"Gác tranh chấp, cùng khai thác" kiểu Trung Quốc
Tác giả: Dương Danh Huy
Quỹ nghiên cứu Biển Đông
Bài đã được xuất bản.: 21-1-10
http://www.tuanvietnam.net/2010-01-20-gac-tranh-chap-cung-khai-thac-kieu-trung-quoc
"Gác tranh chấp, cùng khai thác" trên phương diện đó là một nguyên tắc chung thì có thể chấp nhận được, nhưng với những quan niệm của Trung Quốc đằng sau nó thì trước mắt sẽ bất công cho Việt Nam và về lâu về dài sẽ nguy hại cho chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
LTS: Gần đây, chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" được Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần như một sáng kiến mang tính xây dựng trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang căng thẳng. Xét đến tính phức tạp và khó tìm lối ra hiện tại đối với tranh chấp Biển Đông, giải pháp này có thể chấp nhận được nếu các bên cùng "gác tranh chấp, cùng khai thác" một cách công bằng.
Bài viết dưới đây phân tích chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của phía Trung Quốc, từ đó đi tới nhận định giải pháp này có thể chấp nhận được nếu các bên cùng "gác tranh chấp, cùng khai thác" một cách công bằng. Như vậy phải có những nguyên tắc công bằng không có trong quan niệm của Trung Quốc về "gác tranh chấp, cùng khai thác".
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mời bạn đọc cùng tranh luận.
-----------------------------
Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" ở Hà Nội ngày 26-27/11/2009[1], GS Ji Guoxing của Đại học Jiaotong, Thượng Hải, nguyên giám đốc bộ môn Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Thượng Hải, nhắc lại chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc[2].
GS Ji Guoxing đề xuất rằng, trước hết, các bên trong tranh chấp phải thoả thuận được một khuôn khổ chung cho việc khai thác trên toàn bộ Biển Đông. GS Ji Guoxing cụ thể hoá bằng cách đề nghị Việt Nam và Trung Quốc bàn về khả năng cùng khai thác bãi Tư Chính, một khu vực nằm gần như hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa vốn đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền[3].
Trong khi đó, chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc không bao gồm quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng. Thậm chí, Trung Quốc còn cho rằng không tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa[4].
Bản đồ 1: Lãnh hải 12 HL của các đảo bị tranh chấp và vùng đặc quyền kinh tế 200 HL của những vùng lãnh thổ khác. Khai thác chung trên cơ sở đường lưỡi bò có thể công bằng?
http://www.tuanvietnam.net/assets/images/DDHuy-1.jpg
Tại buổi họp báo ở Hà Nội ngày 6/1/2010[5], Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường cũng đề nghị chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác".
Đại sứ Tôn Quốc Tường nói, "Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác", và đề nghị rằng Việt Nam và Trung Quốc nên tạm gác lại tranh chấp, đợi điều kiện chín muồi.
"Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề. Trong quan hệ hai nước còn có nhiều công việc cần cố gắng, nỗ lực, có nhiều hợp tác có thể tiến hành...
Trong khi phát triển quan hệ song phương và chờ đợi điều kiện chín muồi, hai bên có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa."
Bài viết này phân tích chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc mà Đại sứ Tôn Quốc Tường cho là một sáng kiến mang tính xây dựng của Trung Quốc.
Nguồn gốc của chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc
Bối cảnh tranh chấp quần đảo Shenkaku/Điếu Ngư Đài
Chủ trương "Gác tranh chấp, cùng khai thác" được Trung Quốc chính thức đề nghị lần đầu tiên trong văn cảnh tranh chấp chủ quyền quần đảo Shenkaku (tên Nhật)/Điếu Ngư Đài (tên Trung Quốc) giữa Nhật và Trung Quốc.
Bản đồ 2: Vị trí quần đảo Shenkaku/Điếu Ngư Đài
http://www.tuanvietnam.net/assets/images/DDHuy-2.jpg
Trong chuyến thăm Nhật, ngày 25/10/1978, Thủ Tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Thủ Tướng Nhật Takeo Fukuda rằng có thể để các thế hệ sau giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Shenkaku/Điếu Ngư Đài; trong quan hệ ngoại giao, hai nước nên lấy quyền lợi chung làm ưu tiên[6].
Thực tế cho thấy Nhật và Trung Quốc đã đi theo phương hướng "gác tranh chấp" này.
Điều đáng lưu ý là Nhật là nước đang kiểm soát Shenkaku/Điếu Ngư Đài. Trong tranh chấp chủ quyền, nếu tranh chấp được gác lại thì có lợi cho nước đang kiểm soát lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp. Vì vậy việc gác tranh chấp có lợi cho Nhật hơn cho Trung Quốc.
Trong bối cảnh vào cuối thập niên 1970, Trung Quốc cần mở rộng quan hệ quốc tế. Có lẽ vì nhu cầu đó Trung Quốc đã phải đề nghị gác tranh chấp Shenkaku/Điếu Ngư Đài, một đề nghị có lợi cho Nhật hơn cho Trung Quốc trong phạm trù tranh chấp chủ quyền, để thuận tiện cho việc phát triển quan hệ với Nhật.
Ngày 11/5/1979, Đặng Tiểu Bình nói với đại biểu quốc hội Nhật Zenko Suzuki rằng Trung Quốc và Nhật có thể cùng khai thác vùng biển lân cận đảo Shenkaku/Điếu Ngư Đài mà không đề cập đến tranh chấp chủ quyền đối với đảo.
Điều đáng lưu ý là Shenkaku/Điếu Ngư Đài và vùng biển lân cận nằm dưới sự kiểm soát của Nhật, và vùng biển này gần Nhật và Đài Loan hơn Trung Quốc, cho nên Nhật có nhiều khả năng để đơn phương khai thác vùng biển này hơn Trung Quốc. Vì vậy, đề nghị của Trung Quốc để khai thác chung vùng biển này là một đề nghị có lợi cho Trung Quốc hơn là có tính xây dựng cho cả Trung Quốc và Nhật.
Trên thực tế, cho tới nay, Nhật luôn luôn khước từ tất cả các đề nghị của Trung Quốc để khai thác vùng biển lân cận đảo này.
Bối cảnh tranh chấp Trường Sa
Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển quan hệ ngoại giao với ASEAN trong hai thập niên 1970 và 1980, một phần là để mở rộng quan hệ ngoại giao, một phần là để đối trọng Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đưa ra với ASEAN đề xuất về tranh chấp Trường Sa mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho là hợp lý[7]:
Quần đảo Trường Sa là một phần không tách rời được của Trung Quốc từ thời cổ xưa.
Tranh chấp chủ quyền phát sinh từ thập niên 1970.
Vì quan hệ hữu nghị với những nước liên quan, Trung Quốc muốn tạm gác tranh chấp sang một bên và sau này tìm một giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được.
Các bên nên tránh xung đột vũ trang và nên tìm cách khai thác chung.
Tháng 6/1986, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Phó Tổng Thống Philippines Salvador Laurel rằng Trung Quốc và Philippines nên gác tranh chấp Trường Sa, "không nên để vấn đề này cản trở tình hữu nghị của Trung Quốc với Philippines và các nước khác"[8].
Tháng 4/1988, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Tổng Thống Philippines Corazon Aquino, "Xét quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta, chúng ta có thể tạm gác vấn đề này và tiếp cận theo hướng khai thác chung"[9].
Ngay cả khi đề nghị gác tranh chấp, Đặng Tiểu Bình cũng "giải thích" rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với Trường Sa. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình nói thẳng rằng, "Các bản đồ thế giới luôn vẽ Trường Sa thuộc Trung Quốc.", "Chúng tôi có nhiều bằng chứng. Các bản đồ thế giới của nhiều nước cũng chứng minh điều này." Đặng Tiểu Bình cũng nói với Tổng Thống Corazon Aquino rằng Trung Quốc có nhiều thẩm quyền nhất về vấn đề Trường Sa vì Trường Sa luôn luôn là một phần của lãnh thổ Trung Quốc[10].
Điều đáng lưu lý là vào đầu năm 1988 Trung Quốc chiếm đóng những bãi cạn Đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Huy Gơ và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa và vào tháng 4/1988 máu của các chiến sĩ Việt Nam còn chưa tan hết trên biển Trường Sa sau khi Trung Quốc tấn công chúng ta để chiếm Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao ngày 14/3/1988 và chiếm được Gạc Ma. Đây là một thí dụ cho thấy giới hạn của điều mà Trung Quốc gọi là "gác tranh chấp".
Rõ ràng nếu nói "Gác tranh chấp" mà kèm theo lời nói "Đó là của Trung Quốc", thậm chí kèm theo hành động chiếm đoạt thêm, thì đó không phải là "gác lại tranh chấp" mà nghĩa thật của nó là "các nước khác đừng tranh chấp".
Trong đề nghị và cách ứng xử của Trung Quốc, "giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được" có vẻ không phải là một sự phân định chủ quyền công bằng mà là một giải pháp trong đó các nước khác đành phải chấp nhận chủ quyền Trung Quốc, và, đáp lại, Trung Quốc sẽ chấp nhận cho những nước này một số quyền lợi nhất định nào đó.
Như vậy, sáng kiến "gác tranh chấp, cùng khai thác" của chính phủ Đặng Tiểu Bình cho tranh chấp Trường Sa không phải do tính xây dựng mà là để phục vụ mục đích đối trọng Việt Nam nói chung và chiếm đoạt Trường Sa từ Việt Nam nói riêng.
Bắt đầu từ thập niên 1990, yêu sách của Trung Quốc được nâng cao để bao gồm tất cả diện tích bên trong ranh giới 9 đoạn của nước này, và chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" được Trung Quốc đề nghị cho tất cả diện tích đó.
Như vậy, việc Trung Quốc áp dụng khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" cho yêu sách ranh giới 9 đoạn không phải do tính xây dựng mà là để Trung Quốc đòi hỏi khai thác chung trong những vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi một cách vô lý, thí dụ như trong vùng Tư Chính - Vũng Mây và Nam Côn Sơn của Việt Nam.
Chúng ta có thể hiểu rõ thêm về khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc từ giải thích trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Giải thích của Trung Quốc về "gác tranh chấp, cùng khai thác"
Theo bài "Set aside dispute and pursue joint development" đăng trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" có 4 yếu tố[11]:
1. Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc.
2. Khi điều kiện chưa chín muồi để có giải pháp quán triệt, hoãn lại đàm phán về chủ quyền - để có thể gác tranh chấp sang một bên. Gác tranh chấp không có nghĩa từ bỏ chủ quyền [mà chủ quyền duy nhất được đề cập tới là chủ quyền Trung Quốc - tác giả].
3. Khai thác chung các vùng lãnh thổ liên quan.
4. Mục đích của khai thác chung là nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho giải pháp cuối cùng về chủ quyền lãnh thổ [mà chủ quyền duy nhất được đề cập tới là chủ quyền Trung Quốc - tác giả].
4 yếu tố này có một số vấn đề căn bản.
Thứ nhất, "Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc" là một trong những yếu tố của khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng khả năng chủ quyền thuộc về những nước khác đối với toàn bộ hay một phần lãnh thổ bị tranh chấp thuộc về các nước khác không được đề cập tới. Yếu tố này chính là một sự tranh chấp chủ quyền và đi ngược với tinh thần "gác tranh chấp".
Thứ nhì, điều kiện thế nào là chín muồi để có giải pháp quán triệt? Cần làm gì để có những điều kiện đó.
Thế nào là giải pháp quán triệt?
Theo ý kiến của tác giả, chỉ có phân định chủ quyền một cách công bằng mới có thể là giải pháp quán triệt. Để phân định chủ quyền một cách công bằng cần phải có đàm phán hoặc phân xử bởi một trọng tài công bằng, thí dụ như Toà án Công lý Quốc tế. Hoãn lại đàm phán về chủ quyền không thuận tiện cho điều kiện chín muồi cho việc phân định chủ quyền một cách công bằng.
Có thể là điều kiện chín muồi mà Trung Quốc đề cập tới là điều kiện chín muồi để thực hiện yếu tố thứ nhất: "Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc".
Thứ ba, đâu là các vùng lãnh thổ liên quan có thể khai thác chung? Việc khai thác chung chỉ có thể công bằng trong những vùng lãnh thổ mà lý lẽ chủ quyền của các bên trong tranh chấp hợp lý hơn một mức tối thiểu nào đó. Không thể chấp nhận được việc một nước đòi hỏi tới đâu thì các nước kia phải khai thác chung với nước đó tới đó.
Ranh giới 9 đoạn của Trung Quốc quá vô lý cho nên nếu khai thác chung với Trung Quốc trên cơ sở ranh giới đó thì sẽ không thể công bằng.
Không những thế, Trung Quốc không chấp nhận Việt Nam khai thác chung khu vực Hoàng Sa, trong khi lý lẽ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa hợp lý hơn mức tối thiểu cho việc Việt Nam khai thác chung.
Yếu tố thứ tư cho thấy mục đích tối hậu của Trung Quốc trong đề nghị khai thác chung là tạo điều kiện cho yếu tố thứ nhất, tức là "Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc".
Như vậy, mặc dù khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" trên phương diện đó là một nguyên tắc chung thì có thể chấp nhận được, nhưng với những quan niệm của Trung Quốc đằng sau nó thì trước mắt sẽ bất công cho Việt Nam và về lâu về dài sẽ nguy hại cho chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không chỉ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn đối với cả những vùng biển bị ranh giới 9 đoạn của Trung Quốc đe doạ.
Để có thể gác tranh chấp, cùng khai thác một cách công bằng, phải có những nguyên tắc công bằng không có trong quan niệm của Trung Quốc về "gác tranh chấp, cùng khai thác".
----------------------
[1] T. Lam. Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Vietnamnet, 25/11/2009. Trên mạng: http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/200911/Hoi-thao-quoc-te-ve-Bien-Dong-880652/
[2] Huỳnh Phan. Giải quyết tranh chấp Biển Đông trong mắt học giả Trung Quốc. Vietnmanet, 07/12/2009. Trên mạng: http://www.tuanvietnam.net/2009-12-04-giai-quyet-tranh-chap-bien-dong-trong-mat-hoc-gia-trung-quoc
[3] Ibid.
[4] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trả lời phóng viên về việc Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa. Foreign Ministry Spokesperson Qin Gang's Regular Press Conference on 27 November, 2007. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 28/11/2007. Trên mạng: http://big5.fmprc.gov.cn/gate/big5/tr.china-embassy.org/eng/fyrth/t385091.htm
Q: It was reported that Vietnam protested against China's military exercise in Xisha Islands, regarding it as a "violation" of its "sovereignty". Do you have any comment?
A: It is known to all that China has undeniable sovereignty over the Xisha Islands and its adjacent islets. China and Vietnam have no dispute over this issue. The routine training of the Chinese navy is an ordinary activity within Chinese waters under China's sovereignty. Vietnam's protest is totally groundless.
[5] Xuân Linh. Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp Biển Đông. Vietnamnet, 6/1/2010. Trên mạng: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong-888092/
[6] Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Set aside dispute and pursue joint development. 17/11/2000. Trên mạng: http://www.fmprc.gov.cn/eng/ziliao/3602/3604/t18023.htm
[7] Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dẫn:
When China entered into diplomatic relations with the Southeast Asian countries in the 1970s and 1980s, during talks with the leaders of these countries, Deng Xiaoping made the following reasonable proposal for resolving disputes over the Nansha Islands: The Nansha Islands have been an integral part of China's territory since the ancient times. But disputes have occurred over the islands since the 1970s. Considering the fact that China has good relations with the countries concerned, we would like to set aside this issue now and explore later a solution acceptable to both sides. We should avoid military conflict over this and should pursue an approach of joint development.
[8] Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dẫn:
In June, 1986, Deng said to visiting Filipino Vice President Laurel: "We should leave aside the issue of the Nansha Islands for a while. We should not let this issue stand in the way of China's friendship with the Philippines and with other countries."
[9] Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dẫn:
Deng Xiaoping once again brought up this idea when he met visiting Filipino President Aquino in April, 1988. Deng said: "In view of the friendly relations between our two countries, we can set aside this issue for the time being and take the approach of pursuing joint development."
[10] Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dẫn:
In addition to proposing the approach of "setting aside difference and pursuing joint development", Deng Xiaoping also explained China's stand that it has sovereignty over the Nansha Islands. He explicitly pointed out that "the Nansha Islands have always been marked as part of China on the maps of the world. The Nansha Islands belong to China." "We have many evidences. The maps of the world in many countries also prove this." He also said to President Aquino that China is in a most authoritative position to address the issue of the Nansha Islands since they have always been a part of China's territory.
[11] Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dẫn:
The concept of "setting aside dispute and pursuing joint development" has the following four elements: 1. The sovereignty of the territories concerned belongs to China. 2. When conditions are not ripe to bring about a thorough solution to territorial dispute, discussion on the issue of sovereignty may be postponed so that the dispute is set aside. To set aside dispute does not mean giving up sovereignty. It is just to leave the dispute aside for the time being. 3. The territories under dispute may be developed in a joint way. 4. The purpose of joint development is to enhance mutual understanding through cooperation and create conditions for the eventual resolution of territorial ownership.
No comments:
Post a Comment