Vươn ra thế giới để trở lại phục vụ dân tộc mình tốt hơn!
05/01/2010
http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/4/ContentID/93839/Default.aspx
Trao đổi với PV ĐBND, nhà phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng, tìm hiểu về Việt Nam là nguyện vọng tự nhiên của bạn bè quốc tế. Không nên chỉ đặt vấn đề tự giới thiệu. Mà trước tiên nên hiểu rằng văn học Việt Nam chưa được quan tâm, lý do chính là chúng ta chưa có những tác phẩm đạt tới cái mà họ quan tâm, hơn thế nữa cần cho người ta, buộc người ta phải tìm, phải chú ý, phải dịch. Hãy lắng nghe tiếng nói chân thành của chính họ. Chỉ tinh thần đối thoại mới làm nên khả năng tiếp xúc lâu dài.
Lần đầu tiên, một hội nghị quốc tế quy mô lớn nhằm quảng bá văn học Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ 5-10.1.2010. Hơn 300 đại biểu đến từ 32 nước sẽ được giới thiệu tổng quát về văn học Việt Nam, tham gia các cuộc hội thảo chuyên đề, gặp gỡ các nhà văn, các nhà xuất bản và tham quan danh lam thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Quảng bá mình và đóng góp cho nhân loại
Ông đón nhận thông tin về Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam thế nào?
Vương Trí Nhàn : Rất phấn khởi! Bản thân tôi thường tha thiết với vấn đề hội nhập văn học. Đã là người cầm bút ai mà chả có mong mỏi có lúc được thấy tác phẩm của mình xuất hiện dưới một ngôn ngữ khác. Một dấu hiệu làm nên tầm cỡ của một nhà văn là khả năng họ đến với người đọc ở những xứ sở xa lạ. Vậy đây là một bước đi tự nhiên, nền văn học nào tác giả nào cũng cần tính tới.
Lâu nay ta đã dịch nước ngoài khá nhiều. Nhìn lâu dài thì việc đưa các tác phẩm văn học Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế là cách chúng ta, trong chừng mực nào đó, trả nợ. Mặt khác,vươn ra thế giới để trở lại phục vụ dân tộc mình tốt hơn. Đây có thể là con đường vòng, nhưng trong tình hình hiện nay, không có con đường nào khác.
Thực tế, không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, thưa Ông?
Vương Trí Nhàn : Ngược lại lịch sử, sẽ thấy từ sau 1945, chúng ta đã lo tới chuyện quảng bá đối ngoại khá sớm. Một người sớm hiểu vai trò của việc quảng bá này là Nguyễn Đình Thi. Ngay từ 1950, ông đã dịch bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Bản thân ông khoảng 1967 từng vui vẻ khoe với anh em viết trẻ chúng tôi lúc đó tiểu thuyết Mặt trận trên cao của ông được dịch sang tiếng Pháp, xem đó là cái đích mà lứa sau cũng có ngày phải đạt tới. Xuân Diệu mỗi khi nói về nghề, rất tự hào lưu ý chúng tôi là trong 100 bài thơ tình thế giới có Thơ duyên của mình.
Tuy vậy, phải thừa nhận lâu nay việc quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam tới độc giả nước ngoài không được đặt ra đúng với quy mô, tầm vóc của nó, thậm chí có lúc chúng ta còn e dè bảo nhau lảng tránh. Năm 1995, tại một hội nghị văn học, tôi có tham luận đặt vấn đề chúng ta phải hội nhập để tránh tụt hậu, phải hướng tới bạn đọc nước ngoài, tính xem họ cần cái gì, ta cần viết sao để họ nghe được hiểu được, muốn chia sẻ thêm với chúng ta. Lúc đó vấn đề hội nhập chưa đặt ra, nên nhiều người không đồng tình với tôi, cho rằng chỉ cần viết cho chúng ta thôi, không viết vì ai cả. Rồi mọi chuyện cũng cho qua, cho tới hôm nay.
Mạnh về dân tộc, yếu về nhân loại
Có ý kiến cho rằng sở dĩ văn học VN không đến với bạn đọc nước ngoài vì tiếng Việt quá khó, ta không tìm được người dịch giỏi.
Theo tôi không hẳn vậy. Hiện ngành nghiên cứu về tiếng Việt ở ta chưa tốt, chưa giúp bạn bè có thêm công cụ giao tiếp. Nhưng cái đó không phải là lý do chính. Tôi có một kinh nghiệm là khi viết, có một từ nào không hiểu, thường đi tra các từ điển Việt - Hán, Việt - Pháp, lại thấy có hiệu quả hơn là tra từ điển Việt - Việt. Nghĩa là hiện có nhiều người nước ngoài còn hiểu sâu tiếng Việt hơn cả cá nhân nhiều người chúng ta.
Khi cảm thấy họ đối xử lạnh nhạt với tác phẩm của mình - do đó không dịch, lại có nhà văn e sợ rằng do mình viết cao sâu quá, tinh tế quá, họ không hiểu nổi. Thực tế ngược lại. Khoảng 1986-1989 sang Moscow giữ chân biên tập sách ở nhà xuất bản Raduga, tôi thường phải làm việc với các đồng nghiệp người Nga, trong đó có nhiều người rất giỏi tiếng Việt. Năm đó, tờ báo Việt Nam X. cũng có đại diện ở Nga, lo việc in báo mình ra tiếng Nga để quảng bá. Biên tập viên tờ này nhờ tôi liên hệ với ông bạn người Moscow, nhờ dịch hộ bài vở các số từ Việt sang Nga, hứa là công xá khá cao. Anh bạn của tôi từ chối. Đại ý anh bảo chính các bạn viết tiếng Việt thường quá cẩu thả, tôi nhận dịch ra tiếng Nga thì rất mất thì giờ, mà để nguyên thì bạn đọc Nga họ “chửi” tôi. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, tôi nghĩ rằng khi chưa được dịch, thì ta hãy tự trách ta đã.
Lại có nhiều người nói chúng ta chưa chịu làm mạnh khâu tự giới thiệu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Vương Trí Nhàn : Phải biết chi mạnh… Và ở chỗ riêng tư, các anh các chị ấy bảo nhau rằng phải khôn ranh một chút, chịu khó mời mọc người ta một chút, thì may ra mới có hiệu quả… Không phải vậy. Lâu nay nhiều tác giả lớn của nước ngoài trở thành bạn bầu của mỗi chúng ta, lý do có phải là tại họ khéo lấy lòng ta đâu, chẳng qua là vì họ viết về những vấn đề mà ta quan tâm.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho đến nay, văn học Việt Nam vẫn chưa được thế giới chú ý?
Có lần tôi đọc một bài viết về văn học Ấn Độ, thấy họ nói sau khi giành được độc lập, một thời gian dài đó vẫn chỉ là nền văn học viết cho chính mình chứ chưa phải là nền văn học hướng ra thế giới. Văn học Việt Nam cũng thế, vẫn còn mang tính bản địa, những thứ ta viết giống như là thứ hàng nội địa, chưa đạt tầm cỡ quốc tế.
Có nghĩa, văn học Việt Nam chưa ra được nước ngoài là vì các tác phẩm chưa đặt vấn đề tầm cỡ nhân loại?
Vương Trí Nhàn : Như nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng nhận xét: văn học ta mạnh về dân tộc mình mà yếu về nhân loại chung... Chúng ta có rất nhiều cái lệch pha với thế giới, không chỉ lạc hậu mà còn lạc lõng. Có một người nước ngoài từng nhận xét đọc truyện cười Việt Nam mà chả thấy buồn cười gì cả. Họ đã nói thật.
Thành thử, lo chuyện ra với nước ngoài trước tiên là lo tìm ra cái ngôn ngữ chung với thế giới để nói mà họ hiểu. Đây tôi dùng ngôn ngữ với nghĩa rộng là cái phương thức tư duy, cách quan niệm về đời sống. Trong việc này, trước tiên cần một sự thành tâm, một sự tỉnh táo.
Lắng nghe, khơi gợi... lời chê
Với một hội nghị như thế này, theo Ông, cái cần nhất là gì?
Vương Trí Nhàn : Tôi hoàn toàn chia sẻ nguyện vọng của nhiều đồng nghiệp là muốn nói, muốn giảng giải để giúp cho người ta hiểu mình. Nhưng nếu biến đây trở thành một thứ hội nghị mừng công báo công của các nhà văn hôm nay trước diễn đàn các bạn bè nước ngoài thì thật không nên một tí nào.
Đứng về quyền lợi chung của cả nền văn học, tôi cho trước tiên chúng ta cần coi hội nghị này là một dịp kiểm điểm lại công việc và hơn thế nữa bước đầu để tìm tới một quan niệm đúng đắn về hoạt động hội nhập văn học, bao gồm cả hai hướng ra và vào. Nếu quan niệm sai thì có làm cả núi công việc cũng vô ích. Còn có quan niệm đúng thì việc nọ gọi việc kia, dần dần ta sẽ tìm ra sức lực sẵn có mà trước đó ta không ngờ tới.
Việc quan trọng nhất với những người dự hội nghị trước tiên theo tôi là… biết lắng nghe, kể cả những lời chê của các bạn. Cần biết được phản ứng thực của người đọc nước ngoài với từng tác phẩm đã được họ dịch. Với các nhà xuất bản, nên tìm ở họ những gợi ý và kinh nghiệm trong việc khai thác các nền văn học khác.Có vẻ như để quảng bá văn học Việt Nam không phải trong ngày một ngày hai là xong...
Quá trình này đòi hỏi sự thay đổi trong chính tư duy của những người trong cuộc và của cả xã hội. Tiếp theo là tìm được cơ chế làm việc thích hợp. Hội nghị là dịp để những người viết tự nâng mình lên, hiểu thế giới hơn, từ đó trở lại hiểu mình hơn, và dần dần có được những sáng tác tốt hơn. Tất cả sẽ bắt đầu từ chỗ tự nhận thức lại bản thân và hiểu thêm về thế giới.
Xin cám ơn Ông!
Nguyên Anh thực hiện
No comments:
Post a Comment