Thursday, January 7, 2010

CẦN MỘT CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC THỰC SỰ

Cần một cuộc cải cách giáo dục thực sự!
Nguyễn Đại
Thứ Năm, 07/01/2010
http://danluan.org/node/3853
Bài viết được tác giả gửi tới Dân Luận qua email huannc(a)gmail.com. Trong khi chờ đợi Bộ Giáo Dục và Đào Tạo mở cuộc thăm dò ý kiến, chúng tôi rất mong nhận được những suy nghĩ của độc giả Dân Luận: Chúng ta trông đợi một sản phẩm như thế nào từ nền giáo dục tương lai? Chân dung một công dân Việt Nam bình thường tương lai phải như thế nào?
----------------------------------------------

Nhập đề: Cha mẹ đều từng là giáo viên, các anh chị cũng từng đứng lớp nên tôi có một sự quan tâm tự nhiên đến giáo dục từ lâu. Trước đây, tôi có trình bày các ý kiến (khá rời rạc) về giáo dục trong một số diễn đàn. Khi đọc xong bài viết “
Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng” của GS Hoàng Tụy, tôi thấy mình cần có sự tổng hợp và phân tích hệ thống hơn.

Vấn đề đầu tiên giáo sư đưa ra là sự quản lý kém trong Giáo Dục. Ta nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trên các trang mạng, chúng ta dễ dàng tìm thấy các thông tin về chiến lược phát triển giáo dục trong các khoảng 10 năm (1990-2000, 2001-1010, 2010-2020). Trong đó, ngành giáo dục đưa ra những mục tiêu rất cụ thể và hoành tráng như “Tăng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ từ 12% năm 2000 lên 15% năm 2005 và 18% năm 2010", hoặc "Đến năm 2020, 100% số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm đúng độ tuổi, 80% thanh niên Việt Nam trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương”.
Nói chung các bản chiến lược này chứa rất nhiều con số, thể hiện quyết tâm rất lớn của các cấp lãnh đạo, người lãnh đạo. Nhưng đồng thời, các con số này cũng cho thấy một điều: đây chưa phải là chiến lược phát triển giáo dục!
Với bất kỳ nhà quản lý nào, khi lập chiến lược cho một việc, đầu tiên phải xác định mục tiêu. Các bản chiến lược giáo dục thì phải xác định được mục tiêu của giáo dục nước nhà là gì. Mục tiêu của giáo dục không phải là những con số phần trăm nói trên. Chính vì đưa ra các con số như vậy, ta mới có tình trạng “trường học chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức đã bước vào khai giảng năm học mới, khởi động một chu kỳ khổ dịch đầy lo âu cho cả thầy lẫn trò, chương trình học đã nhiều năm bị phê phán quá tải vẫn chưa hề giảm tải” (lời của giáo sư Hoàng Tụy). Cũng cần thông cảm, các cấp thi hành buộc phải chạy như vậy, để khi đến hạn, sẽ cho ra các bản báo cáo thành tích đầy hấp dẫn.

Thường nghe nói “vì lợi ích mười năm trong cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nguồn gốc xa xưa của tư tưởng trên là từ Quản Trọng, (725 - 645 TCN), một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (722-481 TCN).
Nguyên văn của nó là:
Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân (hoặc bách niên) chi kế mạc như thụ nhơn
Tạm dịch:
Kế một năm, chi bằng trồng lúa
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
Kế trọn đời (hoặc trăm năm), chi bằng trồng nguời.

Vậy đặt ra chiến lược phát triển giáo dục cho từng mười năm có ổn thỏa hay không?

Đã nói về chiến lược thì trước hết nó phải có tính toàn cục, lâu dài. Mà “lâu dài” trong giáo dục phải hiểu là chuyện của hàng trăm năm. Trong thời gian dài đó, ta đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng 10 năm một, và gọi là: kế hoạch.
Ta có thể hình dung giáo dục (từ đây, bài viết chỉ giới hạn trong giáo dục phổ thông) như một quy trình rất lớn, với đầu vào là trẻ thơ (như tờ giấy trắng), và đầu ra là một công dân Việt Nam. Quy trình lớn đó bao gồm một chuỗi các quy trình con là sau mỗi năm học, học sinh học được cái gì, học sinh đã “thành người” hơn năm ngoái như thế nào. Và chiến lược giáo dục là xác định mục tiêu của cái quy trình đó: công dân này là người thế nào! Mục tiêu này là tiên quyết để xây dựng chiến lược giáo dục cho Việt Nam (và bất kỳ quốc gia nào). Không có đáp án cho câu hỏi này thì ta cứ loay hoay đi vòng vòng vì không có mục tiêu! Nói thật, ngẫm lại quá trình đi học, rồi quá trình tìm tòi, tôi vẫn chưa hiểu mục tiêu của giáo dục nước nhà! Có lẽ vì vậy mà ta có lớp chọn, lớp chuyên, lớp nâng cao. Chúng ta lại có chương trình phân ban, mà như giáo sư cho biết thì “chương trình phân ban THPT bộc lộ bất cập ngay khi mới đưa ra thực hiện nhưng vẫn sẽ giữ nguyên cho đến 2015.”

Cũng có lẽ vì thiếu mục tiêu, nhưng thừa… chỉ tiêu, nên ta cứ đặt ra thành tích, mắc bệnh thành tích, chống bệnh thành tích, rồi… lại đặt ra thành tích. Và hậu quả là “Nói chống bệnh thành tích mà trước kia tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông đạt trên 90%, nay sau hai năm thi cử nghiêm túc hơn, tỉ lệ đó cũng đã dần dần trở lại xấp xỉ… 90%, không biết phép lạ nào đã nâng cao chất lượng học tập nhanh chóng như vậy”. Và khi kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 chỉ là 67,5% học sinh thi đậu (do thi thực, chấm thực), thì phải cho các em… thi lại. (1)

Làm thế nào để xác định mục tiêu này? Một công dân tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam có chân dung thế nào? Vấn đề này do ai quyết định? Ai “sẽ” vẽ nên chân dúng đó? Giáo dục phổ thông là giáo dục để làm người. “Người đó” như thế nào. Đây là một việc hết sức hệ trọng, quyết định toàn bộ vận mệnh đất nước.
Trong mọi vấn đề của dân tộc, ý dân là ý trời. (Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong). Nếu phát huy được dân chủ thì mọi việc sẽ được giải quyết dễ dàng. Với vấn đề vĩ mô và quyết định đến như vậy, lại cần phát huy dân chủ ở mức cao nhất. Tôi đề xuất thực hiện dân chủ trực tiếp: trên các phương tiện thông tin đại chúng, kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến – người dân mong muốn một công dân Việt Nam bình thường sẽ như thế nào?

Câu trả lời sẽ tới tấp được gửi về, một ban kiểm tra gồm các chuyên gia đầu ngành (những Hoàng Tụy, Phạm Phụ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh…) sẽ tập hợp, thống kê, phân loại, và trình lên cho Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục “chân dung của một công dân Việt Nam bình thường”. Việc này đúng theo nguyên tắc quản lý là “thuê các chuyên gia làm, nhà quản lý kiểm soát”. Trước nay ta vẫn không theo nguyên tắc này, có lẽ là do một số cấp lãnh đạo chưa thấu hiểu tinh thần phát huy dân chủ của Nhà Nước.
Đây cũng là một ví dụ cho thấy sức mạnh vô song của việc áp dụng dân chủ hóa trong các ngành, các cấp!
(Tất nhiên, sẽ có những ý kiến rất “tào lao”. Nhưng đừng lo. Các câu trả lời “tào lao” tất sẽ bị ban kiểm tra loại ngay. Cái đáng lo hơn là không ai muốn góp ý nữa!). (2)

Sau khi đã có mục tiêu, thì bước tiếp theo là lập kế hoạch đề đạt mục tiêu đó.
Nếu sau khi phân tích, các chuyên gia thống nhất rằng mục tiêu của giáo dục phổ thông là một công dân siêu phàm, có khả năng vừa trở thành nhà Toán học, vừa là nhà Vật Lý học, nhà Hóa Học, nhà ngôn ngữ học, nhà Triết học thì thôi, chương trình vẫn giữ nguyên như hiện nay. Và bài viết đến đây coi như hết. Còn nếu không, thì xem xét thử tại sao mà lại phải dạy những thứ rất cao siêu ở chương trình phổ thông. Tại sao không đặt câu hỏi, với chương trình phổ thông, một học sinh phải học những gì, và học thì học sinh đó sẽ làm được gì? (Xét cho một học sinh trung bình, không xét cá biệt - quá xuất sắc hoặc quá kém).

Tôi lấy ví dụ (hoàn toàn chủ quan): Không có nhu cầu thì học tích phân trong môn Toán làm gì? học đạo hàm bậc hai làm gì? giải những phương trình lượng giác cao siêu làm gì? Trong khi đó, kỹ năng suy luận kém. Đưa một vấn đề cần giải quyết thì lóng nga lóng ngóng!
Môn Vật Lý thì dạy từ Cơ học, Quang học, Điện Một Chiều, Điện Xoay chiều… mà mỗi phần phải học rất nhiều nữa. Trong khi không biết đấu cái bóng đèn, không biết thay đoạn ống nước bị rò rỉ!
Anh Văn nữa, đi quá sâu vào văn phạm mà chỉ có những nhà ngôn ngữ học mới cần. Để làm gì? cái cần cho một công dân bình thường là giao tiếp với nước ngoài, nói và nghe tốt. Tại sao dân Phi, Sing, Indo, Thái sử dụng ngoại ngữ tốt hơn ta, trong khi ta dạy văn phạm rất kỹ, rất sâu?
Các môn học khác cũng vậy. Nói chung là học quá nhiều môn, mà môn nào cũng học quá nhiều vấn đề, và vấn đề nào cũng học quá sâu!
Cái tai hại nữa là tổng lượng kiến thức đó chia cho 12 năm học thì quá nhiều. Thầy trò tối mắt với học, áp lực giáo án, chạy đua với chương trình, rồi thi cử... Dạy đủ chương trình đã toát mồ hôi rồi. Ông nào nói thày phải mở rộng, đào sâu là nói cho vui. Nói thầy cô phải chủ động giảm tải là nói lấy được. Nhét được hết lượng kiến thức đó vào đầu học sinh đã là giỏi, để nó còn đi thi nữa. (Do không có mục tiêu, nên mọi người vẫn tự hiểu, mục tiêu của việc học là đi thi!) Năm nào cũng như năm nào, không sao giải quyết được. Rồi giải quyết bằng cải cách, thay Sách Giáo Khoa hằng năm! (ghê không, chuyện trồng người cứ như trồng lúa!!!). Thương cả thầy lẫn trò. Ngay từ lớp 1 đã khổ, đã có hiện tượng “luyện thi vào lớp 1!

Cho nên, tôi rất tán thành ý thứ hai của giáo sư Hoàng Tụy, là Cần cải cách có hệ thống, chứ không phải đổi mới vụn vặt. Giáo sư nhận xét hoàn toàn chính xác “Chiến lược giáo dục dự thảo đến lần thứ 15 vẫn chỉ thấy lặp lại những quan niệm, tư duy cũ rích, tuy ngôn từ và số liệu có thay đổi cho hợp thời trang (như từ “đổi mới” xuất hiện với tần số kỷ lục). Bên cạnh đó, có những mục tiêu nghe thật hoành tráng, nào là từ nay đến 2020 (tức trong 11 năm tới) đào tạo 20.000 tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, 1 trường vào tốp 200 thế giới, v.v...”. Vậy ta thử xem cải cách có hệ thống thì như thế nào.
Sau khi đã xác định được mục tiêu lớn nhất rồi thì bước tiếp theo là lập kế hoạch, hay nói nôm nà là vẽ đường đi đến mục tiêu. Việc xác định mục tiêu phải do lãnh đạo cao cấp nhất ký quyết định, dựa trên ý của toàn dân. Đây phải coi như là sắc lệnh giáo dục! Vì mục tiêu sai, đặc biệt là mục tiêu giáo dục, thì giá phải trả (và chúng ta đang trả) là vô cùng ghê gớm. Còn Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục có trách nhiệm lập kế hoạch để đạt mục tiêu đó. Nếu không có mục tiêu thì mọi nỗ lực của Bộ Trưởng vẫn chỉ là giải quyết tình huống, làm sao gọi là chiến lược! Nhiệm vụ của Bộ Trưởng không phải là giải quyết tình huống, mà là lên kế hoạch vĩ mô.
1. Ta muốn được một công dân như vậy thì ta phải dạy những môn học nào?
2. Với mỗi môn học, dạy những vấn đề gì?
Lấy ví dụ môn Toán thì có cần dạy Tích phân không, đạo hàm bậc 2? Môn Giáo Dục Công Dân có cần dạy “lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất” cho học sinh cấp 3 không? Hay là dạy ý thức giao thông, dạy không xả rác? Dạy yêu nước, tự hào là người Việt?
3. Với mỗi vần đề, thì dạy kiến thức gì? ở mức độ nào?
Vẫn ví dụ môn Toán. Nếu cần thiết phải dạy Tích phân thì xem xét thử, có cần bắt giải những bài toán đánh đố, đổi biến, tích phân từng phần phức tạp? Hay là dạy làm sao để học sinh hiểu được khái niệm là đủ. Hiểu thật kỹ, thật căn bản khái niệm hơn là cắm cúi giải hết bài toán này sang bài toán khác (toàn đánh đố). Tôi cho rằng có rất nhiều học sinh giỏi Toán, giải tích phân rất nhanh và chính xác nhưng chưa chắc hiểu bản chất của Tích Phân.
4. Với lượng kiến thức đó, chia ra các cấp học. Lớp 1 học cái gì? Lớp 2 học cái gì?...
5. Đã có kiến thức cho từng năm thì biên soạn bộ sách cho cả 12 năm. Đây cũng là dịp để có sự cạnh tranh trong xuất bản Sách Giáo Khoa, tránh tình trạng độc quyền của NXBGD. Các nhà xuất bản sẽ chịu trách nhiệm làm sao ra được các sách tốt, đẹp, giá cả phù hợp. Vì mục tiêu và lượng kiến thức đã rõ, không sợ các NXB đi chệch hướng. (Bộ sách này làm ơn đừng mỗi năm mỗi thay như hiện nay, nếu cần chỉ in thêm trang bổ sung, hiệu chỉnh mà thôi. Tốn kém lắm rồi!)
6. Phân công nhiệm vụ cụ thể: Ai biên soạn? Khi nào xong? Cần chi phí, nhân lực bao nhiêu?...
7. Triển khai xuống các cấp Sở, Phòng GD như thế nào?
8. Đào tạo giáo viên ra sao?
9. Biện pháp kiểm tra, đánh giá giáo viên? Tôi không thể hiểu nổi khái niệm “giáo viên chưa đạt chuẩn?” Chưa đạt chuẩn gì? Chuẩn làm giáo viên? Chưa đạt chuẩn làm giáo viên nhưng vẫn là giáo viên??? Để rồi vẫn đi dạy nhưng “người ta buộc các thầy cô chưa đạt chuẩn phải đeo trước ngực tấm biển “giáo viên chưa đạt chuẩn” khi vào lớp - HT”. Nếu các ngành khác “học tập” ngành GD thì trên các công trường xây dựng sẽ có các kỹ sư đeo bảng “kỹ sư chưa đạt chuẩn”, trong nhà máy sẽ có “quản đốc chưa đạt chuẩn”, trong văn phòng sẽ có “kế toán chưa đạt chuẩn”, trong phiên tòa sẽ có “thẩm phán chưa đạt chuẩn”, “công tố viên chưa đạt chuẩn”…
10. Cách quản lý học sinh. Phải có cách quản lý nhẹ nhàng, hiệu quả, áp dụng công nghệ. Hiện nay, việc sử dụng sổ cái từ 50 năm trước để quản lý học sinh là rất vô lý. Ai có người nhà làm nghề giáo hỏi thử về sổ cái sẽ thấy giáo viên tốn thời gian cho nó như thế nào?


Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra. Trả lời các câu hỏi này chính là lập kế hoạch, đó là nhiệm vụ của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục. Tất nhiên, với sự trợ giúp của các Thứ Trưởng, các chuyên gia. Trong khi lập kế hoạch, vẫn phải phát huy tối đa tinh thần dân chủ. Đề xuất, phản biện, lắng nghe phản biện, trao đổi, đối thoại…
Làm những việc này, có nghĩa là chúng ta đang thật sự cải cách có hệ thống. Nếu không thì sẽ chỉ là đổi mới vụn vặt kiểu “lớp chọn”, “lớp chuyên”, “phân ban”. Rồi có nghịch lý là chương trình ta rất nặng, mà chất lượng lại kém! (có ngược đời không?) Mỗi ngày đến trường không còn là niềm vui nữa! Để rồi học xong thì “chỉ 28% bạn trẻ Việt Nam được phỏng vấn cho biết có thể tập trung hoàn toàn trong những hoạt động hàng ngày, 72% còn lại cho biết cảm thấy khó khăn khi phải tập trung vào các việc như học hành và ngay cả trong giao tiếp.” và “khá nhiều trong số này có dấu hiệu trưởng thành muộn khi chưa dám dấn thân vào đời và chưa muốn thiết lập cuộc sống độc lập. 75% trong số 2.000 em vẫn mong muốn tiếp tục học lên hay 23% muốn du học như một cách để trang bị kiến thức cho tương lai. (theo Viện Nghiên Cứu Giáo Dục – ĐHSPTP.HCM)

Ý kiến thứ 3 của giáo sư Hoàng Tụy là Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm.
Năm tôi học lớp 11, thì thầy NTT (giáo viên dạy Hóa nổi tiếng bậc nhất tại TPHCM hồi đó) có nói “tụi em được sinh ra đúng năm 1975, là thế hệ đầu tiên sau ngày giải phóng, tụi em cũng là…”. Tới đây thì thầy ngưng và tủm tỉm cười.
Đám học sinh nhao nhao lên là cái gì thầy ơi. Ông thầy mới nhẹ nhàng “là thế hệ để ngành giáo dục thí nghiệm”.
Nay, thêm ý kiến của giáo sư, tôi lại càng thấm thía hơn.

Tất nhiên, không ai có chủ ý thí nghiệm trên học sinh. Con em chúng ta cả mà, cũng là vô tình thôi. Nhưng đó là hậu quả của cách quản lý. Không rõ mục tiêu, loay hoay, gỡ chỗ này rối chỗ khác. Nguyên nhân một phần là do thiếu tinh thần dân chủ. Nếu trước quyết định, lãnh đạo đều yêu cầu dân góp ý kiến, nhất là các chuyên gia, thì đã không tốn thời gian. Chỉ khi thay đổi từ tư duy, coi dân là chủ, thì mới tránh được vòng lặp “Sai, sửa, lại sai, lại sửa”. Tránh được tình trạng duy ý chí, “đã có biết bao đề xuất hợp lý bị bỏ ngoài tai, phải chờ đợi đến cả chục năm trời hay hơn mới được nghiên cứu để tiếp thu. Dù là bậc trí lự cao siêu, thì những người lãnh đạo ngành GD&ĐT cũng không thể luôn luôn sáng suốt.”
Để tránh lập lại việc vô tình lấy học sinh làm thí nghiệm, thì phải hết sức phát huy dân chủ. Bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, không để rối. Tha thiết kêu gọi những ý kiến đóng góp, phản biện, “cho nên cần, rất cần chờ đợi và lắng nghe nhau, song trước hết phải được thẳng thắn trao đổi ý kiến (HT)”. Chuyện giáo dục của ta đã như căn nhà xuống cấp. Thay vì chống thấm, chống dột, thay gạch, nay ta mạnh dạn làm lại từ móng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khi làm, phải phát huy dân chủ ở mức cao nhất. Không thì trước cửa nhà, ta lại treo tấm bảng… “căn nhà chưa đạt chuẩn”.
Một kỹ sư, cử nhân mà viết một câu văn hoàn chỉnh không xong, tất nhiên, đó là lỗi ngành giáo dục.
Một học sinh lớp 5 mà đọc, viết chưa vững, tất nhiên, là lỗi ngành giáo dục.
Ngoài ra, một người “có trình độ” mà chạy xe lạng lách, vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng chỗ công cộng, suy cho cùng, cũng là lỗi của ngành giáo dục.
Những hiện tượng thanh niên ăn chơi sa đọa, thích ‘khoe hàng”, sống bầy đàn,… suy cho cùng, cũng có lỗi của ngành giáo dục.
Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục là Bộ Trưởng có trách nhiệm nặng nề nhất trong các Bộ Trưởng. Nhưng nếu thực hiện cải cách giáo dục có hệ thống để thay đổi bộ mặt Giáo Dục nước nhà, thì thành công đó cũng là thành công vinh quang nhất!
Đa số chúng ta đã quá mệt mỏi, thậm chí sợ hãi, khi nghe đến bốn chữ “Cải Cách Giáo Dục”. Nhưng lúc này đây, lại cần một cuộc cải cách giáo dục có hệ thống hơn bao giờ hết. Điều kiện là thực hiện với sức mạnh của toàn dân, tận dụng sức mạnh vô song của tinh thần dân chủ. _______________________________

(1) Hồi tôi còn là sinh viên dạy kèm, có câu chuyện dở khóc dở cười là em học sinh thi TNPT đậu, nhưng báo với tôi là thi rớt. Dĩ nhiên tôi buồn. Sau đó thì em mới nói là hù anh thôi! Qua đó, chúng ta nhận thấy từ giáo viên đến lãnh đạo, rất sợ học sinh rớt, sợ hơn cả bản thân và gia đình học sinh. Thật lạ lùng!
(2) Giáo dục là để phát triển con người về 3 mặt: Tri thức, đạo đức, thể lực. Với cá nhân tôi, chân dung thanh niên VN bình thường là:
Tri thức: Tốt nghiệp PTHH, tinh thông một nghề. Chữ viết sáng sủa, rõ ràng. Kỹ năng tính toán căn bản.
Ngoại ngữ giao tiếp tốt (nhấn mạnh chữ giao tiếp, chứ không phải kiến thức)…
Đạo đức: Sống thượng tôn luật pháp. Biết thương người, biết trách nhiệm của một công dân với đất nước.
Dám nghĩ, dám làm và dám nhận trách nhiệm…
Thể lực: Nam cao 1,72m, nặng 65kg, nữ 1,65m và 57 kg. Các chỉ số sức khỏe tim, phổi, tai mũi họng, mắt sắng, ít bị bệnh về mắt, sức đề kháng cao…
Ngoài ra, còn các kỹ năng khác như
* khả năng tự học, suy nghĩ độc lập,
* Sở thích: biết chơi một nhạc cụ, chơi một môn thể thao, ham đọc sách…
* Phong cách: tự tin, năng động, hoạt bát.
(Đơn giản thế thôi. Một công dân “trung bình”, tôi nghĩ không cần biết những "đạo hàm bậc 2", "Past Perfect Continuous Tense", "cấu tạo các đồng phân hữu cơ", "ánh sáng là sóng hay hạt".)

Tái Bút:

Kính gởi GS Hoàng Tụy,
Thưa bác,
Lần thứ nhất đọc bài của bác, cháu đã thừ người ra và suy nghĩ thật nhiều…
Đọc lại lần thứ hai, không hiểu sao, nước mắt lại ứa ra, và ong ong một câu hỏi trong đầu “TẠI SAO?”.
Hy vọng sẽ đọc được các bài viết tiếp theo của bác.
Nguyễn Đại
Tân Bình, TPHCM, tháng 12 năm 2009




1 comment:

Unknown said...

Xin chào Am Bà Morgan Debra Am một người cho vay cho vay hợp pháp và đáng tin cậy cung cấp các khoản vay
trên một điều khoản và điều kiện rõ ràng và dễ hiểu với lãi suất 2%. từ
$ 12,000 đến $ 7.000.000 USD Euro Và Pounds Chỉ. Tôi đưa ra khoản vay kinh doanh,
Các khoản cho vay cá nhân, sinh viên vay, nợ xe và vay phải trả tiền Tắt Bills. nếu bạn
những gì bạn cần vay tiền đã làm là để bạn có thể liên hệ với tôi trực tiếp
tại: morgandebra1986@gmail.com
God Bless You.
Kính trọng,
Bà Debra Morgan
Email: morgandebra1986@gmail.com


Lưu ý: Tất cả bài trả lời phải được gửi đến: morgandebra1986@gmail.com