Sunday, January 3, 2010

KINH TẾ VIỆT NAM TĂNG NHANH hay CHẬM tuỳ thuộc vào CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ

Tương lai Việt Nam: kinh tế tăng nhanh hay chậm tùy thuộc vào cải cách chính trị
Bùi Văn Phú
03.01.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2545
Người Việt thường tự hào, cũng như được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận rằng họ là một dân tộc thông minh, hiếu học, cần cù và biết thích ứng mau lẹ với hoàn cảnh.

Thành công của người Việt tại những quốc gia tự do, dân chủ ở phương Tây trong một thời gian ngắn đã chứng minh điều đó. Chỉ vài năm sống tại nước ngoài, dù có khác biệt về ngôn ngữ văn hoá nhưng đa số đã mau chóng ổn định, hoà nhập vào đời sống mới.

Tại Việt Nam, với chính sách đổi mới trong gần một phần tư thế kỉ qua nhiều người đã trở nên giầu nhờ có tự do kinh doanh và cần cù làm việc. Cuối năm 2009 Việt Nam được Liên Hiệp quốc xếp vào danh sách những quốc gia với thu nhập trung bình tính theo đầu người so với thế giới. Mức thu nhập của người Việt hiện nay là khoảng 1.000 U.S. đô-la một năm.

Trước khi có chính sách đổi mới, thu nhập bình quân của người Việt chưa đến 200 U.S. đô-la. Với những cải cách theo kinh tế thị trường, mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đã có nhiều năm đạt trên dưới 10%. So với năm 1986, thu nhập của người Việt nay đã tăng gấp 5 lần. Nhưng muốn mức thu nhập tăng gấp 5 lần hay hơn nữa thì cần có những cải cách chính trị đi kèm để đẩy tiến độ phát triển. Tiến trình đó đã diễn ra tại nhiều nước trong khu vực như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan sau những năm dưới chế độ độc tài.

Trong vòng một thập niên qua Việt Nam đã kí hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Qua những cây cầu đó, giao thương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và thế giới lên đến mức cao nhất trong lịch sử. Nhưng những phát triển và thành tựu kinh tế không đi đối với việc nới lỏng kiểm soát chính trị khiến mức tăng trưởng kinh tế đang bị ảnh hưởng vì những thất thoát và mức độ tham nhũng ngày một tăng. Chính quyền vẫn quyết tâm kiểm soát chặt chẽ truyền thông, báo chí nên những sai phạm của quan chức, cán bộ thường được bao che.

Ở một mặt khác, các quyền tự do trao đổi, tìm kiếm thông tin và phát biểu quan điểm, nhất là những quan điểm bất đồng với nhà nước thường dẫn tới bắt bớ, tù đày. Quá khứ đã có Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang bị giam tù. Hiện tại có Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Trần Khải Thanh Thuỷ, Phạm Thanh Nghiên đang bị giam giữ hay chịu án tù chỉ vì nói lên quan điểm của mình một cách ôn hoà.

Trong năm 2009 chính quyền Việt Nam đã tỏ ra không dung tha cho những ai lên tiếng chỉ trích nhà nước hay đòi hỏi cải tổ cơ chế chính trị để đưa đến đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam. Tuần trước, ông Trần Anh Kim, một cựu trung tá Quân đội Nhân dân - thành viên lãnh đạo của Đảng Dân chủ, một đảng không được nhà nước công nhận và là đại diện cho khối 8406 gồm nhiều nhà hoạt động dân chủ - đã bị kết án 5 năm rưỡi tù và 3 năm quản chế.

Trong những ngày tới các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long cũng sẽ bị xét xử. Những người này bị bắt từ hè năm ngoái và bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 88 của bộ Luật Hình sự, hay có những “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 mà khung hình phạt có thể là chung thân và tử hình. Thật ra, những kêu gọi hay đề nghị cải cách của họ chỉ nhằm giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn. Nhưng dưới con mắt của lãnh đạo Việt Nam đây là âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm thay thế chế độ hiện thời.

Trước chiến dịch trấn áp mới, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam tôn trọng các quyền căn bản của dân ghi trong Hiến pháp và trong các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng.

Trong năm qua, sự kiện bắt giam hàng loạt những người bất đồng quan điểm và ngăn cấm trí thức được tự do lên tiếng khiến viện nghiên cứu độc lập IDS phải giải tán cho thấy thành tích nhân quyền của Hà Nội đã xuống cấp, tuy lãnh đạo Việt Nam luôn tìm cách giới thiệu đất nước với thế giới là một quốc gia đang phát triển, hội nhập toàn cầu qua những thành tựu về kinh tế và ngoại giao. Nhưng lãnh đạo Hà Nội khi công du thường bị hỏi về tình trạng nhân quyền. Nhiều quan chức nước ngoài còn nêu rõ danh tính một số tù nhân chính trị hiện bị Hà Nội giam giữ.

Sau hơn hai chục năm phát triển kinh tế, giờ đã đến lúc người dân Việt phải được quyền tự do lựa chọn người điều hành quốc gia, để đẩy con tàu Việt Nam tiến nhanh hơn nữa. So với nhiều nước trong khu vực có điều kiện phát triển tương đồng trong quá khứ mà mức thu nhập ngày nay của người Thái hơn Việt đến 8 lần, Nam Hàn hơn 25 lần và Đài Loan hơn 30 lần, thì không có lí do gì nước Việt Nam với một dân tộc thông minh, năng động, hiếu học, cần cù mà lãnh đạo cứ tiếp tục cho rằng dân trí người Việt còn thấp, chưa cho họ quyền thực thi dân chủ để phát huy hết tài năng của họ.

Một người dân Việt, ngày nay dù sống ở nông thôn hay thành thị cũng đủ thông minh để biết ai là người tài đức, xứng đáng đại diện trong chính quyền các cấp. Họ đang kêu oan, họ đang chống bất công, tham nhũng. Họ có hiểu biết về căn bản dân chủ nhiều hơn những gì lãnh đạo thường nói. Hãy cho họ cơ hội thực hành dân chủ, góp phần vào việc phát triển đất nước.


No comments: