Sunday, January 17, 2010

TỰ DO MẬU DỊCH CAFTA

Tự Do Mậu Dịch Cafta
TRẦN KHẢI
Việt Báo Chủ Nhật, 1/17/2010, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=154460
Việt Nam gỡ rào thương mại, và hàng Trung Quốc sẽ ào ạt tiến vào. Cuộc chiến mới đang diễn ra: trong khi các quan chức Hà Nội trấn an dư luận rằng tự do mậu dịch giữa khối ASEAN và Trung Quốc sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường TQ, thì thực tế như dường diễn ra là hàng Việt đang bị đẩy lùi về phương Nam.

Tình hình lúc đầu tưởng như là dễ ăn, vì trong cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu mấy năm qua, nhiều nước vùng Liên Âu và Hoa Kỳ nghiêng về chính sách bảo hộ mậu dịch, kiếm cớ gây sự dựng rào cản thương mại, từ giày da tới hàng may mặc, cho tới cá basa... cho nên Trung Quốc được khối ASEAN nhìn như một thị trường khổng lồ và dễ dãi. Nhưng thực tế, thấy vậy mà không phảỉ vậy.

Hiệp ước có tên gọi tắt là CAFTA, viết đủ là China-Asean Free Trade Area. Đã hiệu lực kể từ ngày 1-1-2010. Được ca ngợi là thị trường tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, CAFTA được mô tả là có 1.7 triệu khách hàng, với tổng sản lượng quốc dân là 2 ngàn tỉ đô la, và có tổng trị giá thương mại là 1.3 ngàn tỉ đô la. Trong đó, trị giá thương mại hiệp ước này là 200 tỉ đô.

Hiệp ước viết rằng, thương mại giữa TQ và 6 nước khối Asean trong đó có Brunei, Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan và Singapore đã miễn thuế quan cho hơn 7,000 mặt hàng.
Vào năm 2015, các nước Asean mới vào, trong đó có Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện, sẽ vào sân chơi miễn thuế quan.
Thế là Trung Quốc, và chủ yếu là TQ, ca ngợi ầm ĩ rằng CAFTA sẽ mang “lợi ích hỗ tương” cho cả TQ và Asean. Thực tế, lợi nhiều nhất lại là TQ.

Phía Việt Nam, khi nhiều nhà quan sát nêu lên nỗi lo là sẽ bị hàng TQ tràn vào đè bẹp, các quan chức trấn an liền.
Báo Tìn Nhanh dựa theo bản tin báo Tuổi Trẻ tuần qua đăng bài nhan đề “E ngại hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam,” ghi lại cuộc phỏng vấn một quan chức. Bản tin trích:
“VN bắt đầu thực hiện cắt giảm thuế cho các mặt hàng Trung Quốc để đến năm 2015, 90% dòng thuế sẽ về 0-5%. Liệu hàng Trung Quốc có ồ ạt vào VN thời gian tới? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Lân - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) - cho biết:
- Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) bắt đầu thực thi từ năm 2005. Mục tiêu của hiệp định là trong mười năm sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do, không thuế quan giữa các nước ASEAN - Trung Quốc. Năm 2010 là một năm quan trọng với sáu nước ASEAN cũ là Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Brunei khi 90% dòng thuế sẽ giảm xuống mức 0-5%, trong đó chủ yếu là 0%. Riêng VN từ năm 2010 cũng bắt đầu cắt giảm để đến năm 2015, 90% dòng thuế đối với hàng Trung Quốc sẽ về 0-5%. Tuy thực hiện chậm hơn nhưng ta vẫn được hưởng đầy đủ ưu đãi của Trung Quốc như các nước ASEAN khác.
* Hàng Trung Quốc chưa được giảm thuế đã tràn ngập, hiệp định này sẽ mở ra những thách thức lớn hơn đòi hỏi doanh nghiệp VN cần nhanh chóng nhận thức và vào cuộc?
- Phải nói thách thức khi cắt giảm thuế quan với hàng Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên VN cũng có cơ hội. Thực tế trong chương trình thu hoạch sớm, mặc dù VN chưa giảm thuế mạnh cho Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc đã giảm thuế trước cho hàng VN. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của VN đã xuất khẩu mạnh vào Trung Quốc thời gian gần đây.
Trên nguyên tắc, chương trình thu hoạch sớm rất có lợi cho VN với nhiều hàng nông sản như rau quả, thủy, hải sản... được giảm thuế. Vì vậy, riêng những mặt hàng theo chương trình thu hoạch sớm VN lúc nào cũng xuất siêu. Chương trình đang mang lại nhiều lợi ích cho VN vì tất cả hàng nông sản xuất vào Trung Quốc đều cơ bản đã có thuế suất 0%. Từ năm 2004 đến nay, năm nào ta cũng xuất siêu. Riêng năm 2008 trong chương trình thu hoạch sớm, VN xuất khẩu sang Trung Quốc 365 triệu USD, nhập khẩu 131 triệu USD.
Chúng ta cũng bước đầu xuất khẩu được nhiều sản phẩm may mặc, giày dép, thiết bị sang Trung Quốc với tỉ trọng ngày một tăng. Tôi xin nhấn mạnh doanh nghiệp của ta vẫn cần chủ động hơn nữa để tận dụng ưu đãi của ACFTA trong các năm tới...”
(hết trích)

Nghĩa là, qua lời ông Phó Vụ Trưởng Lê Quang Lân, phía Việt Nam hưởng lợi vô số kể. Nhưng thực tế có đúng là như thế không? Có đúng là hàng VN bán vào TQ ào ạt không, hay là ngược lại, chưa thực hiện gì đã thấy hàng TQ tràn vào VN như thác lũ?

Bản tin BBC tuần này đưa nỗi bi quan ngay ở nhan đề bản tin, “Cửa chính và cửa sau đều là hàng TQ,” viết:
“... thách thức đối với hàng Việt Nam là vô cùng lớn, như cuộc trao đổi sau đây giữa BBC Việt Ngữ với bà Phạm Chi Lan, chuyên viên kinh tế từ Việt Nam. ..
BBC: Lộ trình của Hiệp định tự do Thương mại Asean Trung Quốc cho thấy tới năm 2015, 90 phần trăm dòng thuế đánh vào hàng Trung Quốc sẽ ở mức từ 0 đến 5%. Thưa bà liệu các công ty Việt Nam có chuẩn bị kịp không?
Phạm Chi Lan: Thực sự tôi lo đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi lo rằng trong 5 năm nữa nhiều doanh nghiệp khi phải trực diện cạnh tranh với hàng TQ khi vào Việt Nam sẽ không dễ gì cạnh tranh nổi. Vì thời gian năm năm có thể không đủ cho họ để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ để đối phó với hàng Trung Quốc.
Ai cũng biết nâng cao năng lực cạnh tranh không dễ dàng, nó phụ thuộc một phần vào doanh nghiệp, phụ thuộc vào môi trường kinh doanh, vào điều kiện phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Các điều kiện phát triển hiện nay có nhiều mặt chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thực tế không thể nào bỏ qua. Trong khi về phía Trung Quốc có thể nói là các nhà cầm quyền của Trung Quốc cũng đã có nỗ lực rất lớn và có các chính sách rất khôn ngoan để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Vì vậy vị thế của họ có thể luôn luôn là tốt hơn so với vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam ở ngay thị trường của mình...”(
hết trích)

Phía Indonesia đã lạnh cẳng rồi. Như thế, có phải VN chưa thấy quan tài chưa đổ lệ?
Một phát ngôn nhân Bộ Kỹ Nghệ Indonesia mới tuần qua nói với nhật báo Mỹ Wall Street Journal, rằng chính phủ Indonesia đã chính thức trình một lá thư lên ASEAN để xin cho hiệp ước tự do thương mại với TQ hoãn cho tới tháng 1-2011. Nghĩa là xin hoãn một năm.
Indonesia thấy rằng khi miễn thuế quan cho 90% hàng hóa nhập khẩu – trong đó có các sản phẩm như may dệt, thép và hóa chất -- sẽ làm hại cho các kỹ nghệ của Indonesia vì hàng TQ nhập vào bán giá quá rẻ. Và Indonesia cần hoãn một năm để sửa soạn nội lực đón “thác lũ thương mại” từ TQ.

Không chỉ có Indonesia, nhiều viên chức Phi Luật Tân cũng lo ngại. Báo Inquirer.net của Phi Luật Tân hôm 14-1-2010 đăng bài của Walden Bello -- một dân biểu Phi Luật Tân, thuộc Đảng Hành Động Công Dân và bản thân là nhà nghiên cứu ở viện Focus on the Global South -- cho thấy rằng, cứ tưởng khi Liên Âu và Mỹ gây sự khép thị trường, khối Asean nhảy sang tìm thị trường tự do mậu dịch với TQ hóa ra lại còn tệ hại hơn.
Trước tiên là tình hình hàng lậu từ TQ, thực tế đã làm hỗn loạn nhiều nền kinh tế của ASEAN rồi. Bello viết rằng có khoảng 70-80% tiệm giày ở VN đang bán giày TQ nhập lậu, và do vậy, kỹ nghệ giày VN thiệt hại nặng lắm rồi. Trường hợp Phi Luật Tân cũng tương tự như thế, theo bài viết nhan đề “The China-Asean Free Trade Area: Propaganda and Reality” (Vùng Tự Do Thương Mại TQ-Asean: Tuyên Truyền và Thực Tiễn).

Không chỉ giaỳ da, mà kỹ nghệ rau quả cũng thiệt hại vì hàng TQ nhập lậu.
Bello còn viết, “Thực tế, nhiều mặt hàng đã bị ảnh hưởng xấu rồi, kể cả thép, giấy, xi-măng, hóa dầu, nhựa plastic, và ngói sứ.”
Bello dẫn ra bản nghiên cứu của Joseph Francia và Errol Ramos từ tổ chức Free Trade Alliance, trong đó viết, “Nhiều công ty Phi Luật Tân, ngay cả những công ty có tin1h cạnh tranh toàn cầu, đã phải đóng cửa hay là phải giảm sản lượng và cắt bớt nhân viên, chỉ vì hàng lậu tràn vào.”
Bello viết, “Bây giờ có nỗi lo là hiệp ước CAFTA sẽ đơn giản hợp pháp hóa việc nhập lậu và làm tệ hại thêm ảnh hưởng vốn đã xấu vì hàng TQ nhập vào đối với kỹ nghệ và nông nghiệp ASEAN.”

Thực tế ra sao? Chỉ thấy rằng, trong khi quan chức Hà Nội lạc quan, thì nhiều nhà phân tích thị trường, cả Việt Nam, Indonesia và Phi Luật Tân đều bi quan.

Hiệp ước CAFTA có vẻ như khúc gân gà rồi vậy.



No comments: