Wednesday, January 20, 2010

KHÔNG THỂ ĐỒNG LOÃ VỚI TỘI ÁC (Vụ GOOGLE)

Không thể đồng lõa với tội ác
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, January 19, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107122&z=7
Nghe tin công ty Google công bố lời đe dọa sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc nếu không giải quyết được vấn đề tin tặc, chúng ta chứng kiến một cuộc va chạm giữa hai lối sống và lối suy nghĩ khác nhau.

Ðây không phải là một xung đột giữa văn minh Trung Hoa và văn minh Tây phương, như những người thích triết lý có thể làm ra cho to chuyện. Ðây chỉ là biểu hiện sự xung khắc giữa hai lối sống mới và cũ, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Một bên là lối sống và lối suy nghĩ của những người làm công việc kinh doanh tự do, sống được nhờ xã hội có tự do. Bên kia là nếp sống và nếp suy nghĩ quen thuộc của những người có đầu óc gia trưởng, đặc biệt đó lại là những người chiếm được quyền điều khiển một quốc gia theo lối độc tài đảng trị. Hai nền nếp, hai “văn hóa” khác nhau, rất khó sống chung.

Công ty Google Inc. là hiện tượng kinh doanh độc đáo trong kinh tế thị trường; chỉ trong một xã hội tự do mới sinh ra được một công ty trẻ, đầy sáng kiến, đã ra đời, lớn lên, đứng hàng đầu thế giới trong ngành của mình nhờ sáng kiến và phát minh. Chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là tiêu biểu cho một chế độ độc tài với những quan chức có tham vọng đặt tất cả xã hội trong bàn tay kiểm soát của họ.

Khi thiết lập Google vào năm 1999, hai người trẻ tuổi đã chọn một châm ngôn: Không làm ác (Don't be Evil); chứng tỏ ngoài mục tiêu lợi nhuận họ làm công việc kinh doanh với một lý tưởng. Châm ngôn này khiến người ta nghĩ tới khẩu hiệu Ahimsa (Chữ Phạn, nghĩa là Bất hại) của Thánh Gandhi, mà người Tây phương thường dịch theo nghĩa hẹp là Bất bạo động. Công ty đứng hàng đầu thế giới về kỹ thuật tra tìm trong các mạng lưới, hai thanh niên ngoài 20 tuổi, Page và Brin trở thành những tỷ phú. Google Inc đã bị chính quyền Trung Quốc ngăn cản nhiều lần, khiến các người ở lục địa không thể vào được mạng này mà tra tìm tài liệu. Năm 2006, Google Inc thành lập một công ty riêng, Google.cn để hoạt động ở Trung Quốc trong khuôn khổ những ràng buộc có sẵn, trong đó có việc phải tự kiểm duyệt, không cho thân chủ truy cập được nhiều mạng lưới mà Bắc Kinh cấm đoán.

Tuần trước, Google đã thú nhận rằng cái giá mà họ sẵn lòng trả để được hoạt động ở Trung Quốc quá đắt. Vì mạng lưới của Google.cn đã liên tiếp bị “tin tặc” xâm nhập, nhắm vào các nhà hoạt động cho tự do dân chủ để xem lén các thư tín mà họ trao đổi qua dịch vụ điện thư gmail của Google. Ai cũng biết dưới một chế độ kiểm soát dân chặt chẽ như cộng sản Trung Hoa, bọn “giặc tin học” này có thể do công an chủ trương, hoặc đạt dưới sự bảo trợ của guồng máy công an; không khác gì những tổ chức buôn bán ma túy ở Việt Nam! Từ năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập chế độ cộng sản và 20 năm sau cuộc thảm sát ở Thiên An Môn, chính quyền cộng sản đã tăng cường việc kiểm duyệt và cấm đoán tin tức trên mạng.
Hoạt động của các mạng lưới cung cấp Facebook, YouTube, Twitter đã bị ngăn cản. Sau khi công bố nhận định về nạn “tin tặc,” Google ngưng không làm công việc kiểm duyệt các mạng lưới đi qua họ như chính phủ Bắc Kinh đòi hỏi, vì trái với tinh thần tôn trọng quyền tự do phát biểu.

Ngay sau khi Google tuyên bố có thể rút khỏi thị trường Trung Quốc, có 60 ngàn người lên tiếng trong một ngày đầu, phần lớn ủng hộ quyết định này. Một người Trung Hoa nhận xét rằng nếu không có Google thì nước này sẽ trở về “thời đồ đá của Internet.” Tuy mạng tra tìm Baidu.com của người Trung Quốc chiếm tới 60, 70% thị trường trong khi Google chỉ chiếm được phần còn lại, nhưng trình độ kỹ thuật và kết quả phong phú khi sử dụng Google hiện nay chưa công ty nào bằng.

Nhiều công ty nước ngoài đã từng bị làm khó dễ ở Trung Quốc và từng phản đối. Trong lời tuyên bố chính thức Google cũng nói bọn “tin tặc” đã từng đột nhập vào nhiều công ty khác. Có nguồn tin cho biết tới 20 công ty bị ăn cắp thường xuyên. Nhưng chưa có một công ty nào dùng những lời lẽ nặng nề như bản tuyên bố chính thức của Google khi họ đe dọa sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc. Ngay sau khi Google ngưng làm công việc kiểm duyệt, nhiều người Trung Hoa trong nước đã thử vào mạng tra tìm của công ty để tìm tài liệu về những đề tài trước đây không được phổ biến. Thí dụ, họ đã viết những chữ Thiên An Môn 1989 để tìm những tài liệu trước đây vẫn bị cấm.
Nhiều người có thể cho là quyết định của Google tương đối dễ vì số lợi nhuận của họ kiếm được ở trong nước Trung Hoa rất nhỏ so với tổng số. Nhưng nếu công ty này thực sự rút ra ngoài, uy tín của cả chế độ cộng sản ở Bắc Kinh sẽ bị sa sút. Từ 30 năm nay, các công ty quốc tế đã đóng vai đồng minh khách quan của chế độ Bắc Kinh, giúp họ thay đổi nền kinh tế. Nhưng họ sẽ phải đặt lại câu hỏi có nên tiếp tục hỗ trợ một độc tài chuyên vi phạm nhân quyền hay không.

Một tuần sau khi Google tuyên bố có thể rút chân ra, chính quyền Trung Quốc chỉ đưa ra một phản ứng chung chung, đại ý nói các công ty ngoài đều phải tuân thủ luật lệ ở nước họ. Trước lời tố cáo những hoạt động ăn cắp tin tức trong mạng lưới, Bắc Kinh còn nêu lên vấn đề “an ninh” trên Internet, mà theo họ, “Muốn bảo vệ an ninh trong Internet thì phải hướng dẫn các ý kiến phổ biến trên đó.”

Ðây là một quan niệm về “an ninh” theo lối suy nghĩ của chế độ độc tài. Ðối với Google, an ninh là bảo vệ các thông tin trên mạng không bị kẻ cắp đọc trộm, lấy trộm. Ðối với các cán bộ công an thì an ninh là truy tầm được những người có ý kiến khác với đường lối của đảng Cộng Sản.

Gần đây, một nhà tranh đấu cho dân chủ là ông Lưu Hiểu Ba đã bị kết án 11 năm tù vì trao đổi các thông tin đòi hỏi dân chủ tự do cho người Trung Hoa. Trong tháng trước, họa sĩ Ai Weiwei (Ải Vị Vị) ở Bắc Kinh đã biết các email của ông qua mạng lưới Google đã bị đột nhập nhiều lần và bị chép lại, ngay cả trương mục ngân hàng của ông cũng bị người vào tìm đọc! Ông là người đã tổ chức các cuộc hội thảo về dân quyền ngay giữa thủ đô. Từ Tháng Tám năm ngoái, cả vùng Tân Cương đã không được tự do vào Internet, sau cuộc biểu tình của người Uyghur bị tàn sát khiến 200 người chết. Ðây là một vùng đất rộng gấp 3 lần tiểu bang Texas nhưng Internet bị hạn chế đến nỗi các doanh nhân muốn nhận và gửi email phải đi xa hàng ngàn cây số, có người bay về Bắc Kinh cho đỡ mất thời giờ, có người đi sang nước Kazackhstan để viết email. Một người dân đã than: Chúng tôi đã trở thành những người điếc! Tình cảnh giống như thời 1970, mọi thông tin đều nghe qua loa phóng thanh của nhà nước!

Thông tin là huyết mạch của thị trường, của đời sống kinh tế. Người ta đo tình trạng dân trí bằng số lượng thông tin mà người dân nhận được, ngày xưa là số người đọc báo, ngày nay thêm số người vào Internet. Mặc dù các nguồn thông tin bị hạn chế, 300 triệu người Trung Hoa đang dùng Internet, lớn bằng dân số nước Mỹ.

Ðối với một chế độ độc tài thì điều quan tâm duy nhất của họ không phải là phúc lợi của người dân, mà là sự an toàn nhất thời của các những người nắm quyền. Nhưng đối với một công ty quốc tế thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng tin của thân chủ, đặc biệt là đối với một công ty chuyên về thông tin. Cho nên, quyết định có thể rút khỏi thị trường Trung Hoa của Google là theo đúng quyền lợi kinh doanh của họ, vì nếu mất lòng tin của công chúng thì về lâu về dài chính họ sẽ bị thiệt hại. Ðó là chưa kể là quyết định trên cũng theo đúng tý tưởng “Không làm điều ác” trong châm ngôn của họ.

Người ta có thể làm điều ác một cách thụ động khi nhắm mắt đồng lõa với việc ác; như việc ăn cắp tin tức; nhất là khi những tay tin tặc này thuộc Bộ Công An của một chế độ có ghế ngồi thường trực trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Năm 2008, một nhà tranh đấu Dân Chủ ở Trung Quốc đã lên án cả 2 công ty Google và Yahoo! Vì hai mạng lưới tra tìm này đều kiểm duyệt không cho ai tìm đọc được mạng lưới của ông. Ông Guo Quan lên án hai công ty này là “những con chó vẫy đuôi theo lệnh của chế độ cộng sản.” Ông Quách Tuyền sau đó đã bị kết án tù 10 năm vì đòi tự do dân chủ.

Một công ty làm việc thông tin không có thể đóng vai “con chó vẫy đuôi” theo lệnh của người khác được. Nhất là nghe theo lệnh một đảng độc tài tham nhũng đã sẵn sàng giết các người gốc thiểu số ở Tân Cương, và đưa xe thiết giáp đàn áp sinh viên, công nhân của họ ở Thiên An Môn.


No comments: