Án tù cho bốn nhà đối kháng
BBC
Cập nhật: 12:32 GMT - thứ tư, 20 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100120_dissidents_sentences.shtml
Tòa sơ thẩm TP Hồ Chí Minh vừa tuyên án từ 5 năm tới 16 năm tù giam, thêm từ 3 tới 5 năm quản chế tại gia cho bốn nhân vật bất đồng chính kiến.
Những người này bị xử tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Trong phiên tòa ngắn hơn dự kiến một ngày, hai bị cáo đã nhận tội. Ông Lê Công Định lãnh án tù 5 năm và ông Nguyễn Tiến Trung nhận án 7 năm. Cả hai ông đều sẽ bị quản chế tại gia thêm ba năm sau khi mãn án.
Hai người còn lại là doanh nhân Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức không nhận tội.
Ông Thức nhận bản án nặng nhất là 16 năm tù giam và 5 năm quản chế tại gia. Ông Long, với bản án nhẹ hơn, lãnh 5 năm tù giam và ba năm quản chế.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Duy Thức, nói với hãng tin DPA rằng gia đình bị sốc.
Ông nói vợ của ông Thức "ngất xỉu khi nghe bản án. Tôi nghĩ anh trai tôi vô tội. Anh là người yêu nước."
Ông Định, người bị thẩm vấn đầu tiên, đã tường trình trước tòa về phương hướng của Đảng Dân chủ Việt Nam mà ông là thành viên. Ông nói đảng này kêu gọi đa nguyên và muốn thay đổi chế độ chính trị trong nước.
''Trong quá trình học tập ở nước ngoài, tôi đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Tây về dân chủ, tự do và nhân quyền."
Ông Định nói: "Tôi nhận là đã vi phạm Điều 79 (Bộ Luật Hình sự)."
Sau ông Lê Công Định, đến lượt ông Nguyễn Tiến Trung lên trước hội đồng xét xử để thẩm vấn.
Ông Trung thừa nhận đã tham gia Đảng Dân chủ và Tập hợp Thanh niên Dân chủ, đồng thời bày tỏ thái độ hối lỗi.
Ông nói: ''Hành động của tôi là vi phạm luật pháp Việt Nam."
"Tôi đã nóng vội nên mắc sai lầm. Tôi hối tiếc sâu sắc về điều này. Tôi đã gây phiền muộn cho gia đình và bạn bè.''
Bị cáo thứ ba là ông Lê Thăng Long thì bác bỏ cáo trạng, nói ông không làm điều gì sai.
Vụ xét xử được xem như phản ánh thái độ không khoan nhượng của chính quyền Việt Nam trước các quan điểm chính trị đối kháng, nhất là trong thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 11.
Quan ngại
Phát biểu ngay sau khi phiên tòa kết thúc, giới ngoại giao phương Tây bày tỏ quan ngại về án phạt đối với các nhà dân chủ.
Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt Hansen, một trong những người ngồi theo dõi phiên xử tại TP Hồ Chí Minh, nói với các nhà báo: "Đang có quan ngại lớn về cả quá trình (xét xử)".
"Chúng tôi sẽ mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Việt Nam ân xá cho cả bốn người."
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM, ông Kenneth Fairfax, thì nói Mỹ "quan ngại sâu sắc" về các vụ bắt giữ và kết tội những người chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Ông Fairfax cũng từng nói Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.
Các bị can bị buộc tội đã cấu kết với "các thế lực phản động" trong và ngoài nước nhằm lật đổ chế độ. Hoạt động c̉ủa họ đã được ghi lại trên các trang web, bài viết và tài liệu mà cơ quan điều tra ghi được.
Những người này cũng bị buộc tội liên quan tới Đảng Dân chủ Việt Nam, vốn không được phép hoạt động trong nước.
Ông Lê Công Định còn bị cáo buộc đã tham gia khóa huấn luyện lật đổ bất bạo động do tổ chức Việt Tân, mà Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố, tổ chức.
Các vụ bắt giữ và phiên xử hôm thứ Tư đã gây phản ứng mạnh từ các tổ chức nhân quyền và chính phủ nước ngoài.
Liên hiệp châu Âu, chính phủ Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho các bị cáo.
Sự chú ý tập trung khá nhiều vào luật sư Lê Công Định, người được biết tới nhiều cả ở trong và ngoài nước.
Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.
Người có án nặng nhất nói 'bị bức cung'
BBC
Cập nhật: 15:53 GMT - thứ tư, 20 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100120_duythuc_trial.shtml
Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức, người chịu án 16 năm tù và 5 năm quản chế, tại phiên xử bốn nhà hoạt động chính trị hôm 20/1, tiết lộ ông nói trước tòa rằng ông đã bị "nhục hình và bức cung".
Ông Lê Công Định và Lê Thăng Long chịu án 5 năm tù, và 3 năm quản chế, trong khi ông Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù và 3 năm quản chế.
Bốn người bị đưa ra xét xử vì tội ''Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'' theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Truyền thông nhà nước nói tại tòa, hai ông Định và Trung đã "thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội và tỏ ra hối hận về hành động của mình".
Trong khi đó, hai ông Thức và Long, theo báo chí nhà nước, "trong quá trình điều tra thì thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng trong phiên tòa hôm nay, hai bị cáo này lại khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình".
Nói với BBC sau khi phiên tòa kết thúc, em trai ông Thức, Trần Huỳnh Duy Tân, cho biết cha và vợ ông Thức có mặt tại tòa và gia đình "rất sốc với bản án quá nặng". Ông cũng nói rằng anh của ông đã đưa ra những cáo buộc mới tại phiên xử.
THDT: Mở đầu phiên tòa, anh Thức yêu cầu thay đổi hội đồng xét xử. Anh nói trong quá trình điều tra, anh bị nhục hình và bức cung. Anh muốn có hội đồng xét xử khác để minh bạch hơn, nhưng yêu cầu không được đáp ứng.
Trong quá trình xử, anh Thức nói anh không có tội. Nếu buộc anh vào điều 79 lật đổ chính quyền, thì phải chứng minh tổ chức đó dùng sức mạnh gì để lật đổ, trong khi cáo trạng không nêu được điều đó. Nhưng điều anh nói không được tòa xem xét.
Đối với Nguyễn Tiến Trung, anh nói đây là lần đầu tiên anh gặp Trung chứ từ trước đến giờ, anh không biết Trung ở ngoài như thế nào. Buộc tội anh thành lập mối quan hệ với Tiến Trung như vậy là không đúng. Anh chỉ biết Trung qua email. Anh nói với tòa anh bác bỏ mọi chứng cứ sử dụng trong cáo trạng để buộc tội anh.
BBC: Những cáo buộc của ông Thức rất khác so với những gì được truyền thông nhà nước loan đi trước đây, ví dụ, việc ông lên đài truyền hình nhận tội năm ngoái.
THDT: Bữa nay ở phiên tòa, có nói thì gia đình mới biết, chứ từ trước đến giờ, trong những lần đến thăm anh Thức, anh không nói. Cũng đúng thôi, vì anh không thể nói được, mà gia đình cũng không nghĩ anh bị nhục hình. Tôi không đủ khả năng để bình luận về lần nhận tội trước đây. Nhưng tôi nghĩ lần ra tòa này, những lời của anh là sự thật và anh muốn trước tòa án, có một tòa minh bạch để lắng nghe những lời anh nói.
BBC: Xin hỏi lại ông là có đúng ông Thức dùng từ 'nhục hình' trước tòa?
THDT: Vâng, anh Thức nói là bị dùng nhục hình, trong phiên tòa.
BBC: Ông Thức có nói gì về việc ông cùng ông Định, Trung tham gia đảng Dân Chủ Việt Nam?
THDT: Tại phiên tòa, anh Thức nói không tham gia vào đảng Dân Chủ của Nguyễn Sỹ Bình.
BBC: Anh trai ông có nhận điều gì trong cáo trạng hay không, thưa ông?
THDT: Anh Thức nói anh bác bỏ toàn bộ cáo trạng đó. Lời kết cuối cùng, anh nói anh không đồng ý với bản cáo trạng và trước đó, anh cũng nói khi ra tòa rằng anh không được mang theo cáo trạng. Bên an ninh bảo có đem theo, cũng sẽ phải để ngoài xe khi đến tòa. Vì thế, anh đã thức hai đêm để đọc cáo trạng, nên rất mệt khi ra tòa hôm nay.
BBC: Gia đình có dự định gì tiếp theo?
THDT: Với bản án quá mức như vậy, anh Thức thì không có tội, gia đình sẽ nghĩ tới việc kháng án.
BBC: Gia đình có nghĩ lẽ ra ông Thức nên nói khác đi với hy vọng được giảm án tại tòa?
THDT: Tôi không nghĩ phải làm thế nào. Anh Thức có những quyết định của anh. Những gì đúng hay cần thiết, anh ấy làm. Gia đình không thể đoán anh sẽ nhận tội hay không. Anh Thức có suy nghĩ, khó khăn riêng của anh, anh ấy tự quyết định. Nhưng tôi nghĩ anh tôi vô tội.
No comments:
Post a Comment