Monday, September 21, 2009
TIẾN SĨ ĐỘT PHÁ TƯ DUY. . .
Tiến sĩ đột phá tư duy...
Trần Khải
Đăng ngày 21/09/2009 lúc 01:54:53 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4152
“Đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá...” Đúng vậy, đó là vai trò của trí thức, của những người vạch ra những hướng đi cần thiết cho dân tộc, những người nghĩ ra được cách tháo gỡ bế tắc, và là những người không thể bị mua chuộc để cứ theo mãi lối mòn. Đất nước đang cần những người như thế.Nhưng những người như thế là ai? “Đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người có bằng tiến sĩ - Khẳng định của chuyên viên cao cấp Sở Nội vụ Hà Nội, tiến sĩ Lê Anh Sắc, thành viên soạn thảo Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền TP...” là đoạn mở đầu một bài phỏng vấn trên thông tấn VietnamNet đăng ngày Thứ Tư 16-9-2009, trong đó nêu lên hướng đào tạo cán bộ của nhà nước.
Bản tin có nhan đề không quanh co gì hết, “Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy” của phóng viên Cao Nhật, có nêu cụ thể hướng công tác cán bộ chiến lược:
“Theo đó, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học. (...)
...Theo quan điểm của chúng tôi, một người phải được trang bị những kiến thức nền tảng mới có nền móng để tích lũy kinh nghiệm có tính chắt lọc, có giá trị.
Còn những người có trình độ học vấn ở mức giới hạn, thì kinh nghiệm dù có nhiều chăng nữa cũng chỉ có thể giúp giải quyết những vấn đề cá nhân, chứ không thể dùng được cho công việc của bộ máy hành chính, khó mang ra để giúp dân, giúp nước được.
Trong hệ thống đào tạo của ta hiện nay cũng như thông lệ quốc tế thì đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người đã được cấp bằng tiến sĩ, được công nhận bởi một hội đồng khoa học cấp nhà nước.
Bây giờ nói đến giám đốc một sở hay chủ tịch một quận, huyện mà không có những suy nghĩ đột phá thì ngành chuyên môn cũng như địa phương ấy không thể tiến lên được. ..”
Nhà nước cần cán bộ có bằng tiến sĩ? Đúng vậy, Tiến Sĩ Lê Anh Sắc đã nói như thế, và nói vang dội khắp Việt Nam như thế, rằng đó là “thông lệ quốc tế”, rằng “đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người đã được cấp bằng tiến sĩ...”
Bản tin đó đăng ở VietnamNet ngày 16-9-2009, đúng vào lúc nhiều giới trí thức bày tỏ quan ngại về tình hình Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS tuyên bố giải thể, đúng vào lúc nhiều người lo ngại rằng thiếu đi các cuộc nghiên cứu thì đất nước sẽ khó mà “đề xuất cái mới” hay “tư duy đột phá”. Có thể ngầm hiểu rằng cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê Anh Sắc thực hiện có lẽ là ngày 15-9-2009, hay có thể là trước đó nhiều ngày nhưng cố ý ghìm lại vì thấy tin chưa hấp dẫn... Nhưng sau bản tuyên bố IDS thì là khác...
Bản tuyên bố giảỉ thể của Viện IDS ký ngày 14-9-2009, ký tên 16 nhà trí thức, trong đó không phải tất cả đều có bằng Tiến sĩ. Và trong khi nhiều trí thức Việt toàn cầu lo ngại sau vụ IDS đóng cửa e sẽ không còn ai đề xuất cái mới nữa... Đúng lúc đó, Tiến sĩ Lê Anh Sắc xuất hiện và nói rất vang dội, rằng phải có bằng Tiến sĩ mới đáng nể, mới theo thông lệ quốc tế là có khả năng làm mới. Tuyệt vời. Một cú trấn an tuyệt vời, và có thể đẩy hết những người chưa có bằng Tiến sĩ vào bóng tối. Câu hỏi ám chỉ rằng, IDS là cái gì, có bao nhiêu văn bằng Tiến sĩ...
Chính vì Tiến sĩ họ Lê ra độc chiêu như thế, cho nên các nhà trí thức Bauxite Việt Nam mới trả lời bằng ý kiến “Những ý tưởng nên đưa vào kỷ lục Guiness về sự ngộ nghĩnh nhất thế giới: Có bằng Tiến sĩ mới đột phá tư duy” trong đó trực diện chất vấn:
“...Bản thân ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc đề xuất được cái gì mới và cái gì đột phá? Có phải đó là việc các ông kéo nhau đi các nước điều tra xem cán bộ của họ có tỷ lệ Tiến sĩ cao tới đâu? Và nhờ "sáng kiến có tính đột phá" của những người có bằng Tiến sĩ đó, các vị hí hửng quyết định "chăm phần chăm" cán bộ do Thành ủy quản lý sẽ có bằng Tiến sĩ. Khi phe xã hội chủ nghĩa chưa sụp đổ, sao các vị chẳng đến mà nghiên cứu?”
Rõ ràng, người hải ngoại khó nhìn thấy các phản ứng tại Hà Nội, tưởng như là Tiến sĩ Lê Anh Sắc “đánh gió” nhưng thực ra toàn là phóng phi tiêu cực độc để làm nguội đi dư luận về IDS. Thế rồi nhóm Bauxite Việt Nam ra đánh dạt hết các phi tiêu ám kình này.
Từ hải ngoại, nhà báo Bùi Tín cũng đọc ngay được tâm địa giới “cán bộ Tiến sĩ”, cho nên viết trên blog VOA hôm 16-9-2009 trong bài “Túi Khôn Nằm Ở Đâu?”, chất vấn về khả năng đột phá tư duy của các cán bộ (kể cả cán bộ Tiến sĩ) chỉ biết vâng lời Đảng CSVN:
“...Hơn nửa thế kỷ đảng cộng sản cầm quyền, với tư duy độc quyền đảng trị theo lý luận chuyên chính vô sản, coi tự do tư nhân là hiểm nguy cho đảng, nên nếp nghĩ được trau dồi cho toàn dân là đảng luôn tuyệt đối sáng suốt như thần như thánh, không thể phạm sai lầm, mọi sự đã có đảng lo, có đường lối chính sách tuyệt vời, cứ vâng lời theo đảng là có thiên đường trên hạ giới này. Cho nên dân chỉ có nghe theo và làm theo, vâng vâng dạ dạ, không cần, không được suy nghĩ điều gì khác.
Thời mở cửa và đổi mới, có những đổi thay, không còn như cũ. Cho nên cái "túi khôn" tư nhân, cái "think tank" tư nhân mang tên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS - Institute of Development Studies chào đời trong dịp Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO.
Vậy mà cái IDS mang dấu hiệu thời đại ấy lại vừa chết yểu ngày hôm kia 14/9.
Cho tôi xin được ngỏ lời chia buồn chân thành với 16 vị trí thức kẻ sỹ thời đại đã tạo nên cái túi khôn xã hội thật sự quý hoá và có giá trị này...”
Thế đấy, không cần tất cả phải có bằng Tiến sĩ, mà IDS vẫn được ca ngợi là “trí thức kẻ sĩ thời đại đã tạo nên cái túi khôn xã hội thật sự quý hoá và có giá trị này”.
Tuy nhiên, lời nói của Tiến sĩ họ Lê chắc chắn có thể ảnh hưởng vào giới cầm quyền ở Hà Nội, và họ có thể tự trấn an, rằng Đảng CSVN đang có hàng ngàn vị Tiến sĩ cận thần, lúc nào cũng sẵn sàng tung hô, và như thế thì chẳng hơi đâu mà nghe những người phản biện, vì đâu có bao nhiêu phản biện là từ học vị Tiến sĩ.
Một viễn ảnh nữa sẽ là đáng quan ngại trong tương lai: Với tiêu chuẩn cần văn bằng Tiến sĩ để nắm quyền lực, kể cả ở cấp huyện, cấp quận... cơ chế nhà nước CSVN trong tương lai sẽ gạt bỏ ra vô số người chưa có văn bằng Tiên sĩ bất kể họ có có chân tài, thực học tới đâu.
Hãy hình dung thế này: muốn có văn bằng Tiến sĩ, bạn phải trải qua 12 năm học bậc phổ thông, thêm 4 năm học bậc Cử Nhân, thêm 3 năm học bậc Cao Học (hay Thạc Sĩ) và thêm vài năm nữa cho bậc Tiến sĩ. Trong thời gian học Trung Học Phổ Thông và bậc Cử Nhân, nếu bạn không sinh hoạt Đoàn, hẳn nhiên là bạn sẽ vào sổ đen của ngành an ninh, và chưa chắc bạn đã có thể thi tuyển được để học văn bằng Thạc Sĩ.
Như thế, ngay từ trong Đạị Học, những sinh viên có suy nghĩ kiểu “tư duy đột phá” kể như không có hy vọng theo học bậc Tiến Sĩ, một văn bằng mà nhà nước có thể cấp dễ dàng cho các sinh viên trung thành với chế độ.
Có nghĩa là, một viễn ảnh hiển lộ ngầm trong công tác cán bộ chiến lược mà Tiến sĩ Lê Anh Sắc đã nói, có thể hiểu rằng, sinh viên nào không trung thành với chế độ sẽ không được phép theo học bậc Tiến sĩ... Bởi vì, ngay tới các vị công thần như IDS mà chế độ còn không cần, còn nghi ngờ, thì nói gì tới các sinh viên trẻ của các thế hệ tương lai, nhất là những người có thể bị nghi ngờ là “đề xuất cái mới, tư duy đột phá”...
Trần Khải
© Thông Luận 2009
Chiến lược tiến sĩ Hà Nội: Đừng tuyệt đối hóa bằng cấp (VNN)
Việt Nam đứng đầu thế giới về số Tiến Sỹ-"Tiến sĩ giấy hiện đại" (giowindinfo.multiply.com)
TIẾN SĨ - ANH LÀ AI ?
HÀ NỘI SẮP "RA NGÕ ĐỤNG . . . . TIẾN SĨ"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment