Monday, September 21, 2009

NƯỚC NGHÈO, NHIỀU TIẾN SĨ : VINH hay NHỤC ?


Nước nghèo, nhiều Tiến sĩ vinh hay nhục?
00:21 ngày Thứ Hai, 21/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/10038.html
Mấy hôm nay, cháu theo dõi được tin Việt Nam đạt kỷ lục thế giới về số lượng Tiến sĩ trên trang Vietnamnet.vn với các bài : Hà Nội sẽ có số Tiến sĩ đạt kỷ lục thế giới?, Có bằng Tiến sĩ mới đột phá tư duy, Chiến lược Tiến sĩ Hà Nội: Đừng tuyệt đối hóa bằng cấp. Thoạt đầu, cháu lấy làm ngỡ ngàng pha lẫn niềm vui trong 1 phút, ngay sau đó xuất hiện một cảm xúc xấu hổ tột độ.

Cháu tự hỏi, nước mình nhiều Tiến sĩ thế mà sao vẫn nghèo, vẫn thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới. Nếu như với một lực lượng “Tiến sĩ thật” đông đảo như thế mà nước vẫn nghèo thì phải chăng chất xám của họ không được cống hiến, hay phải chăng chất xám của họ sẽ “chảy máu” như nhóm 16 Viện sĩ viện IDS? Vậy thì vì đâu mà nên cơ sự nghèo? Dù nguyên do là gì, dù từ phía nào, thì với một lực lượng Tiến sĩ “thật” đông đảo như thế mà để đất nước nghèo, chậm tiến, mỗi chúng ta đều phải lấy làm nhục khi bè bạn năm châu nghe về con số đó.

Giả thiết thứ hai, lực lượng Tiến sĩ ấy là “tiến sĩ giấy” thì sẽ biện minh được vì sao đất nước vẫn nghèo. Nhưng biện minh được thì ta sẽ cảm thấy vinh dự? Không, riêng cháu không thấy vinh dự, và ước gì cháu có được một cái mo đeo vào mặt nếu cháu đi du lịch sang nước bạn. May ra, họ không nhận ra cháu là người Việt Nam và không hỏi cháu về kỷ lục Guiness đó.

Thật không biết nghĩ thế nào để lí giải tại sao một đất nước đã nghèo lại còn có nhiều “Tiến sĩ giấy” đến như thế! Phải chăng ở nước ta có thể mua được “bằng Tiến sĩ”, thậm chí rất dễ và phổ biến? Đúng thế đấy ạ! Ngày cháu còn dự học một khóa nghiệp vụ du lịch ở Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội, thầy dạy cháu (xin phép không nêu tên) nói: “Những gì các anh chị không thể mua được ở nước ngoài, về Việt Nam (Tên đầy đủ : Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đều có thể mua được, kể cả bằng Tiến sĩ hay chức tước”. Khi đó cháu không tin lời thầy lắm, nhưng bây giờ con số Tiến sĩ đạt mức kỷ lục thế giới khiến cháu phải trắc nghiệm lại lời thầy. Cháu lại tự hỏi, cơ chế chính sách nào đẻ ra nhiều “Tiến sĩ giấy” đến vậy?
Hỏi nhưng không tự trả lời được, phiền bạn đọc lý giải giúp, và quý hơn cả là được các “Tiến sĩ giấy” trực tiếp giải đáp cho. Viết bài này, cháu không có ý xúc phạm tới các vị tiến sĩ 100%, mà chỉ là muốn bày tỏ sự xấu hổ về cái liêm sỉ của người có học. Kẻ sĩ có liêm sỉ như cụ Nguyễn Khuyến thường tự trào thế này:
“Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”
(Tự trào – Nguyễn Khuyến)

Cháu còn nhớ đến bài vịnh của cụ thế này nữa:
Vịnh Tiến sĩ giấy
Rõ chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời!
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Một điều nữa cháu lại tự vấn đến cái cụm từ “chiến lược Tiến sĩ Hà Nội”. Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị đầu não của cả nước, tập trung nhiều Tiến sĩ và nhân tài, nếu không đủ ta phải có chiến lược Tiến sĩ hoá cán bộ chăng? Phải chăng nhà nước có chiến lược Tiến sĩ hóa, và bằng cấp hóa đội ngũ cán bộ?
Nếu quả có thế thì cháu tin độc giả không có đủ vốn từ để bàn về sự xuống cấp về chính sách trong Nhà nước cũng như tha hóa đạo đức xã hội. Có lẽ phải dùng lại một số vốn từ của Vũ Trọng Phụng để diễn đạt về xã hội này. Bạn đọc tha hồ đọc lại Vũ Trọng Phụng và chọn lọc từ cho mình, phần cháu, cháu thích nhất cụm từ “xã hội chó đểu”.

Lê Văn Tuynh

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.


No comments: