Tuesday, September 29, 2009

TÀI NĂNG và DANH VỌNG có thể ĐỨNG TRÊN PHÁP LUẬT ?


Tài năng và danh vọng có thể đứng trên pháp lý?
Lê Diễn Đức

29/09/2009 3:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=10863
27/09/2009 – hơn 30 năm kể từ lúc bắt đầu tiến trình xét xử của tòa án Los Angeles về tội lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên – Roman Polanski đã bị bắt ở Thụy Sĩ. Đạo diễn người Ba Lan bị tạm giữ để dẫn độ về Hoa Kỳ.
Chính quyền Ba Lan thông báo sẽ có ý kiến với các cơ quan chức trách của Hoa Kỳ và yêu cầu cho nhà đạo diễn được hưởng ân xá.

Được biết, Công tố viện của Los Angeles từ lâu đã tìm cách bắt Roman Polanski trở về Hoa Kỳ để đưa ra xét xử tội phạm của ông hơn 30 năm trước đây.
Tờ Los Angeles Times cho hay, sau khi nhận được tin Polanski vào cuối tuần qua tới Zürich để nhận giải thưởng điện ảnh ở đó, ngay lập tức Công tố viện đã lên kế hoạch bắt giữ đạo diễn người Ba Lan. Lệnh bắt giữ tạm thời đã được gửi đến Bộ Tư pháp của Hoa Kỳ, từ đó được chuyển đến chính quyền Thụy Sĩ.
Hiện giờ, nhà đạo diễn có bị đưa về Hoa Kỳ hay không sẽ do thủ tục dẫn độ xác quyết. Thụy Sĩ đang chờ đợi đề nghị chính thức của Hoa Kỳ cho dẫn độ Polanski. Đề nghị này có thời hiệu trong vòng 40 ngày.

Polanski, trong năm 1977 đã là một đạo diễn có danh tiếng – khi lưu trú tại Hoa Kỳ – ông gặp Samantha Gailey, 13 tuổi. Trong một buổi chụp ảnh chọn vai đóng phim – theo lời khai của cô gái – Polanski đã mời cô uống sâm banh có bỏ thuốc kích thích. Sau đó, ông đã chụp ảnh cô khỏa thân. Gailey giải thích rằng, cô đồng ý chụp khỏa thân vì hy vọng nhà đạo diễn sẽ mở cánh cửa danh vọng cho mình. Sau đó, đã có sự gần gũi giữa hai người.
Lời khai của cô gái và đạo diễn khác nhau. Cô gái 13 tuổi nói rằng, cô đã cố gắng cưỡng lại, nhưng bị khuất phục dưới ảnh hưởng của chất kích thích. Còn Polanski thì khai Samantha đã tự nguyện dâng hiến cho dù còn ít tuổi như vậy.
Khi vụ bê bối được đưa ra công luận, tòa án Hoa Kỳ đã cáo buộc Polanski một số hành vi tội phạm trong đó có tội hãm hiếp trẻ vị thành niên sau khi mời uống rượu chứa thuốc kích thích (ma túy). Sau thỏa thuận của luật sư với Công tố viện, Polanski thừa nhận tội xâm phạm tình dục, và tòa án bác bỏ các cáo buộc còn lại. Polanski bị kết án ngồi tù 90 ngày tại nhà tù tiểu bang California ở Chino, nơi ông phải chịu sự theo dõi tâm thần. Thời hạn vào tù được tòa quyết định thích ứng với việc sản xuất bộ phim mới nhất của ông.
Mức án nhẹ dành cho Polanski đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong thời gian làm phim, Polanski đã đùa nghịch chụp ảnh những phụ nữ trẻ, nên bị tòa án ra lệnh buộc thi hành án ngay lập tức, nhưng lại thả ông ra sau 42 ngày.

Bất chấp những lời hứa hẹn, vấn đề chưa được khép lại. Polanski bị đe dọa quay trở lại nhà tù và có thể phải thụ án lâu hơn. Vì lo sợ, Polanski rời Hoa Kỳ và tị nạn tại Pháp. Đối với hệ thống tư pháp Mỹ, Roman Podlanski trở thành “kẻ chạy trốn pháp luật”.

Vào tháng Năm 2009, tòa án ở Los Angeles từ chối yêu cầu miễn tố cho Polanski về trường hợp của 30 năm trước đây. Lý do? Vì Polanski đã không xuất hiện tại buổi điều trần trước tòa.

Trong khi đó, cô Samantha – giờ là Geimer, đã hơn 40 tuổi – nhiều lần yêu cầu tòa án xoá án cho ông. Bà cũng thừa nhận rằng tình dục đã diễn ra với sự đồng ý của bà và nói rằng bà tha thứ cho Polanski và muốn ông được trở về Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski trao đổi về vấn đề này với Ngoại trưởng Pháp Kouchner để thỏa thuận lá thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhờ can thiệp, đề nghị cho nhà đạo diễn được tự do và Tổng thống Barack Obama áp dụng cho ông được hưởng khoan hồng. Bernard Kouchner cũng đã nói chuyện với Ngoại trưởng Thụy Sĩ, Micheline Calmy-Rey và cho biết “chính phủ Pháp bày tỏ sự mong muốn rằng, vấn đề ông Polanski sẽ được tôn trọng hoàn toàn và tìm ra một kết thúc êm đẹp”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Frederic Mitterrand nói rằng ông “ngạc nhiên” về việc bắt giữ Roman Polanski, và ông đã liên lạc với Tổng thống Nicolas Sarkozy, “người đang quan tâm tối đa đến vấn đề này và hy vọng làm sao giải quyết tình hình càng sớm càng tốt”.

Roman Polanski là ai?
Roman Polanski là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất Ba Lan. Ông sinh năm 1933 tại Paris, trong một gia đình người Ba Lan gốc Do Thái. Hai năm sau ông chuyển về Cracow. Trong nửa sau của thập niên 50, Polanski nghiên cứu đạo diễn tại Lodz Film School. Năm 1962, bộ phim đầu tiên gây tiếng vang của ông là Con dao trong nước, đã giành nhiều giải thưởng có uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, chính quyền cộng sản Ba Lan phê phán phim mạnh mẽ. Polanski đã quyết định rời Ba Lan, di tản sang phương Tây, vì theo ông, Ba Lan bấy giờ không có đất để ông phát triển tài năng.
Ban đầu ông tới Anh, nơi ông cho ra lò các bộ phim Repulsion, Matnia và Vampire Killers. Trong bộ phim cuối cùng có nữ diễn viên người Mỹ Sharon Tate thủ vai, sau này trở thành vợ của ông. Vài tháng sau khi thành hôn với Sharon Tate, năm 1968, Polanski chuyển đến Hoa Kỳ.
Năm 1969, Sharon Tate mang thai, nhưng đã bị giết tàn bạo bởi nhóm tà đạo của Charles Manson. Roman Polanski bấy giờ đang ở Âu Châu.
Tại Mỹ, Polanski cho ra các phim như Rosemary’s Baby, Chinatown và Tess với ba giải Oscar (Quay phim; Thiết kế trang phục; Vũ đạo). Sau đó, trên đất châu Âu, ông đạo diễn các phim Cướp biển và Frantic với Harrison Ford và Emmanuelle Seigner trong vai chính. Một năm sau, Seigner, trở thành vợ kế tiếp của Polanski. Họ có hai con – con gái, Morgane và con trai của Elvis, đều sinh sống tại Pháp.
Bộ phim The Pianist trong năm 2002 đã mang lại thành công lớn cho Polanski với 3 giải Oscar (Đạo diễn xuất sắc nhất; Diễn viên nam hay nhất; Kịch bản chuyển thể hay nhất), giải Cành Cọ Vàng tại Cannes, Giải Cesar của Pháp và Giải thưởng của Học viện Anh BAFTA Film.

Dư luận của giới văn hóa nghệ thuật
Các diễn viên Monica Bellucci, Fanny Ardant cùng các đạo diễn Wong Kar Wai, Giuseppe Tornatore Ettore Scola, Giuseppe Tornatore, Jean-Jacques Beneix, Barbet Schroeder và Bertrand Tavernier là những người đầu tiên của giới điện ảnh đã không giấu sự tức giận khi nghe tin Roman Polanski bị bắt. Trong bản kiến nghị đòi trả tự do cho Polanski họ viết: “Không thể chấp nhận được rằng, một sự kiện văn hóa quốc tế tỏ lòng kính trọng đến một trong những nhà làm phim đương đại nổi tiếng nhất, đã bị cảnh sát lợi dụng để bắt giữ”.
Các nhà Tổ chức liên hoan phim Tous Ecrans của Thụy Sĩ và Cannes của Pháp cũng lên tiếng ủng hộ kiến nghị của các diễn viên và đạo diễn điện ảnh thế giới.
Robert Harris, tác giả người Anh với các tác phẩm bestseller “Enigma” và “Pompei” được dịch ra hàng chục ngôn ngữ, bày tỏ “cảm giác sốc và đau khổ” vì Polanski bị bắt. Theo ông, đây là sự “làm nhục” và “thái quá.” – “Một trong những lý do mà tôi hoàn toàn ngạc nhiên về sự bắt giữ, đó là chúng tôi đã từng làm việc cùng nhau ở Thụy Sĩ. Nếu ông ta là tội phạm bị truy nã thì tại sao ông được phép mua nhà và tự do đi lại ở Thụy Sĩ? (…) Phải có gì ở phía sau sự việc này” – Ông Harris nói.
Ông Harris đã tham gia cùng Polanski đưa cuốn tiểu thuyết “The Ghost” của ông lên màn ảnh vào tháng 2 năm 2010. Ông cho rằng, việc bắt giữ nhà đạo diễn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên bộ phim này, trong đó có Ewan McGregor và Pierce Brosnan thủ vai.

Dư luận báo chí

Báo chí Hoa Kỳ không chú ý nhiều về sự việc Podlanski bị bắt. Los Angeles Times và CNN đưa tin nhưng không bình luận. People Magazine nói “Podlanski đã không nghĩ rằng mình bị bắt và thậm chí không nghi ngờ việc mình sẽ lọt bẫy”.
Riêng tờ Washington Post viết rằng, việc bắt giữ Roman Polanski đã làm sôi sục dư luận và “phải là một cái gì đó tiềm ẩn sâu hơn”.
Tờ Le Temps của Thụy Sĩ viết: “Phải chăng vì thiếu cảm tính nên đã không lường trước rằng, việc bắt giữ gây nên phản ứng mạnh và làm tổn hại đến cái nhìn về Thụy Sĩ?”. Nhật báo viết thêm rằng, Thụy Sĩ đã gây sốc cho những người hâm mộ phim ảnh bằng sự hợp tác hiệu quả với tư pháp Hoa Kỳ và đã làm Ba Lan và Pháp nổi giận.
Tờ Tagesanzeiger nhận định rằng, một án phạt công bằng sẽ không khả thi khi đã qua một thời gian dài như vậy và vì sự sai sót trong điều tra.
Tạp chí Le Matin nhắc lại sự việc ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cung cấp trương mục của 4.450 khách hàng vì bị Hoa Kỳ nghi ngờ gian lận thuế và hỏi: “Thật khó không đặt ra sự tương quan giữa UBS và sự bắt giữ Roman Polanski bất ngờ. Phải chăng, muốn làm vừa lòng Hoa Kỳ, Thụy Sĩ đã mạo hiểm rơi vào nhiệt tình thái quá, không phục vụ gì cho hình ảnh của mình ở nước ngoài”.
Tờ Blick phân tích luận cứ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thụy Sĩ Eveline Widmer-Schlumpf – xem Thụy Sĩ không có sự lựa chọn khác, là hài hước. “Tấn công vào bí mật của ngân hàng, một lần nữa Thụy Sĩ bôi nhọ hình ảnh của mình và cho phép để vị khách rơi vào bẫy. Chúng ta nên xấu hổ” – tờ báo kết luận.

Vấn đề sẽ đến đâu?
Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński, là một tiến sĩ luật, thận trọng bày tỏ hy vọng sớm có cơ hội trao đổi với người Mỹ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, rằng trong trường hợp này “với người Mỹ là vô cùng khó khăn”, và chính quyền liên bang khó làm được gì, bởi vì thuộc phạm vi quyền hạn của tiểu bang California.
Giới luật gia Ba Lan phân tích rằng, trong khuôn khổ luật pháp Hoa Kỳ, sự can thiệp của chính phủ Ba Lan và Pháp không mang lại hiệu quả.
Ông Zbigniew Lewicki, giáo sư Ba Lan về lĩnh vực Hoa Kỳ thì nói: “Trốn chạy khỏi công lý là một tội phạm tự gây ra. Không ai sẽ bị bắt nếu tồn tại giả định và chịu ra trình diện tại phiên tòa”. Ông nhấn mạnh rằng, trong năm 1978, chắc chắn Polanski đã nhận thức được sự trốn tránh công lý. Trong luật Anh –Mỹ, có quan hệ tình dục với một người dưới 15 tuổi là phạm tội hình sự hiếp dâm. Sự đồng ý của đối tác ở đây không có ý nghĩa gì. Luật pháp Ba Lan cũng tương tự.

Luật sư Douglas McNabb nói: “Tôi không biết liệu Polanski có thể giành chiến thắng trong vấn đề dẫn độ hay không. Nó phụ thuộc vào chất lượng của các luật sư tham gia. Cơ hội tăng nếu các luật sư-chuyên gia về vấn đề dẫn độ của Hoa Kỳ và Thụy Sĩ đồng thuận cộng tác”. Ông không đồng ý với giả thiết cho rằng Thụy Sĩ lấy lòng Hoa Kỳ để giảm bớit áp lực về bạch hóa trương mục trong ngân hàng UBS.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm 28/09/2009 đã thuyết phục Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger ân xá cho Polanski trong trường hợp bị dẫn độ. Điều này sẽ đặt ông vào tình thế khó xử. Luật Hoa Kỳ chỉ cho phép ân xá với người có án. Tuy nhiên Polanski có thể bác bỏ cáo buộc từ 30 năm trước.
Herve Temime, luật sư của đạo diễn cho biết Roman Polanski phản đối việc dẫn độ về Hoa Kỳ và đang nỗ lực để Polanski được thế chấp để tải ngoại.
Phía chính phủ Hoa Kỳ hiện im lặng. Một người giấu tên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với báo chí Ba Lan rằng, mọi quyết định nằm trong tay Thụy Sĩ.
Chúng ta sẽ theo dõi tiếp diễn biến thú vị trong những ngày tới.

Nguồn: Tổng hợp tin của đài truyền hình Ba Lan TVN24, của Hãng thông tấn Ba Lan PAP ngày 27 và 28/09/2009.
©
http://ledienduc.wordpress.com
© talawas blog

No comments: