Sunday, January 17, 2010

THUYẾT TRÌNH VỀ ĐỐI KHÁNG CHÍNH TRỊ tại ĐH GEORGE WASHINGTON

Thuyết trình về đối kháng chính trị
BBC
Cập nhật: 10:57 GMT - chủ nhật, 17 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100117_trials_mchale_comment.shtml
Vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến gần đây là chủ đề buổi thuyết trình của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Shawn McHale tại Đại học George Washington hôm 14/01.
Nhà nghiên cứu Việt Nam lâu năm, hiện là Giám đốc Trung tâm Sigur Nghiên cứu châu Á của Đại học George Washington, muốn giải thích vụ bắt giữ năm nhà hoạt động gần đây bộc lộ những gì về nhà nước, truyền thông và xã hội dân sự ở Việt Nam.
Mùa hè năm ngoái, năm người - gồm các ông Lê Công Định, Trần Anh Kim, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung - bị chính quyền bắt giữ, ban đầu với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Sau đó, cáo trạng chống lại họ được tăng nặng lên, thành tội lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Ông Trần Anh Kim đã bị tòa ở Thái Bình kết án 5 năm 6 tháng tù giam hôm 28/12, trong khi bốn người còn lại dự kiến sẽ được đưa ra tòa trong tháng Giêng 2010.
Những người cổ vũ cho xã hội dân sự với hy vọng nó sẽ dẫn tới dân chủ hóa ở Việt Nam, đã cho rằng những vụ trấn áp đối lập của bảy tháng qua là sự thụt lùi đáng lo ngại.
Đã có giải thích rằng nguồn cơn sự việc là Đảng Cộng sản phải đối diện nhiều thách thức - khủng hoảng kinh tế thế giới, dự án bauxite bị phản đối bởi những người lo ngại Trung Quốc và cho rằng chính phủ mềm yếu trước yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, tranh cãi tôn giáo, lo ngại về chất lượng giáo dục và vấn nạn tham nhũng. Từ góc nhìn này, trấn áp là phản ứng của một nhà nước độc đảng lo ngại mất quyền lực.
Tiến sĩ Shawn McHale bắt đầu câu chuyện bằng việc nhìn lại sự trỗi dậy của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Không gian công và blog
Nhà nghiên cứu lịch sử này nhận xét giai đoạn tự do nhất của không gian công cộng ở Việt Nam là 1936-39, khi miền Nam Việt Nam "cũng tự do như Pháp".
Tuy vậy ông lưu ý, thời đó chỉ có khoảng 15-20% người Việt được học hành - con số đó ngày hôm nay đã là 90%.
"Từ góc nhìn lâu dài, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể để biến chính trị trở nên bao hàm toàn diện hơn và không gian công sinh động hơn. Về tôn giáo, nhà nước đã tinh vi hơn, và vì thế không còn thiên kiến phản tôn giáo như trong quá khứ."
"Trong thập niên vừa qua, không gian công đã nở rộ. Báo chí trở nên thú vị hơn. Nhưng càng lúc những tác nhân thay đổi càng đến từ bên ngoài Đảng Cộng sản. Hôm nay, sự độc quyền của Đảng về thông tin chính trị, kinh tế, vốn quá rõ ở năm 1990, đã bị bẻ gãy."
Ông nhìn nhận xã hội dân sự Việt Nam vẫn không phải là Thái Lan hay Nam Hàn, vì tại đây không có các tổ chức thực sự độc lập với Đảng Cộng sản. Nhưng cho dù các tổ chức phi chính phủ vẫn chịu nép uy của chính quyền, thì Đảng cũng ngày càng bớt khả năng kiểm soát các thảo luận chính trị và kinh tế.
Tiến sĩ Shawn McHale đồng ý rằng internet đã khiến nhiệm vụ kiểm duyệt của chính quyền ngày càng khó khăn.
"Trong quá khứ, Đảng Cộng sản có thể dễ dàng gièm pha qua báo in đa số nhà chỉ trích, thường là người Việt chống cộng ở hải ngoại. Ngày nay, nhiều sự bất mãn dường như đến từ bên trong - ngay cả từ những cá nhân tự xem mình đảng viên 'cấp tiến'".
"Mạng giờ đây là điểm tranh chấp phức tạp, mà ở đó sự phê phán chính phủ ngày càng công khai."
Ông dẫn ra cuộc tranh luận quanh chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và cũng lưu ý một số trang web như Talawas hay Bauxitevietnam.info mới đây đã bị tê liệt vì các cuộc tấn công mạng.

'Những người yêu nước'
Sau khi nhìn lại tiến trình phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam, tiến sĩ Shawn McHale đi vào chủ đề chính của buổi thuyết trình: vụ bắt giữ và sắp đưa ra xử nhóm hoạt động gồm Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung (người bị bắt cùng đợt, ông Trần Anh Kim đã ra tòa ở Thái Bình hồi cuối tháng 12).
Diễn giả người Mỹ xem "toàn bộ các bị can là người Việt Nam yêu nước".
"Những người này tự xem mình là người 'cấp tiến'. Họ chia sẻ nhiều giá trị với các thành viên của giới tinh hoa tiến bộ mới."
Ông lưu ý Hiến pháp Việt Nam khẳng định các quyền về tự do do báo chí, lập hội, tự do tư tưởng, nhưng nhà nước đã luôn hạn chế các quyền này bằng câu nói công dân phải hoạt động "trong khuôn khổ pháp luật".
Cáo trạng ban đầu với những người này là tội "tuyên truyền chống nhà nước". Nhưng tiến sĩ Shawn McHale cho rằng cáo trạng này có vấn đề vì nhiều người Việt vẫn được chỉ trích nhiều chính sách của nhà nước. Vì thế tội danh của họ bị đưa lên thành nặng hơn - tội "lật đổ". Để chứng minh các bị cáo đã vượt ra ngoài "khuôn khổ pháp luật", dường như cách dễ nhất là đặt hành động của Lê Công Định và bốn người kia vào một âm mưu tập thể, không còn chỉ là sự mơ tưởng về một nước Việt Nam mới và khác mà đã là cố gắng lật đổ nhà nước.
Diễn giả cũng lưu ý sự buộc tội của chính phủ một phần dựa trên các hoạt động diễn ra bên ngoài Việt Nam - ví dụ cáo buộc nói Lê Công Định đã tiếp xúc với "khủng bố" ở Mỹ hay tham dự khóa học ở Pattaya, Thái Lan.
Khi đọc cáo trạng, có cảm tưởng phần lớn bằng chứng lấy từ các trang web hải ngoại và từ trao đổi email. Nhiều email lại là đặt ở các máy chủ nước ngoài, ví dụ Gmail. Và chính phủ Việt Nam "chưa bao giờ giải thích làm thế nào họ có thể, một cách hợp pháp, tiếp cận nguồn tài liệu này".
Sử gia người Mỹ kết luận: "Tôi tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang học nhầm bài học từ lịch sử. Thiên An Môn và Sự sụp đổ Bức tường Berlin đã làm Đảng tỉnh ra. Họ không muốn lặp lại sai lầm tương tự. Họ không muốn có phong trào dân chủ ở Việt Nam."
Bài học "đúng đắn" từ lịch sử, vị tiến sĩ đặt vấn đề, lại có thể là bài học Nhật Bản sau chiến tranh, mà theo ông, đã khai mầm một xã hội dân sự sôi động cùng chung sống với chủ nghĩa chuyên chế.
"Tại Nhật, các trí thức cho rằng nhiệm vụ của họ là 'kỷ luật' nhà nước thông qua sự phê phán, nhưng họ không thách thức quyền căn bản của nhà nước được cai trị."
"Đa số người Việt không phải là các nhà hoạt động dân chủ. Họ muốn nhìn thấy trách nhiệm giải trình. Họ tin những kẻ tham nhũng phải bị trừng phạt. Họ tin chính phủ cần hành động theo quyền lợi của nhân dân."
"Để giải quyết những vấn đề đó, chính phủ Việt Nam có thể nên bớt tập trung vào các nhà dân chủ, để chú ý hơn nguồn gốc của sự bất mãn: những hành động của chính Đảng Cộng sản."


HỘI THẢO VỀ NHÂN QUYỀN VN tại ĐẠI HỌC GEORGE WASHINGTON (VOA)


No comments: