Tuesday, January 5, 2010

GOM QUẶNG BAUXITE BÁN CHO TRUNG QUỐC

Gom quặng bauxite bán cho Trung Quốc (II)
Xuân Trung- Dương Hưng
05/01/2010 09:02:31
http://bee.net.vn/channel/1983/201001/Gom-quang-bauxite-ban-cho-Trung-Quoc-II-1735136/
Hầu hết các loại quặng thô Văn Quan (Lạng Sơn) sau khi được xử lý chế biến đều mang xuất qua cửa khẩu để bán sang Trung Quốc.

Bán quặng cho Trung Quốc vì họ có… hóa chất
Mỏ bauxite tại thôn Lùng Thấm, xã Tràng Phái do Công ty TNHH Minh Đức khai thác trở lại (trước đó khai thác nhưng không hiệu quả) được gần 3 tháng. Ông Trần Tuấn Khang - Giám đốc công ty cho biết, do đặc thù quặng bauxite ở đây nằm lộ thiên nên không phải sử dụng mìn.
Hiện tại, công ty chỉ đưa một máy xúc vào hoạt động cùng tổ thợ lái gồm 5 người khai thác. Quặng bauxite sau khi khai thác, phân loại, được bán thẳng về nhà máy xi măng Hoàng Thạch làm phụ gia ở Kinh Môn, Hải Dương với giá 150.000 đồng/tấn.
Còn tại mỏ bauxite thôn Khòn Pá, xã Tân Đoàn, doanh nghiệp tư nhân Hồng Linh thu mua của dân với giá 15.000 đồng/tấn rồi mang đi nghiền bán cho Trung Quốc.
Theo cán bộ của Viện KHCN mỏ luyện kim, quặng bauxite ở miền Bắc nói chung và ở Lạng Sơn nói riêng chủ yếu là quặng bauxite Diaspo. Loại này khá sạch, nhưng công nghệ chế biến khó khăn hơn quặng Gipxit ở Tây Nguyên. Cách Lạng Sơn khoảng vài trăm km, Trung Quốc đã cho xây nhà máy luyện nhôm khá lớn Bình Quảng.
Nằm trong thôn Nà Chanh thuộc xã Tràng Phái là mỏ quặng chì kẽm của Công ty TNHH Mai Ánh, được cấp phép khai thác chính thức 3 năm, tổng trữ lượng dự đoán khoảng 7.000 tấn. Quặng tại đây trước kia khó khai thác, chủ yếu theo hình thức tự tìm kiếm, dự đoán địa điểm, khối lượng quặng dưới lòng đất. Và phải dùng búa chim để đào sâu trong rừng.
Các công nhân cho biết, hiện mỏ này đã thuê hai chuyên gia người Trung Quốc vào làm nhiệm vụ tư vấn nổ mìn, tư vấn kỹ thuật nên tốc độ khai thác nhanh hơn.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, cán bộ quản lý khu mỏ chì kẽm, quặng được lấy ra khỏi lòng đất sẽ được cho vào máy để phân loại rồi nghiền nhỏ. Tiếp đó, qua một lớp lọc khác được nghiền thành bột mịn; cuối cùng, qua bộ phận xử lý sàng lọc bằng nước để lắng đọng lại quặng.
Quặng sau khi chế biến tinh được gom thành đống lớn, giống hạt cát đen. Ông Thanh, cán bộ quản lý cho biết: “Quặng được tinh chế này sau khi gom đủ số lượng, đạt đủ tiêu chuẩn sẽ được xuất theo nhiều đường qua Trung Quốc với giá chỉ hơn 10 nghìn đồng/kg”.
Được biết, giá chì kẽm trên thế giới khoảng 2.400 đến 2.500 USD/tấn và đang có xu hướng tăng lên.
Ông Thanh giải thích: "Chúng ta không có đủ công nghệ để xử lý quặng nên việc xuất đi nước ngoài là đương nhiên. Tìm thấy quặng nhưng chưa phân tích tách quặng ra được vì hóa chất dùng cho việc tách quặng quá đắt. Công nghệ của chúng ta chưa cho phép nên phải bán thẳng cho Trung Quốc. Họ có hóa chất để tách chì, kẽm, bạc riêng”.

Nhọc nhằn khai thác để bán với giá "bèo"
Việc khai thác, chế biến quặng tại huyện Văn Quan đang đứng trước tình cảnh khai thác xong là xuất ngay dạng thô giá rẻ.
Ông Trần Tuấn Khang - Giám đốc Công ty TNHH Minh Đức cho rằng, khai thác khoáng sản thô mà chưa xử lý được khi bán rất mất giá mà lại lãng phí tài nguyên. “Chúng tôi khai thác quặng bauxite chỉ ở dạng thô, khai thác xong là cho ôtô trở về Hải Dương, giá mỗi lần bán rẻ lắm, trong khi công sức mình thuê công nhân, thuê máy đào rất tốn kém. Nói chung chẳng được bao nhiêu”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, quản lý mỏ thuộc Công ty TNHH Mai Ánh cho biết: “Nếu chúng ta có công nghệ, có kĩ thuật tách quặng thì giá xuất khẩu không như hiện tại. Từ đầu năm tới giờ, mỏ chúng tôi vẫn chưa xuất được tấn nào mà vẫn phải gom hàng chờ. Trong khi đó, công ty vẫn phải gồng mình nuôi khoảng gần 50 công nhân. Tính trung bình, lương mỗi công nhân cũng gần 2 triệu/tháng”.
Ông Hoàng Văn Hùng - Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Văn Quan cho rằng, vấn đề sử dụng công nghệ vào chế biến quặng tại các mỏ vẫn chưa được đầu tư tốt. Các điểm quặng thường sử dụng máy móc khai thác thô sơ, do vậy quặng thường được mang đi chỗ khác chế biến.

------------------------

Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ luyện chì kẽm
Ngô Ngọc Định - Trưởng phòng Thiết kế Công nghệ Luyện kim và Lò công nghiệp (Viện KHCN Mỏ Luyện kim, Bộ Công thương) cho biết:
Từ quặng được khai thác lên phải qua chế biến, công đoạn chế biến mất nhiều công sức. Người ta gọi phần chế biến này là tuyển khoáng. Sau khi qua khâu tuyển khoáng, sẽ nâng hàm lượng chì kẽm lên khoảng 50%, tùy theo công nghệ, quặng kẽm khoảng 50%, quặng chì khoảng 55%. Quặng này gọi là quặng tinh có thể đưa vào nhà máy luyện kim ngay.
Ở Việt Nam đã có một nhà máy luyện kẽm (1 vạn tấn/năm). Như thế, nói rằng nước ta không có công nghệ hay không có nhà máy thì không đúng.
Còn việc luyện chì, đúng là nước ta chưa có nhà máy luyện chì nào mang tính công nghiệp lớn. Nhưng việc luyện chì thực tế không khó khăn và có thể làm bất cứ lúc nào.
Có một số nhà đầu tư nước ngoài từng đề cập đến việc xây dựng nhà máy luyện chì. Tuy nhiên chưa thành hiện thực vì một số lý do như hiệu quả kinh tế, hoặc nguồn vốn xây dựng khá nhiều, ít nhất khoảng 200 tỷ đồng; xây dựng nhà máy lại trong một thời gian dài.
Thực tế, người ta đều mong muốn đào quặng lên rồi bán thu lãi sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên nếu có nhà máy luyện chì sẽ nâng VN lên tầm mới, hạn chế nhập chì, giải quyết công ăn việc làm.
Phạm Hương

Tan nát vùng biên vì quặng bauxite (I)


No comments: