Wednesday, January 6, 2010

TẠI SAO BẠN và TÔI PHẢI LÊN TIẾNG ?

Tại Sao Bạn và Tôi Phải Lên Tiếng?
Trần Quốc Tuấn
Theo Facebook

Thứ Tư, 06/01/2010
http://danluan.org/node/3843

Hãy lên tiếng tạo dư luận để xua tan nạn tham nhũng, quan liêu!

Tôi thuộc thế hệ 8x, xuất thân từ gia đình nông dân. Ông bà cha mẹ tôi không quan tâm đến “chính trị.” Thế nhưng vì tôi còn trẻ và vì sống trong bất công bấy lâu, tôi phải quan tâm và lên tiếng, vì tương mai sau của tôi và của con, rồi cháu tôi.
Khi vừa lên năm, tôi đã chứng kiến cảnh đòi hối lộ. Nạn nhân là ba tôi và tôi. Năm ấy, ba tôi chở tôi lên xã làm khai sinh để xin vào học mẫu giáo.Lần đầu, cô thư ký xã hỏi ba tôi, “Sao bây giờ mới làm, nó lớn quá, mấy tuổi rồi?” Ba tôi trả lời “Dạ cháu năm tuổi...cô thông cảm vì nhà tôi ở xa và vì bận chuyện đồng áng….” Ba tôi và cô thư ký đã lời qua, tiếng lại thêm một lúc nữa. Cuối cùng cô phán, “Hồ sơ còn thiếu giấy tờ, về bổ xung thêm, ” nhưng không giải thích thiếu cái chi. Thế là cha con tôi đạp xe đạp về nhà. Vài ngày sau trở lại. Vì trời mưa nên đường bùn xìn, lầy lội rất khó đi. Mặc dầu đã khởi hành từ sáng sớm, nhưng khi đến nơi đã khoảng chín giờ sáng. Sau khi thưa chuyện với cô thư ký hôm bữa, cô bảo ba tôi, “Hôm nay không làm việc, hôm khác anh lên lại.” Ba tôi đứng sớ rớ này nỉ một hồi không được nên ông cười kiểu bị “quê độ” và nói với tôi, “Thôi mình về con.” Không hiểu chuyện tôi hỏi ba, “Sao về, bây giờ còn sớm mà sao không làm việc?” và nhìn về hướng cô thư ký. Ba tôi thang vãn “năm nay mùa màng thất bại quá.” Cô hỏi, “sao thất bại, năm nay mưa thuận gió hoà mà?” Ba tôi trả lời, “nhưng sâu rầy hoành hành quá cô ơi.” Chúng tôi đứng sớ rớ một hồi nữa thì cô thư ký nhận hồ sơ, chuyển vào ông công an xã. Ông công an đống mọc “cụp, cụp” và không đầy năm phút tôi đã có giấy khai sinh. Lúc ra về ông công an xã dặn, “lần sau anh bồi dưỡng tụi tui nhen.”
Hai mươi năm sau, cảnh đòi hối lộ trắng trợn như trên vẫn còn ở quê tôi. Đấy là ổ cấp xã. Còn ở cấp tỉnh và trung ương thì chuyện tham nhũng, rút ruột dự án, rữa tiền bao che kẻ gian đã trở thành “nan giải”. Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ 800 nghìn đô la từ công ty tư vấn PCI của Nhật đã khiến dư luận Nhật phẩn nộ và chính phủ Nhật đã ngưng viện trợ ODA cho VN một thời gian. Vậy mà ông Sỹ chỉ bị xét xử 3 năm tù vì tội “cho thuê nhà trái phép” (?). Còn vụ tham nhũng PMU 18 cả triệu USD do ông Nguyễn Việt Tiến cầm đầu. Thế mà khi xét xử ông Tiến được trắng án và sau đó được phục hồi thẻ Đảng (?). Vụ công ty Vedan thả chất thảy làm chết 70 kilomét sông Thị Vải ở Đồng Nai. Bộ Tài Nguyên và Môi Trường ra lệnh đóng cửa và phạt công ty này, nhưng cấp tỉnh thì bảo thi hành không được (?). Và còn vụ viên chức Ngân Hàng Nhà Nước nhận mười hai triệu đô Úc từ công ty Securrency bị báo chí Úc phanh phui tháng Mười năm nay. Các viên chức của Securrency đã bị chính quyền Liêng Bang Úc tóm về điều tra. Chính phủ Úc đã yêu cầu Việt Nam hợp tác .Và tới nay vụ này đã bị “chìm xuồng” (?).
Và còn rất nhiều vấn đề “nan giải” nữa. Hà Nội, Sài Gòn cứ vào mưa là ngập lụt. Các ông lãnh đạo viện cớ “do triều cường dâng,” nhưng thật chất là cống thoát nước xuống cấp; chính phủ đã chi tiền nâng cấp, nhưng tiền không cánh mà bay. Giao thông đường bộ thì đầy hỗn loạn vì ngay cả tiền lấp biển báo cũng bị rút ruột! Giá điện, nước thì cứ tự nhiên tăng nhưng cứ triền miên cúp. Những vấn đề “nan giải” này đã và đang ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của hàng triệu đồng bào.
Chả lẽ cho rằng “nan giải” là trốn tránh trách nhiệm và làm ngơ không xử lý? Không vấn đề gì là “nan giải” nếu có đủ quyết tâm. Bởi vì Việt Nam ta theo thể chế độc đảng nên không có sự cạnh tranh trong công vụ. Tuy nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc “thi đua,” nhưng kết quả thực dụng chỉ có trong báo cáo. Thêm phần luật pháp không công minh nên các ông nhà nước “lộng hành” cấu kết, bao che cho nhau làm bậy. Chẳng lẽ chúng ta cứ tiếp tục sống với những vấn đề “nan giải” này? Và con, rồi cháu chúng ta mai này cũng thế.
Theo tôi thì tại vì dư luận chưa đủ mạnh nên những chuyện “nan giải” cứ tổn tại mãi. Vậy chúng ta phải lên tiếng vì sự im lặng đồng nghĩa với “tôi không quan tâm,” và nó tạo cơ hội cho kẻ gian tấn tới. Tôi lên tiếng bằng những bài viết. Bạn cũng có thể làm được. Những việc cụ thể bạn có thể làm để kiện toàn dư luận hiện nay là:
• Hãy tăng cường chia sẽ với nhau những bức súc trong cuộc sống của bạn.
• Hãy tiếp cận thông tin đa chiều, từ trong và ngoài nước để hiểu rõ tình hình đất nước.
• Hãy tạo một trang nhật ký mạng (blog) và viết lên những suy tư của bạn.
• Hãy viết thư đến các viên chức lãnh đạo để nhắc nhở trách nhiệm của họ.
• Hãy tác thưởng những việc làm tốt và phê bình, góp ý những việc làm sai.
• Hãy tích cực phản đối những vụ án mà toàn án xét xử kiểu “giơ cao, đánh khẻ” bằng những bài viết trên báo, trên blog, hay qua thư tín, vân vân.
• Nếu có thể, hãy vận động bạn, bè, người thân của bạn tham gia kiến nghị những quyết định, những dư án đầy sai lầm của nhà nước (Dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên là ví dụ.)
Có câu “Ý dân là ý trời”. Vì hiện thân của “Ý dân” là dư luận cho nên chúng ta phải lên tiếng. Chỉ có sức ép dư luận mới có thể thay đổi vận nước và thay đổi luôn cuộc sông hiện nay của bạn. Vì dư luận không là “chính trị”, bạn đừng e sợ. Hãy tin vào sức mình và hãy lên tiếng!
Bạn chờ chi nữa? Hãy lên tiếng ngay hôm nay!



No comments: