Saturday, January 23, 2010

DƯ LUẬN SÀI GÒN TRƯỚC PHIÊN TOÀ XỬ 4 NHÀ DÂN CHỦ (đăng lại)

Dư luận Sài Gòn trước phiên toà xử 4 nhà dân chủ
Phùng Thức/Người Việt
Tuesday, January 19, 2010
http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107090&z=2
Một ngày trước khi phiên toà sẽ xử các nhà dân chủ Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long (vào ngày 20 tháng 1, giờ Việt Nam), một công dân mạng, bolgger Phan Bá Thọ đã có một bài viết mang tình cảm và ý thức minh bạch hướng về các nhà dân chủ như sau:
‘Ngày mai em Trung sẽ ra tòa cùng với 3 anh Định, Thức, Long. Cuộc chiến không cân sức giữa cái thiện thiểu số và một quân đoàn âm binh hùng hậu, sẽ nổ ra. Trong lịch sử phát triển của nhân loại rất nhiều những chiến thắng 'oanh liệt' của kẻ ác và bọn vô đạo được thế giới ghi nhận, nhưng là những chiến thắng mang tính nhất thời tạm bợ. 'Những chiến thắng nhỏ trên sự thả lỏng', điều này chỉ có ý nghĩa thúc đẩy cái thiện ngày càng hoàn bị hơn và mạnh mẽ hơn lên. Hy vọng phiên tòa ngày mai sẽ được ghi nhớ như là một trong những phiên tòa mang dấu ấn lịch sử đậm nét về công cuộc đấu tranh vất vả vì một việt nam tự do, dân chủ bền vững trong tương lai!...’

Gọi ngày các nhà dân chủ đối điện với toà án của chế độ độc tài là một sự kiện có tầm vóc lịch sử quốc gia như ý kiến sau đây của TC một nhà thơ, một người có tuổi trẻ thực tập những kinh nghiện dân chủ ở nhà trường dưới chế độ VNCH: “Theo tôi đây là ngày nền dân chủ của đất nước này được khai sinh lần nữa”.

Không chờ những nhà bình luận thời cuộc từ nước ngoài bình luận, dư luận theo khuynh hướng độc lập trong nước cùng đồng cách nghĩ rằng: Các nhà trí thức dân chủ này đều xuất thân từ những công dân sống trong nước. Từ sau biến cố 1975, hệ thống tuyên truyền giáo dục chính trị cộng sản áp đặt nặng nề đến mức nào thì ai cũng biết nhưng vì sao họ chấp nhận dấn thân, toàn tâm phủ nhận thể chế độc tài hướng đến giá trị dân chủ thông qua đấu tranh ôn hoà, họ thật sự là những người yêu nước chân chính. Chỉ người có trái tim chân chính mới trăn trở vận mệnh tương lai dân tộc đang tuột dốc không phanh, mới dám đối mặt với bộ máy độc tài chuyên chế ghê gớm này.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến khác. Một bà từng là cán bộ có cỡ dù đã về hưu nhưng vẫn không ngần ngại kết tội những nhà dân chủ, lý lẽ của bà như sau: Đất nước nào cũng có luật pháp, ngay cả ở các nước dân chủ nhất cũng có những vòng tròn giới hạn. Các ông Định, Thức, Trung… đã vượt quá cái vòng tròn cho phép họ phải bị kết án. Lý lẽ mà bà cán bộ trên nói là lập luận chính của những kể nắm quyền lực độc tài khi quyết định kết án người khác chính kiến.

Cũng một cán bộ về hưu khác đã có quan điểm phản tỉnh đã trả lời bà này như sau: Bà và đảng độc tài này trưng ra cái vòng tròn luật pháp, nhưng những người biết nghĩ đều biết cái vòng tròn này không phải do công dân bầu chọn. Vòng tròn này chỉ là công cụ của một nhóm muốn áp đặt độc tài mà thôi.

Trong những nhà dân chủ trẻ ra toà ngày 20/1/ 2010 thì luật sư Lê Công Định được nhiều người quan tâm nhất. Ông L, một luật sư trẻ không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ, “Anh Định là một luật sư mà cánh làm luật trẻ chúng tôi tin, vì anh là một luật sư xuất sắc toàn diện, bao nhiên năm rồi mới có một người tài như vậy chắc mấy ông biết. Dù anh Định có bị gì đi chăng nữa, nền luật pháp này hoặc nền luật pháp khác của đất nước này rồi cũng cần tới những người như anh”.

Luật sư Lê Công Định còn có một khu vực ảnh hưởng khác nữa là từ người vợ cựu hoa hậu của anh. Cựu hoa hậu Ngọc Khánh là một người được giới trí thức, văn nghệ sĩ và cả giới bình dân yêu quí vì phẩm chất của một hoa khôi. Từ khi Luật sư Định bị bắt vì lý tưởng dân chủ, người phụ nữ đẹp và mạnh mẽ này vẫn toàn vẹn tư cách trước sự ác hiểm của dư luận hắc ám.

Riêng với các ông Trần Quỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long thì giới sinh viên, giới trí thức làm việc trong lĩnh vực khoa học và kỹ nghệ, nhất là giới doanh gia chân chính vẫn một mực kính trọng. Nói về những cá nhân chọn con đường phụng sự lý tưởng dân chủ này, một kỹ sư làm thêm ngoài giờ sửa chữa máy tính và bảo trì mạng cho các gia đình thật thà cho biết, “ Nếu là tôi chắc không dám đâu! Mấy tay chủ cỡ như họ có tay vơ vét sắm xe hàng trăm ngàn đô, đất đai, gái gú em út mênh mông. Bọn chủ đi đêm với kẻ có quyền của chế độ lúc nhúc như dòi. Mấy ông dân chủ này thấy đáng nể thiệt!’.

Một người trẻ tuổi không biết sợ là gì nói: “Ngày mai thế nào tôi cũng đi coi xử, có khi hên chụp được vài tấm hình đưa lên blog cho nóng các friend chơi!”.

Nhiều người khác thì hờ hững hơn. Một ông có thói quen uống cà phê ở công viên đối diện toà án thành phố nói: “Chỗ cà phê tôi uống quen chắc ngày mai họ dẹp. Uống đại ở đâu đó rồi chạy công việc, chuyện xử mấy ông đó tôi có biết, cũng biết chính quyền nhè mấy ngày cuối năm mà xử người ta, ai cũng lo kiếm ăn trối chết, quan tâm làm chi”.

Còn một bà bán hàng rong nói: “Cha tôi biểu cũng không dám héo lánh tới đó. Nhưng có đời nào mà người mình không thương những người như mấy ông đó đâu. Mấy cha cách mạng này hồi xưa bị xử ở đây dân cũng thương vậy. Không biết sao đời bi giờ mấy ông cách mạng đó sao họ phản quá, chắc là cả lũ ham giàu mà!”.

“Cách mạng” là cụm từ từng một thời kích động dân Việt Nam nay trở thành một tên gọi hành hạ đời sống hiện tại và tương lai của cả dân tộc.

Hôm nay cũng tại khu vực toà án này, vẫn bộ mặt kiến trúc pháp đình cũ kỹ và lạnh lùng đó, nhưng một lần nữa những con người ưu tú nhất lại đối diện với án toà độc tài chuyên chế. Nhưng dù bản án ngày mai có ra sao thì việc bỏ tù những nhà dân chủ ôn hoà cũng phát đi tín hiệu đánh thức lương tri dân tộc này và nhân loại văn minh. Tiến trình vì dân chủ cho đất nước đã khởi hành mạnh mẽ!

Phùng Thức



No comments: