Saturday, September 19, 2009

HÀ NỘI SẮP "RA NGÕ ĐỤNG . . . . TIẾN SĨ"


Hà Nội sắp “ra ngõ đụng… tiến sĩ”
Tư Ngộ
Thursday, September 17, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101396&z=2
Câu tục ngữ “ra ngõ gặp gái” để chỉ sự xui xẻo bất ngờ. Mai kia nếu ở Hà Nội, người ta phải đổi câu này thành “ra ngõ đụng... tiến sĩ”. Chẳng mấy chốc, tiến sĩ sẽ “bò lổm ngổm như lợn con” đầy Hà Nội.

Theo một kế hoạch được
ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc, “chuyên viên cao cấp của Sở Nội Vụ Hà Nội”, thành phố Hà Nội đang soạn thảo kế hoạch nhân sự cán bộ công chức “khối chính quyền” thì từ nay đến năm 2020 “Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện thành uỷ quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học”.
Nếu kế hoạch này thi hành thì chắc Việt Nam sẽ vượt xa nước Mỹ. Hiện nay người ta không có thống kê nào cho thấy có bao nhiêu viên chức chỉ huy cấp thành phố hay cấp quận ở Mỹ là các ông bà tiến sĩ. Chắc không nhiều. Cũng không thấy họ có một kế hoạch nào như vậy cho đến năm 2020.

Ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc là “thành viên soạn thảo chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố” Hà Nội. Theo ông này, qua lời phát biểu trong cuộc phỏng vấn của ký giả Cao Nhật, báo điện tử VietnamNet ngày 16 Tháng Chín, 2009, cho rằng: “Trong hệ thống đào tạo của ta hiện nay cũng như thông lệ quốc tế thì đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người đã được cấp bằng tiến sĩ, được công nhận bởi một hội đồng khoa học cấp nhà nước”.

Có thật vậy không? Phải là tiến sĩ mới nghĩ được cái mới, tư duy mới “đột phá”?
Có người hỏi rằng ông Sắc đã “đột phá” cái gì chưa mà cả làng cả nước chưa ai nghe thấy, nhìn thấy? Hay cái ý tưởng phải có 100% cán bộ quận huyện quản lý có bằng tiến sĩ là cái “đột phá” của ông Tiến Sĩ Sắc?
Người ta chỉ biết ông Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân (cũng là một ông tiến sĩ) đưa ra chương trình đào tạo tiến sĩ bị nhiều người chỉ trích. Ông Nhân còn nổi tiếng với câu tuyên bố, đa số các trường học lớn nhỏ ở Việt Nam không có cầu tiêu thì đừng hỏi ông ấy.
Một cách gián tiếp, ông Sắc cho thấy các quan chức của nhà nước Hà Nội dốt nát ù lỳ, chẳng biết gì “đột phá”. Nay phải rước về thật nhiều tiến sĩ cho nó “đột phá”. Ấy gọi là chương trình “tiến sĩ đột phá”.

Ký giả Cao Nhật của VietnamNet khi phỏng vấn ông Tiến Sĩ Lê Anh Sắc ngày 16 Tháng Chín, 2009 có “đột phá” cái phong bì nào không? Vì mới ngày 25 Tháng Tám, 2009, ký giả Thoại Mi, cũng của VietnamNet, cũng đã có bài viết về cùng đề tài này mà lại còn chi tiết hơn nữa.
Trong bản tin của ký giả Thoại Mi, tác giả này viết “Trước mắt, trong thời hạn ngắn hơn (đến 2012), Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện thành uỷ quản lý có trình độ trên đại học, trong đó 50% là tiến sĩ; tất cả cán bộ diện thành phố quản lý (chi cục trưởng, phó chi cục trưởng; trưởng phòng, phó trưởng phòng các sở, đơn vị trực thuộc sở và tương đương; trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng thuộc UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc) trình độ trên đại học, trong đó 25% thạc sĩ, 25% tiến sĩ”.

Vậy thì chỉ trong vòng ba năm, Hà Nội đã có đầy trí thức làm cho nhà nước rồi, nhà cầm quyền cũng có lẽ vì thế mà không cần trí thức “phản biện” nên ông Nguyễn Tấn Dũng mới ra cái quyết định 97/QÐ/TTg buộc đám trí thức IDS từ ngày 15 Tháng Chín, 2009 muốn nói gì, chỉ được phép nộp phản biện cho quan chức (sẽ toàn là trí thức tiến sĩ), còn nghe hay không tuỳ họ, chứ không được hô hoán lên cho thiên hạ!

Hai năm trước, Bộ Giáo Dục Việt Nam có kế hoạch đề nghị đào tạo 20,000 tiến sĩ trong 10 năm, nhiều người chê là không thực tế. Nhưng nếu hiểu cái vận hành của hệ thống hậu đại học ở Việt Nam thì làm được chứ sao không? Bởi vì, như một ông (cũng là) tiến sĩ hiệu trưởng một trường đại học ở Việt Nam nhìn nhận qua lời kể của ông Nguyễn Thiện Nhân như thế này: “Có lần tôi gặp hiệu trưởng một trường ÐH có uy tín về đào tạo tiến sĩ. Tôi có hỏi trong luận án tiến sĩ của NCS ở trường có gì mới không. Vị hiệu trưởng này trả lời không có gì mới cả. Vì những cái mới, thế giới đã làm hết rồi”. (theo báo Tổ Quốc quốc doanh).

Còn tờ Thể Thao & Văn Hoá hồi Tháng Giêng, 2006 viết một bài về tình trạng đào tại tiến sĩ ở Việt Nam với rất nhiều đặc điểm không thể có trên thế giới.
Sau khi dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận Việt Nam có 2,500 tiến sĩ “yếu”, Thể Thao & Văn Hoá viết, “Bằng cấp với nhiều người chỉ để làm đẹp hồ sơ, tạo cơ hội cho sự thăng tiến. Có 1001 lý do để ra đời những thế hệ ‘tiến sĩ giấy’”.
Tờ báo này kể, “Một nghiên cứu sinh cho biết: ‘Việc cơ quan nhàn rỗi, quan hệ vợ chồng trục trặc, không có gì hay ho nên đi học tiến sĩ cho vui!’. Không phải là chuyện tiếu lâm Việt Nam, mà là chuyện thật 100%”.
Chuyện nhờ người khác viết luận văn, thuê người “chép” luận văn của người khác không phải là chuyện hoạ hiếm.

“Học sinh phổ thông quay cóp đã đành, tiến sĩ cũng quay cóp. Ði thi đầu vào còn quay cóp, thế nên chuyện xào luận văn người khác, ăn cắp chất xám của người khác cũng không phải là chuyện hiếm. Vì không phải hiếm nên nhiều người làm mà không xấu hổ”. TT&VH viết.
Tờ TT&VH thuật cuộc họp tổng kết về đào tạo sau ÐH của Bộ GD-ÐT, Thứ trưởng Bộ GD-ÐT Bành Tiến Long đã thừa nhận: “Nhiều cơ sở đào tạo đã chạy theo số lượng, tổ chức tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính đối phó với quy chế. Bởi vậy không ít cơ sở đã cho 100% nghiên cứu sinh dự tuyển đỗ cả, không hề có sự sàng lọc”.

Còn ông GS Lê Quang Minh, hiệu trưởng Trường ÐH Cần Thơ, cho biết, “Nếu như ở các nước, đánh giá để ‘chấm’ một tiến sĩ, người ta căn cứ vào nhiều thứ... thì theo quy định của Việt Nam, các cơ sở chỉ đánh giá thông qua đề cương nghiên cứu của nghiên cứu sinh”.
GS Minh kể cho một thí dụ: “Tôi mới trực tiếp chấm 5-6 luận án, thì có đến 2 luận án đề cập đến cùng một vấn đề. Như vậy nếu xét ở số lượng luận án lớn hơn, số trùng nhau sẽ nhiều đến thế nào?!”

Chương trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là thế đó, nên nếu thành phố Hà nội có lập kế hoạch trong 3 năm nữa, nếu cái thủ đô này muốn tất cả cán bộ công chức đều có bằng tiến sĩ cả, thì cũng làm được chứ sao! Bỏ ít tiền đầu tư cho cái bằng “tiến sĩ tư duy”, rồi sau đó lấy lại vốn bằng tiền bồi dưỡng “tư duy” một vốn 100 lãi chẳng đi đâu mà thiệt. Chỉ làm vẻ vang cho cái nước dân chủ gấp triệu lần tư bản thôi.
Tư Ngộ



Việt Nam đứng đầu thế giới về số Tiến Sỹ-"Tiến sĩ giấy hiện đại" (giowindinfo.multiply.com)


Một chính quyền "giỏi": Vì có nhiều tiến sĩ, hay vì có môi trường thuận lợi?
Tqvn2004
Thứ Bảy, 19/09/2009
http://danluan.org/node/2681
Tiến sĩ Lê Anh Sắc, chuyên viên cao cấp Sở Nội vụ Hà Nội, thành viên soạn thảo Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền Thành phố,
trong một cuộc phỏng vấn trên VietNamNet, đã đưa ra tam đoạn luận như sau:
1/ "Nước ta chưa có thước đo nào khác ngoài học vị"
2/ "có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy"
3/ Vì vậy, "đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ".

Luận điểm (2) của tiến sĩ Lê Anh Sắc sau đó đã nhận được rất nhiều chỉ trích. Nhiều người cho rằng bằng Tiến sĩ ở Việt Nam nhiều khi không đúng thực chất của nó: Rằng có người mang danh Tiến sĩ vì may mắn được "nâng bậc" từ các học vị không còn tồn tại khác như "phó Tiến sĩ" v.v... Rằng bằng Tiến sĩ do hội đồng khoa học cấp nhà nước của Việt Nam cấp cũng có thể là bằng "rởm" vì mua điểm và chạy thầy. Rằng học vị Tiến sĩ liên quan đến nghiên cứu khoa học, chứ không phải được đào tạo để quản lý hay kinh doanh trong những điều kiện thực tế. Nói tóm lại, cái bằng Tiến sĩ chưa nói lên được điều gì, và không nên lấy nó làm tiêu chuẩn để đo lường cán bộ, nhất là với cán bộ quản lý.

Tuy nhiên, bài viết này tôi muốn bàn sâu hơn về luận điểm (1). Luận điểm này cho thấy sự lúng túng trong tư duy của những người làm công tác cán bộ ở Việt Nam, và dẫn tới những định hướng không giống ai: "
100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ". Dường như họ không còn con đường nào để đánh giá ứng cử viên ngoài dùng học vị, và họ tin rằng miễn là cứ có người giỏi (hay có học vị cao) ở đầu vào, là họ sẽ làm tốt công việc được giao bất chấp cơ chế và môi trường làm việc ra sao.

Kinh nghiệm thực tế của tôi cho thấy, khi thả người giỏi vào trong một môi trường làm việc tồi, họ sẽ không thể phát huy được khả năng của mình. Những người như thế thường có ba lựa chọn: (a) Đào thoát ra ngoài tìm môi trường khác biết trọng dụng nhân tài hơn; (b) Bị thui chột đi [nếu không chấp nhận tiêu cực, không chấp nhận vào guồng quay của bộ máy], hoặc (c) Sử dụng đầu óc của mình vào những việc gây hại cho đất nước hơn là giúp ích [ví dụ họ vận dụng khả năng tư duy của mình để chế ra những chiêu thức tinh vi hơn để tham nhũng, lôi bè kết cánh hoặc trù dập kẻ dưới]. Chúng ta đã từng chứng kiến cảnh người dân chán nản bỏ ruộng hoang, thà chết đói chứ không lao động, vì
cơ chế trả công "cào bằng" dưới thời hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ khi khoán hộ ra đời, tức là chuyển sang hình thức khuyến khích nông dân dựa trên năng lực, đất nước ta đã không những đủ gạo ăn, mà còn dư thừa để xuất khẩu. Điều đó cho thấy cơ chế khuyến khích người lao động [ở đây là công chức] dựa trên thành quả của họ là đặc biệt quan trọng, cần phải được thay đổi trước khi nghĩ tới "nâng cấp" trình độ đầu vào của công chức. Nếu vẫn còn giữ tư duy "hợp tác xã" trong việc quản lý nhân sự tại các cơ quan công quyền, tăng lương tăng bậc theo kiểu "sống lâu lên lão làng", hoặc dựa vào quan hệ chạy chọt, thì dù đầu vào là các tiến sĩ, thì đầu ra cũng chỉ là một bộ máy trì trệ và không hiệu quả.

Nói tóm lại, cần thay đổi tư duy quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Tức là phải xây dựng cơ chế để loại bỏ những người kém năng lực, cho phép những người có năng lực được đền đáp xứng đáng hơn, thay vì cào bằng như hiện nay. Thi cử hay xét kinh nghiệm, trình độ học vấn đầu vào chỉ nhằm mục đích lựa ra những người phù hợp nhất với công việc; còn họ có giỏi thực sự hay không, có tư duy đột phá hay không phải được đánh giá liên tục và xuyên suốt quá trình công tác. Nói cách khác, tuyển chọn nhân sự là một quá trình trọn đời, chứ không phải chỉ là mấy kì thi đầu vào. Đối với công chức nhà nước, sự đánh giá trung thực và khách quan nhất tới từ công chúng - những người đón nhận dịch vụ mà công chức cung cấp. Như thế, một môi trường dân chủ: minh bạch và chịu sự phản biện từ công chúng, cần phải được tạo dựng để đảm bảo một chính quyền "vì dân phục vụ".



No comments: