Saturday, January 2, 2010

TIN TẶC và 3 ÔNG TƯỚNG XÁCH GIỎ ĐI CHỢ

Tin tặc và 3 ông tướng xách giỏ đi chợ
Tư Ngộ/Người Việt
Thursday, December 31, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106320&z=157
Từ một tháng qua, những người dùng Internet không vào được một số mạng quen thuộc như bauxitevn.info, Talawas, Ðối Thoại, Dân Lên Tiếng, Vietland.
Bị tin tặc tấn công, những trang mạng này cố gắng sửa chữa, nhưng rất chập chờn. Vừa mới sửa được sơ sơ, xuất hiện chưa được mấy giờ lại bị dập tiếp. Như kiểu bị đánh cho te tua, lên bờ xuống ruộng.

Bauxite.vn.info từ một blog của một số người ký kiến nghị kêu gọi ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đã nhanh chóng trở thành một diễn đàn quần chúng phản ảnh nhiều mặt thời sự của Việt Nam không đưa tin theo “lề phải.”
Nó vượt xa sự trù tính ban đầu của những người chủ trương (ba ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng). Những đơn kiện thủ tướng vi phạm pháp luật, những bài viết vạch trần các mưu mô của nhà nước trong chiến dịch đàn áp những người chống đối, và nhiều chuyện khác nữa, xuất hiện trên trang mạng này.

Talawas đăng tải bài viết, ý kiến đa chiều, cả những người chống cũng như bênh cộng sản, đều có chỗ. Cả những lời “còm-men” khen cũng như chửi đều được phổ biến. Lời bợ đỡ trơ trẽn của Nguyễn Hữu Liêm được đăng thì Talawas cũng đăng cả bài viết chửi những kẻ “liếm giày bằng lưỡi” của Lê Diễn Ðức. Cân bằng như vậy mà cũng không được tha.

Các websites Vietland hoặc đăng tải những bài chửi rủa cộng sản quá khích hay tố cáo tội ác cộng sản của các dân oan trên Dân Lên Tiếng mà bị dập thì cũng dễ hiểu.

Nhưng các mạng bauxitevn.info và Talawas bị dập thì người ta thấy có nhiều suy nghĩ.

Khi tin tặc đánh sập những trang mạng này, chẳng ai bảo ai, người ta đều nghĩ ngay tới một “kẻ xấu.” Cái “kẻ xấu” không phải một người mà là một tập thể lớn, được nuôi cơm hậu hĩ để làm một số việc. Dò tìm địa chỉ điện thư của người nào chống đối chế độ, nhất là những người hay ý kiến ý cò trên mạng, để đọc lén hay khi cần giả dạng người này để đâm bị thóc thọc bị gạo. Nếu tay này lại có blog, thì trình lại cho xếp bên công an “xử lý.” Khi trở thành trầm trọng hơn, một nhóm người hoặc một tổ chức có trang báo mạng, chúng nguy hiểm hơn nên phải có kế hoạch đánh phá qui mô, bài bản hơn.

Mỗi khi một website “lề trái” nào có vấn đề, người đều nghĩ ngay tới thầy trò nhà ông Nguyễn Tử Quảng, Trung Tâm An Ninh Mạng, cầm tiền của nhà nước để hoạt động theo nhu cầu của cả Công An, Quân Ðội, đến Bộ 4T. Hồi Tháng Sáu, 2009, trung tâm này có 500 nhân viên, loan báo tuyển thêm người để nâng tổng số nhân sự của họ tại hai cơ sở chính ở Hà Nội và Sài Gòn lên thành 1,200 người. Bảo vệ mạng chống xâm nhập đánh phá cũng nó. Mà chơi những websites nào cần phải chơi theo lệnh nhà nứơc và đảng cũng nó dính vào.

Nhưng bên cạnh trò đánh sập các chỗ chơi của “thế lực thù nghịch,” còn cả trò giả mạo điện thư của những người chơi trò dân chủ.
Ðây không phải là trò mới lạ gì. Chúng được sử dụng từ mấy năm qua chứ không phải mới đây. Chúng giả mạo thư của rất nhiều người nhưng cũng chỉ lừa được lúc đầu, chẳng được lâu.
Dù vậy, chúng vẫn cứ được xài lại để nhiễu thông tin. Trò này chắc không phải của thầy trò Nguyễn Tử Quảng, mà nó đến từ những cơ quan khác có trách nhiệm theo dõi và đánh phá bằng bài viết.

Chuyện mới nhất, “kẻ xấu” giả mạo thư của ông Phạm Toàn, một trong 3 người điều hành bauxitevn.info.
Sau đó, giả mạo tiếp điện thư của ông Nguyễn Huệ Chi, người điều hành khác của trang mạng này. Cả hai phải vội vàng loan báo điện thư của họ bị nhái, hoặc bị sang đoạt để gửi những bức thư láo lếu mà họ không hề viết. Mục đích gây chia rẽ, bôi bẩn, vu cáo những người cầm đầu nhóm bauxitevn.info.
Chắc chắn, đám “kẻ xấu” đã đọc trộm thư của những người này, nắm được địa chỉ điện thư của những người mà hai ông Chi và Toàn giao tiếp để gửi thư giả mạo.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có tác dụng như những kẻ chế tạo ra chúng, muốn đạt được không? Hay chúng sẽ có tác dụng ngược?
Chúng tôi không tin rằng những người bị giả mạo thư sẽ bị mọi người khinh ghét. Trái lại là khác.
Chúng tôi tin rằng chúng sẽ có tác dụng ngược.

Cho tới nay, có hơn 17.5 triệu lượt người ngày đêm vào đọc bài viết, đọc tin, góp ý kiến trên mạng bauxitevn.info. Số lượng người truy cập nhiều như vậy vượt xa hệ thống báo “lề phải” dù bauxitevn.info chỉ mới xuất hiện từ Tháng Tư, 2009 cho đến nay.
Nó chứng tỏ cho thấy người dân ở Việt Nam và khắp nơi cần một cái nhìn đa chiều về tình hình đất nước.
Những gì được loan báo trên hệ thống báo chí 700 cơ quan, 16000 người có thẻ ký giả mà đều chỉ có một tổng biên tập duy nhất là Bộ Chính Trị ở Hà Nội. Hệ thống thông tin này theo đúng chính sách thông tin “có liều lượng.” Hàng tuần, đều có các cuộc họp “giao ban” để các tổng biên tập (hay đại diện đi họp) nhận chỉ thị đăng tải, loan báo cái gì, tin này mấy báo đang hay cả làng, tin kia chỉ có một báo đề cập hay tất cả đều lờ đi. Những chuyện bất thường thì chỉ thị qua điện thư, điện thoại, văn thư.

Vậy cho nên người ta không ngạc nhiên khi thấy cả làng báo xúm vào “bề hội đồng” Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt khi ngài nói ở trong một cuộc họp với quan chức nhà nước rằng ngài cầm cái hộ chiếu Việt Nam mà bị Hải Quan các nước ngài tới, đã khám xét hành lý thật kỹ lưỡng trong khi người các nước Á Châu khác thì không bị.
Vừa xúm vào chửi ngài “làm nhục quốc thể,” thì liên tiếp xảy ra những vụ từ phi công Vietnam Airlines chở hàng ăn cắp bị bắt ở Nhật đến bà bí thư thứ nhất tòa đại sứ ở Nam Phi bị bắt về tội buôn lậu sừng tê giác đến Huỳnh Ngọc Sĩ bị cáo buộc ăn hối lộ, làm nhục mặt cả nước. Những vụ này, hệ thống báo đài Việt Nam loan tin rất liều lượng, rất “khách quan” nhỏ giọt chứ không thấy rầm rộ.

Nhưng khi thủ tướng giắt ông thứ trưởng Quốc Phòng sang Nga ký hợp đồng mua tàu ngầm, máy bay, thì toàn thể hệ thống bài đài lớn nhỏ đều hô hoán ầm ỹ. Cả những báo tỉnh lẻ và những báo chuyên ngành dầu khí cũng loan tin “động trời” này. Xưa nay, chuyện mua sắm trang bị võ khí quân sự, máy bay SU-27, hỏa tiễn phòng không, tàu tuần trang bị hỏa tiễn v.v... những năm qua, báo chí CSVN không hề có một chữ. Hồi năm ngoái, khi mua 8 máy bay SU-30MK2 cũng không hề thấy hệ thống báo đài của chế độ đề cập.

Bỗng dưng, cả làng cả tổng nhà báo nhà đài đều loan tin mua đồ chơi quốc phòng hạng nặng. Có thể nói hiếm khi nào có một thứ tin tức quốc phòng quan trọng lại được nhất loạt hô hoán như thế.
Lại cả cái chuyện Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh sang Mỹ xin bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương, cũng như Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Huy Hiệu sang Hàn Quốc xem đóng tàu chiến tàu ngầm ở xưởng Darwoo cũng được đưa tin.

Tại sao phải hô hoán ầm ỹ? Nhiều người tin rằng quân đội bất mãn vì thấy những kẻ cầu đầu chế độ lộ rõ bản chất chư hầu lệ thuộc với Bắc Kinh qua rất nhiều vụ việc. Quần chúng không đứng về với đảng Cộng Sản và ngày càng chống đối rõ rệt hơn.
Bởi vậy, một mặt cho toàn thể hệ thống thông tin tuyên truyền mở hết công suất để gáy thật to cái việc mua sắm võ khí, hầu hy vọng lấy lại được phần nào niềm tin của quân đội của quần chúng để ôm tiếp quyền lực mà rúc rỉa tham nhũng.
Nhưng khi Bộ Chính Trị Hà Nội cho “kẻ xấu” bịt mồm những kẻ muốn thông tin đa chiều, chuyện mua sắm võ khí kia được thổi phồng cũng chẳng lấy lại được lòng dân vốn đã hiểu họ đã bị lừa suốt nhiều chục năm qua nay vẫn còn tiếp tục bị lừa.



No comments: