Tuesday, January 5, 2010

HỒ TIÊU CAM BỐT và CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU

Hồ tiêu Campuchia và câu chuyện 'thương hiệu'
Robert Carmichael
Nguồn
Cambodia's pepper farmers get their champagne moment
05/01/2010 - 14:33
http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/h%E1%BB%93-ti%C3%AAu-campuchia-v%C3%A0-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n-th%C6%B0%C6%A1ng-hi%E1%BB%87u
Nông dân trồng tiêu ở Campuchia sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn và có tính cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế khi sản phẩm hồ tiêu của họ được gắn thương hiệu.

Từ hàng thế kỷ qua, mặc dù tiêu đen vẫn là gia vị chính trên khắp thế giới nhưng những người trồng tiêu lại không kiếm được nhiều lợi nhuận từ sản phẩm của họ.
Tại miền Nam Campuchia, chẳng bao lâu nữa, một nhóm nông dân trồng tiêu sẽ được hưởng lợi do giá bán loại tiêu của họ sẽ tăng lên rất nhiều. Nguyên nhân là nhờ loại tiêu đó sẽ được hưởng quyền có nhãn hiệu riêng trên thị trường thế giới.
Ông Nuon Yan, năm nay 42 tuổi, đang chăm sóc các dây tiêu tại tỉnh Kampot ở miền Nam Campuchia, nơi gần biên giới Việt Nam. Dưới giàn lưới mắt cáo được phủ bằng những bao gạo, ông trồng 300 dây tiêu sẽ cho ra những hạt tiêu nhỏ màu xanh. Sau khi được hái và phơi khô, những hạt tiêu này sẽ đổi sang màu đen và hiện diện hầu như ở mọi bàn ăn trên khắp thế giới.
Tiêu là loại gia vị quan trọng, có mặt khắp nơi và thường được xem là ‘vua của mọi gia vị’. Tiêu Kampot, loại tiêu mang tên địa danh nơi nó được trồngđược đánh giá là loại tiêu tốt nhất thế giới. Trong vòng vài tuần lễ sắp tới, tiêu Kampot sẽ được bảo vệ nhãn hiệu y như rượu champagne khi loại tiêu này được hưởng quy chế xác định địa lý (Geographical Indicator status – GI status). Như vậy chỉ loại tiêu trồng ở tỉnh Kampot và đạt được một số tiêu chuẩn chất lượng nhất định nào đó mới được mang nhãn hiệu tiêu Kampot.
Đối với ông Nuon Yan, người hiện đang bán mỗi ký tiêu với giá 2,5 đô-la thì đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng. Ông cho biết nếu tiêu bán được giá cao hơn thì ông sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Ông Nuon Yan là một trong hơn 100 nông dân trồng tiêu thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất Tiêu Kampot mới được thành lập. Hiệp hội đặt ra quy định mà các hội viên như ông Nuon phải tuân thủ. Ông Var Roth San, trưởng ban sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Thương mại cho hay đối với Campuchia, lợi ích thương mại của việc có sản phẩm được hưởng quy chế GI cũng trùng hợp với chiến lược của chính phủ nước này nhằm giải quyết nạn nghèo khó ở vùng nông thôn.
Ông nói chính quyền muốn tạo thêm việc làm, đồng thời muốn người nghèo trong khu vực nông thôn kiếm thêm tiền. Quy chế GI là một trong những yếu tố giúp người nghèo nông thôn Campuchia cải thiện cuộc sống.
Chuẩn bị đơn từ, hồ sơ để xin hưởng quy chế GI là công việc phức tạp trong lúc giới chức chính quyền Campuchia không đủ năng lực làm việc này. Đó là lý do tại sao ông Jean Marie Brun tham gia vào quy trình đề nghị tiêu Kampot được hưởng quy chế GI. Jean Marie Brun là nhân viên GRET, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổ chức này làm việc trong dự án có liên quan tới tiêu Kampot. Ông Brun cho hay sau khi tên ‘tiêu Kampot’ được đăng ký chính thức người ta chỉ được dùng thương hiệu này nếu tuân thủ một số quy định: trước hết là tiêu phải được trồng tại tỉnh Kampot ở Campuchia, phải qua quá trình sản xuất và chế biến riêng cũng như tiêu phải đạt phẩm chất nhất định.
Ngoài tiêu Kampot, Campuchia nay cũng đang muốn một số sản phẩm khác cũng được hưởng quy chế GI như mật ong tại tỉnh Ratanakiri, đường thốt nốt tại tỉnh Kompong Speu. Tuy nhiên tiêu Kampot sẽ là sản phẩm đầu tiên của Xứ Chùa tháp được hưởng quy chế GI.
Ông Jean Marie Brun cho hay lợi ích chính mà các nông dân trồng tiêu được hưởng sẽ là lợi ích kinh tế. Giá 2,5 đô-la/ký tiêu mà ông Nuon Yan bán hiện nay có lẽ sẽ tăng gấp đôi một khi tiêu Kampot được hưởng quy chế GI trong vòng vài tuần lễ sắp tới. Khi tiêu này được đưa vào thị trường Châu Âu và đóng trong những gói nhỏ có trọng lượng 20 gram/gói, giá thành mỗi ký tiêu Kampot sẽ lên tới khoảng 150 đô-la Mỹ/ký.
Ông Brun cho hay các nhà nhập khẩu tiêu Kampot tại Châu Âu biết rằng tiêu này sẽ có thương hiệu riêng và vì thế họ sẵn lòng trả giá cao để mua.
Để thương hiệu tiêu Kampot được thế giới biết đến, người ta phải chi tiền để làm nhiều việc, từ tiếp thị cho tới thực hiện tiến trình để được công nhận. Tuy nhiên, cuối cùng thì người nông dân vẫn có thu nhập tốt hơn hơn. Theo dự tính, sau khi tiêu Kampot được hưởng quy chế GI, sau khi gia nhập Hiệp hội Các nhà sản xuất Tiêu Kampot, tuy phải trả chi phí cho việc có được thương hiệu, nông dân tỉnh này vẫn có thể bán tiêu với giá gấp đôi hiện nay, tức 5 đô la/ký. Cho tới nay ông Nuon Yan kiếm tiền chủ yếu nhờ trồng lúa hơn là trồng tiêu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa chuyện này có thể sẽ thay đổi. Ông Nuon cho hay mặc dù sẽ gởi vào ngân hàng một phần tiền kiếm được, nhưng ông dự tính trích ra nhiều tiền để trồng thêm nhiều dây tiêu hơn nữa để có đủ tiêu Kampot phục vụ cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.



No comments: