Người Phụ nữ của Năm 2009, Từ Mẫu của trẻ nhiễm HIV ở VN
Minh Anh
19/01/2010
http://www.voanews.com/vietnamese/2010-01-19-voa15.cfm
Bác sĩ Nhi khoa Jane Aronson, một chuyên gia về lĩnh vực con nuôi quốc tế và trẻ em mồ côi trên khắp thế giới, đã được tạp chí Glamour bình chọn là một trong những Phụ nữ của năm 2009. Bà là người sáng lập Quĩ vì Trẻ em Mồ côi Toàn cầu (Worldwide Orphans Foundation) vào năm 1997. Quĩ vì Trẻ em Mồi côi Toàn cầu là quĩ đầu tiên giới thiệu chương trình đào tạo đồng đẳng về phương pháp điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS và đồng thời cũng là quĩ đầu tiên điều trị cho trẻ em nhiễm căn bệnh này ở Việt Nam.
Bác sĩ Jane Aronson, người sáng lập Quĩ WWO, được tạp chí Glamour bình chọn là Người Phụ nữ của Năm 2009
http://www.voanews.com/vietnamese/images/2009_Jane-Aronson210_1.jpg
Với tấm lòng yêu thương bao la dành cho những số phận của các em nhỏ mồ côi và nhiều năm tiếp xúc với những gia đình nhận con nuôi từ khắp nơi trên khắp thế giới, bác sĩ Jane Aronson cũng luôn mong muốn tự mình nhận nuôi nấng những em bé đáng thương với hoàn cảnh khó khăn.
Mang theo ước muốn ấy đến Việt Nam vào năm 2000, bà đã xúc động chứng kiến cảnh một cậu bé mới 4 tháng tuổi, dáng vẻ rất yếu ớt và đang nằm một mình lạc lõng, chơi vơi trong một cô nhi viện. Bà hiểu rằng cậu bé ấy đang cần biết bao một tình mẫu tử, một bàn tay chăm sóc, yêu thương.
Bác sĩ Aronson đã đưa cậu về nước nuôi nấng và điều trị để đến giờ cậu đã trở thành một cậu học trò khỏe mạnh. Bà đặt tên cậu bé là Benjamin.
Hai năm trước bà cũng đã đưa bé Benjamin về Việt Nam để thăm lại mảnh đất nơi bé đã được sinh ra để bé bắt đầu tìm hiểu về nguồn cội của mình.
“Khi Ben về thăm Việt Nam cách nay 2 năm, chúng tôi đã đưa cháu về thăm lại cô nhi viện nơi chúng tôi nhận cháu. Chúng tôi đi du lịch khắp nơi và tôi tự hào rằng cháu rất yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vào buổi tối khi chúng tôi ăn uống, cháu thường nâng ly nước của mình lên và nói “hãy nâng ly chúc mừng quê hương của cháu”. Cháu thật sự là một cậu bé rất dễ thương và tình cảm, cháu yêu thương nguồn gốc của mình một cách chân thành, và bản thân tôi cũng rất yêu mến Việt Nam."
Chuyến đi đó của bác sĩ Aronson không chỉ đem lại niềm hy vọng mới cho một em bé Việt Nam mà còn mở ra những tia sáng mới cho nhiều trẻ em mồ côi nhiễm HIV/AIDS ở đất nước xa xôi này.
Trong lần đó bà cũng đã tình cờ gặp một chuyên viên điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS ở TP. Hồ Chí Minh, khi được biết bà là bác sĩ nhi khoa, vị chuyên gia y tế này đã gợi ý về việc hợp tác trong việc điều trị cho trẻ em nhiễm căn bệnh này ở Việt Nam. Bác sĩ Aronson đã không ngần ngại nhận lời và quyết định tiến hành các hoạt động đầu tiên của Quĩ Vì Trẻ em Mồi côi Toàn cầu (WWO) ở Việt Nam.
“Chúng tôi bắt đầu với các em nhỏ tại trung tâm Tam Bình II ở TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi mua thuốc kháng vi rút (antiretroviral), chúng tôi đưa đội ngũ các chuyên gia về HIV/AIDS tại trường đại học Colombia ở Manhattan sang Việt Nam. Chúng tôi đào tạo nhiều bác sĩ và y tá Việt Nam về cách thức chẩn đoán HIV/AIDS ở trẻ em và sau đó chúng tôi bắt đầu điều trị cho các em nhỏ ở đây. Đó cũng là những hoạt động mà chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay.”
Bác sĩ Aronson nhớ lại tình trạng của các em nhỏ bị nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam khi lần đầu tiên tổ chức của bà tiếp xúc với các em:
“Tất cả các em rất yếu, khi mà chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình thì nhiều em đã ở trong các cô nhi viện từ khá lâu. Hệ miễn dịch của các em đã suy giảm vì nhiễm trùng cơ hội nhiều lần và do thiếu thuốc men, thiếu thuống kháng vi rút, vì vậy đã có nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên một số em cũng đã chống chọi tốt và chúng tôi đã có thể giúp phục hồi được hệ miễn dịch của các em với phương pháp sử dụng thuốc kháng vi rút, vì vậy càng ngày càng có ít em hơn bị nhiễm trùng cơ hội. Chúng tôi cũng cung cấp chất dinh dưỡng bổ sung cho các em để các em có đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Các chuơng trình giáo dục của chúng tôi cũng giúp các em vui vẻ và tự tin hơn.”
Việc điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS không phải là điều khó khăn lớn nhất đối với tổ chức của bà, mà thách thức lớn nhất là làm sao để nhiều trẻ em bị mắc căn bệnh này có thể được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
“Thách thức lớn nhất của chúng tôi là chúng tôi muốn đưa được chương trình chăm sóc và điều trị tới cho nhiều trẻ em hơn, nghĩa là mọi người phải cởi mở hơn và có thể nói về tình trạng HIV/AIDS của họ và đưa con cái họ đi xét nghiệm và điều trị sớm. Thứ hai là mọi người nên nhận thức rằng HIV/AIDS là một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được và trẻ em xứng đáng được có cơ hội học hành có được mọi nguồn lực mà bất cứ trẻ em nào cũng cần có và được lớn lên một cách khỏe mạnh và tự tin”.
Ngoài Tam Bình, hiện tại Quĩ WWO đang điều trị cho trẻ em ở 2 trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi khác ở Ba Vì và Vũng Tàu. WWO còn có chương trình mang tên HRT cõ nghĩa là “Hiểu Rồi Thương”, là một chương trình can thiệp sớm cho trẻ em nhiễm HIV. Ngoài ra quĩ cũng đã phát triển chương trình đào tạo để nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của cộng đồng đối với căn bệnh HIV/AIDS.
Theo đề nghị của chính phủ Việt Nam, WWO cũng đã tham gia lập kế hoạch và điều hành chương trình về tâm lý xã hội.
“Đó là một dự án chúng tôi được PEPFAR và USAIDS tài trơ, với tổng ngân sáchï gần 2 triệu đôla, và được thực hiện trong vòng 3 năm, nhằm phát triển các chương trình về tâm lý xã hội để giúp củng cố lòng tin và niềm hy vọng vào tương lai cho những người nhiễm căn bệnh này và để họ có thể hòa nhập thành công vào xã hội mà không cảm thấy bị kỳ thị.”
Với những hoạt động nhân đạo giúp cải thiện cuộc sống của hơn 20.000 trẻ em mồ côi trên khắp thế giới, bác sĩ Aronson đã được tạp chí Glamour bình chọn là một trong những Phụ nữ của năm 2009. Bà đã rất xúc động và vui mừng khi nhận được giải thưởng này, bà nói:
“Tôi vô cùng phấn khởi vì nhận được vinh dự này, nó thực sự giúp cho công việc của tôi rất nhiều. Mọi người đã tìm hiểu về tổ chức WWO của chúng tôi và hiểu được công việc mà chúng tôi đang làm. Họ cảm nhận được sự khả tín của các hoạt động đó và đã giúp chúng tôi về mặt tài chính, họ cũng tình nguyện tham gia vào các hoạt động của chúng tôi để giúp đỡ trẻ em mồ côi trên toàn thế giới. Giây phút nhận vinh dự đó là giây phút tuyệt vời trong cuộc đời tôi.”
Để tìm hiểu thêm về Quĩ Trẻ em Mồ côi Thế giới, quí vị có thể vào trang web http://www.wwo.org/
No comments:
Post a Comment