Saturday, January 2, 2010

NGÔI NHÀ CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐIÊN

Ngôi nhà của những nguời điên
SGTT
Ngày 02.01.2010 Giờ 14:00
http://www.sgtt.com.vn/Detail96.aspx?ColumnId=96&newsid=61341&fld=HTMG/2010/0101/61341
SGTT - Nhìn tôi, ông Trần Châu bỗng nói: “Chú bị sỏi thận và viêm họng hạt”. Tôi giật mình, cả hai chứng bệnh mà tôi phải đi xét nghiệm mới tìm ra, giờ ông Trần Châu chỉ nhìn mặt mà đoán trúng phóc!

Lời cha dặn
Ông Châu nói, ông xem mạch chỉ là xem cho có, cái chính là ông đoán bệnh qua sắc mặt, ánh mắt và giọng nói của bệnh nhân. Đó là bí quyết cha ông truyền lại.
Trước khi gặp ông, tôi không nghĩ rằng ông là một thầy thuốc. Chúng tôi tìm đến ông là để quay một tập phim tài liệu về cơ sở bảo trợ xã hội Trần Châu ở thôn La Vang, Ninh Sơn, Ninh Thuận, gần chân đèo Sông Pha, nơi nương tựa của hơn bảy mươi người bệnh tâm thần. Ông Châu nói, chính nghề thầy thuốc là cái duyên đưa đẩy ông gầy dựng nên cơ sở Trần Châu.
Năm 1972, trong cái khốc liệt của “mùa hè đỏ lửa”, hàng trăm người ở thánh địa La Vang, Hải Đăng tìm vào vùng rừng núi Ninh Sơn khẩn hoang lập ấp, đặt tên thôn La Vang. Ông Trần Châu lúc bấy giờ là một chàng trai trẻ. Sau năm 1975, ông làm giáo viên chuyên trách xoá nạn mù chữ cho cộng đồng. Thế rồi cha ông – lương y Trần Chẩn – trước khi qua đời đã truyền nghề lại cho ông cùng lời căn dặn: “Làm thầy thuốc là để chữa bệnh cứu người, nếu con kiếm tiền bằng sinh mạng của bệnh nhân thì con sẽ tàn mạt đến đời con đời cháu”. Trần Châu lấy lời dặn của người cha làm lời thề cho cuộc hành hiệp của đời mình. Như được trời ban, vùng rừng núi Ninh Sơn có nhiều loài thảo dược chữa được các bệnh viêm xoang, bướu cổ, bại liệt, phù thận, viêm gan... ông ra công khai thác để làm thuốc chữa bệnh cứu người. Tiếng lành đồn xa, có khi hàng chục bệnh nhân từ Sài Gòn thuê xe đò tìm đến ông chữa bệnh. Dĩ nhiên là ông không lấy tiền.
Nhưng nhiều người khỏi bệnh đã quay lại tạ ơn, ông từ chối thì họ bỏ lại phong bì rồi ra về. Ông không dám xài vì sợ phạm lời thề. Đến năm 1995, số tiền ơn nghĩa ấy ông đếm được 30 triệu đồng, ông mang lên uỷ ban xã Quảng Sơn, trình bày ngọn ngành và nhờ uỷ ban nhận số tiền này để giúp đỡ người nghèo. Uỷ ban xã từ chối. Ông mang về xây dựng một căn nhà làm nơi nương tựa cho những người ăn xin cơ nhỡ.
Nhưng vùng núi rừng heo hút này không phải là chốn qua đường của những kiếp hành khất lang thang. Ngôi nhà ông Trần Châu dựng lên hầu như bỏ trống. Một hôm, có việc đi Phan Rang, ông gặp một người bệnh tâm thần ngồi trên góc phố, ông chở về bỏ vô ngôi nhà, cho ăn, cho mặc.

“Thanh thản vô cùng”
Từ ngôi nhà đầu tiên ấy, từ người điên đầu tiên ấy, đến nay cơ sở bảo trợ xã hội Trần Châu trở thành một trại tâm thần với hơn 70 người bệnh tâm thần. Hỏi ông lấy gì để nuôi họ, để cơi nới, xây dựng thêm nhà cửa, thiết bị, cơ sở vật chất cho việc ăn ở, sinh hoạt của một trại tâm thần, Trần Châu nói, đã là số kiếp thì phải chấp nhận gắn hết cuộc đời mình với nó, tánh ông xưa nay chưa biết từ chối bất kỳ một số phận nào bày ra trước mắt. Ông có vườn xoài hơn một mẫu, ông đào ao nuôi cá, xây chuồng heo để cung cấp thức ăn cho bệnh nhân. Hàng ngày, ông chạy xe đi mua gạo về bán lẻ cho bà con trong vùng. Ông còn làm nước rửa chén chở đi bán lẻ đầu làng cuối xóm, làng xóm biết ông, thương ông, mua giúp ông, cả chợ Quảng Sơn sẵn sàng cho ông nợ tiền gạo, tiền củi, tiền mắm muối khi cần. Rồi bệnh nhân gần xa cũng từ đó mà có cơ hội đền ơn đáp nghĩa, trả tiền chữa bệnh bằng cách đóng góp vào công việc của ông, các mạnh thường quân, các đoàn công tác xã hội, chính quyền địa phương chung tay với ông vì một lý lẽ đơn giản: giảm bớt người điên lang thang ngoài xã hội.
Hỏi những bệnh nhân ấy đến đây bằng cách nào, ông nói có khi họ tự tìm đến, nhưng phần lớn là có người đưa đến. Họ, những người không tuổi, không tên, không biết đâu là mẹ cha, cửa nhà, quê quán. Trần Châu nói, nhiều khi ông nhìn họ và tự hỏi, tại sao họ không đến nơi khác mà lại đến với mình, vậy là do cái duyên, mà đã là duyên thì không lý do gì quay lưng với họ. Rồi ông kể, có một đứa bé khoảng mười bốn mười lăm tuổi, vừa điên, vừa điếc lại vừa câm, mỗi lần ông đi đâu về là nó mừng rỡ, ra hiệu cho mọi người và chạy đến ôm ông. Sau đó không lâu, ông phát hiện nó bị ung thư gan, ông đưa đi điều trị nhưng đã muộn. Lúc hấp hối, nó thều thào cố gọi một tiếng “Châu” rồi tắt thở. Ông đã suy sụp hết mấy tuần như mất một người thân.
Khi họ đến đây, mỗi người mang một trạng thái điên loạn khác nhau, thậm chí có người phải xiềng xích và cách ly trong phòng riêng vì bấn loạn. Nhưng chẳng bao lâu thì họ hoà nhập vào một tập thể yên lành. Mỗi người dường như có một đồng hồ sinh học. Sau giờ ăn sáng, họ tự động kéo ra sân ngồi phơi nắng. Sau giờ cơm trưa, tự động về phòng nghỉ. Ba giờ chiều, lại kéo ra sinh hoạt văn nghệ; năm giờ, kéo ra sân lễ để cầu kinh. Họ chắp tay, nghiêm trang khấn nguyện, có người đọc thành lời, có người chỉ biết ê a, có người mấp máy vành môi. Nhưng trong từng ánh mắt, tất cả đều lộ vẻ trang nghiêm và hướng thiện như chưa từng điên loạn bao giờ.
Trong giờ văn nghệ cũng thế, có người hát hay và hát say sưa, đầy cảm xúc, có người hát liên hoàn từ bài này sang bài khác, có người cầm micro ú ớ chẳng nên lời nhưng ánh mắt thì say sưa như diễn tả một điều gì đó. Hàng chục người ngồi dưới cũng im lặng nhìn lên như đang lắng nghe. Ông Trần Châu đứng nép một góc nhà nhìn họ, ông cười, cái cười rất lạ lùng như ông đang thưởng thức, như thấu hiểu được tiếng lòng của họ. Rồi ông quay sang nói với tôi: “Sống với những con người như thế, mình cảm thấy thanh thản vô cùng”.

bài và ảnh: Võ Đắc Danh

Thế còn nhà nước CHXHCNVN của ông thì làm gì hả ông Võ Đắc Danh ???



No comments: