Sunday, September 27, 2009

VỀ cơ quan THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM


Công cụ tuyên truyền và sự sắc bén (phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-09-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-instrument-of-propaganda-and-the-sharp-part1-tvan-09262009112402.html
Hôm 19 tháng 9, khi tường thuật về việc Thủ tướng Việt Nam thăm Hungary, Thông tấn xã Việt Nam đã phạm một sai lầm nghiêm trọng.
Đó là đã kể như thật về một cuộc hội kiến, mà trong thực tế chưa bao giờ xảy ra, giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và bà Szili Katalin...
Đáng chú ý là sai lầm của Thông tấn xã Việt Nam đã trở thành sai lầm của cả hệ thống truyền thông Việt Nam, khi có rất nhiều báo in, đài truyền hình, đài phát thanh đồng loạt sử dụng tin này.
Sự kiện vừa đề cập khiến người ta liên tưởng tới một chỉ thị mà Thủ tướng Việt Nam, ban hành hồi giữa tháng chín. Qua đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đề ra một số giải pháp, nhằm giúp Thông tấn xã Việt Nam trở thành một “hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế, phù hợp với sự phát triển chung của báo chí thế giới”.
Những giải pháp và yêu cầu của ông Dũng với Thông tấn xã Việt Nam khả thi tới mức nào? Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình…

Tại Việt Nam, tất cả các phương tiện truyền thông đều nằm dưới quyền kiểm soát và chi phối của đảng CSVN. Mọi tiếng nói khác biệt đều bị qui cho tội "tuyên truyền chống phá nhà nước". AFP PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-fate-of-democracy-in-Vietnam-TQuang-07202009161906.html/Vietnam-newspaper-305.jpg

Liên tục phạm sai lầm
Sai sót mới nhất của Thông tấn xã Việt Nam là nhầm lẫn không thể hiểu được, về nhân vật đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội của Hungary.
Bà Szili Katalin – nhân vật được Thông tấn xã Việt Nam “cho” gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Chủ tịch Quốc hội Hungary, vốn đã từ nhiệm từ ngày 14 tháng 9.
Người thay bà Szili Katalin trong vai trò Chủ tịch Quốc hội Hungary là ông Katona Bela.

Thế nhưng khi đưa tin về cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Hungary, hôm 19 tháng 9, Thông tấn xã Việt Nam vẫn tường thuật là ông Nguyễn Tấn Dũng đã “gặp” bà Szili Katalin. Thậm chí, Thông tấn xã Việt Nam còn kể rằng – xin dẫn nguyên văn: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng ngài Szili Katalin mới được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Đáng lưu ý là cả Thông tấn xã Việt Nam lẫn những cơ quan truyền thông Việt Nam đã sử dụng tin Thông tấn xã đều không biết mình phạm sai lầm nghiêm trọng. Sai sót này do một số blogger như Hoàng Linh, Đông A phát giác và sau đó, nhiều diễn đàn điện tử cùng nêu thắc mắc. Một số blogger đã xem sự kiện này như bằng chứng đáng xấu hổ cho cả nền báo chí Việt Nam.
Mãi tới ngày 24 tháng 9, Thông tấn xã Việt Nam mới lẳng lặng sửa lại sai sót vừa kể trong tin đã đưa trên website của mình và giống như nhiều lần trước đó, Thông tấn xã Việt Nam không hề xin lỗi, cũng chẳng thèm cám ơn những người đã góp ý.

Trong một bài viết ngắn có tựa là “Một nền báo chí đáng xấu hổ”, blogger Đông A nhận xét: Với kiểu đưa tin như vậy mà Thông tấn xã Việt Nam lại được trao “quyền được tuyên bố” thì thật là nguy hiểm!

Đây không phải là lần đầu tiên Thông tấn xã Việt Nam phạm sai lầm. Hôm 14 tháng 8, cơ quan này đã từng phạm một sai lầm còn nghiêm trọng hơn sai lầm vừa kể bởi nó liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Lúc đó, trong tin tường thuật sự kiện 25 ngư dân Việt Nam được Trung Quốc trả tự do, Thông tấn xã Việt Nam mặc nhiên xác nhận đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa – đang bị Trung Quốc chiếm đóng và dùng làm nơi giam giữ 25 ngư dân Việt Nam - là... lãnh thổ Trung Quốc!
Sai lầm mới đề cập cũng do một số blogger phát giác và được một số diễn đàn điện tử như Bauxite Việt Nam, Talawas phân tích. Giống như thường lệ, Thông tấn xã Việt Nam lẳng lặng sửa lại sai sót trong tin đã đưa trên website của mình và không hề xin lỗi, cũng chẳng thèm cám ơn.

Đặc quyền bác bỏ, cải chính
Chính những chuyện như vừa kể đã làm gia tăng sự ngạc nhiên của công chúng khi ngày 14 tháng 9, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam ban hành một Chỉ thị, giao thêm cho Thông tấn xã Việt Nam rất nhiều quyền.
Ngoài việc được phép “ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc về các vấn đề thời sự, những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia”, Thông tấn xã Việt Nam còn có quyền “cải chính những thông tin sai lệch với những quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước”.

Bên cạnh việc giao cho Thông tấn xã Việt Nam những quyền trên, Thủ tướng Việt Nam còn yêu cầu: Các cơ quan báo chí và truyền thông trong nước có trách nhiệm sử dụng nguồn tin chính thống của Thông tấn xã Việt Nam theo đúng quy định hiện hành.
Đối với những tin, bài, tài liệu, văn kiện chính thức, các cơ quan báo chí và truyền thông phải sử dụng nguyên bản. Các trường hợp khác cần biên soạn ngắn gọn nhưng phải đảm bảo tính toàn diện, trung thực, trong trường hợp trích dẫn không được làm sai lệch nội dung thông tin.


Đồng thời, ông Dũng ra lệnh: Các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có trách nhiệm chủ động và ưu tiên cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, chính xác cho Thông tấn xã Việt Nam để đảm bảo phục vụ tốt nhất công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác.

Vì sao Thông tấn xã Việt Nam lại được chính quyền Việt Nam ưu ái như vậy? Trong Chỉ thị đã dẫn, ông Nguyễn Tấn Dũng giải thích: Thông tấn xã Việt Nam là công cụ sắc bén trên mặt trận đấu tranh thông tin, chỉnh hướng những thông tin sai lệch, phản bác những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Cũng theo ông Dũng, sở dĩ Thông tấn xã Việt Nam được dành hàng loạt đặc quyền bởi: Đã có nhiều nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thông tấn Nhà nước, là hãng tin tức quốc gia cung cấp thông tin thời sự chính thống cho các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhân dân.

Mâu thuẫn
Những nội dung vừa dẫn khiến người ta có cảm giác chính chúng mâu thuẫn với nhau.
Ông Vũ Đình Trọng, một biên tập viên của tờ Viet Herald tại Nam California nhận xét: Về mặt ngữ nghĩa, Thông tấn xã hay Hãng thông tấn là cách gọi một tổ chức truyền thông, chuyên thu thập thông tin và làm ra các sản phẩm thông tin như tin, bài, hình ảnh,... để cung cấp cho khách hàng là những cơ quan truyền thông khác.
Thông tấn xã hay Hãng thông tấn có thể đại diện cho một chính phủ như Thông tấn xã Việt Nam, hay một tổ chức truyền thông độc lập, chuyên kinh doanh các sản phẩm thông tin như nhiều hãng tin mà chúng ta đã biết.
Tuy nhiên, dù đại diện cho chính phủ hoặc chuyên kinh doanh thông tin thì Thông tấn xã hay Hãng thông tấn vẫn phải tuân thủ các tiêu chí của truyền thông, đó là thông tin vừa phải nhanh, vừa phải trung thực, chính xác, toàn diện.
Do vậy, chỉ xét riêng về ngữ nghĩa, không cơ quan thông tấn nào có thể vừa thực hiện vai trò thông tấn, vừa đảm nhận nhiệm vụ “công cụ tuyên truyền”, bởi đây là hai loại hành vi mâu thuẫn với nhau ngay từ bản chất.
Ai cũng biết tuyên truyền là nhào nặn thông tin rồi vận dụng các phương tiện truyền thông để dẫn dụ quần chúng nhận thức, hành động nhằm đến mục tiêu nào đó có lợi cho mình.
Tôi có theo dõi tin tức của Thông tấn xã Việt Nam và cũng đã xem qua chỉ thị của ông Nguyễn Tấn Dũng về việc “Tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong tình hình mới”. Trước nay, Thông tấn xã Việt Nam mới chỉ chứng minh được vai trò “công cụ tuyên truyền”. Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện vai trò này, họ cũng chưa “sắc bén” như nhận định của ông Dũng.

Khi chỉ thực hiện vai trò “công cụ tuyên truyền” và liên tục phạm sai lầm, liệu Thông tấn xã Việt Nam có thể trở thành “một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế, phù hợp với sự phát triển chung của báo chí thế giới” như ông Dũng yêu cầu? Trong bài tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thêm câu trả lời cho thắc mắc này. Mời quý vị đón nghe.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


Công cụ tuyên truyền và sự sắc bén (phần 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-09-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-instrument-of-propaganda-and-the-sharp-part2-tvan-09272009102136.html
Trong bài trước, quý vị đã nghe Trân Văn trình bày về một số sai lầm nghiêm trọng của Thông tấn xã Việt Nam, kèm chi tiết đáng lưu ý là sau những sai lầm này, hãng tin tức quốc gia, chuyên cung cấp thông tin thời sự chính thống cho các cơ quan truyền thông này, chưa bao giờ cải chính, xin lỗi hay cám ơn những người đã góp ý cho mình.
Cũng trong bài trước, quý vị đã nghe tường trình về một chỉ thị của Thủ tướng Việt Nam, giao thêm cho Thông tấn xã Việt Nam rất nhiều quyền, bất kể các biểu hiện cho thấy cơ quan này chưa làm tròn nhiệm vụ.
Hiện nay và sắp tới, liệu Thông tấn xã Việt Nam có thể làm tốt cả hai vai trò, vừa là cơ quan thông tấn có uy tín, vừa là công cụ tuyên truyền sắc bén cho Đảng và Nhà nước?
Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình thêm...

Nội dung sản phẩm thông tin mà Thông tấn xã Việt Nam cung cấp không chỉ sai nghiêm trọng (như: “cho” Thủ tướng Việt Nam “hội kiến lầm” với Chủ tịch Quốc hội đã mãn nhiệm của Hungary, “giúp” Thủ tướng Việt Nam “chúc mừng” người vừa kế nhiệm bằng danh tính của người tiền nhiệm. Hoặc mặc nhiên xác nhận một đảo trong quần đảo Hoàng Sa – đang bị Trung Quốc chiếm đóng - là... lãnh thổ Trung Quốc), mà còn bị dư luận phê phán vì thông tin vừa không khách quan, vừa thiếu trung thực.

Thiếu trung thực

Đầu tháng 5 vừa qua là thời điểm Việt Nam phải báo cáo trước Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc về việc thực thi các cam kết quốc tế liên quan đến nhân quyền. Tường thuật về sự kiện này, Thông tấn xã Việt Nam viết: Đại diện 60 nước ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ đã trực tiếp tham gia đối thoại với Việt Nam. Các đại biểu đều đánh giá báo cáo của Việt Nam được chuẩn bị công phu, cung cấp thông tin toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan nhà nước, các tổ chức quần chúng và nhận được đóng góp của người dân. Cách đề cập cởi mở của Việt Nam nhận được sự hoan nghênh rộng rãi. Nhiều nước nhấn mạnh trình bày của trưởng đoàn Việt Nam đã nêu bật bức tranh tổng thể, đồng thời đề cập cụ thể những vấn đề các nước quan tâm về chính sách, cam kết cũng như kết quả đạt được về đảm bảo quyền con người của Việt Nam.

Thực tế thì sao? Theo nhiều hãng thông tấn và các cơ quan truyền thông nước ngoài, hôm 8 tháng 5, tại Geneva, sau khi đại diện Việt Nam trình bày xong báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đại diện nhiều quốc gia đã đăng ký xin phát biểu. Tuy buổi họp này được kéo dài thêm 45 phút so với dự kiến, song vẫn không đủ thời gian để đại diện các quốc gia nêu ý kiến của họ về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, chỉ có đại diện một số quốc gia thuộc nhóm được gọi là “cực quyền” như: Cuba, Miến Điện, Syria, Lybia,... khen ngợi Việt Nam, còn phần lớn đại diện những quốc gia khác đã đồng thanh chỉ trích chính quyền Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo.
Cùng tường thuật về sự kiện này, tờ Le Figaro cho biết, Việt Nam bị phê phán về nhân quyền.
Hãng AFP thì kể rằng những tổ chức phi chính phủ như: Quan sát Nhân quyền, Ân xá Quốc tế đã lên án gay gắt việc tra tấn tù nhân, kêu gọi sửa luật hình sự để không lạm dụng yếu tố an ninh quốc gia một cách tùy tiện, nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Hãng Reuters cho biết: Giới hữu trách Việt Nam thừa nhận ‘có khiếm khuyết’ và ‘sai lầm’ về nhân quyền nhưng bác bỏ những lời tố cáo về việc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến và những khối dân thiểu số...

Thiếu tín nhiệm
Một số diễn đàn điện tử và blogger đã đối chiếu tin của Thông tấn xã Việt Nam với tin của nhiều cơ quan thông tấn khác, cùng thông tin về sự kiện vừa kể, nhằm chứng minh Thông tấn xã Việt Nam không đáng tin.
Một số sinh viên nêu nhận xét của họ trên blog Phong trào Dân chủ Việt Nam: Hôm nay, Thông Tấn Xã Việt Nam “ra bộ hoan hỉ” thông báo một tin quan trọng “Nhóm công tác của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” đã “thông qua” báo cáo của Việt Nam về quyền con người. Cách đưa tin này khiến những người còn mơ hồ tưởng rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam được phản ánh đầy đủ và trung thực – như Nhà Nước viết trong báo cáo và đã đọc tóm tắt trước Hội Đồng Nhân Quyền. Thật ra đây là mánh khóe quen thuộc của Thông Tấn Xã Việt Nam để “đánh lận con đen”, dẫu khéo léo nhưng rất dễ lật tẩy, nếu chúng ta có vài nguồn tin chính xác, khách quan, để đối chiếu, so sánh.
Không chỉ có một số diễn đàn điện tử và blogger bày tỏ thái độ bất bình, thiếu tín nhiệm của họ đối với Thông tấn xã Việt Nam, như chúng tôi đã tường thuật trong bài trước và phần đầu bài này.

Thiếu hiệu quả

Trong thực tế có một vài biểu hiện cho thấy, tuy được Đảng và chính quyền Việt Nam đầu tư rất lớn, đánh giá rất cao, dành cho rất nhiều đặc quyền,... song hiệu quả hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam không hữu hiệu như mong đợi.
Chẳng hạn, nếu sử dụng một số công cụ thẩm định giá trị website (căn cứ vào lượt người xem và số trang được xem mỗi ngày, thứ hạng về khả năng thu hút công chúng rồi quy ra tiền) như Biz Information (có địa chỉ web là bizinformation.org) để thử tìm giá trị website của Thông tấn xã Việt Nam (có địa chỉ web là
http://www.vietnamplus.vn) thì sẽ thấy, website được xem là phổ biến nhất của Thông tấn xã Việt Nam, chỉ được định giá khoảng 660 triệu đồng Việt Nam, tương đương 36.600 USD. Thua xa những website của một vài cá nhân (như Việt Studies, có địa chỉ web là viet-studies.info, trị giá 819.000 USD), hoặc một vài nhóm (như Bauxite Việt Nam, có địa chỉ web là bauxitevietnam.info, trị giá 940.000 USD), vốn chỉ chuyên tổng hợp thông tin, ý kiến và không hề nhận được đồng nào từ phía nhà nước.

Thiếu uy tín
Vì sao lại có tình trạng bất thường như vậy?
Cách nay ít lâu, nhà văn Nguyễn Viện cho rằng: Những thông tin chính thống thì hầu như một chiều, phục vụ cho lợi ích của chính quyền mà người ta thì cần những thông tin đầy đủ và trung thực hơn. Chính vì thế, người ta tìm đến các blogs, các thông tin từ nước ngoài bởi chúng phản ánh các vấn đề đa diện hơn.
Cũng vì vậy, theo ông Nguyễn Viện: Tôi nghĩ rằng niềm tin của công chúng vào báo chí trong nước rất giới hạn. Nó chỉ ở mức độ nhất định nào đó thôi vì xưa nay chúng ta đều biết báo chí buộc phải đi theo “lề phải” của nhà nước!

Trong cả nghị định riêng về Thông tấn xã Việt Nam ban hành hồi tháng 3 năm ngoái, lẫn chỉ thị được ban hành hồi giữa tháng này, nhằm “Tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong tình hình mới”, chính quyền Việt Nam luôn nhấn mạnh đến vai trò tuyên truyền cho Đảng và Nhà nước của cơ quan này. Thông tấn xã Việt Nam từng được khen ngợi nhiều lần về việc đã hoàn thành tốt vai trò đó, cho dù chưa thể “phát huy vai trò chủ lực trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần định hướng dư luận xã hội về các vấn đề trong nước và quốc tế theo quan điểm của Đảng và Nhà nước”.
Nếu cứ như thế thì đến lúc nào, Thông tấn xã Việt Nam mới thực sự trở thành “hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế, phù hợp với sự phát triển chung của báo chí thế giới”?

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
--------------------------------------------------------------------------

LIÊN HIỆP QUỐC THÔNG QUA BÁO CÁO NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM
Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và nhóm sinh viên
http://ptdcvn.wordpress.com/2009/05/15/lhq-nhan-quyen-vn/


No comments: