Monday, September 28, 2009

VIỄN XỨ và VIỄN Ý (về Nghị Quyết 36)


Viễn xứ và viễn ý
Tưởng Năng Tiến

28/09/2009 10:56 sáng
http://www.talawas.org/?p=10808
Lấy cớ rằm tháng Tám – Tết Trung Thu – tôi hú cả đống bạn bè tới uống sương sương (vài chai) cho nó vui nhà, vui cửa. Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, và lại cạn mấy ly đầy, rồi đầy vài ly cạn nữa… thì cả đám (dù đã bước vào tuổi năm muơi) đều ngỡ như còn thơ.
Chúng tôi cùng ca vang
Thằng Cuội , bản nhạc mà có lẽ mọi đứa bé sinh trưởng ở miền Nam – vào thập niên 50, hay 60 – đều thuộc. Bài đồng dao này tuy được Lê Thương viết vào năm 1953, khi nền tân nhạc Việt Nam còn ở giai đoạn phôi thai, nhưng lời lẽ tân kỳ dễ sợ:
“Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…
Lặng nghe trăng gió hỏi nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…
Các em thích cười muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang…
Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…

Hát bộ, hát chèo, hát cô đầu, hát cải lương, hát hồ Quảng… để kiếm sống ra sao thì tôi không rõ. Chớ còn hát xẩm thì dù có được (cho) tiền, vẫn nghèo xơ xác.
Thuở bé, đôi lúc, tôi cũng nhìn thấy những người hát xẩm. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ Đà Lạt – vào lúc chợ đông – cùng với cái đàn bầu, và những bài ca buồn bã.

Đó là hình ảnh hát xẩm quen thuộc, trong trí nhớ thơ ấu của tôi, ở miền Nam. Ngoài miền Bắc, sinh hoạt của một số những người hát xẩm – xem ra – hơi khác:
“Và đây là một công tác độc đáo: ấy là khi hoà bình mới lập lại 1954, ông được giao phụ trách một đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về hướng Bùi Chu – Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát dân gian để động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ di cư của kẻ địch mà hãy ở lại với quê hương. Không biết ai đã có sáng kiến đặt Thanh Tịnh vào việc ấy? Song quả thực, đấy là một trong những lần, tài năng của Thanh Tịnh được sử dụng một cách đắc địa (Vương Trí Nhàn. Cây bút đời người. Nxb Trẻ : Sài Gòn 2002, 174).
Tác giả đoạn văn thượng dẫn (tiếc thay) không viết thêm một chữ nào về chuyện “quả thực” này, để xem “tài năng” của Thanh Tịnh đã được “sử dụng một cách đắc địa” ra sao – trong việc “động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ địch di cư” vào Nam.
Vẫn cứ theo như lời của Vương Trí Nhàn thì sau “sáng kiến” này, “tài năng” của Thanh Tịnh (dường như) không còn được “sử dụng một cách đắc địa” vào bất cứ “công tác độc đáo” nào khác nữa:
“Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu muơi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, duới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn (sđd, 181).
Một nhà văn tăm tiếng, một sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà “đăm chiêu” và “đờ đẫn” (thiếu điều muốm xụm bà chè luôn) như vậy thì những người ở lại đã sống (dở, và chết dở) ra sao – bên kia vĩ tuyến – là điều mà ai cũng có thể hình dung được, kể cả những người đui.

Còn những kẻ bỏ đi thì hậu vận cũng không sáng sủa gì cho lắm. Họ bị bắt lại, gần trọn đám, sau khi miền Nam thất thủ. Từ đây, “Nam / Bắc hoà lời ca.” Nhiều người ca (rất) dở nên đã phải liều mình đâm sầm ra biển, hoặc ù té bỏ chạy thục mạng qua những bãi mìn – nơi biên giới xứ người. Chết chóc (ôi thôi) hết đếm luôn!
Đó là những thành phần“bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, phản bội tổ quốc, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” – theo như nguyên văn lời giải thích của Chính quyền Cách mạng, với thế giới bên ngoài, và với lũ cột đèn còn (kẹt) lại.
Không hiểu những người ra đi đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao – nơi đất lạ quê người – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ đều đặn gửi về cố hương đã cứu toàn dân, cũng như toàn Đảng, thoát chết (đói) nhiều phen.

Từ đó, Đảng ta đổi giọng: những kẻ phản bội tổ quốc không những đều được “khoan hồng” mà còn được “tôn vinh” như
“những sứ giả Lạc Hồng,” và (bỗng) trở thành “một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc.” Nghị quyết số 36-NQ/TƯ, về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, đã ra đời (hơi muộn) vào ngày 26 tháng 3 năm 2004 – cũng dựa trên cơ sở đó.

Đây là công tác vô cùng quan trọng, của Bộ Ngoại giao, do một vị Thứ trưởng đứng đầu. Ngoài những ban ngành phụ thuộc, mỗi thành phố lớn đều có thêm một vị Chủ nhiệm (hay phó Chủ nhiệm) Ủy ban Người Việt ở Nước ngoài – chuyên trách về khu vực của mình. Nếu bỏ những chức danh này qua một bên – cho nó bớt rườm rà – và nói trắng phớ ra thì đây (cũng) chỉ là… một đoàn hát xẩm thôi!
Vấn đề chỉ khác ở chỗ là bây giờ (ta) không động viên đồng bào ở lại nữa (vì chúng đã lỡ đi hết trơn rồi) mà chỉ kêu gọi họ “làm ơn” đừng có quay lưng đi luôn, tội lắm. Con cá nó sống nhờ nước, và Nhà nước ta thì sống nhờ… kiều hối mà!

Một trong những công tác “độc đáo” mà đoàn hát xẩm tân thời được giao phó là chuơng trình “Vinh danh nước Việt”.
Wikipedia ghi nhận được ba đợt vinh danh, trong ba năm liên tiếp (*):
Năm 2004, có 19 Việt kiều được mời tham dự “Ðêm Vinh danh của những người con nước Việt xa xứ ” – tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 2005 – ở Hà Nội. Con số khiêm tốn này được ông Nguyễn Anh Tuấn (
Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet) giải thích một cách khéo léo là “vạn sự khởi đầu nan.” Còn ông Lê Truyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì nói một cách rõ ràng hơn:
“Đó chỉ là một con số ngẫu nhiên vì khả năng phát hiện, thông tin của chúng ta mới chỉ được đến thế. Có thể nói rằng công lao đóng góp của bà con Việt kiều ta trên khắp thế giới đối với quê hương đất nước là rất phong phú đa dạng, dưới nhiều hình thức. Việc vinh danh họ sẽ vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong các lần khác. Tất nhiên, có cả những người chưa muốn xuất hiện trong đợt vinh danh này.”

Qua đợt sau, Đêm Vinh danh nước Việt 2005 – cũng tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 5 tháng 2 năm 2006 – con số “những người chưa muốn xuất hiện” lại tăng thêm chút đỉnh, làm giảm số người “muốn xuất hiện” xuống chỉ còn 15 mạng.

Đến đợt kế tiếp thì chỉ có 11 trong số 17 kiều bào được trao giải “muốn xuất hiện” trong Đêm Vinh danh nước Việt 2006 – theo như tường thuật của
Tiền Phong Online, đọc được vào ngày 5 tháng 3 năm 2007.

Tình trạng, rõ ràng, không khá. Bởi vậy Thủ tướng Chính phủ mới ban hành
chỉ thị 19/2008/CT-TTg ngày 06/06/2008 để chấn chỉnh “những hạn chế, yếu kém trong việc nắm tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở từng địa bàn và các đối tượng cụ thể…”
Phen này, Đảng hạ quyết tâm: Từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 11 năm 2009, Hà Nội sẽ tổ chức
Hội nghị người Việt ở nước ngoài. Khi được phóng viên của VnExpress.net hỏi về “nội dung của hội nghị này,” ông Trần Trọng Toàn – Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài – đã trả lời như sau: “Hội nghị này được coi như dịp quy tụ trí tuệ của Việt kiều, hiến kế cho đất nước.”

Tui chưa tới Hà Nội lần nào. Cũng chưa bao giờ có ý định phiêu lưu đến một nơi (rất) lôi thôi, và bất an như thế. Đường thì xa, vé tầu thì mắc, thủ tục thì lung tung rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì… chết mẹ! Bởi vậy, xin phép Hội nghị để được đứng vào thành phần “viễn ý’ (góp ý từ xa) cho nó chắc ăn:
-
Nghị quyết 36, trong phần những “nhiệm vụ chủ yếu,” có đoạn như sau: “Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại… Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài.”
Nói như thế người Việt gọi là “nói trạng,” hay “nói khoác”. Và cái giọng điệu ba hoa, khoác lác tương tự không thiếu trong bản Nghị quyết này. Theo thiển ý: đã đến nước phải ngổi ngửa nón giữa chợ (đời) thì cũng nên bỏ cái thói huyênh hoang, và cái tính khoác lác đó đi. Kỳ lắm.

-
Nghị quyết 36 gồm 3.824 chữ nhưng không có một chữ nào – nửa chữ cũng không luôn – đề cập đến nguyên do khiến mấy triệu nguời Việt phải lưu lạc và tứ tán khắp năm châu. Nói cách khác, đây là một “bản nghị quyết không đầu.” Thiếu đầu thì làm gì có hậu. Sao mà đoảng dữ vậy, mấy cha?

Cứ làm như thể là khi khồng khi không (cái) từ trên trời, có mấy triệu đứa Việt Nam rơi rớt xuống khắp cả địa cầu vậy. Đảng chỉ tiện tay gom cả đống lại cho nó gọn, rồi tiện miệng phán luôn: “Tụi tao đang kẹt lắm. Tụi bay sẵn có tiền, có của thì đóng góp cái này cái kia chút chơi nha.” Chơi như vậy có mà chơi với chó.

Nói gần, nói xa chả qua nói thiệt: chỉ có những thằng những con mất trí nhớ, hay tụi chó má, mới chơi (được) với tụi mày thôi.

------------------------------------

(*) Vinh danh nước Việt là giải thưởng do báo điện tử
VietNamNet sáng lập, có sự hợp tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và có nhiều đóng góp với đất nước. (Sự thực thì “vinh danh nước Việt” là giải thưởng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng lập, có sự hợp tác của báo VietNamNet” chứ không phải là ngược lại. Chú thích của tác giả).

Lần 1: Vinh danh nước Việt-2004, chủ đề “Mùa chim về tổ”
1.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng (sinh 1941, Bỉ): Có nhiều đóng góp trong việc hợp tác về đào tạo Cao học Bỉ-Việt.
2. Giáo sư-Tiến sĩ
nhân chủng học Lương Văn Hy (1953, Canađa): Có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu ngôn ngữ, tổ chức xã hội và kinh tế của Việt Nam bằng nhiều hình thức.
3. Tiến sĩ
Nguyễn Chánh Khê (1952, hiện đang định cư tại Việt Nam): Có 66 phát minh sáng chế tại Nhật và Mỹ, đem lại những ứng dụng kinh tế to lớn trong lĩnh vực máy vi tính, máy photocopy.
4. Giáo sư-Tiến sĩ
Trần Văn Khê (1921, Pháp, đã hồi hương): Có những đóng góp to lớn trong việc giới thiệu văn hóa nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng ra nước ngoài.
5. Giáo sư-Tiến sĩ
Đặng Lương Mô (ở Nhật, đã hồi hương): Từng nổi tiếng ở Nhật và nhiều nước trong chuyên ngành điện tử bán dẫn và thiết kế vi mạch.
6. Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ (1950,
Ôxtrâylia): Hiện định cư tại Việt Nam, là chủ nhiệm CLB doanh nhân Việt kiều, có những đóng góp rất lớn trong việc nối gần mối quan hệ giữa Việt kiều với trong nước.
7. Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn (1948, Mỹ): Việc chuyển đổi, mã hóa chữ Nôm, chữ quốc Ngữ trên máy vi tính là một trong những đóng góp điển hình của ông cho đất nước.
8. Nhạc trưởng
Lê Phi Phi (Maxêđônia): Giáo sư Trung tâm Âm nhạc và Múa Ilijia Nikolovski của Macedonia.
9. Giáo sư-Tiến sĩ âm nhạc
Nguyễn Thuyết Phong (Mỹ): Là người Việt thứ hai (sau GS Trần Văn Khê) được ghi tên và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển âm nhạc thế giới.
10. Tiến sĩ
Nguyễn Công Phú (1951, Pháp): Là chuyên gia quản lý các dự án lớn về điện, dầu khí, cầu đường tại hàng chục nước, ông tư vấn nhiều cho Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau về giao thông.
11. Tiến sĩ vật lý
Nguyễn Quang Riệu (1932, Pháp): Được giải thưởng của Viện hàn lâm khoa học Pháp về những thành tích Thiên văn Vật lý.
12.
Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn (1958): Giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 10.
13. Chuyên gia tài chính
Bùi Kiến Thành (1932, Mỹ): Có nhiều đóng góp có giá trị giúp Việt Nam trong phát triển đầu tư và hội nhập quốc tế về kinh tế, tài chính.
14. Tiến sĩ kinh tế
Trần Văn Thọ: Giảng viên có uy tín về thương mại quốc tế, kinh tế chuyển đổi… tại Nhật, là cầu nối quan trọng để nhiều sinh viên tại Nhật đi thực tế tại Việt Nam.
15. Tiến sĩ
Trịnh Xuân Thuận (1948, Mỹ): Nổi tiếng trong chuyên ngành thiên văn tại Mỹ và trên thế giới.
16. Giáo sư-Tiến sĩ kỹ thuật y sinh
Võ Văn Tới (1949, Mỹ): Thành viên Hội đồng quản trị Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) của Chính phủ Mỹ.
17. Giáo sư-Tiến sĩ vật lý
Trần Thanh Vân (1937, Pháp): Bắc đẩu bội tinh của Pháp, người tổ chức các hội thảo vật lý quốc tế mang tên Gặp gỡ Việt Nam.
18. Chuyên gia ngân hàng và đầu tư
Vũ Giản (1940, Thụy Sĩ): Giúp Việt Nam nhiều trong việc đào tạo, cải tổ ngân hàng đầu tư và chứng khoán tại Việt Nam.
19.
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị (1945, Pháp).

Lần 2: Vinh danh nước Việt-2005, chủ đề “Những sứ giả Lạc Hồng”
1. Tiến sĩ
Nguyễn Quốc Bình (Canada) – Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM
2. Tiến sĩ
Nguyễn Trọng Bình (Mỹ) – Khoa học gia ngành Sinh vật phân tử và công nghệ
3. Phó Giáo sư – Tiến sĩ
Nguyễn Lương Dũng (Đức), Cán bộ giảng dạy Đại học Bách khoa TP.HCM
4. Tiến sĩ
Nguyễn Trí Dũng (Nhật), giám đốc công ty NICD – Minh Trân
5. Hoạ sĩ
Lê Bá Đảng (Pháp)
6. Giáo sư – Tiến sĩ
Nguyễn Quý Đạo (Pháp)
7. Nhạc sĩ
Nguyễn Thiện Đạo (Pháp)
8. Bác sĩ
Bùi Minh Đức (Mỹ)
9. Tiến sĩ
Lê Phước Hùng (Mỹ)
10. Thạc sĩ
Phạm Đức Trung Kiên (Mỹ), giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam của Chính phủ Hoa Kỳ VEF
11. Giáo sư – Tiến sĩ
Đoàn Kim Sơn (Pháp), Đại học Cơ và Kỹ thuật hàng không ENSMA, CH Pháp.
12. Giáo sư toán học
Lê Tự Quốc Thắng (Mỹ) – Viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ
13. Ông
Phan Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HHNVNONN TPHCM (Canada)
14. Giáo sư – Tiến sĩ
Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia
15. Tiến sĩ –
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất (Nga), Chủ nhiệm khoa sáng tác Hàn lâm Viện âm nhạc tỉnh Novosibirsk.
Lần 3: Vinh danh nước Việt-2006
1. Giáo sư-Tiến sĩ
Trần Nam Bình, (Úc), PGS Trường Đại học New South Wales.
2. Tiến sĩ
Lê Quang Bình (Mỹ), Chuyên viên thiết kế bộ nhớ Flash của Tập đoàn Advanced Micro Devices (AMD)
3. Giáo sư-Tiến sĩ
Nguyễn Văn Chuyển (Nhật) Nguyên Trưởng khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng, Trường Đại học Phụ nữ Nhật Bản
4. Tiến sĩ
Đỗ Đức Cường (Mỹ), Chuyên gia cao cấp ngành Ngân hàng tại Hoa Kỳ, Đại sứ Thiện chí Liên hiệp quốc, Cố vấn cao cấp ngành Ngân hàng tại Việt Nam
5. Ô.
Trung Dũng (Mỹ), Giám đốc điều hành V-Home Group
6. Bác sĩ
Hoàng Anh Dũng (Bỉ), chuyên gia ghép tạng, đại học ULB
7. Bác sĩ
Quỳnh Kiều (Mỹ), Bác sĩ xuất sắc, Phụ nữ xuất sắc của Tiểu bang California
8. Giáo sư-Tiến sĩ
Thái Kim Lan (Đức), GS Trường Đại học Munich, Chủ tịch Hội Giao lưu Văn hoá Đức – Á của Munich
9. Giáo sư-Tiến sĩ Trần Minh Tâm (
Thụy Sĩ), GS Trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ tại Lauranne
10. Họa sĩ Văn Dương Thành (
Thụy Điển), Trường Cao học Công Dân
11. Linh mục
Nguyễn Đình Thi (Pháp), Chủ tịch Hội Huynh đệ tại Pháp
12. Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Gia Thụ (Canada), GĐ phòng Tính toán và Sử lý hình ảnh trường Đại học Moncton
13. Kỹ sư
Đỗ Anh Thư (Mỹ), TGĐ Quỹ Y tế – Văn hoá – Giáo dục cho Việt Nam – VNHELP
14. Tiến sĩ
Trương Nguyễn Trân (Pháp), GĐ Nghiên cứu Danh dự Trung tâm Vật lý Lý thuyết Trường Đại học Bách khoa Paris
15. Giáo sư-Tiến sĩ
Lê Dũng Tráng (Pháp), Viện sĩ, GĐ Trung tâm Toán học của Viện Hàn Lâm Thế giới tại Italy
16. Giáo sư-Tiến sĩ
Huỳnh Hữu Tuệ (Canada), Trường Đại học Laval
17. GS
Vũ Đức Vượng (Mỹ) GS trường Cao đẳng TP San Jose

----------------

Phản hồi
5 phản hồi (bài “Tưởng Năng Tiến – Viễn xứ và viễn ý”)

Hoàng Trường Sa nói:
28/09/2009 lúc 7:09 chiều
“Việc CP TQ ve vãn Hoa Kiều có xấu cho TQ không? Việc trí thức và thương gia TQ về cộng tác, làm ăn với TQ có xấu cho TQ không?
Tốt quá chứ xấu gì. Thế nào cũng có góp phần cho súng đạn chiếm thêm Trường Sa và Biển Đông.” (trích ý kiến của bác Dương Danh Huy)
Đúng vậy. Bác Huy nói không sai cho trường hợp của TQ. Tôi hiểu ý của bác Huy là muốn nói rằng nếu điều này tốt cho TQ, tại sao nó lại không tốt cho VN khi Chính phủ VN cũng làm y chang như vậy. Xin thưa là bác Huy đã quên là có rất nhiều điểm KHÁC BIỆT giữa hai nước TQ và VN về vấn đề này. Đây chính là điểm đau xót nhất của mọi người Việt hiện nay. Tôi xin kể sơ vài điểm thôi vì khó mà liệt kê ra tất cả.
1) Thứ nhất, người Hoa Kiều trên khắp thế giới hiện nay, tuyệt đại đa số là di dân kinh tế (nghĩa là bỏ xứ sở ra đi vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đi tìm nơi mưu sinh), trái lại đại đa số “Việt kiều” là người tỵ nạn chính trị vì không sống nổi với chính sách kỳ thị, khinh khi và đàn áp dã man của ĐCSVN (đặc biệt là ở miền Nam dưới thời ông Lê Duẩn sau năm 1975). Người Hoa Kiều không có quá khứ đau buồn với CP TQ như người Việt tỵ nạn CS đối với Chính phủ CHXHCNVN và nhà nước cũng như ĐCSVN;
2) Một sự khác biệt rất LỚN là người Hoa Kiều tuy có thể không thích CP TQ nhưng ít ra họ cũng có phần TỰ HÀO là ĐCSTQ đã đưa nước TQ thành hùng cường, được thế giới vị nể; trái lại người Việt tỵ nạn CS thì vừa ghét vừa KHINH chính phủ CHXHCNVN đã đưa đất nước tới chỗ suy kiệt, thua kém mọi nước trong khu vực, dâng đất bán biển của tổ tiên cho Tàu, trong khi đó lại tham nhũng cùng cực và bóc lột, đối xử một cách cực kỳ độc ác với nhân dân ta trong nước;
3) Chính sách của CSĐTQ đối với Hoa Kiều là nhất quán, trước sau như một, không cà giật, trước sau bất nhất, như chính sách của ĐCSVN. Thí dụ, một mặt thì kêu gọi Việt kiều đóng góp trí tuệ trong việc xây dựng đất nước, mặt khác lại ra Quyết định 97 không cho trí thức tự do nghiên cứu (đến nỗi Viện IDS phải tự giải thể);
4) Chính phủ TQ (có lẽ vì giàu hơn) nên rất hào phóng trong việc chi tiền để mời gọi kiều bào của họ trở về giúp nước, trái lại chính quyền VN (do tham nhũng và nghèo hơn) chỉ biết chăm chăm lợi dụng, bòn rút tiền bạc của Việt kiều;
v.v… và v.v…
Nói tóm lại, không phải điều gì đúng cho Tàu cũng đều đúng cho VN. Chỉ có một chính quyền VN thực sự vì dân vì nước do nhân dân VN tự do bầu ra và đem đến niềm tự trọng và tự hào cho mọi công dân VN (dù ở trong hay ngoài nước) mới có thể đoàn kết mọi người Việt khắp thế giới lại được. Lúc đó, không cần Nghị quyết nào, mọi người Việt khắp nơi đều sẽ TỰ ĐỘNG hăng hái kéo nhau về phục vụ Tổ quốc (trong đó có tôi). Tôi dám cam đoan với bác Huy như thế.

Hoàng Trường Sa nói:
28/09/2009 lúc 5:46 chiều
Tôi cũng xin đồng ý với hai bác Phùng Tường Vân và Lâm Hoàng Mạnh là bài này của tác giả Tưởng Năng Tiến là “tuyệt cú mèo”, “sơn cùng thủy tận”. Tôi xin thêm mấy lời khen khác nữa như “number one”, “đỉnh cao của viết phiếm luận”, v.v… Tác giả viết ngắn gọn nhưng dí dỏm, nên rất dễ đi vào lòng người đọc.
Cảm nghĩ của tôi sau khi đọc xong bài là vô cùng ngao ngán trước sự trơ lì (có thể nói là ngốc nghếch, đần độn, vô liêm sỉ) của đoàn hát xẩm tân thời do ĐCSVN đưa ra để dụ khị đám người Việt tỵ nạn cộng sản mà ĐCSVN ưu ái gọi là “Việt kiều”, nhưng chúng tôi thường hay nói đùa với nhau là đám “Vịt cừu” (tức là đám người Việt đã gạt nước mắt liều chết bỏ nước ra đi vì không sống nổi với chính sách hà khắc, bất nhân, ác độc của “đảng ta”). Đoàn hát xẩm của “đảng ta” đang tìm đủ mọi cách để đồng hóa người Việt tỵ nạn cộng sản trên toàn thế giới như là “con dân của nước CHXHCNVN đang sống xa quê hương”. Có thể nói là trên một vài khía cạnh, bài này bổ túc và truyền đạt được những gì gói ghém trong bài viết rất hay
Nghị quyết 36 ư ? – trật lấc ! của tác giả Bùi Tín.
Tuy nhiên, tôi xin mạo muội không đồng ý với bạn Phùng Tường Vân về ý kiến của bạn Tường Vân về chữ “đoảng” mà tác giả Tưởng Năng Tiến đã sử dụng. Theo ngu ý của tôi, chữ đoảng này là chính xác. Nó nói lên tính cách sai trái, lỳ lợm và ẩu tả của ĐCSVN khi đề ra cái nghị quyết 36 quái đản này. Chữ “đoản” không phù hợp với ngữ cảnh trong đoạn văn của bác TNT. Tôi nhớ người dân Huế thường dùng chữ đoảng này (có khi còn nói là đoảng hậu) để chỉ thái độ ẩu tả, không đàng hoàng và thiếu tư cách. Cho nên, câu “sao mà đoảng dữ vậy cha”, theo tôi nói lên nhiều điều hơn là câu “sao mà ẩu dữ vậy cha”. Còn người miền Bắc thì tuồng như dùng chữ “đoảng” theo nghĩa là thiếu khéo léo, vụng về, không đảm đang (thí dụ như người vợ đoảng, người dâu đoảng v.v…).

Dương Danh Huy nói:
28/09/2009 lúc 2:34 chiều
Hoa Kiều về giúp và làm ăn với Trung Quốc nhiều gấp bội lần Việt Kiều về giúp và làm ăn với Việt Nam.
Mà CP Trung Quốc ve vãn Hoa Kiều một cách quy mô hơn CP Việt Nam xa xôi. Họ tài trợ việc dạy tiếng Tàu ở nước ngoài, tài trợ các chương trình văn hoá, tổ chức trại hè ở TQ để tạo cơ hội và khuyến khích thanh thiếu niên Hoa Kiều “về nguồn”.
Việc CP TQ ve vãn Hoa Kiều có xấu cho TQ không? Việc trí thức và thương gia TQ về cộng tác, làm ăn với TQ có xấu cho TQ không?
Tốt quá chứ xấu gì. Thế nào cũng có góp phần cho súng đạn chiếm thêm Trường Sa và Biển Đông.

Phùng Tường Vân nói:
28/09/2009 lúc 1:21 chiều
@”…sao mà ĐOẢNG dữ vậy”
văn chương “cúng cụ” của ông như vậy, có chữ “tuyệt cú mèo” thì người khác dùng mất rồi cho nên tôi cho là “sơn cùng thủy tận” rồi, nghĩa là không có thể chen vào được chữ nào nữa, ấy vậy mà tôi lại thấy cái chữ ĐOẢNG nó phải là chữ ĐOẢN ông ạ. “Sao mà đoản dữ vậy”!

Lâm Hoàng Mạnh nói:
28/09/2009 lúc 11:48 sáng
Hoan hô bác Tưởng Năng Tiến, tuyệt cú mèo!
Hồi bé, hễ đi qua bến đò Bính, bến sông Tam-Bạc Hải phòng, thường thấy một người đàn bà mù lòa (?) (đeo kính dâm to bản), tay cầm chiếc nhị (đàn cò), miệng hát (than)… mỗi lần hết một khổ (thơ than), vội khẩn thiết van xin lòng từ thiện : ông đi qua bà đi lại, thương mẹ con cháu, mù lòa côi cút, bớt chút dăm xu một hào… thằng con (khoảng 7-8 tuổi) cầm cái nón mê (rách nát) đến từng người chìa ra xin. Nhìn và nghe sao thảm thế.
Hát xẩm đang được nhà nước CHXHCNVN đề nghị UNESCO công nhận Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể cho nên “Ngồi ngửa nón giữa chợ (đời)” nhỡ vớ được “Vịt Cừu” và kiếm luôn cái bằng di sản phi vật thể, có phải “Nhất cử lưỡng tiện không nào”!
Đọc bài bác TNT, hình ảnh mụ ăn mày tự nhiên tôi thấy là tay đàn ông trên 60, quần áo sang trọng, nhưng bộ đồ nghề vẫn chiếc đàn cò, bài hát được cải biên (nghị 36) và đứa bé cầm nón (đã già) cũng cỡ 60 vừa đàn vừa hát giữa chợ Vịt Cừu (quốc tế)!
Chắc cũng niều người mủi lòng, sẵn sàng rút (ruột) đóng góp.

-------------------------------


Ý kiến về nghị quyết 36: Nghị quyết 36 ư ? - trật lấc!
Bùi Tín

Ðưa lên lenduong.net
ngày 7/09/2004
Cập nhật: 7/09/2004

http://www.lenduong.net/spip.php?article9643

Họ leo lẻo: NQ36 tỏ rõ sự quan tâm của đảng và nhà nước với 3 triệu bà con ta ở nước ngoài.
Tôi đánh giá: giả dối! đạo đức giả! trâng tráo!

Họ uốn lưỡi: NQ36 sẽ khuyến khích bà con ta hướng về quê hương và tham gia xây dựng đất nước.
Tôi đánh giá : ảo tưởng ! đến tết công-gô !

Vì sao ? - Vì những người chuẩn bị cho NQ, dự thảo NQ, thông qua NQ vẫn giữ nguyên cái não trạng cổ lỗ: trịch thượng, ban ơn, bố thí, làm cha mẹ dân đen !

Vì sao nữa ư ? - Vì những người như ông Vũ Khoan, ủy viên ban bí thư trung ương, phó thủ tướng, như ông Nguyễn Phú Bình thứ trưởng ngoại giao, chủ nhiệm ủy ban người Việt ở nước ngoài, 2 nhân vật chủ chốt viết nên bản dự thảo NQ này, cũng có chút ít học vấn, cũng có đi đâu đó ra nước ngoài, có phải là u mê mít đặc đâu, mà khi đề cập đến vấn đề người Việt ở nước ngoài lại quên khuấy đi - hay cố tình giả bộ quên - vấn đề đầu tiên là : do đâu mà có 3 triệu người Việt rải rác khắp nơi ? Phải đi từ nguyên nhân cơ bản mới nhìn ra vấn đề và giải quyết vấn đề chứ !

Vậy nguyên nhân cơ bản ấy là gì ? Họ có dám nhìn vào sự thật hay không ? Hay vẫn cứ giả chột, giả mù? Xin nói thẳng ra là: hèn !

Vậy xin thưa : số đông bà con ta lớp lớp gạt nước mắt bỏ nước ra đi, trên những tàu thuyền ọp ẹp, trước sóng to gió lớn của biển cả hung dữ, chỉ vì một lọat chính sách: "trả thù", "phân biệt đối xử", "hạ nhục kẻ thua trận", "cải tạo bằng nhà tù", "diệt trừ tư sản", "cưỡng bức đi kinh tế mới", "xét theo lý lịch", "hộ khẩu thành phố không cấp cho bọn ngụy"... Để đến mức người dân có lương tâm và tự trọng cảm thấy bơ vơ lạc lõng trên chính quê hương mình; đến độ cái cột đèn có chân cũng phải ra đi...

Những vị làm ra NQ 36 của đảng CS lẽ ra nên hỏi ý kiến các vị CS lão thành như ông Trần Trọng Tân chẳng hạn, khi về hưu rồi, ngẫm nghĩ sự đời một cách ngay thật, đã kiến nghị với đảng "nên chú ý đến tâm trạng nặng nề của những nạn nhân do sai lầm các chính sách của đảng", hay ông Dương Đình Thảo từng là phó bí thư thành ủy Sàigòn: "đảng ta đã mắc nhiều sai lầm rất nghiêm trọng, phải kiểm điểm nghiêm túc, nếu không tôi có cảm giác chẳng bao lâu nữa đảng sẽ mất quyền lãnh đạo."
Cho nên sòng phẳng mà nói đại đa số người Việt ở nước ngoài là nạn nhân, mà kẻ gây nên quốc nạn ấy chính là đảng CS với những chính sách "đại đoàn kết (!)", "rộng lượng, bao dung, nhân đạo(!)" lộn ngược như kể trên.
Đó là chưa kể đến vụ Công an theo lệnh đảng bán bãi, bán tàu, thuyền, bán chỗ ngồi, thu vàng, thu cả nhà cửa tài sản, rồi bắt đi bắt lại nhiều lần...; và do lòng tham không đáy mà tàu ọp ẹp, máy hỏng, quá tải, bị hải tặc, bị giông tố, biết bao nhiêu bà con ta chết chìm tức tưởi dưới đại dương!

Nay kẻ tội phạm - những tội ác chồng chất, khủng khiếp, rụng rời, với số nạn nhân chưa biết nổi là bao nhiêu - qua NQ 36 lại rủ lòng thương hại ban ơn cho những nạn nhân còn sống sót, do chính mình gây ra. Thật là ngang ngược, thật là mỉa mai, phải nói (xin lỗi nếu ai đó nghe nghịch nhĩ) thật là đểu cáng!

Cho nên, theo tôi, muốn tạo nên mối quan hệ mới giữa đồng bào ở hải ngoại với chính quyền CS trong nước, NQ36 chỉ thiếu có 2 chữ : "xin lỗi !"
Ở một nước văn minh, chỉ sơ sơ đụng chạm nhau, ai cũng biết mở mồm : xin lỗi ! Vậy mà kẻ phạm những tội ác nhiều vô kể, nặng vô biên, vẫn nhâng nháo ban ơn, vênh váo dạy bảo những nạn nhân của mình !

Ở các nước Đông Âu, các sứ quán VN cũng chìa ra NQ36 để uốn lưỡi ban ơn. Tôi xin kể lại lời một bạn trẻ ở chợ Sân vận động Vacsava đầu tháng 8/2004: "Các quan chức trong sứ quán là hình ảnh thu nhỏ của chính quyền trong nước. Bọn họ quan liêu, ăn bẩn không thể tưởng, chuyên lợi dụng chức quyền về cấp giấy tờ, vida, đi về nước để hành, rồi móc túi bà con ta; họ quyên tiền "xóa đói giảm nghèo" nhưng chẳng có biên nhận, biên lại gì hết.
Họ ba hoa về NQ36, nhưng chính là do chính sách của đảng CS không mang lại ấm no, không có tự do tối thiểu đã buộc chúng tôi phải sang đây kiếm ăn vất vả lắm ! thế mà họ còn bám theo như đỉa để hành hạ và móc túi bà con ta !"

Đó, 3 triệu bà con ta khắp nơi "hoan hỉ" đón nhận NQ 36 như vậy đó.

Báo chí trong nước loan tin, sau NQ36 của Bộ chính trị, chính phủ sẽ có chương trình hành động mọi mặt; có nhiều sáng kiến như: mời chuyên gia về giúp nước, mở trại hè cho thanh niên trong và ngoài nước, in sách học tiếng Việt cho ngoài nước, có ngân sách lớn cho NQ36...
Xin chớ đánh giá thấp ý thức chính trị, lòng tự trọng của bà con ta ở nước ngòai. Sẽ có ngày vỡ mặt ! Xin hỏi ngay các vị đã ca ngợi "đảng ta", "nhà nước ta" như các trí thức Việt kiều Nguyễn Đăng Hưng ở Bỉ, Đặng Lương Mô ở Nhật, Nguyễn Chánh Khê ở Mỹ xem; có khi ngay các vị đã quỳ gối này cũng không ngửi nổi cái NQ36, lời lẽ xưa cũ đến 20, 30 năm !

Cho nên có ai hỏi NQ36 có đáp ứng nguyện vọng của bà con ta ở hải ngoại và dụ dỗ được bà con không ?
Tôi xin khẳng định rất gọn: Trật lấc

Bùi Tín. Paris. 5/9/2004.

No comments: