Wednesday, January 6, 2010

THAM VỌNG SỞ HỮU TÀU SÂN BAY của TRUNG QUỐC

Tham vọng sở hữu tàu sân bay của Trung Quốc
Thứ tư, 06/01/2010, 15:25(GMT+7)
http://vitinfo.com.vn/Muctin/Quansu/THSK/LA71349/default.htm
VIT - Mới đây, 2 chuyên gia Nan Li và Christopher Weuve đã công bố bài phân tích tương đối dài mang tên “Tham vọng sở hữu tàu sân bay của Trung Quốc”. Chúng tôi xin trích một số đoạn trong nghiên cứu này để thấy được con đường gian nan của Bắc Kinh tiến tới sở hữu tàu sân bay cho riêng mình.

Khó khăn chính trong việc đóng tàu sân bay của Trung Quốc là việc thiếu kinh phí. Ngày 21/6/1958, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã đề nghị Ủy ban quân sự Trung ương thành lập “những con đường sắt ra biển lớn” có nghĩa là tàu thương mại hoạt động trên đại dương được tàu sân bay hộ tống, lúc đó ngân sách quốc phòng Trung Quốc chỉ có 5 tỷ nhân dân tệ. Ngân sách nghèo nàn này chỉ dành 1,5 tỷ nhân dân tệ để mua vũ khí còn Hải quân thực tế chỉ nhận được chưa đến 200 triệu nhân dân tệ. Tàu quét mìn Liên Xô lớp Gordy có lượng choán nước 1600 tấn trị giá 30 triệu nhân dân tệ, Hạm đội Trung Quốc đã có thể tính đến việc sở hữu 4 chiếc tàu loại này.

Chương trình đóng tàu sân bay một lần nữa được đưa ra vào những năm 70 nhưng khó khăn về tài chính không cho phép Trung Quốc triển khai nghiêm túc công việc này. Từ năm 1971 – 1982, ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc đạt mức trung bình khoảng 17 tỷ nhân dân tệ. Trung Quốc chi khoảng 6 tỷ nhân dân tệ mua vũ khí, vì vậy việc đóng/mua tàu sân bay chỉ được chi khoảng vài trăm triệu nhân dân tệ. Với sự đồng ý của người thay thế Chủ tịch Mao, Hua Guofeng - người giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương vào cuối những năm 70, Trung Quốc có kế hoạch sở hữu tàu sân bay hạng nhẹ có lượng choán nước 18.000 tấn (bằng con đường đóng tàu nội địa hoặc hợp tác với quốc gia khác), và sử dụng máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng Harrier của Anh. Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ vì ông Deng Xiaoping - người thay thế ông Hua Guofeng - đã quyết định cắt giảm chi phí quốc phòng để tiết kiệm tiền dành cho phát triển kinh tế dân dụng.

Liu Huaqing – người giữ chức Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trong những năm 1982-88 và chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương giai đoạn 1992-97 - đã ráo riết vận động hành lang cho kế hoạch đóng tàu sân bay. Ông đã đề ra cơ sở kinh tế - kỹ thuật thực hiện chương trình trong kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (1991-1995) bao gồm chi phí nghiên cứu và chế tạo tàu sân bay và máy bay sử dụng trên tàu, và trong kế hoạch 5 năm lần thứ 8, ông đề xuất bắt đầu đóng tàu sân bay. Ông đề xuất sở hữu tàu sân bay hạng trung với khả năng phòng không có hạn. Mặc dù vào đầu thập niên 90, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng lên đáng kể nhưng Trung Quốc vẫn không thể tăng kinh phí cho chương trình đóng tàu sân bay. Trung Quốc ưu tiên cho phát triển hàng không, hệ thống phòng không, điện tử và nghiên cứu tàu ngầm.

Vào năm 2007, khả năng tài chính của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể. Các khoản thu của ngân sách quốc gia tăng lên khoảng 750 tỷ đôla mặc dù kém Mỹ (2,6 nghìn tỷ đôla) nhưng nhiều hơn Nhật Bản (500 tỷ đôla). Vì thế, ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc đã tăng lên 46 tỷ đôla (350 tỷ nhân dân tệ). Theo những đánh giá chính thức, trong năm nay, Trung Quốc sẽ chi khoảng 15,3 tỷ đôla cho kế hoạch mua sắm vũ khí. Người ta cho rằng, hiện nay, chương trình đóng tàu sân bay tại Trung Quốc là nhiệm vụ ưu tiên và Trung Quốc sẽ chi hàng tỷ đôla mỗi năm để thực hiện mục đích này và kinh phí tiếp tục tăng trong những năm tới. Cần phải lưu ý, ở thời điểm giá nhân công và nguyên vật liệu thấp thì kinh phí đóng tàu san bay lớp Kuznetsov có lượng choán nước 60.000 tấn là khoảng hơn 2 tỷ đôla. Nhưng đóng xong tàu sân bay cũng mới chỉ hoàn thành một nửa công việc. Cần phải mua máy bay sử dụng trên tàu Su-33 với số lượng 50 chiếc, mỗi chiếc giá 50 triệu đôla; cũng như cần mua một vài máy bay cảnh báo sớm trên không, trực thăng chống ngầm và tìm kiếm cứu hộ vừa đủ với tổng chi phí khoảng hơn 3 tỷ đôla.

Tàu khu trục Sovremenny do Nga sản xuất có giá khoảng 600 triệu đôla và Nga cần thêm chiến hạm, tàu hậu cần trị giá 4 tỷ đôla. Vì vậy, tổng kinh phí nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc có thể lên lới 10 tỷ đôla và 2 nhóm tàu sân bay tấn công thì số tiền có thể lên tới gần 20 tỷ đôla. Số tiền này sẽ được chi trả trong vòng 10 năm thực hiện. Chi phí hàng năm dành cho việc đào tạo liên tục, bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa và nhiên liệu dành cho 2 nhóm tàu sân bay tấn công có thể chiếm 10% tổng kinh phí đóng tàu sân bay (theo kinh nghiệm từ Mỹ) hoặc 200 triệu đôla dành cho mỗi nhóm tàu sân bay tấn công. Từ những con số dẫn ra ở trên, có thể kết luận rằng trong điều kiện kinh tế và tài chính hiện nay, Trung Quốc có thể thực hiện được chương trình đóng tàu sân bay.

Huy Linh (Lược dịch)
Tin dịch
Nguồn tin:
nguồn 1




No comments: