Sunday, September 27, 2009

NHỮNG CON ÉN LÀM NÊN MÙA XUÂN

Những con én làm nên mùa xuân
Ngọc Lan/Người Việt
Friday, September 25, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101823&z=1
Như tin đã đưa, vừa qua, nguyên toàn bộ học khu Garden Grove, với gần 48,000 học sinh, có 4 học sinh vào được vòng bán kết cho học bổng National Merit, một học bổng lớn và nổi tiếng tại Hoa Kỳ được nhiều học sinh giỏi theo đuổi.
Trong số 4 em đó, có 3 em học trường La Quinta High School. Cả 3 em đều mang họ Việt Nam, đó là Peter Ðoàn, James D. Nguyễn và Tiffany Tonnu.
Phóng viên người Việt đã có cuộc tiếp xúc với các em để tìm hiểu thêm về việc học tập cũng như sự tác động của gia đình đến việc học của các em như thế nào.

Peter Ðoàn
Sanh ra tại Mỹ, Peter Ðoàn là anh cả trong gia đình có 3 anh em, hiện đang sống tại Foutain Valley cùng bố mẹ.
“Từ lúc mới sanh cho đến khi bước chân vào trường học thì Peter không hề biết tiếng Anh và biết đọc chữ, bởi ở nhà mẹ chỉ nói toàn bằng tiếng Việt. Thế nên kết quả bài kiểm tra trước khi Peter vào lớp 1 chỉ đạt dưới mức yêu cầu,” chị Liễu, mẹ của Peter kể về những ngày đầu đến trường của Peter như thế. “Nhưng khi vào học thực sự thì cô giáo đã khen Peter thông minh. Hết lớp 1 thì em được vào chương trình Gate Program và theo học chương trình đó luôn.”
Từ khi Peter đi học thì mẹ luôn là người kề cận và hỗ trợ cho em, đặc biệt là môn Toán. Có điều, “mẹ dạy toán theo cách Việt Nam, Peter phải chuyển từ cách Việt Nam sang cách Mỹ để hiểu.” Từ lớp 8 trở đi thì Peter hoàn toàn chủ động trong việc học của mình. Hiện tại, “bài vở trong trường cũng hơi nhiều nhưng cháu vẫn làm được,” Peter nói. Peter đã lấy xong 6 lớp AP ở năm học trước, năm nay lấy tiếp 5 lớp nữa.
Học giỏi là vậy, nhưng Peter còn nhiều thứ đam mê khác, như thích chơi đàn guitar, chơi với bạn bè, đặc biệt là “mê chơi game dữ lắm.”
Những đứa trẻ ngoan ngoãn và học giỏi phần lớn đều xuất phát từ sự quan tâm và hỗ trợ của gia đình. Mẹ Peter tâm sự, “Tôi chưa bao giờ rời khỏi con mình. Sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ là quan trọng. Tôi cũng hay la rầy con, nhưng không đứa nào giận mẹ, bởi chúng nhìn thấy mẹ thực sự quan tâm chăm sóc chúng từ những điều nhỏ nhặt nhất.”
Quan tâm đến việc học của con không có nghĩa là bố mẹ ép con phải thành con mọt sách. Bố mẹ Peter quan niệm, sau giờ ở trường về nhà, làm bài xong thì các con được chơi. Mùa Hè, mẹ Peter cũng nhắc con học bằng việc mua những quyển sách ôn tập để anh em Peter làm bài, làm xong thì lại chơi. Có lẽ nhờ vậy mà vào năm học, kiến thức các em không bị quên lãng, việc tiếp thu bài mới dễ dàng hơn.
Ở nhà, cả ba anh em Peter mỗi người đều có một máy vi tính riêng, nhưng cả ba máy đều đặt trong tầm mắt ba mẹ, chứ không được đặt nơi riêng biệt, cho nên “có muốn làm gì cũng không được.” Ðó là cách bố mẹ Peter “quản lý” con cái mình.
Ðể chuẩn bị cho vòng thi chung cuộc của học bổng National Merit, Peter sẽ còn phải viết một bài luận văn nói về những khó khăn mà mình đã gặp phải trong cuộc sống và kinh nghiệm đã vượt qua nó như thế nào.
Tuy nhiên, như mẹ Peter nói “Peter thường chờ đến giờ cuối mới làm,” nên “khoảng một tuần nữa cháu mới nghĩ xem sẽ viết về cái gì,” Peter nói với Người Việt.
Nói về ước mơ cho tương lai, Peter chia sẻ, “Cháu muốn học làm bác sĩ về chuyên khoa thần kinh.” Bởi, “cháu thấy cái đầu của mình nó hay quá, cái gì mình làm đều từ cái đầu mà ra nên cháu muốn tìm hiểu về nó, học về cái đó thôi.”
Theo Peter, bên cạnh gia đình thì thầy cô giáo đã đóng vai trò giúp đỡ động viên để em cố gắng học cao hơn. Trả lời câu hỏi nhận xét như thế nào về các bạn học sinh Việt Nam so với các sắc dân khác, Peter cho biết, “Việt Nam hay Spanish cũng đều giống nhau hết. Chỉ vì ở đây nhiều người Việt Nam hơn nên nhìn đâu cũng thấy Việt Nam học giỏi, chứ trong lớp nhiều bạn Mỹ trắng hay Spanish cũng học giỏi nữa.”

James Nguyễn

Là bạn học chung từ tiểu học với Peter Ðoàn, James Nguyễn cũng có nhiều điểm tương đồng với Peter. James là anh trai cả trong gia đình có ba anh em, hiện đang sống cùng bố mẹ ở thành phố Santa Ana.
James được theo học chương trình Gate từ năm lớp 2 và cũng tham gia học những lớp AP. Với James, ngay từ nhỏ đã được ba mẹ tập cho tính tự lập trong việc học. Bố mẹ chỉ đóng vai trò là người động viên khuyến khích, chỉ dẫn cho con điều gì hay, điều gì tốt, phần quyết định vẫn là bản thân James. Ðó là cách mà anh Nguyễn Duy Hà, bố của James, áp dụng trong việc hướng dẫn con mình.
Theo lời bố của James thì James biết quân bình giữa việc học và việc chơi. Ngoài giờ học, em còn tham gia vào các hoạt động khác trong trường.
Bằng giọng nói rất sõi tiếng Việt, James cho hay, “Khi mới bắt đầu tham gia vào thi này, con cũng hơi lo sợ không biết mình có vào được chung kết không. Cho nên khi cô hiệu trưởng kêu cho biết con được vào vòng bán kết, chuẩn bị cho vòng final, con rất mừng.”
Khi được hỏi em sẽ viết gì trong bài luận văn nộp cho vòng thi cuối cùng sắp tới, James nói ngay, “Con sẽ viết Eagle Scout. Con viết về kinh nghiệm mà con đã đạt được cấp bậc đó trong quá trình sinh hoạt hướng đạo.” James nói em sẽ cố gắng để đạt được học bổng National Merit này, “trước là cho ba mẹ vui, sau nữa là cho bản thân con, bởi tiền vào đại học rất mắc, nếu có được học bổng này thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.”
Về kết quả bước đầu của con trai mình, chị Nguyễn Hoài Thu, mẹ của James, nói, “Tôi mừng lắm. Rất vui và rất hãnh diện.” Theo chị Thu, “Ở Mỹ này không gì quan trọng bằng việc giáo dục con mình và cũng không ai chăm con bằng tình mẹ thương con.” Từ suy nghĩ đó mà ngay từ lúc James chào đời, hai vợ chồng chị đã ngồi xuống nói chuyện với nhau và chị bằng lòng ở nhà để chăm sóc các con và gia đình cho đến hôm nay.
Chính sự quan tâm rất sát của người mẹ đã tạo nên một khối gắn kết thân mật giữa các thành viên trong gia đình James với nhau. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, James đều trao đổi với mẹ, hỏi ý kiến mẹ, và không giấu diếm bất cứ điều gì, dù là lỗi lầm. “James sống với gia đình nhiều lắm.” Mọi sinh hoạt của gia đình đều có sự tham gia đầy đủ của năm thành viên.
Chị Thu chia sẻ, “Tuổi của James đang là tuổi ham chơi, cho nên đôi lúc James cũng muốn bỏ sinh hoạt này kia, nhưng khi mẹ giải thích thì bao giờ James cũng nghe theo.” Nếu các ngày đi học, James không được mẹ cho “đụng” tới game, thì từ chiều Thứ Sáu cho đến hết ngày Thứ Bảy, James tha hồ chơi game cho thỏa thích. “Cũng phải tạo cho con có những thì giờ thoải mái vui chơi, chứ không hoàn toàn gò ép con. Từ những cái thoải mái mà con cái có được, chúng sẽ đáp ứng lại yêu cầu của bố mẹ,” mẹ James nói tiếp.
Nói về ước mơ của mình cho mai sau, James tâm sự, “Con ước muốn sẽ học đại học Stanford hoặc UC Berkeley. Con sẽ theo học engineering hoặc bác sĩ bởi các ngành đó rất thú vị với con.”
James tiếp, “Nếu học bác sĩ, con sẽ học làm bác sĩ gia đình.” Vì sao? “Bởi con luôn muốn hoạt động nói chuyện với người ta. Làm bác sĩ về óc hay tim thì thường hay mổ, lúc đó người ta ngủ không à!” Tôi bật cười với cách lý giải rất dễ thương của James về lý do sẽ chọn học làm bác sĩ gia đình của mình.
Ngoài việc học, James thích đọc sách, vẽ, và tham gia các hoạt động trong trường. “Con hên là học trường La Quinta, các thầy cô giáo ở đó rất thoải mái, rất tử tế với học trò. Thầy cô dạy tốt lắm,” James nhận xét về ngôi trường mình đang theo học như thế.

Tiffany Tonnu
Người thứ ba mang lại vinh dự cho trường trung học La Quinta là một cô gái, Tiffany Tonnu.
Không được cái may mắn như Peter và James là hưởng trọn vẹn tình yêu thương và sự quan tâm chu đáo của bố mẹ, Tiffany lớn lên trong sự bảo bọc, yêu thương của mẹ và hai anh trai mình, từ năm 4 tuổi.
“Tiffany là nguồn hạnh phúc của tôi,” chị Jennifer Lê, mẹ Tiffany nói với Người Việt. Lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, Tiffany ngay từ nhỏ đã có ý thức tự lo cho việc học của mình và em đã học rất giỏi. Không biết bao nhiêu giải thưởng, bằng khen, cup mà Tiffany đã mang về nhà, nhưng “mẹ đừng bao giờ khoe con học giỏi với người khác. Nhiều người còn giỏi hơn con.” Tiffany nói với mẹ như thế.
Mẹ Tiffany kể, một lần năm học lớp 9, Tiffany tham dự một cuộc thi đánh vần do Orange County tổ chức, và em đoạt giải. Khi ấy người bạn thân của em đã khóc vì rớt, thế là Tiffany cũng khóc vì thương bạn, “mẹ nhường phần thưởng của con cho bạn đi!”
Ði làm từ khi trời vẫn còn chìm trong đêm, nên tự lúc nào đã thành một cái lệ: mỗi sáng sau khi đến trường, Tiffany đều gọi điện thoại cho mẹ biết “Con đã đến trường rồi.” Sau đó, Tiffany mô tả đầy đủ cho mẹ biết là ngày hôm đó em mặc quần gì, áo gì, giày dép ra sao để mẹ ghi xuống, “Lỡ có chuyện gì xảy ra, mẹ còn biết đường mô tả với người ta.” Một ý tưởng thật lạ!
Tiffany học giỏi môn sinh vật nhưng em lại không có mộng theo học bác sĩ. Niềm đam mê của Tiffany là chuyện viết lách, nghiên cứu về ngôn ngữ và trở thành cô giáo. “Con nhìn thầy cô giáo con thấy vui lắm. Con thích mình cũng sẽ như vậy,” Tiffany nói. Biết được sở thích của em, thầy giáo giới thiệu cho Tiffany theo học những lớp mùa Hè chuyên về Writing tại trường California Art Institute từ năm lớp 10.
Ngoài giờ học, Tiffany còn đi làm thiện nguyện trong bệnh viện Fountain Valley, làm cho Red Cross, đi dạy kèm 6-7 tiếng một tuần. “Ði dạy kèm rất vui. Mỗi khi thấy có bạn nào rớt thì thật buồn, con khuyến khích bạn cố gắng hơn. Bạn chăm học hơn, con cũng ráng sức giúp đỡ, cùng động viên nhau ‘phải lấy A, phải lấy A.’ Khi bạn đạt được điều đó, con cảm thấy vui lắm. Con hiểu giá trị của việc học mà,” bằng ngôn ngữ vừa Anh vừa Việt, Tiffany diễn tả công việc mình làm tại trung tâm dạy kèm một cách thú vị.
Cho bài luận văn sắp tới, Tiffany cho biết, “Thầy giáo hướng dẫn con viết về điều gì làm mình hạnh phúc trong cuộc sống, đó chưa hẳn là tiền. Quan trọng là 'happy life.' Hãy làm những điều mình thích trước, tiền bạc sẽ đến sau. Ðó là những gì con thể hiện trong bài luận của mình.”
Học giỏi từ nhỏ, nhưng đôi ba lần Tiffany cũng có điểm B. “Khi đó con cũng buồn. Mẹ thì không bao giờ la con chuyện đó, vì con đã cố gắng lắm rồi,” cô bé cười hiền lành khi nói về những lúc việc học không như mong muốn.
Nói về ước mơ của mình, Tiffany cũng cười, “Con chỉ muốn luôn vui vẻ, hạnh phúc. Con mới 17 tuổi, con cũng chưa nghĩ gì nhiều. Chỉ hy vọng sẽ đạt được học bổng sắp tới và vào được một trường đại học mà mình thích.”
Với Tiffany, mẹ cũng là người chia sẻ với em mọi chuyện. Ngày nào, Tiffany cũng gọi điện cho mẹ vài lần, cũng chỉ để hỏi, “Mẹ ơi, mẹ khỏe không? Có sao không? Mẹ có nhớ con không?” Mẹ em thì chỉ “ước mong con học giỏi để sau này không phải cực khổ thức khuya dậy sớm đi làm như mẹ. Thêm vào đó, con học giỏi, thành tài, sau này còn giúp đỡ người khác.”


Có chưa tới 1% số học sinh toàn quốc lọt vào được vòng bán kết học bổng National Merit. Tổng số học sinh toàn quốc sẽ được trao học bổng này là 8,200 em, với tổng trị giá học bổng lên tới $36 triệu. Ðể được nộp đơn xin học bổng National Merit, học sinh phải đạt điểm cao trong hàng Top 1% kỳ thi PSAT năm lớp 11.
Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào khoảng Tháng Tư, năm 2010. Cầu chúc tất cả các em sẽ đạt được điều mình mơ ước, trước cho bản thân, sau cho gia đình, và cũng là niềm vinh dự chung cho cộng đồng Việt Nam tại đây. (N.L)

No comments: