Tuesday, January 19, 2010

CAFTA : CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á TRONG TƯ THẾ BẤT LỢI

Khu vực tự do mậu dịch Asean-Trung Quốc : các nước Đông Nam Á trong tư thế bất lợi
Thanh Hà
Bài đăng ngày 19/01/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 19/01/2010 20:47 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6530.asp
Nhìn từ Asean, đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nguyên và nhiên liệu vào Trung Quốc. Đổi lại, nền công nghiệp của Đông Nam Á sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Đối với Bắc Kinh, mua nguyên và nhiên liệu của các đối tác Đông Nam Á với giá rẻ hơn là động cơ để xây dựng khu vực tự do mậu dịch với Asean.
Kể từ ngày 1/1/2010 khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, Asean – Trung Quốc với một thị trường bao gồm 1,9 tỷ dân, trải rộng trên diện tích 13 triệu cây số vuông đã chính thức đi vào họat động. Xét về khối lượng giao dịch, khu vực này đứng hàng thứ ba, sau Liên Hiệp Châu Âu và khu vực tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA.
Bãi bỏ các rào cản trong chính sách đầu tư và quan thuế để mang lại sự thịnh vượng chung cho khu vực là mục tiêu của các bên đề ra khi quyết định thành lập khu vực tự do mậu dịch chung.
Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu đó khi một đối tác lớn là Trung Quốc có những biện pháp bảo hộ trá hình, ghìm giá đồng tiền để kích khích xuất khẩu ? Khi hàng rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Asean ?
Trung Quốc có nhiều phương tiện, nhân lực dồi dào, nhà nước lại chủ trương dùng tín dụng để khuyến khích sản xuất, với mục tiêu sau cùng là giải quyết vấn đề thất nghiệp của bản thân Trung Quốc hòng mua lấy sự ổn định về mặt xã hội.
Chuyên gia về kinh tế Việt Nam và Đông Nam Á, ông Trần Bình lần lượt phân tích về tầm mức quan trọng của khu vực tự do mậu dịch Asean Trung Quốc, về tác động kinh tế của nó đối với các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á cũng như về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với vùng này.

NGHE : Nhà nghiên cứu Trần Bình, Minneapolis
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6530.asp

Khu vực tự do mậu dịch Asean Trung Quốc được đánh giá là một bước tiến quan trọng khi Trung Quốc và sáu nước phát triển nhất của Hiệp Hội Đông Nam Á (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) cắt giảm hoặc bãi bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu đánh vào 90% các mặt hàng và dịch vụ.
Bốn nước còn lại của Asean là Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam có thêm thời gian 5 năm để thích nghi với luật chơi mới của khu vực.
Theo thẩm định của Bắc Kinh, với khu vực tự do mậu dịch Asean - Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2011 sẽ lên đến 200 tỷ đô la, cao gấp đôi so với hồi năm 2005

Cơ hội và thách thức
Nhìn từ Asean, đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là đối với những mặt hàng như nông phẩm, lâm thủy sản… vào Trung Quốc. Để đổi lại, nền công nghiệp của Đông Nam Á sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt hơn đến từ phía nước láng giềng phương bắc này.
Đối với Bắc Kinh, khu vực tự do mậu dịch châu Á này cho phép Trung Quốc mua nguyên và nhiên liệu (từ khí đốt đến dầu hỏa, cao su, gỗ …) của các đối tác Đông Nam Á với giá rẻ hơn.
Đó là tất cả những gì Trung Quốc cần để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
Nhưng hậu quả kèm theo, đó là khi mua được nguyên và nhiên liên với giá thấp hơn, thì giá thành của hàng hóa « Made in China » cũng sẽ thấp hơn, tạo thêm khó khăn cho các nhà sản xuất của Asean.
Trong một thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã liên tục gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á từ các địa hạt chính trị đến kinh tế và thương mại.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại thứ ba của Asean, và nhiều nhà phân tích cho rằng với hiệp ước tự do mậu dịch vừa chính thức có hiệu lực, từ vị trí số 3, Trung Quốc sẽ trở thành bạn hàng quan trọng nhất của Hiệp Hội các nước Đông Nam Á trong một hay hai năm tới. Tổng thâm thủng mậu dịch của Asean đối với Trung Quốc trong năm 2008 lên tới 21,5 tỷ đô la.

Asean, nơi Trung Quốc giải quyết hàng tồn đọng ?
Tại hội thảo đánh giá tác động của khu vực tự do mậu dịch Asean - Trung Quốc đối với kinh tế Việt Nam hồi tháng 11/2009, phó vụ trưởng vụ chính sách thương mại đa biên của Việt Nam ông Lê Quang Lân cảnh báo, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc có nguy cơ gia tăng do Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu nông thủy sản và nguyên liệu sang Trung Quốc nhưng lại nhập hàng công nghiệp của Trung Quốc.
Việt Nam không phải là một trường hợp riêng lẻ.
Trong khối Asean, Philippines và Indonesia có cơ cấu sản xuất công nghiệp gần với Trung Quốc, cũng đã có thái độ phản đối mạnh mẽ. Chủ tịch hiệp hội các chủ nhân Indonesia khẳng định : « Trong điều kiện hiện nay, các nhà sản xuất Indonesia hoàn toàn không đủ điều kiện để chạy đua với các đối thủ Trung Quốc và trong tương lai họ sẽ phải ngưng hoạt động »
Khu vực tự do mậu dịch Asean - Trung Quốc mang lại lợi ích gì cho các nước Đông Nam Á khi các quốc gia này chỉ đơn thuần là những nhà cung cấp nguyên và nhiên liệu cho Trung Quốc ? Khi bộ máy sản xuất của Asean bị các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc vô hiệu hóa ?
Do vậy Indonesia đòi xét lại hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc, và tuần trước Jakarta chính thức lên tiếng yêu cầu có thêm thời gian để thích nghi, đòi thương thuyết lại trên 228 sản phẩm, trong đó có dệt may và giày dép. Nhưng Bắc Kinh từ chối thỏa mãn nguyện vọng của Indonesia.
Để khu vực tự do mậu dịch chung Asean - Trung Quốc thực sự mang lại thịnh vượng cho các nước thành viên, thì các bên phải cùng có lợi.
Điều đó đòi hỏi một sự cân bằng nào đó trong quan hệ Asean - Trung Quốc. Nhưng liệu người ta có thể nói đến thế cân bằng đó hay không khi biết rằng GDP của Trung Quốc trong năm 2008 lớn gấp ba lần so với tổng sảm phẩm chung của 10 nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á ? Khi của cải chỉ riêng thành phố Thượng Hải làm ra đã lớn hơn so với của cải của Singapore ; Khi GDP của hai tỉnh Quảng Đông và Vân Nam cao hơn GDP của ba nước Lào, Miến Điện và Việt Nam cộng lại.
Đó là chưa kể đến bài toán nan giải luôn đặt ra cho nhiều nước làm ăn chung với Trung Quốc, mà điển hình là dự án khai thác bauxite của Trung Quốc ở Tây Nguyên.


No comments: