Wednesday, January 27, 2010

TIN TẶC và TÀN TẶC

Tin tặc và Tàn tặc
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, January 26, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107461&z=7
Khi loài người tụ họp lại sống chung thành quốc gia thì có những người làm việc cai trị, gọi là chính quyền. Trong từ “chính quyền”, chữ “chính” để nói đến công việc cai trị, không có ý khen hay chê; cũng giống như khi ta nói “guồng máy hành chính” không nhất thiết đó là một guồng máy đứng đắn. Chữ “chính” này phân biệt với chữ “chính” khác có nghĩa là ngay, thẳng, như khi nói chính đáng, chính trực, công chính, vân vân. (Nếu chúng ta vẫn viết bằng chữ Nôm thay vì dùng mẫu tự ABC như hiện nay thì ai cũng biết hai chữ cùng đọc là Chính nhưng viết khác nhau, không thể hiểu lầm được).

Khi trong xã hội có một chính quyền làm công việc cai trị, thì dù nó tốt hay xấu, mọi người cũng trông đợi chính quyền đó phải theo một số quy tắc hành sử tối thiểu để trông có tư cách, cho người ngoài kính nể. Một chính quyền có thể đánh thuế cao, bắt dân làm siu dịch nặng nề, nó có thể tham nhũng hoặc thanh liêm, nó nhân đạo hoặc dùng hình luật tàn ác, có thể dũng cảm bảo vệ danh dự quốc gia, hoặc run sợ trước ngoại bang. Nhưng có những điều mà ai cũng nghĩ là một chính quyền một nước thường không bao giờ làm, để không làm nhục quốc gia. Thí dụ, nhà cầm quyền thì không đi ăn trộm, ăn cắp của dân. Ðã nắm độc quyền dùng bạo lực chính thức qua guồng máy công an, quân đội, thì một chính quyền không cần làm những việc thuộc lãnh vực dành riêng cho giới anh chị, côn đồ, du đãng. Một chính quyền cũng không cần thuê mướn côn đồ du đãng làm việc thay cho guồng máy nhà nước. Làm những việc trộm cắp, côn đồ du đãng như thế là đi ngược với đạo lý, phá hoại nền tảng nhân nghĩa của xã hội.

Tin tặc là một hành động trộm cắp. Các chính quyền Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang bị tố cáo là họ đóng vai “tin tặc”, nghĩa là cho người lẻn vào các mạng lưới điện tử để phá hoại cho nó tê liệt hoặc ăn trộm những thông tin người ta trao đổi với nhau trong đó. Ở bên Tàu, công ty Googgle đã công khai tố cáo bọn tin tặc (chữ Tin ở đây có ý nói đến ngành “tin học” chứ cũng không có nghĩa là tin tưởng hay niềm tin). Chính phủ Bắc Kinh không biết làm sao rửa được mặt khi một công ty quốc tế lớn dọa bỏ thị trường Trung Hoa chỉ vì các hồ sơ tin học trong mạng của họ bị ăn cắp. Công ty này nói thẳng rằng những thông tin bị trộm đều dính tới các nhà tranh đấu cho quyền làm người, cho quyền tự do dân chủ của người Trung Hoa. Không nói, ai cũng biết thủ phạm các vụ ăn trộm này phải là do chính quyền độc tài đảng trị ở Bắc Kinh sai khiến. Cơ Quan Tình Báo Anh MI 5 đã thông báo nhiều đại công ty nước họ làm ăn ở Trung Hoa lục địa là các công ty này đã bị tin tặc lẻn vào ăn trộm tài liệu riêng. Chính quyền có thể nào làm những việc mờ ám như thế hay không?

Ngày xưa có những vị hoàng đế Trung Hoa đi làm việc lén lút, giả dạng thường dân lẻn ra ngoài cấm thành tìm chỗ trăng hoa giải trí, nhưng họ không đi ăn trộm ăn cắp. Bây giờ, những người nối nghiệp họ đang dùng guồng máy nhà nước đóng vai trộm cắp. Nghĩ thấu đáo thì trước cảnh đó mọi người Trung Hoa phải thấy xấu hổ. Một chính quyền không dám ra lệnh cấm người ta dùng Internet, cũng không dám công khai kiểm duyệt các mạng lưới, mà phải lén lút đi ăn trộm, như vậy gọi là thứ chính quyền gì?

Ở Việt Nam cũng vậy. Mạng lưới bô xít của nhóm học giả Nguyễn Huệ Chi đã bị tin tặc phá hoại mấy tháng trời liên tiếp, vì hàng chục ngàn người Việt Nam đã vào đó bầy tỏ nỗi bất bình đối với chính sách cai trị của đảng Cộng Sản. Không dám cấm, bèn phá. Bọn tin tặc phá, những người dân chủ trương mạng lưới lại dùng kỹ thuật chống đỡ để phục hồi sinh hoạt. Ðược nửa ngày, các tay phá hoại lại tấn công lần nữa, người dân lại tự cứu chữa; cứ giằng qua, kéo lại, không khác trò trẻ con. Cũng vậy, mạng lưới Xcafe được hàng chục ngàn người Việt ra vào trao đổi ý kiến, đúng ngày tòa án Cộng Sản đem 4 người đòi dân chủ ra xử, bọn côn đồ bất ngờ tấn công làm cho cả mạng lưới bị tê liệt. Một chính quyền tự trọng không ai làm những việc phá phách lén lút như thế.

Phải gọi các anh chị em làm công việc tấn công các mạng lưới này là “côn đồ”, vì hành động chuyên nghiệp đánh phá những người lương thiện thường được diễn tả bằng hai chữ đó. Nguyên nghĩa chữ “côn” chỉ có nghĩa là cây gậy dùng để đánh người ta. Côn đồ là bọn người chuyên đánh lộn, tệ nhất trong đó là những người “đâm thuê chém mướn”. Nhiều người làm nghề côn đồ để sống, họ đi đánh người mà không cần phải thù ghét hay oán giận các nạn nhân. Nếu có ai thuê là họ làm. Bây giờ có những anh chị em làm công việc côn đồ trong phòng lạnh, ngồi trước những cái máy vi tính; giống như bất cứ một chuyên gia kỹ thuật nào khác đang làm việc ở bưu điện hay ngân hàng. Có những anh chị em được trả lương thấp hơn vì không chuyên môn, chỉ được thuê đi biểu tình chống các giáo dân không cho họ dựng Thánh Giá trên đất của nhà thờ ở Ðồng Chiêm; hoặc biểu tình trước cửa chùa Phước Huệ đòi xua đuổi các ni, sư đi nơi khác. Biểu tình mỗi ngày lãnh 200.000 đồng, làm việc một tuần lễ là có một số vốn đem về nuôi chồng, nuôi con, nhiều người coi đó là một nghề bình thường. Có những vị thuộc đẳng cấp thấp hơn nữa, được thuê mướn đến chửi rủa và đổ chất nhơ bẩn trước cửa những người lên tiếng đòi dân chủ. Những hành động này gọi chung là côn đồ vì nó giống như nghề đâm thuê chém mướn xưa kia. Và chúng ta cũng phải tự hỏi, một chính quyền chuyên sử dụng các kỹ thuật gia côn đồ tin học, côn đồ biểu tình, côn đồ chửi bới để đánh, phá người dân theo lối ném đá giấu tay như vậy, là thứ chính quyền gì?

Mạnh Tử có một tên gọi, là Tàn Tặc. Tặc là kẻ phá hoại điều Nhân, Tàn là người phá hoại đạo Nghĩa.

Chúng ta đều biết Mạnh Tử đã xác định “Dân vi quý, quân vi khinh”, khinh nghĩa là coi nhẹ hơn. Nhưng nhiều ý kiến của Mạnh Tử có thể được coi là “cách mạng” so với thời đại của ông, khi mà mọi người trong nước Trung Hoa vẫn quen công nhận quyền hành của các ông vua là tuyệt đối. Mạnh Tử thuật lúc gặp Lương Tương Vương, ông vua hỏi: “Khi nào thiên hạ định” (Thiên hạ ô hồ định?) Tôi (Mạnh Tử) đáp rằng, “Khi chỉ có một người nắm quyền thì định” (Ðịnh vu nhất). “Ai có khả năng gom vào một chính quyền?” (Thục năng nhất chi?) Trả lời: “Ai không thích giết người có thể thống nhất thiên hạ” (Bất thị sát nhân giả, năng nhất chi). Ông vua lại hỏi: “Ai ban quyền (thống nhất) cho người đó?” (Thục năng dữ chi?) Trả lời: “Tất cả thiên hạ không ai không có cái quyền ban cho này”. (Thiên hạ mạc bất dữ dã).

Qua đoạn văn trên (“Lương Huệ Vương”, thượng, chương 6) chúng ta không những biết Mạnh Tử quan niệm chính quyền là do sự uỷ nhiệm của mọi người dân (thiên hạ); mà còn thấy thầy Mạnh coi tất cả mọi người dân bình đẳng trong việc uỷ quyền này (Thiên hạ mạc bất dữ dã). Suốt hai ngàn năm qua các vua chúa Trung Hoa và Việt Nam đã bỏ qua những ý kiến tiến bộ đó, cho tới bây giờ hầu như vẫn vậy.

Ý kiến táo bạo nhất của Mạnh Tử là ông xác định quyền của người dân được lật đổ chính quyền. Vào thời chiến quốc Trung Hoa chưa biết tục lệ bầu cử. Vậy làm cách nào thay đổi chính quyền? Mạnh Tử nói thẳng là người dân có quyền giết vua.
Trong “Lương Huệ Vương”, hạ, chương 8, Vua Tề Tuyên Vương hỏi chuyện Thành Thang đánh vua Kiệt, Vũ đuổi vua Trụ; Mạnh Tử đáp: “Sử chép đúng thế”. Tuyên Vương lại hỏi: “Như vậy thì bầy tôi có thể thí vua sao?” (Thần thí kỳ quân khả hồ?) Mạnh Tử trả lời: “Kẻ làm hại điều nhân, gọi là Tặc; làm hại điều nghĩa, gọi là Tàn. Kẻ Tàn và Tặc, chỉ gọi là một thằng người mà thôi. Tôi nghe chuyện chém đầu một người tên Trụ chứ không nghe chuyện thí vua”. (Tặc nhân giả, vị chi Tặc, tặc nghĩa giả, vị chi Tàn; Tàn, Tặc chi nhân, vị chi nhất phu. Văn trù nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân dã).

Khi một ông vua không xứng đáng thì người dân có quyền lật đổ, hình ảnh giết vua chỉ là tượng trưng. Tuyên Vương vẫn coi Kiệt Trụ là vua, dùng chữ “thí quân”, động từ “thí” chỉ việc giết vua. Mạnh Tử thấy Kiệt, Trụ không xứng đáng nắm chính quyền, coi họ cũng chỉ là những người thường, cho nên không dùng động từ “thí” mà dùng chữ “trù”, nghĩa là chặt đầu. Mạnh Tử công nhận: Người dân có quyền lật đổ những chính quyền không xứng đáng khi chính quyền đó làm hại đạo nhân và nghĩa.

Những chính quyền sử dụng côn đồ và tin tặc đúng là những chế độ tàn tặc. Họ huỷ hoại cả nhân nghĩa. Vì người dân, người lớn đến trẻ em, phải chứng kiến những hành động trộm, cướp, côn đồ xẩy ra trước mắt mà không thấy ai bị trừng phạt; ngược lại còn thấy cả guồng máy tuyên truyền hô hoán những lời gian dối để hỗ trợ các hành động côn đồ đó. Lâu ngày, người ta sẽ quên cách sống theo đạo lý bình thường, không còn biết thế nào là nhân nghĩa nữa. Ðó có phải là một tội đối với lịch sử hay không?


No comments: