Wednesday, January 20, 2010

BÁO CHÍ QUỐC TẾ NÓI GÌ về PHIÊN TOÀ XỬ 4 NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN ?

Báo chí nước ngoài nói gì?
BBC
Cập nhật: 11:14 GMT - thứ tư, 20 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100120_dissidenttrialpressreview.shtml
Báo chí nước ngoài quan tâm đặc biệt phiên xử bốn nhà hoạt động chính trị tại TP. HCM hôm 20/01.
Sau nhiều tháng bị giam giữ, cuối cùng Việt Nam đã đưa ra xử các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự.
Cáo buộc này có mức án tối thiểu 12 năm tù và tối đa là tử hình.
Riêng ông Lê Thăng Long bị truy tố theo khoản 2, điều 79 của Bộ luật Hình sự, đối diện mức án từ năm tới 15 năm tù nếu bị kết tội.

AP
Hãng AP ghi nhận người đầu tiên ra tòa là ông Lê Công Định, người thừa nhận vi phạm điều 79 Luật Hình sự khi gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam.
Ông nói: "Mục đích của đảng là kêu gọi hệ thống đa đảng, đa nguyên chính trị và một nhà nước mới."
"Trong thời gian tôi học nước ngoài, tôi chịu ảnh hưởng của thái độ phương Tây về dân chủ, tự do và nhân quyền."
Theo AP, ông Định nói đã nhận một phác thảo hiến pháp mới từ lãnh đạo đảng Dân chủ, và dự khóa học ba ngày tại Thái Lan do Việt Tân tổ chức về thay đổi chính trị bất bạo động.
Chính phủ Việt Nam xem Việt Tân là tổ chức khủng bố, nhưng giới chức Mỹ nói không có bằng chứng cho việc này.
Người thứ hai ra tòa là Nguyễn Tiến Trung, nói đã gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam và thành lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ, nhưng nói anh hối hận đã làm vậy.
"Hành động của tôi vi phạm luật pháp Việt Nam. Tôi nông nổi và phạm sai lầm."
Bị cáo thứ ba, Lê Thăng Long, bác bỏ ông đã làm gì sai trái.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc cuối giờ chiều nay, AP trích dẫn lời ông Kenneth Fairfax, lời tổng lãnh sự Hoa Kỳ, thất vọng vì các bản án.
Ông này nói: "Chúng tôi muốn nhắc lại lo ngại sâu sắc về vụ chính phủ Việt Nam bắt giữ và kết án những người này vì sự biểu lộ trong hòa bình niềm tin của họ, dù là chính trị hay không."

AFP
Hãng tin Pháp AFP ghi nhận đây là vụ án "nổi bật nhất trong một loạt các vụ bắt giữ và kết tội giới bất đồng chính kiến và blogger tại đất nước cộng sản một năm qua".
Phóng viên AFP nói ông Định thừa nhận muốn thành lập hệ thống đa đảng và kêu gọi đa nguyên.
Ông được dẫn lời: "Những gì tôi làm đã vi phạm pháp luật."
Anh Tiến Trung cũng nói anh đã vi phạm pháp luật và "nông nổi".
Cáo trạng nói ông Thức dự đoán Đảng Cộng sản tiêu vọng trước năm 2020, ông Định đã soạn một hiến pháp mới, còn Trung, cùng với các sinh viên ở Pháp, thành lập "phong trào dân chủ thanh niên".
Ông Long thì nói ông và Thức thuộc nhóm thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội để "phát triển đất nước".
Ông nói: "Thảo luận là tự nhiên và thuộc quyền công dân của tôi."
AFP cho biết thân nhân, cũng như giới báo chí nước ngoài và ngoại giao không được vào chính phiên xử, mà theo dõi qua truyền hình ở phòng bên cạnh.
AFP dẫn lời tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Kenneth Fairfax, nói vụ án "liên quan việc thực thi tự do ngôn luận" và kêu gọi trả tự do cho những người này.

DPA
Hãng tin Đức DPA ghi nhận chi tiết ông Lê Thăng Long nói với tòa rằng ông viết lời nhận tội và xin khoan hồng hồi tháng Sáu chỉ sau khi ông "bị an ninh khủng bố tinh thần".
Theo DPA, ba người còn lại hầu như xác nhận những gì họ đã khai và được truyền hình Việt Nam chiếu đi hồi tháng Sáu.
Cũng theo hãng tin Đức, phóng viên dự phiên xử không được dùng phương tiện ghi âm hay chụp ảnh, và mỗi lần ông Long lên tiếng cáo buộc công an, thì hệ thống loa trong phòng của phóng viên và giới ngoại giao lại bị làm nhiễu.
Một nhà ngoại giao dự phiên tòa từ chối nêu tên, nói: "Điểm mấu chốt với chúng tôi là tất cả những điều này [hoạt động của những bị can] không phải là điều phi pháp."

Radio Australia
Phát biểu trên đài phát thanh Úc, chuyên gia lâu năm về Việt Nam, GS. Carlyle Thayer, nhận xét bốn bị can đã đưa hoạt động đòi dân chủ đi xa thêm một bước khi thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam.
Ông nói họ "đề ra chiến lược và chiến thuật chính trị hòa bình để thách thức Đảng Cộng sản vào lúc có khủng hoảng tài chính toàn cầu, và nhắm tới giới bất đồng chính kiến bên trong Đảng với hy vọng có sự ủng hộ của họ".
Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện của đảng Việt Tân ở Úc, nói các phiên xử thế này sẽ không bao giờ công bằng.
Ông nói Việt Tân "kêu gọi cộng đồng quốc tế gây thêm sức ép cho chính phủ Việt Nam để họ tôn trọng tự do ngôn luận. Chúng tôi cũng tích cực làm việc với người dân trong nước để ủng hộ họ và mở rộng ảnh hưởng của chúng tôi bằng việc giúp nhân dân bộc lộ mình, tham gia nhiều hơn vào thảo luận chính trị và can dự dân sự."
Giáo sư Thayer đoán rằng phiên tòa được phe bảo thủ trong Đảng dùng để chặn trước khả năng bất đồng tại Đại hội Đảng lần thứ 11.
"Trong quá khứ, những người tự do hay cấp tiến trong Đảng đã dùng Đại hội và các tài liệu chính sách để thúc đẩy cải tổ. Những người bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ ngoài đảng cũng dùng cơ hội đó để góp ý và thúc giục thay đổi."

Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.



No comments: