Wednesday, September 30, 2009

CHUẨN MỰC NÀO CHO CUỘC CÁCH MẠNG MỚI ?


Chuẩn mực nào cho cách mạng mới?
Tôn Vân Anh
30/09/2009 1:25 chiều
http://www.talawas.org/?p=10912

Hôm trước, vừa được đọc phản hồi của anh Đào Hiếu, tôi vừa ngó kênh truyền hình đang chiếu phim tài liệu về sự nghiệp hề Charlie – Chaplin, được xem một vài đoạn phim ông chọc dùi Hitler. Thật đáng khâm phục! Một mẫu hình trí thức lý tưởng: vừa biết nói sự thật, vừa bao dung vô bờ bến để có đủ năng lượng ôm hết cuộc sống vào lòng với tất thảy bộn bề ngổn ngang của nó mà vẫn không bỏ rơi những con người tầm thường của xã hội. Chaplin thậm chí còn đặt những người yếu ớt nhất vào trọng tâm mọi câu chuyện, đối trọng với độc tài để nói về phẩm giá con người thanh tao mức nào trước những hèn hạ, về sự thật tinh vi thế nào trước đối trọng với ác ôn.

Tôi muốn không đồng ý với
anh Đào Hiếu rằng “Chị buôn bán ngoài chợ, phu xe xích-lô, công chức. Họ đều nhìn thấy vấn đề hết” là vẫn „chưa đủ cho cách mạng”.
Tôi muốn phân tích rằng những suy nghĩ của anh Đào Hiếu có thể xuất phát từ một vài khiếm sót trong khái niệm của anh về độc tài và thường dân mà hậu quả là thái độ của anh với hai nhóm người đó. Kiểu phát ngôn bi quan theo kiểu „nhìn đâu cũng thấy cản trở” là cách nhìn không sát thực và không thích hợp với trí thức.
Tiếp theo, tôi muốn những người như anh Đào Hiếu thử tìm nguồn gốc của các vấn đề ở hệ thống đàn áp của an ninh cộng sản, thay cho việc chút hết oán hờn, tội lỗi vào đám dân thường vốn đã là nạn nhân yếu thế nhất của độc tài.

Những thổn thức không đến nỗi thiếu cơ sở của tôi vẻn vẹn chỉ có vậy, nhưng trí tưởng tượng của người mà tôi tranh luận lại với tới tận cái rung đùi không có của đồng hương ở tận bên Mỹ và Âu châu, để từ đó bồi bổ cho nhận định về sự dã man của những người không sống ở Việt Nam, đồng thời đẩy cuộc tranh luận vào ngõ hẻm: ai là người có thẩm quyền bình phẩm và người ở nước ngoài có được nói chuyện của người trong nước hay không.

Riêng việc đề cập vấn đề „ai là người được quyền bình phẩm” đã thể hiện một tư duy võ đoán, trông chờ vào sự tự ti của người đối thoại, điều thật không thích hợp với một trí thức danh tiếng, nhất là khi đề tài tranh luận là những phát ngôn bi đát xa sự thật, về đề tài chính trị liên quan tới mọi người Việt Nam.
Từ trước tới nay, có vẻ vì nhẫn nhịn, dân Việt hải ngoại không tỏ ý đối phó với những phát biểu khó nghe như: người ở Việt Nam mới khổ, mới có quyền đầu hàng, mới có quyền kêu ca, mới có quyền trách cứ… để kết luận: chỉ có người trong nước mới có quyền bình phẩm những điều hay dở của mình.

Ngoài ra, tôi cũng không đồng ý với một số các luận điểm mà anh Đào Hiếu dùng để củng cố cho ý kiến về vai trò (thấp kém) của người hải ngoại trong đối thoại với người trong nước.
„Chiến trường không cân sức” không chỉ tồn tại duy nhất tại Việt Nam. Với tư cách là dân nhập cư, không phải bằng một cái phẩy tay người Việt tha hương bảo vệ được quyền lợi của mình trên đất người, không chỉ cần một hai cuộc biểu tình để chính phủ các nước để tâm tới chiến trường tại Việt Nam. „Trả giá bằng sinh mạng” ư? Là điều người Việt ở nước ngoài đã trải qua chứ không chỉ bị „dọa”. Bỏ mạng trên đường tìm tự do, trong trại cải tạo, trong nhà tù cộng sản đã từ lâu là phần ý niệm không thể tách rời của cộng đồng người Việt di cư. Ý niệm đau thương của người Việt ở nước ngoài còn rõ rệt hơn trong nước và cũng nhờ có người Việt ở nước ngoài, một phần lịch sử của Việt Nam còn sống sót! Chính những người Việt ở nước ngoài mới là những nhân chứng có thể trả lời thế nào là đối diện với cái chết, thế nào là cái giá của tự do! Nếu có bình phẩm, không phải họ không có thẩm quyền.

Tôi đồng tình với ý của một nhà báo thuộc loại sắc sảo nhất nhì của một tờ báo lớn tại Ba Lan nói với tôi về người Việt hải ngoại. Anh cho rằng những người này không thể hòa đồng với cộng sản bởi cộng sản đã cướp đi của họ cái khó thể hoàn lại. Đó là Tổ quốc.

Ở đâu có cộng sản, ở đó là mất mát. Người Việt trong nước mới ở giai đoạn còn tin chưa mất Tổ quốc. Khiêm nhường một chút với người từng trải có lẽ cũng không thừa!

Không còn Tổ quốc có nghĩa là Tổ quốc Việt Nam sẽ phải được làm mới từ đầu, từ những cơ bản nhất, bằng các phương pháp lành mạnh nhất. Có nghĩa là Việt Nam đang đón chờ một cuộc cách mạng chưa từng có. Những đổ máu ồ ạt trong cuộc chiến „chống Mỹ cứu nước” cùng cuộc „cách mạng 3 mặt giáp công” lót ván cho cộng sản là những kinh nghiệm tốt hơn đừng lặp lại, giống như đừng để xuất hiện ông Hồ thứ hai vốn được kẻ thù của Dương Thu Hương tin là „không đái, không ỉa, không làm tình”.

Có nghĩa là cách mạng ở Việt Nam phải được dựa trên các giá trị đích thực không di không dịch bất kể quan niệm, thời gian, lịch sử, tôn giáo, điều mà người Việt Nam vẫn gìn giữ được, thể hiện qua việc đề cao giá trị gia đình, học vấn, đức tin, khuyếch trương không gian ngôn luận độc lập… Cụ thể, người Việt đang thực hiện các giá trị đó một cách công khai hơn bao giờ hết: những cuộc biểu tình của công nhân trên cả nước, của trăm ngàn người Công giáo, của không biết bao nhiêu người làm ruộng, của bao nhiêu blogger…

Người trí thức thấy cô đơn thất vọng, mãi mà vẫn „chưa đủ”, có thể do không theo kịp người dân, không làm tròn bổn phận xã hội của mình, chứ không phải bởi người dân „ít đọc” với „ít thể hiện bức xúc”.

Nạn nhân cộng sản nên được cảm thông không có nghĩa là hễ cứ bước ra khỏi đồn công an là cần được phong thánh cho nạn nhân, bất kể anh ta nói hay hay nói dở. Đồn công an cũng không phải là nơi xí xóa mọi sai phạm của các chiến sĩ dân chủ, nhất là khi người gánh chịu hậu quả các sai phạm đó là thường dân chứ không ai khác.

Muốn cách mạng dân chủ thành công, chúng ta phải nỗ lực tuân thủ các nguyên tắc cơ bản nhất, chung nhất cho mọi nền dân chủ. Nếu chưa từng thử, ta nên học tập, ví dụ như từ Đông Âu, Ba Lan hay Thái, Đài Loan, Hàn Quốc… Có thể bắt đầu từ bài học thế nào là đối thoại công bằng.

Chỉ đối thoại công bằng thôi mà cũng không biết thì đừng trách gì người dân không gửi gắm tin tưởng để xả thân cho mấy ông trí thức nổi tiếng hễ cứ vào đồn công an là lung lay quan điểm, bắt tội thường dân với đóng cửa blog. Đừng đòi hỏi các tổ chức bên ngoài Việt Nam phải sát cánh hơn nữa với đội ngũ „cấp tiến”, „xuất thân từ trong lòng cộng sản Việt Nam” một khi chính mình còn lấn cấn.

Nói chung, nên đặt câu hỏi về vị thế của mình trong cuộc đấu tranh để xem có thật sự người dân bàng quan hay đơn giản không coi trí thức là nơi gửi gắm lòng tin? Có thật sự đội ngũ dân chủ Việt Nam không được nước ngoài ủng hộ, hay đơn giản là không biết tận dụng hoặc chưa xứng đáng với những ủng hộ đó?
Để có thể đối thoại công bằng và trả lời câu hỏi khó về mình, phải bỏ qua sự e dè tự ti của chính mình để có thể khách quan và để không phải trông cậy vào sự tự ti của người khác.

25 tháng 9 năm 2009, Warszawa, Ba Lan
© 2009 Tôn Vân An
© 2009 talawas blog


Những bài liên quan trên talawas :
Tôn Vân Anh – Ý kiến về công an, Đào Hiếu và thường dân (22/09/2009
Đào Hiếu – Cách mạng không phải của riêng ai: Trả lời Tôn Vân Anh (22/09/2009)


No comments: