Sunday, January 24, 2010

PHÍA SAU TƯỜNG LỬA VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

Guardian.co.uk
Phía sau Tường lửa Vạn Lý Trường Thành
Đăng bởi anhbasam on 24/01/2010
http://anhbasam.com/2010/01/24/448-phia-sau-t%c6%b0%e1%bb%9dng-l%e1%bb%ada-v%e1%ba%a1n-ly-tr%c6%b0%e1%bb%9dng-thanh/
210 triệu người Trung Quốc từng truy cập mạng và bất cứ khi nào Trung Quốc cũng có số người sử dụng nhiều hơn Hoa Kỳ. Song thay vì quyền tự do lan rộng, mạng Internet đã bị thuần phục bởi tấm lưới sắt của Bắc Kinh

Bài của Jonathan Watts tại Bắc Kinh
Thứ Bảy, ngày 9-2-2008

Có hai trận bão tuyết rất khác nhau bao phủ Trung Quốc trong quãng thời gian dẫn tới kỳ Lễ hội Mùa xuân tuần này. Trận bão thứ nhất, được loan tải qua hệ thống truyền thông quốc gia, là một thảm họa thiên nhiên được đội quân nửa triệu binh lính cùng lực lượng tình nguyện của Đoàn Thanh niên Cộng sản anh dũng chống lại. Nó đã làm 5,8 triệu người bị mắc kẹt trên đường, nhưng cuối cùng người dân cũng đã thắng thế.
Trận bão thứ hai, được phản chiếu qua lăng kính của những con người mê thích internet trong nỗi yếm thế, một thứ tai ương bị làm trầm trọng thêm bởi sự kém hiểu biết, lười biếng và những dự báo tình hình lạc quan của giới chức chính quyền. Trong khi phương tiện truyền thông bảo thủ trích dẫn “những lời lẽ chân tình” trong nỗi cảm kích cho màn phụ xướng từ chính phủ và tán dương các phóng viên “quả cảm” của nó, thì trên internet đã rộn lên những lời tố cáo giận dữ các phát thanh viên nhà nước, những nhà dự báo và các giới chức về việc khai thác những hình ảnh sai lạc.
Sự ganh đua trên công luận đó – chưa từng thấy trong 10 năm trước – đang trở nên quen thuộc ở Trung Quốc những ngày này thành trận chiến kiểm duyệt lớn nhất thế giới đối phó với sự bùng nổ internet. Với 200.000 cư dân mạng mới mỗi ngày, số người dùng trực tuyến của Trung Quốc hiện gần vượt mức của Hoa Kỳ để trở nên đông đảo nhất trên thế giới.
Giới hạn đó có thể đạt tới trong hôm nay, tuần sau, hoặc tháng sau. Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, có 210 triệu người dùng internet vào thời điểm cuối năm ngoái, chỉ đứng sau Hoa Kỳ 5 triệu. Song Trung Quốc lại có thêm 6 triệu người dùng mới mỗi tháng – nhanh hơn gấp mười lần so với tốc độ phát triển của Hoa Kỳ.
Vào năm có sự kiện Olympic, và lại là thời điểm tăng trưởng kinh tế dâng cao, những con số được đưa ra tựa như bằng chứng cho sự thăng tiến không gì cản nổi của Bắc Kinh. Chẳng phải mọi người đều thích thú với điều này. Các nhà hoạt động xã hội về tự do ngôn luận lo ngại rằng điều đó sẽ làm gia tăng thế lực của các nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc trên thế giới ảo. Chính phủ các nước khác đã dấy lên mối lo ngại rằng nước này đã trở thành mảnh đất ươm mầm cho những kẻ vi phạm tác quyền, tin tặc và gián điệp mạng.
Đừng tưởng là như vậy. Sau khi internet được kết nối với Trung Quốc năm 1987, những nhà vận động cho quyền tự do cá nhân hy vọng nó sẽ là chất xúc tác cho cải cách chính trị. Song 21 năm qua, đảng Cộng sản vẫn nắm quyền lực và mô hình một hệ thống internet bị kiểm soát chặt chẽ của nó là một mảnh đất đang phát triển, giá như được tính bằng số lượng.
Một blog được nhiều người ưa chuộng nhất thế giới ? Lao Xu, được thực hiện bởi diễn viên kiêm dạo diễn Xu Jinglei, một blog tự hào với 137 triệu lượt truy cập. Nơi phát tán hình ảnh video trên mạng lớn nhất thế giới ? Tudou, từng quả quyết rằng họ đã vượt qua YouTube với trên 1 tỉ mebabytes dữ liệu được truyền tải mỗi ngày. Tiếp đến là Baidu, đã đánh bại Google trên thị trường công cụ tìm kiếm Mandarin, và Alibaba với ông chủ Jack Ma, là một người hùng dân tộc trong việc hạ nhục eBay và qua mặt các hoạt động của Yahoo ở Trung Quốc.
Ngôn ngữ, văn hóa và Tường lửa Vạn Lý Trường Thành
[1]của Trung Quốc – tấm lá chắn thông tin của quốc gia – đã bảo vệ chính quyền và các đại gia trước cuộc đua tranh thương trường. Gửi tin nhắn trực tuyến và nối mạng giao lưu bị thống trị ở đây bởi dịch vụ QQ của Tuscent. Thế giới phần mềm trò chơi bị chế ngự bởi Shanda Entertainment và Giant Interactive hơn là Nintendo và Sony. Sina và Sohu có một hệ thống khóa giữ trên thị trường tin tức hàng ngày. Trên mọi lĩnh vực ở Trung Quốc, các tay chơi nội địa đứng đầu bảng. Một số lúc này bắt đầu nhắm tới thị trường nước ngoài. Baidu mới đây đã khai trương dịch vụ tại Nhật Bản.
Các nhà chuyên môn cho rằng bằng việc qua mặt Hoa Kỳ như là một thị trường người dùng lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ hấp dẫn đầu tư, giao thương và kỹ nghệ. Với điều này thì họ sẽ trở nên có thế lực.
“Đây là một cột mốc quan trọng. Hoa kỳ hầu như đã đạt tới một điểm mà nó không còn có đủ khả năng để thăng tiến hơn nữa. Trung Quốc thì ngược lại. Về mặt gia tăng kinh tế và lượng kết nối, Trung Quốc dứt khoát là nơi thích hợp,” Xiao Qiang, người sáng lập Digital Times Trung Quốc đóng tại Mỹ khẳng định.
Bắc Kinh được cho là đang có một hệ thống khóa chặn tinh vi nhất hành tinh, được sử dụng cho việc bảo vệ bức tường ảo chống lại những mối đe doạ từ bên ngoài. Ở bên trong, họ dựa vào một hệ thống kiểm tra của chính quyền và tự kiểm duyệt tập thể. Hầu hết các bộ định tuyến
[2] và các cơ phận khác đều được nhập từ các công ty của Hoa Kỳ, ví như Cisco. Các nhà tranh đấu nghi ngờ Trung Quốc đang chuyển giao những bí quyết kiểm duyệt cho Cuba, Việt Nam và một số quốc gia Phi châu.
“Trung Quốc đang xuất khẩu một mô hình làm cho internet trở thành một thứ công cụ phục vụ phát triển kinh tế, nối mạng giao tiếp, tiếp thị kinh doanh và tuyên truyền, nhưng không phục vụ cho việc tự do bày tỏ ý kiến. Trung Quốc rất tự hào về điều này. Họ chi hàng chục triệu euro để xây dựng hệ thống tường lửa, lực lượng cảnh sát mạng và kiểm duyệt mạng,” theo Ông Vincent Brossel của tổ chức Nhà báo Không Biên giới cho biết.

Sôi nổi
Ông nói rằng Trung Quốc đang tiến hành vận động hậu trường với một tầm mức quốc tế để có sự kiểm soát trên nhiều quốc gia hơn trên internet, một hệ thống hiện đang được quản lý bởi một tổ chức độc lập đóng tại Hoa Kỳ. “Nếu điều này xảy ra, nó sẽ kết thúc sự tự do biểu đạt ý kiến trên mạng.”
Nhưng internet cũng đang thay đổi Trung Quốc và làm nên những nét đặc trưng mà không ở nơi đâu có được. So sánh vấn đề này với Hoa Kỳ, các khảo sát gợi ra rằng những cư dân mạng ở Trung Quốc thích thú quan tâm tới web hơn, gấp ba lần với cảm giác được tự do hơn trên thế giới ảo so với trong thế giới thực, và hơn gấp hai lần với việc cho rằng mình đam mê quá.
Với một tỉ lệ trung bình là 35 tuổi trở xuống – trẻ hơn 7 tuổi so với Hoa Kỳ – họ quan tâm chủ yếu tới giải trí, và tin rằng internet đang đem tới niềm vui thú trong lĩnh vực này hơn là TV, điện ảnh, hay gặp gỡ bạn bè. Khiêu dâm, một ham thích mấu chốt trên internet tại những xứ khác, thì lại là nhân tố hạn chế ở Trung Quốc, nơi mà chính phủ thường xuyên nhắc nhở việc rà soát trên mạng trực tuyến do sự “đầu độc tâm hồn”. Tháng trước, phương tiện truyền thông nhà nước loan báo đã đóng cửa 44.000 website và bắt giữ 868 người vì bị cáo buộc đã cung cấp nội dung “không lành mạnh”.
Trang web ở Trung Quốc còn lâu mới bị coi là khô khan song trong khi “sex” là thuật ngữ tìm kiếm phổ biến nhất trên nhiều nước, thì Google loan báo rằng ở Trung Quốc đa số đề tài được tìm kiếm liên quan tới tài sản tiền bạc và công nghệ. Từ “cổ phần” nằm trong số 6 thuật ngữ được tìm kiếm nhiều nhất, đi theo với tên của 3 ngân hàng hàng đầu.
Những phương tiện để truy cập cũng rất khác nhau. Mức tăng trưởng nhanh nhất năm ngoái là ở những vùng nông thôn. Một phần ba những người vào mạng trực tuyến là tại các quán cà phê internet, nơi được gọi là wangba (web bars – quán net).
Cái cảnh trong tuần này tại một quán net vùng ngoại ô Bắc Kinh là rất đặc trưng: những người đàn ông mũ sụp trên đầu và vận áo parkas đang chọc tay lên bàn phím, nã đạn vào binh lính và những kẻ xa lạ, trong khi phụ nữ thì đắm đuối vào những bộ phim nhiều tập đẫm nước mắt của Hàn Quốc và những gameshows của Đài Loan.
Vài người chợp mắt ngay tại bàn máy tính. Một người đàn bà cau có. Đôi lúc có kẻ cười toe toét một mình. Song với đa số, chỉ có tiếng nhắp chuột và gõ bàn phím giữa một đám đông bất động và ngây ngô.
“Cuộc sống của tôi sẽ buồn tẻ nếu như không có net,” đó là lời thú nhận của Yang Jing, một sinh viên nghệ thuật 19 tuổi từ An Huy (Anhui), khi cô vừa xem xong một bộ phim phù phiếm. “Nó chỉ được lấp đầy bởi trường học và thứ này – tôi xem phim, chơi game và chat với bạn bè. Nếu chúng ta không có net, tôi không hiểu sẽ phải làm gì.”
Quán cà phê Yi You mới mở cửa một năm trước, mới nhất trong cả một hệ thống đầy kiêu hãnh vì duy nhất có tới nửa tá đại lý ở Bắc Kinh. Vào buổi tối, 300 ghế nhanh chóng được chiếm chỗ; những đại lý khác lại còn có nhiều màn hình hơn. “Kinh doanh cà phê internet đã phát triển rất nhanh trong hai năm qua. Chúng có ở khắp nơi,” người quản lý tên là Zong Cheng cho biết.
Jeremy Goldkorn, người sáng lập trang truyền thông dùng blog Danwei.org, nói rằng làn sóng những người dùng internet đang làm thay đổi Trung Quốc. “Thật vô cùng quan trọng về mức phát triển internet với tốc độ này bởi nó tạo sự dễ dàng hơn cho việc đưa thông tin ra bên ngoài,” anh nhận xét. “Tôi tin là xã hội Trung Quốc nói chung đang cởi mở hơn. Internet là căn nguyên đưa tới tình hình đó, song nó cũng là một kết quả. Nó không dẫn tới cách mạng, nhưng nó sẽ đóng vai trò là một phần của sự phát triển cho tranh luận công khai.”
Roland Soong, người có blog Zonaeuropa là một trong những nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về các trang web của đại lục, đã tin rằng dân chúng ở Trung Quốc có những mong đợi nhiều hơn ở internet.
“Ở các nước khác, có nhiều diễn đàn cho những người dân bình thường bày tỏ ý kiến của bản thân mình. Còn ở Trung Quốc, internet là diễn đàn duy nhất cho những công dân nói lên tiếng nói của họ.”

Bịa đặt
Sự hăng hái đôi khi tự nó chứng minh cho những tình trạng đáng báo động. Soong tin rằng có nhiều câu chuyện đã được bịa đặt hơn ở những nước khác bởi những người muốn tự đề cao mình hoặc công ty của mình. Những trận chiến trực tuyến thường quay vào những cuộc săn lùng một kẻ tội đồ nào đó của cả đám đông, ví như cuộc gần đây bởi những nhóm BBS (hệ thống thông báo) mà đích nhắm là một thiếu nữa 13 tuổi đã được giới chức sử dụng để biện minh cho việc thắt chặt quản lý nội dung video trực tuyến. Trong một cuộc phỏng vấn của hệ thống truyền hình quốc gia CCTV cô miêu tả là nó “rất vàng vọt [khiêu dâm], rất bạo lực”, vụ việc đang trở thành một trong những khẩu hiệu biểu tượng của năm.
Nhưng những vụ việc khác gợi mở rằng internet đang cung cấp một lực lượng xã hội tích cực, bằng việc làm cho các chính quyền địa phương vốn không được bầu lên phải có trách nhiệm hơn. Vụ giết hại Wei Wenhua gần đây, người đã dùng điện thoại di động của mình quay phim cảnh xung đột giữa các viên chức thành phố với những dân làng, đã nhanh chóng trở thành loại tin tức toàn quốc nhờ vào sự giận dữ của các blogger trên internet. Các giới chức không có chọn lựa nào khác hơn là phải bắt giữ bốn kẻ tình nghi và xử bắn một viên chức địa phương. Tờ Quảng Đông Nhật báo tường thuật vụ một vị quan tòa bị đình chỉ công việc sau khi những hình ảnh được đưa lên mạng cho thấy ông ta đang tán gẫu bằng điện thoại di động trong lúc vẫn nghe nội dung phiên tòa. Các giới chức lâm nghiệp ở Shaanxi phải đối mặt với một phản ứng giận dữ sau khi xác thực những hình ảnh về những đe doạ cho bầy hổ ở Nam Trung Quốc là giả mạo.
Sự gia tăng nhanh chóng số lượng điện thoại di động, các dịch vụ nhắn tin và thông báo trên internet đã được ngợi ca như là một nhân tố chính cho các cuộc biểu tình trên đường phố gần đây của tầng lớp trung lưu. Vụ việc lớn nhất được thấy năm ngoái là một cuộc biểu tình của hàng nghìn người ở Xiamen, tỉnh Fujian chống lại những kế hoạch xây dựng một nhà máy hóa chất. Công luận quan tâm, nhà cầm quyền đã phải chùn bước.
Ở cấp nhà nước, Cơ quan Thông tin Hội đồng Nhà nước – ở hải ngoại là internet – có thể vẫn áp dụng việc quản lý chặt chẽ. Việc giam giữ gần đây đối với nhà hoạt động nhân quyền Hu Jia và cầm giữ vợ và con gái hai tháng tuổi của ông tại nhà đã làm nên tiêu đề tin tức hàng đầu trên khắp thế giới. Tại Trung Quốc, nó lại như là chuyện chưa bao giờ xảy ra. Hai cổng tin tức chính, Sina và Sohu, không đề cập chút nào về vụ này. Tìm kiếm trên công cụ Baidu và Google với một danh mục các trang web, nhiều trong số đó đã bị chặn. Một số trang khác bị kiểm duyệt bởi chính các công cụ tìm kiếm đó, song chỉ có Google thú nhận điều này ngay trên các kết quả tìm được. Các giới chức duy trì việc ngăn chặn thường trực trên các trang web, ví như BBC news, Ân xá [Quốc tế] hay những nguồn tin phi chính phủ về Tây Tạng, Đài Loan, cuộc thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn và Falun Gong. Các giới chức cơ quan tuyên truyền hàng tuần gửi một danh sách các đề tài cần hạn chế đề cập tới cho các nhà quản trị trang web, những người từ đấy được đòi hỏi phải tự kiểm duyệt nội dung của mình.
Nhưng với tình hình internet phát triển quá nhanh, có một sự giới hạn số lượng những yêu cầu ngăn chặn mà chính phủ có thể đưa ra hoặc mức độ rộng lớn nó có thể áp đặt quyền lực của mình trên các trang web nhỏ, ví như blog và những bản thông báo. Với thực trạng đó, nó buộc phải nhờ cậy vào lối tự kiểm duyệt, là thứ chẳng có gì đảm bảo.
Hong Bo, người có blog mang tên Keso, nói rằng cơ hội để nói thẳng ra ý kiến của mình trên mạng trực tuyến được yêu thích bởi một số lượng ngày càng lớn blogger và những người sử dụng hệ thống BBS.
“Internet của Trung Quốc có một đặc tính riêng biệt. Nó là một hệ thống được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới, song cách đối xử của các cư dân mạng vẫn gây lúng túng và ngạc nhiên cho những mong muốn của chính quyền. Họ có thể cấm các trang web và xóa những nội dung được đưa lên, nhưng họ chẳng có được cái gì dưới sự kiểm soát.”
Isaac Mao, một nhà tiên phong về blog và tìm kiếm trên mạng, đã nói rằng số lượng người dùng không quan trọng bằng chất lượng từ những kinh nghiệm trực tuyến của họ, lĩnh vực mà theo anh không có một khoảng cách lớn với Hoa Kỳ.
Tổ chức của anh cổ vũ các cư dân mạng nối kết với nhau trong cả cuộc sống thực và ảo thông qua blog và những cuộc thảo luận các vấn đề xã hội, gồm có vấn đề kiểm duyệt.
“Những kẻ cai trị tin là họ có thể xây dựng một hệ thống tốt hơn và bắt những người khác phải theo. Nhưng mặc dù họ muốn thay đổi internet, nó là một phần của một thế giới toàn cầu hóa và không ai có thể có đủ khả năng xây dựng một hệ thống riêng biệt.
“Tôi tin là internet sẽ biến đổi Trung Quốc hơn là Trung Quốc làm thay đổi internet.”

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008

Ba Sàm chú thích:
[1] “Tường lửa” của Trung Quốc được gọi là Great FireWall (Tường lửa Vạn Lý Trường Thành), ghép theo kiểu chơi chữ từ Great Wall là Vạn Lý Trường Thành.
[2] Hộp hỗ trợ trao đổi, chuyển đổi, chia sẻ thông tin giữa các máy tính trong mạng cục bộ hoặc toàn cầu, tựa như nhà ga xe lửa.




No comments: