Tuesday, January 19, 2010

CẢM NGHĨ TRƯỚC PHIÊN TOÀ 20-1-2010

CẢM NGHĨ TRƯỚC PHIÊN TÒA 20/01/2010
Nguyễn Hoàng Lan
Tháng Một 19, 2010 at 10:07 sáng
http://nguyenhoanglan.wordpress.com/2010/01/19/c%E1%BA%A3m-nghi-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-phien-toa-20012010/
Còn vài ngày nữa là đến phiên tòa xử các anh Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, tôi mong muốn chia sẻ những suy nghĩ mà tôi đã nghĩ và viết ra trong thời gian vừa rồi, từ ý nghĩa của việc vận động quốc tế, đến những gì đất nước thực sự cần để phát triển. Phiên tòa sắp diễn ra không phải chỉ là một vụ án hình sự bình thường, kết quả của phiên tòa có thể sẽ tác động quan trọng tới các chính sách đối ngoại của các chính phủ nước ngoài với Việt Nam, cũng như là gửi một thông điệp ngầm gửi tới dư luận và giới trí thức vốn đang ngày càng bày tỏ sự phản kháng một cách mạnh mẽ hơn.

Bản chất của phiên toà sắp tới
Phiên tòa này là một vụ đàn áp chính trị không hơn không kém. Hãy nhìn kỹ xem những can phạm là ai và họ đã làm gì. Họ là cựu chiến binh, là luật sư nổi tiếng, là doanh nhân thành đạt, là thạc sỹ kỹ sư tin học được học bổng của chính phủ nước ngoài và trở về nước làm việc. Họ là những gương mặt có thể nói là tiêu biểu cho ba thế hệ khác nhau, có những hy sinh và đóng góp cho đất nước, cũng như đều mang khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh. Điều này là không thể phủ nhận.
Hãy xem kỹ tổ chức Đảng Dân Chủ Việt Nam mà họ tham gia nói gì, làm gì. Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi xây dựng xã hội công bằng dân chủ; chủ trương của Đảng Dân Chủ Việt Nam là dân chủ, đoàn kết, phát triển. Đảng Cộng Sản kêu gọi Việt kiều trở về xây dựng quê hương; Đảng Dân Chủ Việt Nam đã làm được một việc mà chính Đảng Cộng sản cũng chưa làm được: cố Tổng Thư ký Đảng Dân Chủ Hoàng Minh Chính – cựu đảng viên cấp cao của Đảng Cộng sản – đã phối hợp cả người Việt trong lẫn ngoài nước trong một tổ chức có hệ thống. Đảng Cộng Sản hô hào chống tham nhũng, Đảng Dân Chủ cũng đặt chống tham nhũng là một trong những mục tiêu hoạt động hàng đầu. Đảng Dân Chủ cũng chưa bao giờ kêu gọi lật đổ, mà kêu gọi hợp tác, đối thoại để cùng xây dựng đất nước. Đảng Dân Chủ trên thực tế đã thu hút nhiều đảng viên tốt từ Đảng Cộng sản, giúp họ phục hoạt Đảng Lao động và Đảng Xã hội để phân biệt các đảng viên liêm khiết với thành phần thoái hóa, tham nhũng. Đó là những hoạt động rất cụ thể vì dân, vì nước.
Chính điều 88 và 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam mới vi phạm điều 69 Hiến pháp. Chính Đảng Cộng sản mới đang hành xử vi phạm Hiến pháp. Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo, nhưng không nói Đảng Cộng sản là đảng duy nhất được quyền tồn tại và không hề cấm các đảng phái khác hoạt động song song. Đa đảng cũng đã là tiền lệ trong lịch sử cận đại Việt Nam suốt từ năm 1944 đến năm 1988. Rõ ràng, hoạt động của các nhà dân chủ không có gì vi phạm luật pháp Việt Nam. Việc một đảng phái chính trị tự phong cho họ quyền cấm các đảng phái khác hoạt động là trái pháp lý và công bằng xã hội.

Phiên tòa và quan hệ quốc tế
Các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế theo dõi rất sát vụ việc. Chúng tôi cũng đã gửi thư yêu cầu sự giúp đỡ đến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Canada Stephen Harper và Liên minh châu Âu. Đó là những nước có quan hệ thương mại quan trọng với Việt Nam, và đang hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong các cải cách gần đây, đặc biệt là các dự án hỗ trợ cải cách tư pháp, dự án nâng cao kỹ năng đại biểu quốc hội, chống tham nhũng, cũng như nhiều dự án phát triển và thiện nguyện khác. Cũng cần nhắc lại rằng viện trợ nước ngoài hiện nay chiếm hơn 30% GDP của Việt Nam. Việt Nam nhận các hỗ trợ này cùng với các cam kết cải cách và tôn trọng nhân quyền. Trong thời kỳ toàn cầu hóa mà các quốc gia có các mối liên hệ lợi ích qua lại chặt chẽ với nhau, khi cộng đồng quốc tế lên tiếng nhắc nhở Việt Nam về vấn đề nhân quyền, đây không còn là sự vi phạm chủ quyền quốc gia, mà là nhắc nhở Việt Nam thực hiện những gì Việt Nam đã cam kết. Là một nước có chủ quyền, độc lập, thiết nghĩ Nhà nước Việt Nam cần giữ thể diện quốc gia bằng cách tôn trọng và thực hiện những gì Chính phủ đã ký kết và cam kết với cộng đồng quốc tế. Đó cũng là cam kết với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân.
Thêm vào đó, mỗi công dân Việt Nam có trách nhiệm trong việc đảm bảo rằng tiền viện trợ của các chính phủ nước ngoài sẽ được sử dụng đúng mục đích, không tham nhũng lãng phí. Thế hệ trẻ chúng tôi và các thế hệ kế tiếp sẽ phải trả các món nợ đó, và thật khó có thể chấp nhận nếu số tiền đó bị thất thoát qua tham nhũng, làm giàu cho một nhóm nhỏ trong xã hội, trong khi đời sống của người dân lại không được cải thiện. Nếu Nhà nước đàn áp những tiếng nói chỉ trích ôn hòa, gọi những hoạt động chống tham nhũng là hoạt động tội phạm, thì rõ ràng hô hào chống tham nhũng là không thật tâm. Là một trong các thế hệ phải gánh chịu số tiền nợ nước ngoài rất lớn đó, chúng tôi có quyền kêu gọi các Chính phủ viện trợ cho Việt Nam nhắc nhở Việt Nam tôn trọng quyền công dân – một điều kiện thiết yếu để chống tham nhũng.
Xét về mặt chiến lược ngoại giao, Việt Nam cũng cần chọn bạn mà chơi. Việt Nam cần chọn đúng đồng minh trong cuộc chơi chính trị quốc tế. Hiện nay, trước tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ và biển Đông, trước sự ngang ngược của Trung Quốc, trước sự lớn mạnh về kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc, rõ ràng Việt Nam đang ở thế yếu. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng ngầm về chính trị, một điều mà nhiều người lo lắng nhận định qua phản ứng của chính phủ Việt Nam khi dập tắt những tiếng nói yêu nước phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ. Trước tình thế đó: một mặt là sự đe dọa ngàn đời từ phương Bắc, một mặt là sự tất yếu phải có những đồng minh chiến lược về an ninh và kinh tế, câu trả lời gần như hiển nhiên về vấn đề nên chọn bạn nào mà chơi. ASEAN vẫn còn quá lỏng lẻo để tạo thành một khối kinh tế và quân sự vững chắc trong khu vực. Việt Nam cần tìm kiếm đồng minh ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Liên Minh châu Âu – những nước có mối liên hệ tốt đẹp từ mấy thập kỷ nay với Việt Nam và không có các tranh chấp biển đảo với Việt Nam. Tìm kiếm đồng minh đa phương là điều nên làm. Nhưng đặt ưu tiên một cách chiến thuật cũng quan trọng không kém. Nếu sự cam kết của Việt Nam chưa đủ mạnh và còn lửng lơ giữa chừng, làm sao các nước đồng minh tiềm năng có thể cương quyết hơn trong cam kết giúp đỡ Việt Nam?

Phiên tòa và thông điệp liệu Nhà nước có thật tâm phát triển nội lực đất nước
Dựa vào thế quốc tế để bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế, xã hội là một xu thế tất yếu, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi nếu Việt Nam không có nội lực. Nói đến vận động quốc tế để hỗ trợ phát triển, trong khi Chính phủ không có tầm nhìn, không lắng nghe ý kiến của dân, không biết chú trọng và phát triển giáo dục và nghiên cứu, không chống được tham nhũng, sử dụng luật pháp để đàn áp những tiếng nói yêu nước, thì rất khó để có phát triển bền vững: nguồn tiền quốc tế đổ vào Việt Nam sẽ góp phần nuôi tham nhũng, và các “thế lực thù địch” có thể dùng tiền và các thủ đoạn chính trị để thao túng lãnh đạo Việt Nam. Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần có đủ tầm nhìn và tài năng để phát triển nội lực của đất nước, qua giáo dục, nghiên cứu, giải phóng tiềm năng của dân tộc bằng việc mở rộng các quyền tự do cơ bản của người dân, chống tham nhũng, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo bình đẳng cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội, đảm bảo an ninh và quốc phòng. Thật đáng tiếc, đó lại là điều mà chính phủ Việt Nam hiện nay dù đã nói rất nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu.
Về mặt giáo dục và nghiên cứu, việc Thủ tướng ra quyết định 97 hạn chế quyền tự do phát biểu ý kiến của các trí thức là một bước đi thụt lùi trong việc phát triển đất nước và giải phóng tiềm năng của dân tộc. Trung Quốc tuy vẫn mang tiếng là độc tài về chính trị, nhưng chính phủ Trung Quốc chú trọng đến giáo dục, nghiên cứu thu hút nhân tài, phát triển kỹ thuật quân sự. Hiện nay ở Trung Quốc có các cơ quan nghiên cứu độc lập được tồn tại, và tiếng nói của họ có trọng lượng. Trung Quốc cũng đi trước Việt Nam cả hơn 20 năm khi mở ra bầu cử trực tiếp chủ tịch xã, điều mà Chính phủ Việt Nam hiện nay chưa dám làm.
Về mặt pháp luật, có ai không mong muốn được pháp luật bảo vệ một cách công minh? Hàng rừng luật được thông qua để làm gì nếu những luật đó không được thực thi một cách nghiêm túc? Không phải người dân Việt Nam không thượng tôn pháp luật, mà chính bộ máy tư pháp và chính quyền – vì thiếu khả năng, vì quan liêu, vì đặc quyền đặc lợi – mới không tuân thủ pháp luật do chính họ làm ra. Các vụ biểu tình về đất đai thời gian qua đều chỉ xảy ra khi các khiếu kiện, khiếu nại đã không được giải quyết, hoặc chỉ được trả lời qua loa. Các tổ chức chính trị được thành lập đều viện dẫn các quyền trong Hiến pháp như kim chỉ nam cho hoạt động của họ. Các vụ kiện nổi tiếng như vụ kiện Thủ tướng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân.
Thời gian vừa qua, một số dự án cải cách tư pháp đã được tiến hành, một phần dưới sự thúc đẩy và tài trợ của các chính phủ nước ngoài như Canada, Đan Mạch, Thụy Điển. Nhưng mấu chốt của một nền tư pháp lành mạnh là tư duy độc lập của các thẩm phán. Tư duy độc lập này cần được đảm bảo bằng cơ chế bảo vệ các thẩm phán khỏi các sức ép chính trị và dư luận, để họ chỉ xét xử dựa trên pháp luật và công lý. Nhưng làm sao có độc lập khi Tòa án bị coi như là một cơ quan chính trị chứ không phải là cơ quan tư pháp độc lập? Một phiên tòa do một đảng viên cộng sản làm chủ tọa để xét xử đảng viên của một chính đảng khác rõ ràng không thể mang lại công bằng và công lý.
Lãnh đạo Việt Nam hiện nay thực sự đang thách thức dư luận, thách thức tầng lớp trí thức, thách thức tinh thần dân tộc đang dấy lên qua những đụng chạm với Trung Quốc về biên giới, biển đảo và vụ bauxite. Những ngày này, khi đến Giáo sư Huệ Chi hay nhà báo Phạm Toàn còn bị công an mời lên “làm việc” vì làm chủ trang web yêu nước Bauxite, nhiều người thực sự cảm thấy ngao ngán và chua xót. Vị trí của những nhà trí thức đáng kính ấy không phải là cơ quan an ninh điều tra. Trước sự tâm huyết và quá trình đóng góp lâu dài của họ cho đất nước, đáng lẽ Chính phủ – chính phủ chứ không phải công an – phải mời họ nói chuyện một cách đàng hoàng, lắng nghe ý kiến của họ một cách tôn trọng, và thực hiện nguyện vọng chính đáng của họ và của nhân dân một cách chân thành. Đến bao giờ lãnh đạo Việt Nam hiện nay mới ý thức rằng họ đang đi chệch con đường mà cha ông đã đi, con đường của hội nghị Diên Hồng, con đường của các anh hùng lịch sử-lãnh đạo kiệt xuất Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, con đường nơi “hiền tài là nguyên khí quốc gia” được trọng dụng? Vài thập kỷ trước, về sự ngột ngạt về đời sống tinh thần và văn hóa ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Trần Dần đã từng viết: “Tôi khóc những chân trời không có người bay, lại khóc những người bay không có chân trời.” Đến bây giờ, thế kỷ 21, đổi mới, hội nhập quốc tế, mà tại sao chân trời Việt Nam vẫn chưa là nơi những con người nhiệt huyết và tài năng có thể bay trong môi trường tự do tư tưởng và tự do sáng tạo? Không phải Việt Nam thiếu người tài, mà đơn giản là cơ chế chính trị và lãnh đạo không đủ tầm để chiêu mộ người tài đó thôi.
Lãnh đạo Việt Nam nghĩ gì khi sau 60 năm dưới chế độ XHCN “ưu việt,” các cuộc biểu tình càng ngày càng đông, nông dân mất đất, công nhân bị chủ nước ngoài ngược đãi, tham nhũng ngày càng trầm trọng, khoảng cách chênh lệch giàu-nghèo trong xã hội ngày càng tăng? Những người lên tiếng phản kháng bị dán cho cái nhãn “ phản động,” “bị bọn phản động lưu vong kích động, lôi kéo,” nhưng có bao giờ lãnh đạo đặt câu hỏi tại sao những người dân Việt Nam vốn cầu an đến một lúc cũng phải lên tiếng? Cực chẳng đã người ta mới phải lên tiếng phản kháng, nếu lãnh đạo cho ra lãnh đạo thì có ai phàn nàn làm gì? Người Việt Nam vốn chuộng hòa bình và cầu an. Nhưng những khi bị đè nén quá mức thì những người dân thường cũng trở thành anh hùng. Lịch sử bốn ngàn năm được gây dựng bởi những anh hùng dân tộc, nhưng cũng bởi những con người thầm lặng “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng “đã làm ra Đất nước.”
Đảng Cộng sản đừng quên rằng, đến mối tương quan vua-dân trong đạo Khổng cũng không phải là mãi mãi. Đảng Cộng sản Nga và liên bang Sô-viết hùng mạnh cũng đến ngày sụp đổ. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh bất kỳ triều đại nào, nếu không còn minh quân thì cũng sẽ suy tàn và bị lật đổ bởi một cuộc khởi nghĩa nông dân. Bởi “mệnh trời không trao mãi cho ai, thiện thì được, bất thiện thì mất”. Tất nhiên, bây giờ là thế kỷ 21, không ai muốn một cuộc cách mạng hay khởi nghĩa. Điều mà thế hệ thanh niên như chúng tôi muốn là một cơ chế minh bạch, biết trọng dụng trí thức, lãnh đạo có đủ tâm và tầm để chăm lo cho dân, và chừng nào không còn đủ sức, thì phải nhường chỗ cho một thế hệ lãnh đạo mới được người dân tín nhiệm qua bầu cử tự do, công bằng. Chúng tôi tham gia những tổ chức khác vì Đảng cộng sản hay Đoàn Thanh niên cộng sản không phù hợp với lý tưởng của chúng tôi. Nhưng rõ ràng những tổ chức mà chúng tôi tham gia hướng đến việc hợp tác, cùng nhau đóng góp cho đất nước, chứ không hề mang tư tưởng một mất một còn hay thực hiện một cuộc cách mạng xã hội. Khi nào người ta đánh đồng hai khái niệm Đảng phái và Tổ Quốc thì mới có thể có chuyện hoạt động đảng phái ôn hòa trở thành tội danh “chống phá chính quyền nhân dân” – một khái niệm khi xướng lên lập tức bị người ta phản bác: làm gì có chính quyền nào của nhân dân mà lật đổ?

Thay cho lời kết
Nghĩ về phiên tòa, nghĩ về tình hình đất nước đầu thế kỷ 21, nhưng không hiểu sao tâm trí tôi thường xuyên liên tưởng đến phiên tòa thực dân xử cụ Phan Bội Châu đầu thế kỷ 20. Một phiên tòa thực dân nhưng công khai cho dân chúng vào, cụ Phan có luật sư biện hộ, và chính cụ có quyền tự do bào chữa trước tòa. Và tôi cứ nhớ mãi một câu của cụ, đại ý: nước Pháp nói mang lại văn minh nhân quyền cho người Việt Nam, tôi cũng chỉ đấu tranh vì nhân quyền, dân quyền cho người dân nước tôi. Nếu đúng là chính quyền muốn khai sáng, mang lại văn minh cho nước tôi, thì tôi phải được tha tội mới đúng.
Vâng, nếu Nhà nước Việt Nam thực lòng xây dựng Nhà nước pháp quyền và quyết tâm gây dựng một Việt Nam hùng mạnh, thì các bác Trần Anh Kim, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc…, các anh Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Vũ Hùng, Nguyễn Văn Đài, Ngô Quỳnh…, các chị Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên… phải được trả tự do mới đúng. Thế giới đang nhìn vào, dư luận đang ngóng theo. Lịch sử ghi danh những lãnh đạo thức thời, biết trọng dụng người tài vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
Hoàng Lan

PS: Bản ngắn được đăng ở BBC tại
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100119_hoanglan_trial_comment.shtml




No comments: