Sunday, January 3, 2010

LUẬT PHÁP KHÔNG THỂ LÀ CÔNG CỤ ĐÀN ÁP MÀ PHẢI PHỤC VỤ CÔNG LÝ

Luật pháp không thể là công cụ đàn áp mà phải phục vụ công lý
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2010-01-03
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Cannot-use-the-courts-to-crack-down-on-opposition-ttruc-01032010105437.html
Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình sau một phiên xử kín vào ngày 28-12-2009 đã tuyên phạt cựu Trung tá Trần Anh Kim, nhà tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam, 5 năm rưỡi tù giam và 3 năm quản chế về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”mà hình phạt tối đa có thể là tử hình. Vì vậy bản án này đã được các hãng thông tấn quốc tế loan đi rộng rãi với nhiều nghi vấn.
Thanh Trúc của Đài đã có cuộc trao đổi về bản án này sau đây với Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, trụ sở đặt tại Paris.

Ông Trần Anh Kim bị tuyên án 5 năm rưỡi tù giam về tội "âm mưu lật đổ nhà nước" trong phiên xử kín tại tòa án Thái Bình hôm 28-12-2009. Hình chụp qua màn hình tivi đặt cạnh phòng xử án. AFP PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-emocracy-advocate-get-5-and-a-half-years-in-prison-VHa-12282009081859.html/TranAnhKim-ThaiBinhCourt-305.jpg


Bản án bôi bác

Thanh Trúc: Bản án ngày 28-12-2009 của tòa án Thái Bình phạt nhà hoạt động dân chủ cựu Trung tá Trần Anh Kim 4 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế có thể coi là một phán quyết nhẹ có tác dụng trấn an dư luận. Luật sư cũng thấy như vậy phải không?
LS Trần Thanh Hiệp: Theo tôi thì không thể gọi đó là một án nhẹ mà phải nói là một bản án không thể chấp nhận được. Muốn coi là nặng hay nhẹ thì phải xét xem là có tội hay không có tội trước đã. Cách đây vài ngày, trước khi có phiên xử, tôi đã nói là ông Trần Anh Kim không có tội chiếu theo luật phổ quát về nhân quyền mà nhà cầm quyền Hà Nội có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và áp dụng. Nhưng họ lại không tôn trọng, không áp dụng. Mà chỉ lấy luật pháp riêng của họ để khủng bố dân, coi khinh dân quyền, dẫm đạp lên nhân quyền. Không cần phải là một luật gia mới biết được điều này. Bà Thơm, vợ của ông Kim khi được phỏng vấn đã nói rằng bà “cực lực phản bác và bác bỏ bản án ngày hôm nay. Bản án này vô lý, quá nặng nề. Họ áp đặt bản án này để che đậy việc bắt bớ, giam cầm anh Kim để bịt đi tiếng nói của anh, tiếng nói làm thức tỉnh lòng người, là động lực cho bao trái tim yêu nước. Đây là tiếng nói toàn là sự thật mà anh ấy đã bày tỏ, chứ không vi phạm một điều nào, khoản nào, và rất phù hợp với bản nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế. Anh Kim nói rằng anh ấy đánh giặc nội xâm là những quan tham nhũng, tham ô, phá hoại thành quả của đất nước. Đó là anh ấy có công chứ không phải có tội…”. Cho nên theo tôi phải gọi bản án ngày 28-12-2009 là một bản án phi nhân quyền bôi bác, làm mất thể diện quốc gia trước dư luận của cộng đồng thế giới nay đã rũ bỏ lối sống chuyên chế tại những môi trường xã hội còn lạc hậu như thời trung cổ hay thời phát xít, thời toàn trị xã hội chủ nghĩa.

(video: phiên toà xét xử ông Trần Anh Kim. đoạn video này do một người lấy tên là missthuymiss đưa lên youtube)
http://www.youtube.com/watch?v=_v8sh3vic9g&feature=player_embedded


Lạm dụng pháp luật đàn áp công lý
Thanh Trúc: Đứng bên ngoài mà nhìn và khách quan mà xét, thì các cơ quan điều tra, cơ quan xét xử trong vụ án Trần Anh Kim đã tỏ ra có những cố gắng nêu cao pháp quyền, đổi tội danh từ nhẹ sang nặng rồi lại áp dụng hình phạt tối thiểu chứ không chọn hình phạt tối đa của tội danh nặng. Vì thế ông Trần Anh Kim mới chỉ phải lãnh 5 năm rưỡi tù giam thôi. Để gây ấn tượng bị cáo đã được hưởng một hình phạt nhẹ. Như vậy vẫn có thể coi đó là một bản án bôi bác hay sao?
LS Trần Thanh Hiệp: Càng ra công sắp xếp càng làm lộ rõ sự bôi bác của cái gọi là nền công lý xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Không phải là chỉ cần cải tội danh là đủ mà phải nói rõ đã có những lý do nào khiến cho phải cải tội danh. Không phải là làm nhiều điều liên quan đến vụ án là không bôi bác. Mà phải làm đúng, làm đến nơi đến chốn để cho quyền của mọi phía được tôn trọng, để không bôi bác công lý. Nhưng các cơ quan điều tra, xét xử trong quá trình làm tội, xử tội trong vụ án Trần Anh Kim đều không hề mảy may có ý định tôn trọng, đừng nói thi hành, thủ tục tố tụng hình sự của của chính chế độ. Họ coi tự do, nhân phẩm của bị can, bị cáo như cỏ rác. Thậm chí, đến cả luật sư là người có nhiệm vụ phải bào chữa cho bị can, bị cáo cũng không chịu làm công việc của mình. Luật sư Đặng Ngọc Phúc được chỉ định để bênh vực cho ông Trần Anh Kim, không có tội nhưng bị buộc tội có thể mất mạng là tội âm mưu lật đổ chính quyền. Nhưng trước tòa luật sư Phúc không hề cất tiếng đả động gì đến tội danh chết người này, chỉ biết xin khoan hồng để giảm nhẹ thôi. Không ai chối cãi là nhà cầm quyền Hà Nội đã bỏ công bố trí để cho diễn vở tuồng đòi dân chủ hóa là mang tội làm loạn, đáng bị hình phạt nặng theo pháp luật, nhưng lại đã được hưởng hình phạt nhẹ nhất. Thật ra công phu này chỉ để che dấu sự thật là đàn áp việc đòi tự do dân chủ, bằng mọi giá, chứ không phải làm hiển lộ công lý mà bôi bác công lý. Làm sao lại có thể cho rằng bản án vừa tuyên trong vụ Trần Anh Kim là một bản án khoan hồng mà dư luận quốc nội, hải ngoại, quốc tế vẫn chờ đợi được?

Thanh Trúc: Nói gì thì nói, xâm phạm an ninh quốc gia ở bất cứ nước nào cũng là một tội không thể coi là chuyện nhỏ dễ dàng bỏ qua…
LS Trần Thanh Hiệp: Xin đừng lầm tội danh với tội phạm. Nếu Nhà nước muốn khép người dân nào vào một tội danh nào thì Nhà nước phải chứng minh đã có đủ tội chứng. Trong vụ xử ông Trần Anh Kim, nhà cầm quyền Hà Nội không trưng được bằng cớ rõ rệt ông Kim có tội, dù chiếu điều 88 hay điều 79 Bộ Luật Hình Sự, nhất là tại sao phút chót lại phải đổi tội danh nhẹ thành nặng. Những người ngồi xử ông Trần Anh Kim đã không dám trực diện với sự thật, chỉ một mực khẳng định rằng ông Kim đã xâm phạm an ninh quốc gia. Không thấy chứng minh xâm phạm như thế nào và có phải là có những hành vi có thể lật đổ một cách bất hợp pháp chính quyền nhân dân hay không. Vì nếu là lật đổ một cách hợp pháp, và nhất là thay thế một chính quyền không đích thực là của nhân dân thì, như ở bất cứ một nước tân tiến nào trên thế giới hiện nay, việc thay đổi ấy phải coi là không có tội. Những người luật sư có khả năng và đởm lược để mở ra một cuộc đối thoại tìm sự thật và vì công lý như thế, đã bị hoặc bỏ tù hoặc cấm không được hành nghề. Cho nên hậu quả chỉ còn là nền công lý bôi bác vì lạm dụng pháp luật để làm công cụ đàn áp thay vì thực hiện công lý, như đã thấy trong vụ án Trần Anh Kim.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn luật sư và cũng xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Trần Thanh Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài ACTD.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: