Thursday, January 21, 2010

PHẢN ỨNG về VỤ XỬ 4 NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN

Phản ứng về vụ xử bất đồng chính kiến
BBC
Cập nhật: 07:19 GMT - thứ năm, 21 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100121_trial_reax.shtml
Anh quốc và Hoa Kỳ là hai nước phản ứng nhanh nhất trước án tù nhiều năm dành cho các nhà đối kháng trong phiên xử 20/01.
Chỉ vài tiếng sau khi tòa tuyên án, Bộ Ngoại giao Anh lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Thứ trưởng Ngoại giao Ivan Lewis nói tại London: "Không thể cầm tù bất kỳ ai vì người đó bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình".
"Quyền tự do ngôn luận và tự do lưu thông tư tưởng là tối quan trọng cho một nền kinh tế và xã hội phát triển."

Theo ông Lewis, các bản ạ́n như vừa trao chỉ "gây phương hại cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế".

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak vừa ra thông cáo viết: "Đại sứ quán Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc bởi việc kết án luật sư Lê Công Định cũng như các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long vào ngày 20/01 về các tội danh lật đổ."
"Chúng tôi cũng quan ngại về việc tiến hành phiên toà rõ ràng đã thiếu trình tự chuẩn mực."
Ông Michalak bình luận rằng các bản án đã "đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc".
"Việc kết tội này cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng đối với cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách."
Ông đại sứ thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho các vị vừa bị án tù cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác "ngay lập tức và vô điều kiện".

Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng gì về các thông cáo ở trên.
Được biết Liên hiệp châu Âu cũng sẽ sớm ra tuyên bố của mình về các bản án ra hôm thứ Tư.

Trừng phạt nghiêm khắc
Sau tám giờ xét xử, chiều 20/01 Tòa án Nhân Dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt ông Lê Công Định 5 năm tù giam, ông Nguyễn Tiến Trung 7 năm, ông Lê Thăng Long 5 năm và ông Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm vì tội Hoạt động lật đổ chính quyền.
Sau khi mãn hạn, các ông này còn bị quản chế tại gia từ 3 tới 5 năm.
Ngay sau phiên tòa, thân nhân các bị cáo đã bày tỏ ngỡ ngàng và thất vọng.
Được biết vợ ông Trần Huỳnh Duy Thức, người lãnh án nặng nhất, đã ngất xỉu khi nghe tòa tuyên án. Em trai ông, ông Trần Huỳnh Duy Tân, thì nói vẫn tin anh mình vô tội.
Bà Lê Thị Minh Tâm, thân mẫu ông Nguyễn Tiến Trung, người đã nhận tội trước tòa cùng ông Lê Công Định, thì nói bà biết rằng đây là việc làm có tính toán cân nhắc của con.
Bà nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh: "Tôi biết Trung làm như thế nào để cho có lợi nhất, cho tốt nhất".
"Tôi tin tưởng vào Trung. Và đằng sau những lời nhận mình vi phạm pháp luật của Việt Nam, nó là cả một tấm lòng. Tôi hiểu con tôi như vậy."
Bà Tâm nói bản án 7 năm tù giam cho ông Trung là quá nặng.
"Trung không bao giờ có ý định lật đổ chính quyền mà bao giờ cũng muốn hợp tác làm sao cho đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn, người dân được sung sướng hơn."
Báo chí Việt Nam đăng nhiều bài sau phiên tòa, phần lớn nêu quan điểm cho rằng cần trừng trị nghiêm minh các hành động chống đối chính quyền để giữ an ninh và kỷ cương phép nước.


‘Sống ở VN đành chấp nhận vậy thôi’
BBC
Cập nhật: 07:59 GMT - thứ năm, 21 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100121_trungsfamily_reaction.shtml
Gia đình Nguyễn Tiến Trung cho rằng họ không bất ngờ trước lời nhận tội của anh trong phiên tòa tại tp Hồ Chí Minh ngày 20/1.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ, bà Lê Thị Minh Tâm, mẹ của Nguyễn Tiến Trung nói, "tấm lòng" với đất nước của Trung vẫn còn y nguyên, và khi Việt Nam "vẫn là độc đảng," mọi sự "đành chịu vậy thôi."

Trước câu hỏi cảm nghĩ của gia đình ra sao khi nghe Trung nhận tội trước tòa, bà Lê Thị Minh Tâm cho biết:
Bà Lê Thị Minh Tâm: Riêng tôi thì tôi biết Trung làm như thế nào để cho có lợi nhất, cho tốt nhất. Tôi tin tưởng vào Trung. Và đằng sau những lời nhận mình vi phạm pháp luật của Việt Nam, nó là cả một tấm lòng. Tôi hiểu con tôi như vậy.

BBC: Thế bà nghĩ ra sao về bản án 7 năm tù?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Tôi cho rằng bản án như thế này là quá nặng đối với con tôi vì Trung không bao giờ có ý tưởng lật đổ chính quyền mà bao giờ cũng muốn hợp tác làm sao cho đất nước phát triển nhanh hơn, tốt hơn, người dân được sung sướng hơn. Đó là tôi hiểu cái tấm lòng của con tôi như vậy.

BBC: Việc tòa kết thúc sớm hơn một ngày và tuyên phạt bị can sau 6 giờ chiều của phiên xử đầu tiên có làm cho bà bất ngờ không?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Tôi thì tôi nghĩ rằng người ta muốn làm cho nhanh, không muốn dây dưa vì mất thời gian. Dọc đường rất đông công an, nó cũng rắc rối cho họ đấy ạ.

BBC: Xin hỏi tại phòng xử án bà ngồi cùng ai?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Chúng tôi làm đơn xin dự phiên tòa và được cho giấy vào cổng. Nhưng mà người ta không cho chúng tôi ngồi trực tiếp ở trong phiên tòa chính mà chúng tôi phải ngồi ở trong phòng xem qua màn hình.
Chúng tôi không được vào phòng xử.
Gia đình tôi và gia đình của anh Định cũng có phản ứng nhưng người làm nhiệm vụ nói là họ chỉ là người thừa hành thôi.
Trong khi đó tôi nhìn qua màn hình thì thấy hàng xóm của tôi được ngồi rất đông ở trong phòng xử chính. Đó là các vị hưu trí, và người ta cho xe đưa đi đưa về và cho tiền ăn, những thứ chi tiêu trong một ngày.

BBC: Trong phòng theo dõi phiên xử, bà ngồi cùng với ai nữa ạ?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Tôi ngồi cùng với ba của Trung và thỉnh thoảng có cô Ngọc Khánh nữa. Gia đình của hai bị can khác cũng có mặt. Mỗi gia đình có hai hoặc ba người đến dự.

BBC: Phần Trung trình bày trước tòa ngắn hay dài, chủ yếu Trung nói những gì, thưa bà?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Trung nói thì ngắn thôi và có nhận là mình vi phạm pháp luật vì Trung nghĩ là đối với pháp luật Việt Nam như thế là không được, vì ảnh hưởng đến chế độ lãnh đạo độc quyền của đảng. Bây giờ Trung thấy là đã vi phạm.

BBC: Thế còn luật sư của Trung, ông ấy có đưa ra lý luận hay tình tiết gì để giảm nhẹ cho Trung hay không?
Bà Lê Thị Minh Tâm: LS của Trung nói khi đi bộ đội, Trung không can dự vào những vấn đề tiếp theo của anh Định và anh Thức. Trung không biết, không được chia sẻ bất kỳ thông tin nào.
Trung chỉ được giới thiệu với hai người này qua mạng internet mà hoàn toàn không biết mặt nhau.
Vấn đề thứ hai là hoàn cảnh gia đình, nhân thân là có công với nước, thì cũng đề nghị được xem xét.

BBC: Về gia đình, bà thấy có tình tiết gì giảm nhẹ tội cho Trung, liên quan đến những người có mối quan hệ gần?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Về phần gia đình, ông ngoại của Trung tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được thưởng nhiều huân huy chương. Ba của Trung là bộ đội, đi từ năm 1970 và tham gia tất cả các chiến dịch. Ông được thưởng nhiều huân chương, huy chương và có huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Đó là các tình tiết mà gia đình cũng hy vọng giảm nhẹ. Nhưng cái bản án 7 năm người ta nói là đã có giảm nhẹ rồi.

BBC: Nhưng cũng có người nói Trung không làm gì có tội. Việc anh đã làm là viết bài trên mạng internet kêu gọi mọi người chống tham nhũng, xây dựng xã hội minh bạch và pháp trị nhiều hơn?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Với việc đó Trung không có tội. Nhưng mà người ta nói Trung chủ mưu thành lập tổ chức, gọi là Tập hợp Thanh niên Dân chủ và tham gia vào đảng Dân Chủ, là hai tổ chức “phản động.” Tình tiết đó là tình tiết nặng nhất mà Trung phải chịu.

BBC: Và bà có đồng ý với lời buộc tội đó không ạ?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Đối với pháp luật Việt Nam, những ai sống ở Việt Nam thì phải chấp nhận như vậy thôi, dù muốn dù không. Còn tôi nghĩ rằng với một góp ý ôn hòa thì cũng nên lắng nghe, đó mới là khôn ngoan.

BBC: Nghe nói âm thanh trong phòng xử án, nhất là những lúc bị can có lời lẽ phát biểu mạnh thì bị rè, không nghe được ạ?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Vâng bị rè, giống như bị nhiễu sóng vậy đó. Có những lời phát biểu tương đối đanh thép của anh Thức và anh Thăng Long thì hầu như ở ngoài này chúng tôi không được nghe. Và cái lời bào chữa của luật sư Mạnh cho bị can Trần Huỳnh Duy Thức cũng không được nghe.
Trong khi đó những lời phát biểu của tòa án thì nghe rất là trong, âm thanh rất là trong.



No comments: