Sunday, January 10, 2010

DÂN TRUNG QUỐC KHỔ VÌ NHỮNG LUẬT LỆ LẠ ĐỜI

Dân Trung Quốc khổ vì luật lệ lạ đời của các "ông trời con"
Trọng Thành, Tú Anh
Bài đăng ngày 10/01/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 10/01/2010 13:45 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6421.asp
Vào tháng 4 năm 2009, cả nước Trung Quốc đã chê cười cán bộ lãnh đạo ở Hồ Bắc sau khi họ ra lệnh cho nhân viên các xí nghiệp quốc doanh mỗi người phải mua 23 ngàn bao thuốc lá do một công ty ở Hồ Bắc sản xuất, để kích thích kinh tế địa phương. Ở Trung Quốc, cán bộ địa phương muốn làm gì thì làm nên mới có nhiều luật lạ đời như vậy.

Nhậu cho say, ra đường gặp xe phải chào, phải đi thăm di tích cho đủ chỉ tiêu, phụ nữ độc thân phải chứng minh còn trinh tiết nếu muốn được bồi thường nhà đất bị nhà nước trưng thu… hàng trăm thứ ách vừa nhiêu khê vừa lạ lùng mà chính quyền địa phương Trung Quốc áp đặt lên cổ người dân và cán bộ cấp thấp.
Le Courrier international tổng hợp các bài phóng sự của nhà báo Mỹ Sharon LaFraniere và hai đồng nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Sự kiện mới nhất làm tràn ly nước đầy là học sinh ở Lạc Lăng mà báo chí chính thức không nói rõ là thuộc tỉnh nào vừa được chính quyền địa phương dạy là khi ra đường gặp xe phải chào theo kiểu nhà binh. Theo giải thích của chính quyền thì đây là phương pháp làm giảm tai nạn giao thông và dạy trẻ con lể phép.
Nhưng với hàng ngàn phản ứng chế giễu trên các mạng internet, thì giải pháp này không được lòng người.
Một người dân phẫn nộ : "chỉ có loại cán bộ ngu ngốc mới bắt trẻ con làm chuyện ngược đời thay vì nâng nhẹ mặt đường cảnh báo tài xế sắp chạy ngang trường học".

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có nạn quan liêu. Vấn đề là tại nước này, cán bộ làm bậy không chịu trách nhiệm trước pháp luật mà chỉ có thể bị Đảng hạ tầng công tác mà thôi.
Do vậy, công kích chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã trở thành một môn thể thao quốc gia. Bây giờ đến lược nhiều tờ báo nhà nước tham dự. Tuy báo chí chính thức không bao giờ nêu rõ địa danh hay nguồn gốc của các "sắc chỉ" lạ thường này. Nhưng thường thường, công kích sẽ mang lai kết quả. Cụ thể vào tháng 4 năm ngoái, chính quyền huyện Công An, ở Hồ Bắc đã bị cả nước chê cười sau khi cán bộ lãnh đạo ra lệnh cho nhân viên các xí nghiệp quốc doanh mỗi người mỗi năm phải mua 23 ngàn bao thuốc lá do một công ty địa phương sản xuất, nếu không sẽ bị phạt tiền. Họ giải thích là để kích thích kinh tế địa phương. Sau nhiều tuần lễ bị chế giễu trên mạng, chính quyền địa phương, cũng qua mạng internet thông báo ngẵn ngũi : "Chúng tôi hủy bỏ lệnh này".
Cũng trong tỉnh Hồ Bắc, một huyện khác cũng phải rút lại một "sáng kiến" tương tự. Để làm tăng doanh số một hãng làm rượu manh, chính quyền buộc công nhân viên phải mua "bạch tửu" mỗi năm 300 ngàn đôla. Theo tính toán của một tờ báo loan tãi tin này, thì để đạt chỉ tiêu này, mỗi nhân viên phải mua mỗi ngày ba chai rượu mạnh.
Cũng trong năm ngoái, một huyện ở tỉnh Quý Châu ra lệnh cho mỗi cơ quan phải huy động nhân viên đi tham quan một "di tích hoang phế" sau cho đủ chỉ tiêu 5 ngàn lượt người trong hai tháng. Hậu quả là nhân viên phải thuê xe khách đi 30 cây số đường làng, sau đó thuê xe đạp đi thêm 15 cây số đường rừng. Theo tường thuật của báo Quảng Châu, thì các cơ quan đóng cửa để cho nhân viên lấy ngày nghỉ đi làm du khách. Một tháng sau, lệnh này được hủy bỏ.


Theo các nhà phân tích, những hành động lạ đời trên đây phát xuất từ sự thiếu khả năng của cán bộ đảng nắm chính quyền địa phương. Những viên chức điều hành 637 ngàn ngôi làng ở Trung Quốc dường như có xu hướng muốn làm gì thì làm. Một chủ tịch huyện ở đông bắc Trung Quốc dám phạt nông dân trong huyện một số tiền tương đương với 73 đôla Mỹ nếu họ cắt một cây ngô mà không xin phép. Một thí dụ khác làm người đọc thấy rõ hơn tính "siêu việt" của thành phần mà Mao Trạch Đông gọi là đầy tớ của dân : cho đến năm 2005, một chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã ở Trùng Khánh buộc các phụ nữ độc thân phải xét nghiệm trinh tiết trước khi các nạn nhân nộp đơn xin nhà nước bồi hoàn nhà đất bị trưng thu.

"Lưu Hiểu Ba : chế độ cộng sản Trung Quốc rạn nứt"
Tương lai một chế độ như thế sẽ ra sao ? Bài xã luận của nhà báo Hong Kong Willy Lam với tựa đề "Lưu Hiểu Ba và nhóm đặc quyền Trung Quốc" không đi vòng vo : "mọi biện pháp đàn áp của chế độ không cứu được một bộ máy độc tài và nứt rạn". Lời nhận định này là của giáo sư Lưu Hiểu Ba, đồng tác giả Hiến Chương 08 kêu gọi cải cách, bị chính quyền Trung Quốc tuyên án 11 năm tù ngay vào ngày Chúa Giáng sinh, ngày mà công luận Tây phương ít quan tâm đến thời sự quốc tế . Do lời dự báo này và những phân tích sau đây mà nhà dân chủ bị 11 năm tù : "cái gọi là lòng yêu nước chính thức mà Đảng Cộng sản vinh danh chẳng qua là họ yêu cầu nhân dân yêu thương một chế độ và một đảng độc tài".

Nhà ly khai xác quyết "tương lai của nước Trung Hoa không tùy thuộc vào những cái lệnh độc đoán phát xuất từ giới cầm quyền mà sẽ được quyết định từ những lực lượng mới càng ngày càng phát triển trong nhân dân".

Ngày tuyên án, hàng ngàn thông điệp điện tử đã xuyên thủng hàng rào lửa internet Trung Quốc, cổ vũ, vinh danh người anh hùng . Trước cửa tòa án, bất chấp lệnh cấm của công an, hàng chục nhà dân chủ ký tên vào Hiến chương 08 tình nguyện xin vào nhà giam với thần tượng của họ.

Người vợ của nhà ly khai cũng tuyên bố cứng cõi : "Tôi giữ vững niềm tin như chồng tôi". Nhắc lại một câu nói của Mao Trạch Đông "một tia lửa nhỏ có thể đốt cháy một cánh đồng" nhà báo kiêm giáo sư đại học Nhật Bản và Hong Kong Willy Lam kết luận : Thái độ chà đạp công lý của chế độ Trung Quốc, cộng với bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo, đã làm cho người dân bị chèn ép bấy lâu nay càng ghê tởm hơn. Do vậy thủ đoạn "sát kê dọa hầu" giết gà nhát khỉ, của Bắc Kinh lần này sẽ không hiệu quả. Dù chính quyền Hồ Cẩm Đào đã chi ra nhiều ngàn tỷ đồng để tăng cường bộ máy công an chính trị, nhưng dấu hiệu rệu rã của chế độ đã lộ rõ với hơn 10 ngàn người ký vào Hiến Chương 08, với cuộc bạo loạn ở Tân Cương, không kể trong năm qua có hơn 100 ngàn cuộc biểu tình chống chính phủ.




No comments: