Wednesday, September 23, 2009

TRÍ THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CHỈ ĐỂ TRANG TRÍ ?


Trí thức chỉ để trang trí?
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-09-23
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/are-Vietnam-intellectuals-ornament-for-the-government-TVan-09232009160418.html
Trí thức có thể phụng sự quốc gia và dân tộc của mình? Câu hỏi tưởng như ngô nghê, thậm chí có thể bị người nghe xem là ngớ ngẩn vì trái lẽ này, lại đang là vấn đề thời sự tại Việt Nam.
Dư luận mấy ngày gần đây đặc biệt lưu tâm sau khi 16 thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển (gọi tắt là IDS) tuyên bố tự giải tán hôm 15 tháng 9.

Giải thể IDS

Tháng 9 năm 2007, một nhóm trí thức nổi tiếng ở Việt Nam như: Giáo sư Hoàng Tuỵ, Giáo sư Tương Lai, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Phạm Duy Hiển, bà Phạm Chi Lan, nhà văn Nguyên Ngọc... đứng ra thành lập IDS – một trong những cơ quan tư nhân đầu tiên của Việt Nam, chuyên nghiên cứu về tương quan giữa chính sách và phát triển để đưa ra khuyến nghị.
Sự xuất hiện và tồn tại của IDS từng được xem như một bằng chứng sinh động của nỗ lực đổi mới tại Việt Nam. Trong hai năm vừa qua, các thành viên của IDS đã đóng góp khá nhiều ý kiến cho các chủ trương, chính sách của nhà nước.
Tuy nhiên, thiện chí đó không được chính quyền đương nhiệm ghi nhận. Tiến sĩ Nguyễn Quang A – một trong những thành viên lãnh đạo IDS đã từng công khai đòi đối chất với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, khi ông tướng này “mật báo” với Bộ Chính trị Đảng CSVN rằng, Tổng Thư ký của IDS đã bí mật tiếp xúc với nhân viên sứ quán Hoa Kỳ, đã nhận tiền của nước ngoài và an ninh Việt Nam đang tìm hiểu xem những trí thức hàng đầu của Việt Nam tụ tập với nhau để làm gì?

Trong thực tế, các thành viên của IDS “tụ tập” làm những gì khiến lực lượng an ninh Việt Nam phải lo ngại?


Nhà báo Huy Đức đã kể vài câu chuyện liên quan tới lý do, khiến những trí thức hàng đầu ở Việt Nam “tụ tập” với nhau, trên blog mang tên Osin:
“Năm 2007, từ quý 2, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những dấu hiệu bất ổn vĩ mô. Một vài thành viên trong Ban Nghiên Cứu của Thủ tướng cũ (bị giải thể ngày 28 ngày 7 năm 2006 theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) khuyến cáo: “Nếu tiếp tục chạy theo mục tiêu tăng trưởng GDP thì sẽ không tránh khỏi lạm phát”.
Ngay lập tức, họ nhận được sự than phiền: “Sao tình hình đang tốt mà có người cứ phá”. Báo chí tạm thời im lặng. Các nhà nghiên cứu chọn con đường phản biện trong “hệ thống”.
Không rõ các cảnh báo sớm ấy đã được xem xét thế nào mà nửa cuối 2007, đầu tư vẫn ồ ạt, tăng trưởng tín dụng từ 21,4% trong năm 2006 vọt lên 38,7%. Những chỉ số GDP của 2007 đương nhiên là lấp lánh…”

Thế rồi, theo sát những con số lấp lánh ấy là:
“Ngay từ tháng 1 năm 2008, lạm phát đã bộc lộ, “tình hình không tốt” như một số người từng nghĩ nhưng “khối u” chưa phải là “ác tính”. Tuy nhiên, liều thuốc chống lạm phát “bốc” ngay đã gây ra cho nền kinh tế một cú sốc: dự trữ bắt buộc tăng, trong tháng 1 năm 2008, các ngân hàng thương mại phải thu về hơn 20.000 tỷ đồng.
Ngày 13 tháng 2, các ngân hàng lại phải mua một lượng tín phiếu bắt buộc trị giá 20.300 tỷ đồng… lãi suất qua đêm ở thị trường liên ngân hàng tăng từ 6,52% vọt lên 27%, có lúc lên tới 40%. Thanh khoản đột ngột thiếu hụt. Thị trường địa ốc ngay lập tức đóng băng. Chỉ số chứng khoán rơi tự do, VN-index đang trên 1000, tới ngày 26 tháng 3 năm 2008 tụt xuống còn 500.
Nhưng những ảnh hưởng gián tiếp mới thực sự làm kiệt quệ nền kinh tế: Trong năm 2008, phần lớn các doanh nghiệp cần vốn sản xuất kinh doanh phải vay với lãi suất lên tới 25%, xuất nhập khẩu thì thiếu ngoại tệ, sản xuất thì thiếu vốn…”


Nhà báo Huy Đức kể tiếp:
“Cho dù hậu quả không được thảo luận công khai thì người dân cũng biết nền kinh tế Việt Nam “xuống tận đáy” năm 2008 chẳng phải vì các “nguyên nhân quốc tế”. Mãi tới tháng 9 năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới mới bộc lộ... Đến lúc ấy thì nền kinh tế Việt Nam đã kiệt quệ do phản ứng phụ của “thuốc” chống lạm phát.”

Vẫn theo Huy Đức:
“Sau những biến cố ấy, lẽ ra “phản biện” công khai phải trở thành quy trình bắt buộc khi ban hành chính sách thì Quyết định 97 lại ra đời. Quyết định 97 không những giới hạn “lĩnh vực” các viện nghiên cứu tư nhân được hoạt động mà “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách” thì phải “gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền”. Cấm “công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức”.”

Kém cỏi, thiển cận
Ít ngày sau khi chính quyền Việt Nam công bố Quyết định 97, IDS đã gởi một thư ngỏ, đề nghị Thủ tướng rút lại hoặc hoãn thi hành văn bản được IDS chứng minh là “phản khoa học, phản tiến bộ và phản dân chủ”, thậm chí trái với đường lối của Đảng và vi phạm pháp luật này, song chính quyền không xem xét.
Do vậy, ngay vào ngày Quyết định 97 có hiệu lực, 16 thành viên của IDS thông báo tự giải tán.
Quyết định tự giải tán của IDS làm mọi người sửng sốt và ngay lập tức trở thành để tài chính của nhiều diễn đàn điện tử cũng như blog.

Một blogger tên là Hiệu Minh bày tỏ sự tiếc nuối:
“IDS đã ra đi, không còn nghe được tiếng tơ lòng của họ. Người ta bảo, tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự im lặng của những nhà hiền triết.”

Tương tự, blogger Vũ Ngọc Tiến giãi bày tâm sự của ông trước sự kiện này:
“Những tiếng nói cất lên từ con tim, khối óc người trí thức về chủ quyền Việt Nam trên biển Đông hay sự quan ngại về thất thoát tài nguyên, suy giảm môi trường, ảnh hưởng an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên, trong Dự án Bauxite chính là cách báo hiếu thiết thực với tổ tiên nòi giống Lạc Việt.
Vậy mà mùa Vu Lan này, tôi liên tiếp nghe tin buồn về các blogger, về sự sai phạm đến mức phi lý của một website cộm cán và giờ đây càng buồn hơn vì phải nghe tin Viện IDS tự giải tán!
IDS là mô hình “Think-Tank” hiếm hoi của nước mình... Tiếng Anh, “Think-Tank” nghĩa là “bể tư duy”. Nhiều quốc gia trên thế giới hưng vượng nhờ khai thác cái “bể tư duy” ấy mà điều chỉnh chính sách vĩ mô.
Ngay ở Trung Quốc cũng có gần 2.000 Think-Tank các loại. Ở ta chỉ một “Think-Tank” IDS mà đã khiến nhiều vị lo sợ thế sao?! Với loài người văn minh, chỉ những kẻ yếu bóng vía, ngu hèn mới sợ “bể tư duy” trong xã hội dân sự.”

Ông Hà Văn Thịnh, Giảng viên Đại học Khoa học Huế, cho rằng:
“Nếu không đủ trình độ, không đủ tâm và tầm, không cùng chung cách nghĩ (mà lời nói là để diễn giải điều mình nghĩ) thì chẳng thể nào cùng “đồng chí” với nhau! Làm sao có thể có được chuyện “ý hòa đồng duyệt” khi cái gì cũng cách biệt quá xa?
Có lẽ, do không hiểu hai chữ “đồng chí” nên mọi phản biện của trí thức đều chỉ là nước chảy lá môn? Nếu vậy, thì làm thế nào để thay đổi? Không thay đổi, với đà này, hậu quả từ kinh nghiệm lịch sử cho thấy là không thể đo lường.”


Trước sự kiện IDS tự giải tán, ông Thịnh than:
“Xem ra cái biển của lòng tham, của sự kém cỏi và thiển cận, của thái độ coi thường dân, khinh nhờn lẽ phải, cách nhìn sự hiểu biết luôn qua lăng kính nghi ngờ và sợ hãi… đã làm cho tư duy chết yểu mất rồi?
Cứ 100 đồng nghiệp gặp tôi thì đến 99% khuyên tôi rất chân thành rằng đừng có ngu dại và ảo tưởng, đừng có “đem đàn gảy tai trâu”, đừng “bẻ nạng chống trời”… Tôi không biết đánh đàn và chẳng hiểu ai là trâu? Trong con mắt những đồng nghiệp ấy, tôi thật là tội nghiệp về cái lẽ không hiểu thế thời. Chắc là họ đúng bởi vì tôi không thể đúng.”


Nhà nước và Trí thức
Trong một bài viết ngắn, có tựa là “Bức tranh vân cẩu”, gửi cho diễn đàn điện tử Talawas, ông Hà Sĩ Phu nhận xét, việc IDS phải tuyên bố tự giải thể là điều tất nhiên vì:
“Chủ nghĩa Marx, về triết học thì nhấn mạnh tính đa dạng phong phú của thế giới, nhưng về chính trị lại muốn tạo ra một hệ thống thuần nhất, thâu tóm về một mối, chống lại tính đa dạng, nên đây là một chủ nghĩa tự mâu thuẫn, về bản chất là tự mình phải chống lại mình, không phải để tiến lên mà là để trở về với quy luật.”

Cũng trên diễn đàn điện tử Talawas, một cây bút khác có tên là Quốc Uy chia sẻ thêm:
“Nếu IDS vẫn đứng trong quỹ đạo của Đảng một cách “phải đạo” mà phát biểu những chân lý khoa học nhằm tác động để Đảng thay đổi thì chỉ là không tưởng! Có dám ra khỏi quỹ đạo ấy (cái quỹ đạo bảo vệ sự lãnh đạo độc tôn toàn trị của Đảng) mới có thể lý luận cho rành mạch.
Đứng trên lập trường của Đảng để cải tạo tình hình thì ví như con trâu đã bị buộc vào gốc tre, có cựa quậy xung quanh vẫn bị sợi dây thừng giữ lại.”


Tuy nhiên cũng có một vài blogger như Hồ Bất Khuất, không tán thành tuyên bố tự giải tán của IDS:
“Một tập thể các nhà khoa học có uy tín và cao niên như vậy cần bình tĩnh hơn trước mọi biến động của xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu thấy quan điểm của mình đúng, việc làm của mình đúng, có lợi cho đất nước thì phải kiên trì thuyết phục. Nếu thuyết phục không được thì tìm hình thức khác để phản đối chứ không giải thể...”

Hồ Bất Khuất trình bày một cách nhìn khác về Quyết định 97:
“Suy ngẫm thêm thì thấy, dường như mục đích của Quyết định 97 không phải là để hạn chế các nhà khoa học nghiên cứu và góp ý với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà chỉ muốn nhắc nhở các nhà khoa học nói cho đúng nơi, đúng chỗ, đúng tư cách và có thái độ... đúng mực.
Rất có thể trong thời gian qua, một số nhà khoa học “nhà nước” không thích cái cách (danh nghĩa và thái độ) mà các nhà khoa học “tư nhân” phản biện. Vì thế nên mới có Quyết định 97 và sự tuyên bố tự giải thể của IDS chăng?”


Vậy những trí thức vừa có thực tài, vừa muốn đem sở học ra báo hiếu tổ tiên, có thể tiếp tục theo Đảng để phụng sự quốc gia, dân tộc?

Blogger Tô Hải – một người từng theo Đảng từ khi tóc còn xanh cho đến lúc bạc đầu, khuyến cáo:
“Thực tế cuộc sống của bản thân và nhiều bậc tiền bối cũng như nhiều bài học xương máu, chết, sống trong quá trình làm việc dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất sáng suốt, đầy thắng lợi, vinh quang kể cả trong những sai lầm nghiêm trọng, thì: Trí thức, nhất là trí thức thứ thiệt chỉ là cái đồ bỏ đi, khó mà tin cậy.
Nhất là ngày nay, ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa này, đi đâu cũng gặp tiến sĩ do đảng phong hoặc tốt nghiệp trường cao học chính trị của đảng thì mọi ý kiến góp ý, phản biện chỉ là nước đổ đầu vịt.
Chưa kể đến những cái tội “ăn tiền nước ngòai” bị “lực lượng thù địch lợi dụng”. Thậm chí, “muốn lật đổ chính phủ” hoặc hiện đại hơn là “âm mưu tự diễn biến”, những cái tội nhỡn tiền mà các cuộc đàn áp, bắt bớ vừa qua và ra tòa sắp tới là những hồi chuông cảnh tỉnh ngay trước giường ngủ của giới trí thức!”


Không lẽ Đảng và chính quyền Việt Nam không cần trí thức? Câu trả lời là có, song theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt – một cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc, người đã từng đóng góp rất nhiều ý kiến cho tiến trình phát triển ở Việt Nam - thì với trí thức, Đảng và chính quyền Việt Nam hoặc vừa dùng vừa nghi, hoặc vẫn xem họ như công cụ.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: