay, ảnh hưởng rõ rệt nhất mà mọi người ghi nhận là sông Hồng phá kỷ lục cạn nước. Theo báo Dân Trí, sáng ngày 29/12/2009, nước sông Hồng xuống còn 0,66m, mức thấp nhất trong vòng 107 năm qua. Giao thông trên sông gần như tê liệt hoàn toàn. Từ đầu năm mức nước sông đã 6 lần xuống thấp kỷ lục. Lý do được nêu lên là mùa mưa lũ đến muộn, kết thúc sớm, các hồ thủy điện tập trung chuẩn bị công tác phát điện mùa khô nên nguồn nước hạ nguồn cạn kiệt; phải đến cuối tháng 1/2010 mới xả lũ phục vụ nông nghiệp và phát điện.

Với nhịp độ khí hậu bất thường của thiên nhiên do hâm nóng toàn cầu, sông Hồng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều và qua đó nông nghiệp đồng bằng sông Hồng cũng chịu hậu quả quan trọng. Đây là một bài toán mà nhà cầm quyền cộng sản sẽ phải sớm tìm ra giải pháp thích nghi. Sông Hồng và thành phố Hà Nội còn chịu một hiểm tai liên quan đến tác động của các đập thượng nguồn Hoà Bình (có vết nứt) và Sơn La (được xây trên vị trí có khả năng động đất cao).

Một hậu quả nghiêm trọng khác của biến đổi khí hậu là trường hợp 3/4 đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nếu nước biển dâng lên 1mét khi nhiệt độ trái đất tăng trên 2 độ. Sản lượng lương thực bị mất ít nhất 10%, khoảng 10% dân sẽ phải di dịch và mất công ăn việc làm. Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam 40 triệu MK để nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của mực nước biển dâng theo ba kịch bản khác nhau. Dự án “Việt Nam và biến đổi khí hậu” của đài BBC thực hiện vào tháng 12/2009 với các phóng viên tại một số thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long phải là một khởi đầu để nhà cầm quyền đưa ra những giải pháp thích nghi, đồng bộ nhiều lãnh vực, ngắn và dài hạn. Cũng cần lưu ý là hệ thống đập lớn của Trung quốc trên thượng nguồn sông Mê-Kông cũng là một đe doạ không nhỏ đối với đồng bằng sông Cửu Long mà các nhà khoa học đã cảnh báo. Mực nước biển dâng hiện đã có hậu quả rõ rệt qua mức triều cường dâng cao gây lụt lên tới 1,5 mét tại thành phố Sài-gòn những năm gần đây. Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng với những cơn lụt lớn gần đây. Chưa thấy có giải pháp đối phó từ phía nhà cầm quyền.

Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam hiện đang ở mức báo động đỏ mà báo chí trong nước đã lên tiếng:

- Hệ thống sông ngòi lớn nhỏ của ba miền (sông Đồng Nai, sông Hồng, sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Hàn..), kinh rạch, ao hồ (kể cả ở Hà Nội) ô nhiễm nặng. Những con sông đang chết do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải y tế không qua xử lý, hoạt động khai thác khoáng sản không bảo vệ môi trường , hoạt động nông nghiệp dùng hoá chất độc hại và nuôi trồng thủy sản không đúng tiêu chuẩn sạch. Những giòng giòng chết có hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ người dân sống chung quanh (thí dụ như làng ung thư ở Hà Nam…) , đến sinh hoạt nghề nghiệp (đánh bắt cá, tôm), đến nguồn nước ngọt đang ngày càng ô nhiễm và khan hiếm, ngay tại các thành phố như Hà Nội, Sài-gòn. Vụ công ty Vedan và sông Thị Vải chỉ là một điển hình cho thấy chạy đua tăng trưởng mà sao lãng môi trường sẽ gây ra những tổn hại với sức khoẻ người dân và chính tăng trưởng vì sẽ phải giải quyết những hậu quả để bù đắp thiệt hại gây ra. Việc xử lý những trường hợp vi phạm luật của Bộ Tài nguyên môi trường chưa đủ để giải quyết vấn đề.

- Vấn đề rác và các phế thải đặc biệt tại các thành phố lớn. Trung quốc hiện cũng đang đau đầu để tìm giải pháp cho thành phố Bắc Kinh vì dân chúng vẫn chưa có thói quen phân loại rác như các nước kĩ nghệ. Giải pháp chôn rác sẽ khiến hết đất chôn. Phải có công nghệ đốt rác hiện đại. Phải từng bước thực hiện cho được quy cách như các quốc gia phát triển. Ý thức của người dân là cốt yếu. Nhưng đây là một vấn đề đòi hỏi một nỗ lực đồng bộ.

- Vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng tại các thành phố lớn có ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và chính sự phát triển của thành phố. Sài Gòn và Hà Nội được coi là ô nhiễm nặng chỉ sau Thượng Hải, Bắc Kinh, New-Dehli. Không thể để số lượng xe gắn máy gia tăng vô hạn như hiện nay. Đây cũng là một vấn đề lớn.

- Vấn đề vệ sinh thực phẩm nhất là rau quả (sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng và giữ lâu nhập từ Trung Quốc…). Biên giới Việt Trung cũng là nơi nhập khẩu những thực phẩm ô nhiễm mà Trung quốc phế thải để dễ dàng thực hiện việc làm chết dần mòn dân tộc Việt Nam.

- Vấn đề giải quyết nạn thiếu nước ngọt đủ tiêu chuẩn tại các thành phố hiện vẫn chưa có các biện pháp thích hợp. Người dân tại ngoại thành Sài-gòn vẫn phải mua nước với giá cao. Một cách tổng quát, giới lãnh đạo hiện nay có ý thức phần nào vấn đề hệ quả của phát triển không bền vững qua việc bác bỏ một dự án thép hàng tỉ MK. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện dự án bô-xít với hệ quả tiêu cực về nhiều phương diện, đã được dư luận trong và ngoài nước lên án, sẽ chỉ cho thấy giới lãnh đạo cộng sản hiện nay lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Chưa kể dự án xây cất nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận mà nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước phê phán về tác động của nó trong việc giải quyết tình trạng năng lượng ở Việt Nam. Hiện giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể để chuyển biến mau chóng nền kinh tế hiện hữu phí phạm tài nguyên như hiện nay sang nền kinh tế xanh. Đây là một yếu kém trong nhận thức của giới lãnh đạo cộng sản, có hậu quả đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong khi đó, hiểm hoạ Hoa xâm đã gần kề.

Tiến Hồng
Rennes, 01/01/2010



(1) Emmanuel Guérin, điều phối viên về khí hậu thuộc Viện phát triển bền vững của Pháp cho biết, vào năm 2005, lượng khí thải của Trung Quốc là 7,2 tỉ tấn CO2. Đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 12,6 tỉ tấn. Chuyên gia này cũng nhắc lại là nếu muốn thực hiện mục tiêu kìm giữ nhiệt độ trên trái đất không tăng quá 2°C, thì vào năm 2020, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn thế giới không được vượt quá 44 tỉ tấn CO2.
Trong viễn cảnh này, lượng khí thải gia tăng của Trung Quốc tương đương với tổng các cam kết giảm thải của Hoa Kỳ và châu Âu gộp lại, và nếu như vậy thì luợng khí thải tính theo đầu người của Trung Quốc sẽ cao hơn mức của Pháp vào năm 2012 hoặc 2013 và của toàn Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2018 hoặc 2020.
(2) Theo Bản phúc trình về nguy cơ do biển đổi khí hậu gây ra, được công bố bên lề Hội nghị LHQ tại Copenhagen thì sự biến đổi khí hậu toàn cầu trong giai đọan 1990-2008 khiến xảy ra 11 ngàn cơn bão, lũ lụt, hạn hán, gây tử vong cho khỏang 600 ngàn người.
(3) Hội nghị Copenhagen đã liệt kê ra danh sách 10 quốc gia là thủ phạm chính xả lượng khí thải nhà kính (chủ yếu là CO2) lớn nhất vào môi trường, trong đó có:Trung Quốc ( 6.018 triệu tấn mỗi năm), Mỹ ( 5.903 tấn mỗi năm), các nước khác là Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Canada, Anh, Hàn Quốc và Iran...Tổng cộng khoảng trên 30 000 triệu tấn mỗi năm.
(4) “Hoa kỳ hướng tới nền kinh tế xanh”. VOA tiếng Việt phỏng vấn ông Ngô Nhân Dụng, 10/4/2009.
(5) La Chine se met au vert pour sauver son modèle économique. Blog Planet 89. Trung Quốc tập trung vào 4 đòn bẩy trong kế hoạch kinh tế : Canh tân và hợp lý hoá những lãnh vực then chốt như xe hơi, khai thác than (đóng hàng chục ngàn mỏ ô nhiễm nặng và hướng tới than sạch), năng lượng nguyên tử; chuyển biến kinh tế từ tiết kiệm sang tiêu thụ và lãnh vực dịch vụ; gia tăng cải tiến kĩ thuật đi kèm với hỗ trợ nước ngoài, đặc biệt trong lãnh vực xe hơi và xây cất; tận dụng thị trường bù trừ carbon (compensation carbone) lên tới 126 tỉ MK do các nước công nghiệp thực hiện để có tín chỉ carbon.
(6) “Năng lượng sinh học, một giải pháp giảm khí cacbon ?”. RFI., 8/12/2009.
(7) “Phát triển công nghệ xanh, đòn bảy giúp kinh tế Hàn quốc và Trung Quốc đi lên”. RFI. 24/11/2009.
(8) Theo báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2010 do tổ chức Germanwatch công bố, 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm Bangladesh, Myanmar, Honduras, Việt Nam, Nicaragua, Haiiti, Ấn Độ, Cộng hòa Dominica, Philippines và Trung Quốc.

© Thông Luận 2009


No comments: